Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phương pháp thi trắc nghiệm khách quan sẽ kiểm tra được nhiều kiến thức hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng hơn, tiết kiệm hơn và tốn ít thời gian làm bài của thí sinh cũng như thời gian chấm điểm của hội đồng, lại vừa giảm đáng kể căng thẳng cho xã hội, vừa tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trắc nghiệm khách quan đặc biệt thích hợp với những kỳ thi đại trà, có số lượng thí sinh đông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định, tháng 6/2006, đề thi tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tháng 7/2006 là kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học sẽ ra hoàn toàn dưới hình thức thi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, qua kỳ thi thử, một thực tế không thể phủ nhận là... khổ quá cho thí sinh. Đề thi không khó nhưng thí sinh phải thực hiện nhiều thao tác quá khó và quá lắt léo. Các thí sinh sau khi kết thúc kỳ thi thử trắc nghiệm khách quan đã có ý kiến như vậy.
Ông Vương Dương Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, tỉnh Đồng Tháp - một trong những tỉnh đã được “làm quen” với trắc nghiệm khá rầm rộ phàn nàn: “Học sinh giỏi sẽ bị thiệt khi với đề thi chỉ yêu cầu học sinh “tích” đáp án đúng chứ không có cơ hội để học trò giỏi thể hiện sự suy luận”.
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm nay sẽ tổ chức chấm ở 3 trung tâm Bắc - Trung - Nam. Sau đó các Hội đồng thi gom bài về các trung tâm và dùng máy chấm chung.
Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng khẳng định, trong vòng 60 phút, một máy chấm thi trắc nghiệm khách quan có thể “quét” được một vạn bài thi. Khi chấm bài, giấy chạy qua máy và xử lý bằng chương trình của máy và đạt độ chính xác tuyệt đối! Cùng đó, không thể thực hiện được hành vi gian lận đối với hình thức chấm thi này khi có sự giám sát trực tiếp của Hội đồng thi.
Ông Ninh cũng khuyến cáo thí sinh:
Thứ nhất, trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải ghi chính xác họ và tên bằng chữ in hoa có dấu, ngày tháng năm sinh và ký tên bằng bút mực mầu đen trong các ô từ 1 đến 9. Ghi số báo danh vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh, dùng bút chì lần lượt tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số đầu cột.
Thứ hai, ghi 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông ở đầu các cột của khung hình chữ nhật, rồi tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở mỗi đầu cột.
Thứ ba, khi đã chọn được câu trả lời đúng phải tô đậm và lấp kín diện tích ô, không gạch chéo hoặc đánh dấu; ứng với mỗi câu chỉ được tô một ô tròn.
Thứ tư, chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh. Thứ năm, bài thi phải sạch sẽ, không rách, không nhầu nát, không có vết gấp, mép giấy không bị quăn.
Thứ sáu, tuyệt đối không được viết thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời và đề thi, không chép lại câu hỏi đề thi ra giấy.
Như vậy, cho đến thời điểm này cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục ra hàng loạt khuyến cáo nhưng dường như nỗi sợ hãi vẫn thường trực trong thí sinh với quá nhiều rủi ro đang tiềm ẩn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay.
|