Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đề thi ĐH sẽ không quá khó
Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh đang dồn sức cho kỳ thi ĐH sẽ bắt đầu vào ngày 4/7 tới. Câu hỏi mà các thí sinh quan tâm nhất “trước giờ bóng lăn” là: Đề thi sẽ ra theo hướng nào? Có khó và quá phức tạp không?

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 (Bộ GD-ĐT) - cho biết:

- Đề thi tuyển sinh ĐH năm 2006 có hai điểm mới so với những năm trước. Thứ nhất: đối với môn ngoại ngữ, cả bốn thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung sẽ lần đầu tiên thi bằng đề trắc nghiệm khách quan. Đề thi trắc nghiệm sẽ gồm 100 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút, rút ngắn một nửa thời gian so với thi theo hình thức tự luận. Thứ hai, trừ môn ngoại ngữ, đối với các môn còn lại đề thi sẽ có phần dành cho TS tốt nghiệp chương trình THPT phân ban.

Như vậy đề thi tuyển sinh sẽ được xây dựng như thế nào để phù hợp với cả hai chương trình và đảm bảo công bằng cho TS?

Nguyên tắc chung để xây dựng đề thi là phải đảm bảo nội dung bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại TS.

Còn để đảm bảo quyền lợi của HS học theo hai chương trình khác nhau có sự đánh giá chính xác, đề thi sẽ gồm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả TS và phần câu hỏi tự chọn được ra theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

Đối với chương trình THPT phân ban, đề thi khối A và B sẽ ra theo chương trình ban khoa học tự nhiên, đề thi khối C và D ra theo chương trình ban khoa học xã hội và nhân văn.

Là năm đầu tiên trong đề thi có phần tự chọn theo hai chương trình học khác nhau, nhưng TS có được tùy chọn hay bắt buộc học theo chương trình nào phải làm câu hỏi của chương trình đó?

Phần tự chọn trong đề thi tuyển sinh ĐH không có sự bắt buộc đối với TS. TS được tùy ý lựa chọn một trong hai phần tự chọn của chương trình phân ban hoặc không phân ban để làm bài thi, không phân biệt TS học theo chương trình nào. Tuy nhiên khi đã lựa chọn đề thi theo chương trình nào thì TS phải làm trọn vẹn theo phần đề đó.

Kết quả tuyển sinh năm 2005 cho thấy yêu cầu của đề thi khối A có phần “nhẹ” hơn so với trình độ của TS cũng như trong tương quan với đề thi môn này ở các khối khác. Từ ví dụ cụ thể này, năm nay bộ có sự điều chỉnh nào đối với mức độ yêu cầu của đề thi không?

Những vấn đề được TS và dư luận phản ảnh, chúng tôi đều tiếp thu và xem xét một cách nghiêm túc. Đề thi của những năm trước cũng là một căn cứ để chúng tôi nghiên cứu, xây dựng đề thi hợp lý hơn, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc, nội dung, độ dài, độ khó, khả năng phân loại và đảm bảo tính khoa học, tính chính xác... phù hợp với thời gian làm bài của TS.

Theo qui chế, đề thi phải đạt các yêu cầu về kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với qui định về nội dung học tập bậc trung học (cấp THPT). Nhưng mặt khác, đề thi cũng phải đạt yêu cầu về phân loại được trình độ học lực của TS và phù hợp với thời gian qui định cho mỗi môn thi.

So với qui định áp dụng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các vật dụng TS được phép mang vào và sử dụng trong phòng thi có gì khác, thưa ông?

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2006, TS sẽ không được mang Atlat địa lý và bảng tuần hoàn Mendeleyev vào phòng thi. Còn ở kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, TS được phép sử dụng. Vì vậy TS cần lưu ý điểm này. Đề thi tuyển sinh ĐH sẽ không yêu cầu dùng Atlat địa lý và bảng tuần hoàn hóa học, trong đề thi sẽ cung cấp đầy đủ các dữ liệu để TS làm bài.

Ngoài ra, cũng như qui định áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS dự thi tuyển sinh ĐH chỉ được phép mang vào phòng thi những vật dụng sau: bút viết (không có gắn đèn phát ra ánh sáng), thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Ngoài những vật dụng này, TS tuyệt đối không được mang vào phòng thi bất cứ vật dụng, tài liệu nào khác. Những TS mang vật dụng, tài liệu trái phép vào phòng thi, bao gồm cả các phương tiện kỹ thuật thu phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị có chứa thông tin…, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều sẽ bị lập biên bản vi phạm và xử lý theo qui chế thi hiện hành với mức cao nhất là đình chỉ thi.

 Theo Tuổi trẻ - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   |