Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Văn Thắng, Phó bí thường trực Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN, cho biết:
PV: Anh có thể giới thiệu một cách khái quát những hoạt động tình nguyện mang tính chất đặc thù của sinh viên ĐHQGHN trong những năm qua?
PBT Vũ Văn Thắng: Tuổi trẻ ĐHQGHN đã tham gia triển khai các hoạt động tình nguyện ngay từ những ngày đầu khi phong trào được khởi phát (năm 1996), lúc bấy giờ có tên gọi là “Chiến dịch ánh sáng văn hoá hè”. 10 năm qua phong trào thanh niên tình nguyện đã có những bước phát triển rất lớn cả về hình thức tổ chức, cách triển khai cũng như chất lượng. Tuổi trẻ ĐHQGHN tự hào vì đã có những đóng góp nhất định cho bước phát triển đó của phong trào thanh niên tình nguyện bằng nhiều sáng kiến có ý nghĩa thiết thực. Năm 1999, khi miền Trung chìm ngập trong lũ lụt, BCH Đoàn ĐHQGHN đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức 1 đoàn cán bộ, sinh viên tình nguyện Thủ đô có mặt tại miền Trung ngay sau cơn lũ để tham gia cùng bà con khắc phục hậu quả. Thật bất ngờ và cảm động bởi ngay tại miền Trung lúc đó chúng tôi đã vinh dự được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm, động viên, khen ngợi và khích lệ tinh thần. ĐoànThanh niên ĐHQGHN cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước hưởng ứng tham gia “Chương trình chi viện Đường Trường Sơn” khi con đường huyền thoại này bắt đầu khởi công xây dựng, chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên cử các đội hình sinh viên tình nguyện đến với vùng sâu, vùng xa v.v. Đặc biệt ngay từ năm 2000, Ban Thường vụ Đoàn ĐHQGHN đã đưa ra ý tưởng triển khai các hoạt động tình nguyện hè gắn với chuyên môn và đã được triển khai rất hiệu quả…
PV: Hoạt động tình nguyện thường diễn ra vào dịp hè, vậy trong năm học đoàn viên ĐHQGHN có tham gia các hoạt động tình nguyện? Cụ thể đó là gì?
PBT Vũ Văn Thắng: Ban Thường vụ Đoàn ĐHQGHN xác định các hoạt động tình nguyện phải được triển khai một cách thường xuyên liên tục trong năm. Mùa hè chỉ là khoảng thời gian cao điểm để tập trung triển khai các hoạt động theo mô hình các đội hình sinh viên tình nguyện tập trung tại các địa bàn dân cư. Trong năm học có rất nhiều mô hình hoạt động tình nguyện được phát động và được sinh viên ĐHQGHN hưởng ứng rất đông đảo, chẳng hạn triển khai các hoạt động tại Trung tâmGiáo dục Lao động Xã hội I để giúp đỡ những người nghiện ma tuý sớm hoà nhập cộng đồng; tình nguyện giữ gìn cảnh quan môi trường giảng đường, ký túc xá xanh - sạch - đẹp; sinh viên tình nguyện hiến máu nhân đạo; sinh viên tình nguyện dạy học tại các Trường trẻ em SOS, Nguyễn Đình Chiểu, Hội người mù Hà Nội… Các hoạt động tình nguyện giúp đỡ nhau trong học tập cũng được các cấp bộ Đoàn của ĐHQGHN chỉ đạo và tổ chức tốt như thành lập các nhóm sinh viên tình nguyện tổ chức đi vận động quyên góp hỗ trợ sinh viên nghèo; tổ chức các lớp tình nguyện dạy ngoại ngữ, tin học, thư pháp… cho các bạn sinh viên không thuộc chuyên ngành trên; đặc biệt vừa qua Ban Thường vụ Đoàn ĐHQGHN đã chủ trì và giao cho Nhóm tư duy mới (bao gồm các sinh viên giỏi của ĐHQGHN và một số trường đại học khác) tổ chức thực hiện thí điểm Dự án “ứng dụng công cụ tư duy mới - Sơ đồ tư duy” với mục đích hướng dẫn và đạo tạo miễn phí cho 150 sinh viên tại 11 câu lạc bộ sinh viên của ĐHQGHN cách sử dụng sơ đồ tư duy trongviệc phát triển tư duy sáng tạo, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm. Dự án đã kết thúc và thu được những kết quả hết sức tốt đẹp…
PV: Những tiêu chí nào theo anh là cơ bản nhất để đánh giá tính thiết thực và hiệu quả của hoạt động tình nguyện?
PBT Vũ Văn Thắng: Theo tôi có 3 tiêu chí cơ bản sau :
Thứ nhất: Phong trào thanh niên tình nguyện không chỉ được triển khai theo đợt và chỉ có một bộ phận thanh niên tham gia mà phải thực sự trở thành phong trào xã hội sâu rộng, thường xuyên, lâu dài, có đông đảo đối tượng các bạn trẻ tham gia.
Thứ hai: Theo tôi cần phải nâng tầm nhận thức về phong trào thanh niên tình nguyện: Phong trào thanh niên tình nguyện không chỉ thuần tuý là chia sẻ cộng đồng, góp phần giải quyết những vấn đề về kinh tế - văn hoá - xã hội ở các địa phương mà điều quan trọng hơn là thông qua các hoạt động tình nguyện góp phần nâng cao tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp nhândân. Muốn thế các hoạt động tình nguyện phải thu hút được sự vào cuộc của cả xã hội từ các doanh nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ ba: Thông qua hoạt động tình nguyện sinh viên có dịp hòa mình và tiếp cận với thực tế cuộc sống ở các vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Qua đó các bạn sinh viên hiểu hơn về những khó khăn của địa phương, nỗi vất vả của bà con nông dân, từ đó họ càng thấy được giá trị của những việc mình làm và họ sẽ có ý thức hơn trong học tập và rèn luyện. Cũng có thể đây sẽ là động lực để ngày càng có nhiều bạn sinh viên khi tốt nghiệp ra trường sẽ trở về quê nhà công tác.
PV: Mùa hè xanh 2006 này, địa bàn hoạt động của sinh viên ĐHQGHN có khác những năm trước? Sẽ có bao nhiêu đội hình, loại hình hoạt động? Những công việc dự kiến?
PBT Vũ Văn Thắng: Về địa bàn hoạt động cơ bản không khác mọi năm. Năm nay theo dự kiến của chúng tôi sẽ có khoảng trên 60 đội hình sinh viên tình nguyện tập trung, với trên dưới 2000 đội viên tham gia triển khai các hoạt động tình nguyện tại nhiều tỉnh. Trong đó chúng tôi xác định Hà Nội sẽ là địa bàn trọng yếu để tập trung chỉ đạo triển khai. Ngoài ra Ban thường vụ Đoàn ĐHQGHN cũng đã chỉ đạo Đoàn thanh niên của các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc tiến hành giới thiệu sinh viên trong dịp hè về quê cùng tham gia các hoạt động tình nguyện ở địa phương mình. Và như vậy hy vọng trong mùa hè này hầu hết sinh viên của ĐHQGHN sẽ được tham gia hoạt động tình nguyện.
Về nội dung hoạt động của Chiến dịch tình nguyện mùa hè này, chúng tôi tập trung vào 4 vấn đề:
1. Tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật như: tổ chức các lớp ôn tập hè; phổ cập tin học, ngoại ngữ; dạy chữ Hán Nôm; phổ biến tuyên truyền pháp luật; phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường, xử lý nước sạch, rác thải nông thôn; xây dựng tủ sách; tiến hành điều tra, tư vấn về các vấn đề xã hội học; tư vấn việc chỉnh trang, tu sửa các khu di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo; dịch gia phả cho các dòng họ; tư vấn về quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch; tư vấn quảng bá sản phẩm làng nghề; hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng các trang web giới thiệu sản phẩm; tham gia sắp xếp, cập nhật và bổ sung tư liệu cho hệ thống thư viện của địa phương…
2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng như tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về Tư tưởng Hồ Chí Minh…
3. Tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội như tổ chức tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh; thăm hỏi tặng quà các gia đình có công với cách mạng; tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo; xây dựng công trình thanh niên tặng địa phương…
4. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao như phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ, các giải thi đấu thể thao; thành lập các câu lạc bộ sở thích cho thanh, thiếu nhi địa phương…
PV: Là người luôn theo sát phong trào thanh niên tình nguyện của ĐHQGHN từ nhiều năm qua, anh có thể kể một kỷ niệm sâu sắcnhất của mình?
Mùa hè xanh và những kỷ niện không thể nào quên - Ảnh: Bùi Tuấn
PBT Vũ Văn Thắng: Tôi đã tham gia trực tiếp chỉ đạo phong trào thanh niên tình nguyện của ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu khi phong trào này được TW Đoàn phát động, và quả thực có không ít những kỷ niệm đáng nhớ sau những chuyến đi, vui có, buồn cũng có. Nhưng có một kỷ niệm mà bây giờ nghĩ lại và mỗi khi kể lại cho các bạn sinh viên nghe, tôi lại thấy cảm động, nước mắt cứ muốn trào ra. Đó là vào mùa hè năm 2002, khi chúng tôi gồm hơn 30 chiến sĩ áo xanh, ba lô trên vai về với xã Sử Pán - huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai, một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, mà người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc H’Mông. Địa thế nơi đây quả thực là khó khăn, chủ yếu là rừng và đồi núi. Đường đèo dốc, trơn trượt, đi lại vất vả và cũng rất nguy hiểm. Hàng ngày các bạn sinh viên phải vượt qua quãng đường hàng chục km để đến với bà con và giúp họ mọi việc. Bà con cảm động lắm. Một hôm chúng tôi đến thăm nhà một bà cụ đã rất già và cụ chỉ sống có một mình. Chúng tôi hỏi thăm và giúp cụ dọn dẹp nhà cửa. Khi mấy em sinh viên đưa ra lá cờ Tổ quốc để tặng thì tất cả mọi người vô cùng kinh ngạc vì cụ không biết đó là cái gì. Chúng tôi đã giải thích ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc và treo lá cờ lên. Màu đỏ thắm của lá cờ rực rỡ trên cái nền xanh ngút ngàn của núi rừng làm bà cụ và chúng tôi xúc động. Bà cụ đã oà khóc và chúng tôi khóc theo. Một việc làm nhỏ những chứa đựng một ý nghĩa rất lớn lao. Đó cũng chính là mục tiêu mà phong trào thanh niên tình nguyện hôm nay hướng tới...
PV: Xin cảm ơn anh!
|