Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Diễn văn khai mạc của GS.VS. Đào Trọng Thi, Giám đốc ĐHQGHN, tại Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII
Tại phiên khai mạc Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Hà Nội ngày 3/11/2006, GS.VS Đào Trọng Thi, Giám đốc ĐHQGHN đã đọc diễn văn chào mừng và khai mạc diễn đàn.

Kính thưa: - Bà Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,

- GS. Xu Zhihong, Giám đốc Đại học Bắc Kinh,

- GS. Hiroshi Komiyama, Giám đốc Đại học Tokyo,

- GS. Lee Jang Moo, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul,

- Thưa các quý bà, quý ông,

Thay mặt cán bộ và sinh viên ĐHQGHN, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội, đặc biệt nhiệt liệt hoan nghênh các vị Giám đốc, các học giả và các em sinh viên từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Tokyo và ĐHQGHN đến tham dự Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á năm nay được tổ chức tại Hà Nội là một vinh dự lớn đối với cán bộ, sinh viên ĐHQGHN chúng tôi và có ý nghĩa rất đặc biệt. Tháng 5 năm nay, ĐHQGHN vừa long trọng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Đây là dịp để chúng tôi nhìn nhận lại hành trình phát triển một thế kỷ của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, mà nòng cốt là một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đánh giá một cách toàn diện những thành tựu cũng như những hạn chế của mình, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, để trên cơ sở đó vạch hướng đi tới tương lai, phấn đấu sớm trở thành một đại học định hướng nghiên cứu, ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Việt Nam đã trao tặng ĐHQGHN phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam là Huân chương Sao vàng, để ghi nhận những đóng góp to lớn của ĐHQGHN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là một niềm vinh dự, niềm tin tưởng và kỳ vọng vô cùng lớn lao mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho cán bộ và sinh viên ĐHQGHN.

Trong các giai đoạn phát triển trước đây cũng như hiện nay, ĐHQGHN luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu trên thế giới, xem đó như cầu nối tri thức và văn hoá giữa Việt Nam với thế giới và là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của mình. Đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của các quan hệ hợp tác quốc tế đã góp phần to lớn vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của ĐHQGHN.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Trong chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, gần gũi, thường xuyên với ba đại học hàng đầu thế giới là Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Tokyo có vị trí quan trọng bậc nhất. Kể từ khi Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á được chính thức thiết lập vào năm 1999 đến nay, sự hợp tác giữa bốn đại học chúng ta đã không ngừng được củng cố và nâng lên những tầm cao mới, đóng góp ngày càng thiết thực và to lớn hơn vào sự phát triển chung của cả bốn đại học. Từ đó đến nay chúng ta đã luân phiên tổ chức thành công 7 cuộc hội nghị thường niên với các hoạt động học thuật và hữu nghị ngày càng phong phú và bổ ích, tập trung vào những chủ đề có ý nghĩa chiến lược toàn cầu của giáo dục đại học. Diễn đàn lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1999 tại Tokyo với chủ đề “Hướng tới một quan niệm mới về văn hoá giáo dục và sự đổi mới văn hoá trong giáo dục đại học ở châu Á”; Diễn đàn lần thứ hai được tổ chức vào năm 2000 tại Bắc Kinh với chủ đề “Quá trình kinh tế của sự du nhập văn hoá phương Tây vào khu vực Đông Á và những khả năng hướng tới một nền văn hoá giáo dục chung giữa các các trường đại học”; Diễn đàn lần thứ ba được tổ chức vào năm 2001 tại Việt Nam có chủ đề “Những giá trị Đông Á trong giáo dục đại học và chương trình đào tạo của bốn đại học chủ chốt ở Đông Á”; Diễn đàn lần thứ tư được tổ chức vào năm 2002 tại Seoul với chủ đề “Những giá trị Đông Á trong xã hội: quá khứ, hiện tại và tương lai”; Diễn đàn lần thứ năm được tổ chức tại Tokyo vào năm 2003 với chủ đề: “Đông Á dưới các góc nhìn khác nhau”; Diễn đàn lần thứ sáu được tổ chức vào năm 2004 tại Bắc Kinh với chủ đề “Quan hệ giữa giáo dục đại học và phát triển văn hoá và văn minh ở khu vực Đông Á”; và Diễn đàn lần thứ bảy tại Seoul với chủ đề “Phát triển bền vững ở Đông Á và vai trò của bốn đại học chủ chốt”.

Quang cảnh lễ khai mạc BESETOHA 2006

Nhìn lại có thể thấy chủ đề của tất cả 7 diễn đàn trước đây đều hướng tới việc khám phá những giá trị, đặc điểm và quá trình văn hoá liên khu vực đặt trong mối quan hệ với sự phát triển của nền giáo dục đại học ở Đông Á, xuất phát từ một nhận thức chung là các dân tộc trong khu vực Đông Á có những tương đồng văn hoá, những giá trị văn hoá chung, những mục tiêu phát triển chung và chắc chắn có một tương lai chung.

Diễn đàn lần này chọn chủ đề “Đa dạng văn hoá và phát triển bền vững: vai trò của giáo dục đại học”, một mặt tiếp nối cách tiếp cận liên khu vực đối với những giá trị và đặc điểm văn hoá Đông Á nhằm làm sáng tỏ tính tương đồng cũng như tính đa dạng văn hoá trong phối cảnh văn hoá khu vực; mặt khác, hướng tới mục tiêu xa hơn, thiết thực hơn là gắn liền việc khám phá những tương đồng và đa dạng văn hoá trong khu vực với việc định hướng cho quá trình phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và trong toàn khu vực Đông Á, đồng thời làm sáng tỏ hơn vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đối với việc phát huy những giá trị văn hoá Đông Á trong quá trình phát triển bền vững.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Trong kỷ nguyên của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức, toàn nhân loại, trong đó có các dân tộc Đông Á, đang bị cuốn nhanh vào quá trình toàn cầu hoá với tốc độ ngày càng gia tăng. Sứ mệnh của nền giáo dục đại học hiện nay là giúp cho thế hệ trẻ chuẩn bị hành trang tốt nhất để họ bước vào kỷ nguyên đó một cách vững vàng, tức là vừa phải tạo điều kiện để họ chiếm lĩnh được những đỉnh cao về tri thức và công nghệ, đồng thời phát huy tốt nhất những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình và của toàn nhân loại. Các dân tộc ở khu vực Đông Á đều là những dân tộc có lịch sử lâu đời với những di sản văn hoá vô cùng quý báu, trong đó bên cạnh những giá trị và đặc điểm văn hoá tương đồng còn có những bản sắc văn hoá và những quá trình văn hoá riêng hết sức đa dạng, phong phú. Giáo dục đại học ở các nước trong khu vực có nhiệm vụ giúp cho các thế hệ tương lai hiểu và đánh giá được những giá trị và đặc điểm văn hoá (cái tương đồng cũng như cái dị biệt) của đất nước và của nhân loại, nắm vững và phát huy những giá trị và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời cũng biết trân trọng, tiếp thu và học hỏi những giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc láng giềng và của nhân loại. Đó chính là con đường, là cách tiếp cận văn hoá đối với quá trình phát triển bền vững và toàn cầu hoá trong tương lai nhằm khai thác và phát huy tốt nhất nguồn lực tinh thần, trí tuệ nhân văn để cùng xây dựng một tương lai hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Với tinh thần đó Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII sẽ bao gồm một số hoạt động quan trọng. Bên cạnh Diễn đàn chính còn có hai seminar học thuật với các chủ đề “Đa dạng văn hoá và vai trò của giáo dục đại học” và “Phát triển bền vững và vai trò của giáo dục đại học”, các workshop về nghiên cứu khu vực và phát triển bền vững, các bài giảng mẫu và các hoạt động giao lưu văn hoá của sinh viên đến từ bốn đại học.

Một nội dung rất quan trọng của Diễn đàn lần này là thảo luận khả năng mở rộng mạng lưới hợp tác của các trường đại học trong khu vực Đông Á trên cơ sở bốn đại học nòng cốt hiện nay. Đây sẽ là một tiến bộ quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của xu thế hợp tác văn hoá, khoa học và giáo dục đại học trong khu vực. Đồng thời chúng ta cũng sẽ thảo luận về phương hướng phát triển của quan hệ hợp tác liên khu vực trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả những nội dung đó sẽ được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội do lãnh đạo các đại học thông qua tại Diễn đàn này.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Với tinh thần hữu nghị, hợp tác chân thành để cùng hướng tới một tương lai chung tốt đẹp của khu vực, với kỳ vọng và niềm tin vững chắc và sự đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực hơn của các đại học vào tương lai hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững của các dân tộc Đông Á, tôi tin tưởng rằng Diễn đàn của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp và xin long trọng tuyên bố khai mạc Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII.

Xin trân trọng cảm ơn!

 VNUnews
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   |