Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nguyễn Thanh Hà, Lớp Trưởng Lớp CLC 38A1, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại ngữ.
Hà là thành viên BCN CLB Tiếng Anh và Ban Học tập và Nghiên cứu Khoa học, Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2005

... Nói chung, là học sinh, sinh viên thì thi cử là chuyện tất yếu. Từ trước đến giờ, em đã từng đi thi rất nhiều, và rất may hầu hết đều thành công. Em không có  phương pháp gì đặc biệt cả, cũng dùng giáo trình, cũng ghi chép, ôn tập như các bạn mà thôi.

Điều mà em cho là khác biệt lớn nhất so với các bạn sinh viên khác là… tâm lý. Dù trước hay trong kỳ thi, em đều không hay bị mất bình tĩnh. Chính vì vậy, em luôn cảm thấy đầu óc thoải mái và linh hoạt hơn. Lo lắng quá nhiều trước khi thi sẽ khiến người học lâm vào tình trạng học một cách mù quáng, thậm chí bỏ ăn, bỏ ngủ để học nhưng chẳng hiệu quả gì, rồi đến ngày thi thì sức khỏe suy kiệt, “tẩu hỏa nhập ma”. Em đã nghe những câu chuyện về những người học nhiều quá và đổ bệnh, thậm chí ngất trước giờ thi. Thật tình thì… em khâm phục họ!. Trong khi thi, tâm lý bình tĩnh sẽ giúp người thi trình bày bài một cách rõ ràng, mạch lạc, có không may gặp phải những câu chưa học hoặc học chưa kỹ thì cũng đủ tỉnh táo để suy luận. Vì vậy, điều đầu tiên em khuyên mọi người là hãy giữ sức khỏe, sau đó mới đến chuyện học hành điều độ. Chắc hẳn sẽ có bạn hỏi: Làm thế nào để có tâm lý vững vàng?. Theo em, thi nhiều sẽ quen và học ôn thật tốt trước khi thi, cảm giác tự tin bước vào phòng thi thì tự nhiên sẽ bình tĩnh hơn.

Một phương pháp học nữa mà em cho là rất có hiệu quả - Đó là học nhóm. Nhiều người trong đó có mẹ em vẫn ác cảm với hình thức này, cho rằng mấy đứa tụ tập với nhau chỉ buôn dưa lê là hết buổi. Tất nhiên, đây cũng là một nguy cơ, nhưng nếu tất cả các thành viên trong nhóm đều quyết tâm học thì đây là một cách học rất tốt. Các thành viên trong nhóm có thể đặt ra hình phạt cho những lần đi lạc đề, chọn người “bản lĩnh” nhất để làm leader....Trước khi thi môn Lịch sử Đảng, em và 2 người bạn nữa học ôn trong vòng nửa buổi sáng và 1 buổi chiều mà ôn hết 2 chương. Chúng em cảm thấy rất phấn khởi và tự tin bước vào kỳ thi.

Với một vài chỗ khó nhớ quá, bọn em đã thử dùng một “thủ thuật”. Ví dụ khi học “Nội dung của Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhóm em chỉ cần nhớ một số cụm từ/câu: “Cụ duy trước” (nghĩa là xác định kẻ thù Cụ thể, Duy nhất, Trước mắt là Nhật), “Cụ Cao bán kháng sinh Nhật lấy tiền đánh đề” (phát động Cao trào Kháng Nhật, làm Tiền Đề cho cuộc tổng khởi nghĩa), “cụ Dự nuôi kiến làm cảnh” (Dự Kiến hoàn Cảnh thuận lợi) … Các cụm từ/câu như vậy được xác lập trên cơ sở khoa học là tạo những mối liên hệ “nhân tạo” của bộ não với thông tin, và mối liên hệ càng đặc biệt, càng hài hước, càng quái đản thì sinh viên càng nhớ lâu và dễ dàng. Bình thường, khi so sánh bài học sau với bài học trước để nhớ được lâu hơn, chính là đã tạo được một mối liên hệ này. Nhưng với những thông tin mà không thể tạo được liên hệ “lành mạnh” thì đành phải “bày trò”. Cách này chỉ nên dùng để hỗ trợ, khi đã biết nội dung cơ bản, nhưng dễ nhầm lẫn (và thông tin chỉ thuần túy là sự kiện). Ví dụ ở trên chỉ là một cách. Lưu ý chỉ dùng cho các từ khóa, và phải ghi nhớ chính xác câu đã được “dịch”. Chẳng hạn câu 2 mà nhớ thành “cụ Cao bán Thuốc…” thì đảm bảo sẽ không có tác dụng gì.

Đối với sinh viên học thi, một tình trạng thường thấy là “nước đến chân mới nhảy” nên một số người đã chọn cách học tủ. Đây là cách học theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”, nhưng nói chung rất nguy hiểm. Trong trường hợp ít thời gian để học ôn trước khi thi thì trước tiên cũng nên hệ thống hóa sơ lược lại kiến thức mình đã có và kiến thức trong sách, tìm ra những mối liên hệ bên trong thì việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn.

Là thành viên của nhóm Tư duy mới (NTG), em thấy Sơ đồ tư duy (SĐTD) là một công cụ hỗ trợ phát triển tư duy tốt và là một cách ôn thi hiệu quả. Nó sẽ hiệu quả hơn nữa nếu được dùng để ghi bài, hệ thống hóa kiến thức đã học từ trước. Nói một cách đơn giản, SĐTD là cách hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ, trên đó, tất cả thông tin được tổ chức liên kết với nhau và liên kết với chủ đề lớn. Nhìn vào SĐTD ôn thi với cả màu sắc, hình ảnh minh họa và các từ khoá được viết ra, ngoài tác dụng về mặt hình thức: sáng sủa, rõ ràng, nó còn thể hiện rất rõ mối liên hệ giữa các ý với nhau. Khi mối liên hệ này chưa có sẵn, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ thì mới đặt được nó vào vị trí phù hợp, thao tác này sẽ giúp khắc sâu kiến thức. Việc vẽ bằng nhiều màu có tác dụng thư giãn mắt, làm đề cương đỡ buồn chán và cũng kích thích trí nhớ. Ngoài ra, một điểm ưu việt nữa là các bạn làm đề cương ôn thi không phải chỉ để đọc một lần, mà gần ngày thi còn có thể giở ra đọc, ôn tập nữa. Nếu sử dụng SĐTD, muốn ôn lại, chỉ cần nhìn lướt qua là nhận ra các ý cơ bản. Bản thân em thấy cách học theo SĐTD có tác dụng tiết kiệm thời gian mà việc ôn thi bớt phần nhàm chán.

Em không tin có một công thức đảm bảo cho thi cử hoàn hảo mà không cần công sức và kỹ năng của người học. Nếu bạn không đi học, không đọc sách, không ghi bài, chỉ đến gần ngày thi mới bắt đầu học, thì dù phương pháp hay thủ thuật gì cũng không có tác dụng. Ngay cả dùng SĐTD thì nó cũng chỉ là công cụ, một công cụ thì không thể tự mình làm ra sản phẩm gì cả, điều quan trọng là người sử dụng nó ra sao.

 Vũ Oanh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   |