Không lạm dụng việc học thêm
Để ôn tập có hiệu quả môn Toán, điều đầu tiên các HS phải lưu ý, đó là ôn tập một cách thật vững chắc tất cả các kiến thức cơ bản và các dạng bài tập cơ bản có trong chương trình.
Những năm gần đây, đề thi các kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều rất bám sát chương trình. Có những đề thi “vét” gần như toàn bộ chương trình.
Thứ hai, khi bắt tay vào giải một bài toán, HS tuyệt đối không nên làm động tác là nhớ lại xem bài này đã được giải như thế nào. HS cần phải suy nghĩ phân tích để tìm ra phương pháp giải quyết bài toán đó.
Trong quá trình giải toán, nếu như quên một công thức toán học nào đó thì trước hết HS nên chủ động tự mình tìm lại công thức ấy. Không nên làm ngay cái động tác là mở sách giáo khoa ra để xem lại.
Học toán (học ở trên lớp cũng như khi ôn tập) là để nâng cao năng lực tư duy của mình. Hiện nay, HS đi học thêm rất nhiều nên mỗi khi gặp một bài toán, HS thường hay mắc phải sai lầm là nhớ lại cách giải.
Điều này sẽ kìm hãm tư duy, sẽ khiến cho HS nhớ kiến thức một cách thụ động, đồng thời không nâng cao được năng lực tư duy thông qua việc giải quyết bài toán.
Làm nhiều bài tập, đó là một cách học toán có hiệu quả nhất. Thông qua việc giải quyết bài tập, HS sẽ nhớ lại những kiến thức cơ bản có liên quan. Đồng thời có thể tự rút ra những điều cần chú ý khi vận dụng những kiến thức cơ bản đó vào việc giải toán.
Đề thi môn Toán tuy không có lý thuyết nhưng HS phải nắm thật chắc, phải hiểu thật sâu sắc lý thuyết mới có khả năng vận dụng để làm bài tập.
Vì những lý do trên mà HS không được lạm dụng việc học thêm. HS phải có cho mình thời gian tự ôn tập và tự rèn luyện kỹ năng làm bài. Trong thời gian ôn tập, HS cần bố trí thời gian học với thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý để tránh gây căng thẳng.
“Cảnh giác” với những bài toán thoạt nhìn đã thấy cách giải
Để ôn tập môn Toán, dĩ nhiên HS phải phải rèn luyện kỹ năng làm bài. Kỹ năng này bao gồm phương pháp phân tích để tìm ra lời giải bài toán, kỹ năng trình bày lời giải bài toán, kỹ năng tính toán.
Trong quá trình làm bài, HS sơ suất một đôi chỗ, hoặc bỏ qua một số bước, hoặc thiếu điều kiện, làm không chặt chẽ... đều dẫn đến kết quả không như ý muốn. Toán học đòi hỏi phải chặt chẽ. Thiếu đi một sự chặt chẽ là bị mất điểm, đôi khi dẫn đến đáp số sai.
HS thường nghĩ rằng, điều quan trọng trong việc làm toán là tìm ra phương pháp giải. Vì thế, khi tìm được phương pháp giải rồi thì bắt đầu chủ quan, tính toán thiếu tập trung dễ dẫn đến tính nhầm. Xu hướng ra đề hiện nay là đưa ra những bài tập rất cơ bản.
Do đó, HS lại thường nhầm ở những bài toán rất đơn giản. Từ trước đến nay vẫn thế, có những bài toán nhìn cái tưởng như giải được ngay, đến khi làm vào trong bài rồi lại nhầm.
Có những tính nhầm rất lạ lùng: 2 + 8 = 11 (!). Điều đó xảy ra ngay cả với những HS học giỏi, bình thường học rất chắc chắn. Vì thế mới có những bài thi lẽ ra được điểm 10 nhưng vì một sơ suất nhỏ nào đó mà chỉ được 9,5 điểm. Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình ôn tập các em phải tự rèn cho mình kỹ năng tính toán.
Khi trình bày lời giải, HS phải thể hiện một cách rõ ràng, mạch lạc, từng bước một. Điều này thì các giáo viên đều hướng dẫn HS ở trên lớp rất kỹ rồi. Mỗi bài toán đều cần qua trình tự các bước giải. Làm đến đâu chắc chắn đến đó.
Trong quá trình ôn tập, việc tự luyện đề rất cần thiết. HS hãy lấy một đề 180 hoặc 150 phút rồi trước mặt, đặt cả đồng hồ nữa rồi bấm giờ. Sau đó làm một mạch rồi tự đánh giá thông qua lời giải và biểu điểm có sẵn (đề thi có thể xin của giáo viên hoặc tìm trên trang web về giáo dục hoặc trên một số tờ báo điện tử).
|