Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đường vào đại học: Theo điểm sàn hay chọn liên thông?
Điểm sàn được đưa ra từ mùa tuyển sinh 2004 nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường ĐH nhưng chính vì có điểm sàn, khuynh hướng chọn ngành của thí sinh cũng đã có chiều hướng thay đổi...

Tìm đường vào đại học

Khi Bộ GD-ĐT đưa ra những quy định mới về việc tuyển sinh, việc thí sinh ngả theo những quy định này để chọn lựa ngành nghề mình đăng ký dự thi là một điều dễ được thừa nhận. Tìm con đường vào ĐH là một nguyện vọng hết sức chính đáng của mỗi học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đó cũng còn là ý muốn của những người lớn tuổi hơn muốn tiếp tục học tập để được làm việc hiệu quả. Nhưng, chọn con đường nào?

Trong kỳ tuyển sinh 2005, nhiều trường ngoài công lập chọn điểm chuẩn ngang với điểm sàn kèm thêm nhiều "lời mời gọi" dễ dãi để đón nhận sinh viên. Một bộ phận thí sinh vì quá tập trung cho mục tiêu "phải vào ĐH" nên đã sớm tự thỏa mãn mà quên đi việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp ĐH của dự án giáo dục ĐH cách đây vài năm xác định có khoảng 60% sinh viên phải được đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung sau khi ra trường. PGS-TS Nguyễn Thuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở-bán công TP.HCM - cho rằng việc lựa chọn nguyện vọng (NV) 1 của thí sinh cũng rất khác nhau, có thể chia thành 3 giai đoạn (xem bảng để thấy các xu hướng thể hiện ở các giai đoạn).

Số lượng thí sinh đăng ký dự thi một số trường qua các năm
(đơn vị tính: người)

1) Giai đoạn trước 2002 (trước khi thực hiện Đề án cải tiến tuyển sinh "3 chung"): các trường "tốp trên" được thí sinh lựa chọn nhiều hơn.

2) Giai đoạn từ 2002 đến 2004 (bắt đầu thực hiện "3 chung" đến khi thực hiện điểm sàn): Nhờ có sự "bùng nổ" về công tác tư vấn tuyển sinh nên lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường "tốp trên” có xu hướng giảm dần mà thay vào đó là các trường ít "nổi tiếng" hơn.

3) Giai đoạn từ 2005 đến nay: Đây là giai đoạn thực sự chịu tác động lớn của điểm sàn trong xét tuyển các NV 1, 2, 3.

Chính quy định thí sinh đủ điểm chuẩn NV1 thì không được xin xét tuyển NV2, NV3 đã làm cho nhiều thí sinh suy nghĩ nên chọn NV1 là các trường "tốp trên" để nếu không trúng NV1 ở các trường này thì còn có cơ hội trúng NV2, NV3 ở các trường còn lại. "Xu hướng tốp trên" quay trở lại và chắc hẳn vẫn còn ảnh hưởng đến mùa thi 2006.

 

Giải pháp liên thông

Trước đây, khi chưa triển khai đào tạo liên thông (ĐTLT), một thí sinh không đậu ĐH thì phải học cố định ở một cấp học thấp hơn (CĐ, THCN), nếu tốt nghiệp các cấp học này thì rất khó khăn mới xin được học lên ĐH. Nay việc ĐTLT từ THCN lên CĐ, hoặc từ CĐ lên ĐH, từ THCN lên thẳng ĐH đều có nhiều hướng mở thuận tiện cho người học, giúp cho họ có nhiều cơ hội chọn lựa hơn khi bước vào đời.

Nếu không đậu vào ĐH, hoặc đậu ĐH nhưng không đúng ngành nghề mình yêu thích để có thể phát huy trong tương lai, người học có thể chọn cho mình cách đi của ĐTLT được triển khai thí điểm từ cuối năm 2002.

Từ cuối năm 2004, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng đã tuyển sinh khóa 1 ĐTLT vượt cấp, từ THCN lên ĐH ngành Công nghệ kỹ thuật điện và ngành Công nghệ điện tử viễn thông. Cuối tháng 11/2005, Bộ GD-ĐT đã quyết định cho thêm 21 trường ĐH-CĐ được thí điểm ĐTLT, trong đó 7 trường đã tham gia thí điểm ĐTLT gồm ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, CĐ Công nghiệp Hà Nội, CĐ Giao thông vận tải, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp 1, CĐ Phát thanh - Truyền hình và CĐ Xây dựng số 1. Còn lại 14 trường (3 trường ĐH, 11 trường CĐ) bắt đầu ĐTLT từ năm 2006 với 2.230 CT. Trong số trên, có 2 trường được ĐTLT thẳng từ THCN lên ĐH là Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng (ngành Kế toán và Tin học), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (ngành Tin học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ may và thời trang, Công nghệ kỹ thuật điện), đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp THCN hệ chính quy các ngành hoặc chuyên ngành liên quan trong cả nước.

Đi thi đâu chỉ có mang theo sách vở. Ảnh chụp tại sân của ĐHQGHN năm 2005.

Học viện Ngân hàng ĐTLT từ CĐ lên ĐH với 100 chỉ tiêu trong kỳ tuyển sinh năm 2006 dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp hệ CĐ chính quy của học viện, tốt nghiệp sau 18 tháng đào tạo và được cấp bằng ĐH chính quy. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tuyển sinh ĐTLT đại học khối K với các ngành Kỹ thuật điện - điện tử, Điện khí hóa cung cấp điện, Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí động lực và Công nghệ cắt may với thí sinh có bằng THCN, trung học nghề phù hợp với ngành dự thi, hoặc có bằng tú tài đồng thời bằng nghề bậc 3/7 phù hợp ngành dự thi. Học sinh tốt nghiệp THCN chính quy tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (trước là Trường CĐ Công nghiệp IV) được tham gia dự tuyển chương trình ĐTLT từ THCN lên CĐ, đào tạo trong 18 tháng, tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân CĐ hệ chính quy.

Ở phía Bắc, một số trường được ĐTLT từ bậc THCN lên CĐ như: CĐ Du lịch Hà Nội (150 CT), CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hạ Long (200 CT), CĐ Xây dựng số 1 (150 CT), CĐ Tài chính - Kế toán 1 (200 CT), CĐ Kỹ thuật mỏ (200 CT), CĐ Hóa chất (100 CT), CĐ Giao thông vận tải (200 CT), CĐ Công nghiệp Hà Nội (200 CT), CĐ Phát thanh - Truyền hình (150 CT)... Hầu hết các trường được ĐTLT từ bậc THCN lên CĐ; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và Học viện Ngân hàng được ĐTLT từ bậc CĐ lên ĐH. Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng và ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên được ĐTLT từ THCN lên ĐH.

Về tuyển sinh hệ hoàn chỉnh ĐH, Trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn tuyển những người đã tốt nghiệp CĐ các ngành: Tin học, Cơ điện tử, Điện - điện tử, Điện tử viễn thông, Kỹ thuật xây dựng công trình, Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh; Trường ĐH Mở-bán công TP.HCM có 400 CT tuyển sinh ĐH chính quy hệ hoàn chỉnh kiến thức từ CĐ lên ĐH các ngành: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Tin học, người có bằng CĐ đúng ngành nghề, có thâm niên 1 năm trở lên dự thi một môn cơ sở và một môn chuyên ngành.

Theo quy định về ĐTLT của Bộ GD-ĐT, đối tượng được dự tuyển chương trình ĐTLT là những người đã tốt nghiệp chính quy ngành nghề tương ứng với ngành dự thi. Người tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được dự tuyển sinh ĐTLT ngay sau khi tốt nghiệp, tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn đã được đào tạo từ 2 năm trở lên mới được dự thi. Những người tốt nghiệp khá, giỏi được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển sinh (khá cộng 1 điểm, giỏi cộng 2 điểm), thi một môn cơ sở và một môn chuyên ngành. Rõ ràng đây là một hướng mở mới mà các bạn thí sinh nên quan tâm.

 V.Phúc (tổng hợp theo TNO) - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   |