Ngành học của mỗi người có lẽ không quá xa xôi, khó tìm, khó chọn như bạn nghĩ đâu!
Có những ngành học ứng dụng rộng rãi gắn liền với đời sống hằng ngày, vô cùng gần gũi nhưng có thể bạn chưa hiểu nhiều về chúng. Và có thể bạn sẽ chọn được một ngành học vừa sức trong những ngành dưới đây.
Công nghệ vật liệu: không còn xa lạ
SV ngành này được trang bị kiến thức về nhiệt học, lưu chất, sức bền, kỹ thuật nhiệt, cấu trúc và tính chất vật liệu, phương pháp chế tạo gia công và ứng dụng những vật liệu cụ thể: vật liệu kim loại - hợp kim, vật liệu silicat, vật liệu polymer. Kỹ sư ngành công nghệ vật liệu có thể nghiên cứu cải tiến và chuyển giao công nghệ, vận hành dây chuyển sản xuất, thiết kế, gia công chế tạo và ứng dụng các sản phẩm trên nhiều loại vật liệu khác nhau.
Kỹ sư ngành này có thể làm việc ở các cơ sở sản xuất vật liệu kim loại (luyện cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm...), vật liệu silicat (ximăng, gốm, sứ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất) và vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, composite...), các công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, kinh doanh vật liệu hoặc có thể công tác tại các trường, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kiểm định chất lượng nguyên vật liệu.
Công nghệ hóa - thực phẩm: nhiều cơ hội việc làm
Có thể bạn chưa hình dung hết ứng dụng vô cùng rộng lớn của ngành công nghệ hóa thực phẩm. Hầu hết hàng hóa xã hội, từ thực phẩm (đồ ăn, thức uống) đến trang phục, nhà cửa... và các sản phẩm thiết yếu đời sống hằng ngày đều là sản phẩm ứng dụng từ ngành hóa - thực phẩm.
SV ngành này được trang bị những kiến thức liên quan đến việc vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực công nghệ hóa học, thực phẩm, dược phẩm... Ngoài ra, SV còn được trang bị kiến thức công nghệ chế biến, bảo quản thực phẩm, công nghệ sấy, lên men...
Tùy từng trường, SV ngành này có thể chọn chuyên ngành theo hai hướng:
+ Công nghệ hóa học: bao gồm các chuyên ngành: công nghệ hóa vô cơ, công nghệ hóa lý - phân tích, công nghệ hóa hữu cơ, công nghệ chế biến dầu khí (hóa dầu)...
+ Công nghệ thực phẩm: tùy chuyên ngành, SV tốt nghiệp có thể làm việc ở các công ty sản xuất hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu; vật liệu xây dựng; khai thác chế biến dầu mỏ và khí đốt, xăng dầu, nhớt; sản xuất giấy, dệt nhuộm, hương liệu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, xử lý chất thải, dược phẩm... Ngoài ra, với chuyên ngành công nghệ thực phẩm, SV có thể làm việc ở các nhà máy sản xuất, chế biến trà, cà phê, nông thủy hải sản, đường sữa, nước giải khát...
Mỹ thuật công nghiệp: ngành học của những nhà thiết kế
Ngoài các môn học chung như họa hình, nghệ thuật ảnh, nghệ thuật ấn loát..., tùy từng trường, ngành này còn đào tạo chuyên sâu ở các chuyên ngành:
+ Thiết kế tạo dáng: thiết kế tạo dáng, thiết kế khối, tạo dáng trang trí...
+ Thiết kế nội thất: thiết kế điện dân dụng, thiết kế nội thất nhà ở, kiến trúc nội thất, nội thất công trình công cộng, nội thất văn phòng, thiết kế nội thất trên máy tính.
+ Đồ họa: thiết kế điện dân dụng, đồ họa công thương, đồ họa văn hóa, đồ họa vi tính.
+ Thiết kế thời trang.
Tùy chuyên ngành, SV tốt nghiệp ngành mỹ thuật công nghiệp này được cấp bằng cử nhân, mỹ thuật công nghiệp, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm công nghiệp, các mô hình nội ngoại thất; có thể làm việc ở phòng thiết kế mẫu mã sản phẩm các công ty, các nhà máy sản xuất, kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, làm chuyên viên tư vấn ở các trung tâm tư vấn mẫu mã công nghiệp.
|