Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Sinh học - Một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành của cả nước
Trích diễn văn của PGS.TS. Nguyễn Xuân Quýnh - Chủ nhiệm Khoa Sinh học tại Lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (1956-2006), ngày 22/10/2006.

Khoa Sinh học là một trong số các khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 4 tháng 6 năm 1956, Chính phủ ra Quyết định thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Hóa - Sinh học được ra đời từ đó. Tháng 10 năm 1961, Khoa Sinh học được tách ra từ Khoa Hóa - Sinh, Chủ nhiệm Khoa là GS. Dương Hữu Thời, Phó Chủ nhiệm Khoa là GS. Đào Văn Tiến.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, do nhu cầu phát triển giáo dục đại học và khoa học công nghệ của đất nước, đội ngũ cán bộ của Khoa Sinh học đủ mạnh, là cơ sở để hình thành nên một số đơn vị mới. Năm 1982, Trung tâm Vi sinh vật ứng dụng được thành lập từ Bộ môn Vi sinh vật. Năm 1985, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường được thành lập với một số cán bộ từ bốn bộ môn Động vật có xương sống, Động vật không xương sống, Thực vật và Thổ nhưỡng. Năm 1986, Trung tâm nấm ăn được ra đời từ Bộ môn Thực vật học. Thời gian đầu, ba trung tâm này trực thuộc Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Các thế hệ cán bộ, sinh viên Khoa Sinh học hội tụ về khoa trong ngày lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.

Năm 1995, sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập, Trung tâm Vi sinh vật ứng dụng và Trung tâm Nấm ăn được sát nhập thành Trung tâm Công nghệ Sinh học và bắt đầu từ đây, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng vào năm 1995, Bộ môn Thổ nhưỡng tách khỏi Khoa Sinh học, để cùng với một số ngành của Khoa Địa lý, Địa chất hình thành nên Khoa Môi trường thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ buổi ban đầu chỉ có hai bộ môn Thực vật và Động vật với vẻn vẹn một chục thầy giáo. Đến thời điểm này, Khoa Sinh học hiện có 94 cán bộ công nhân viên (bao gồm 66 CBGD, 28 cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyên viên và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm). Trong đó có 6 giáo sư, 16 phó giáo sư, 37 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 27 thạc sĩ. Có 21 cán bộ của Khoa đang làm tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài và trong nước.

Khoa hiện có 9 bộ môn và 2 phòng thí nghiệm liên ngành, với 27 phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Từ năm 2001 đến nay, Khoa Sinh học có thêm hai trung tâm nghiên cứu khoa học ra đời, đó là:

+ Trung tâm Sinh học Phân tử và Công nghệ Tế bào được thành lập trên cơ sở hệ thống thiết bị khoa học hiện đại trị giá 2 triệu USD với 8 PTN chuyên ngành: Phòng Sinh học phân tử, Phòng Công nghệ Protein - Enzym, Phòng Kỹ nghệ gen, Phòng Công nghệ tế bào động vật, Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Phòng Công nghệ Vi sinh, Phòng Sinh - Y học, Phòng hiển vi.

+ Trung tâm Đa dạng Sinh học và Phát triển Bền vững với 4 phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Bảo tàng Sinh vật của Khoa Sinh học ở 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, được thành lập từ năm 1926, dưới sự quản lý của Đại học Đông Dương, sau này trực thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, với khoảng hơn 100.000 mẫu động, thực vật, trong đó có nhiều mẫu chuẩn, vật mẫu quý hiếm. Trong nhiều năm qua, đã đón hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều chuyên gia nước ngoài. Theo Quyết định số 86/2006 QĐ-TTg ngày 20/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Sinh vật của Khoa Sinh học tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội thuộc Bảo tàng Thiên nhiên cơ sở trong hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và là một trong 12 dự án được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2006-2010.

Hiện nay Khoa đang xây dựng:

+ Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ Enzym-Protein với tổng kinh phí hơn 56 tỷ đồng và Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và thực tập thiên nhiên tại Tam Đảo.

Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học và hệ THPT chuyên, Khoa Sinh học hiện có khoảng 600 sinh viên hệ đại học chính quy, 400 sinh viên hệ tại chức và 300 học sinh hệ THPT chuyên Sinh.

Hàng năm, Khoa Sinh học cung cấp cho xã hội từ 140-150 cử nhân khoa học sự sống thuộc 2 ngành Sinh học và Công nghệ Sinh học hệ chính quy, trong đó có khoảng 10 cử nhân thuộc hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng, theo các hướng chính là: Đa dạng sinh học, Sinh thái học, Sinh học môi trường, Di truyền học và kỹ thuật di truyền, Vi sinh vật và công nghệ lên men, Tế bào, mô phôi và nuôi cấy mô tế bào động vật, Sinh lý thực vật và nuôi cấy mô tế bào thực vật, Hóa sinh học, Lý sinh học, Nhân học, Sinh lý học người và động vật, Sinh y học.

Công tác đào tạo sau đại học ngày càng phát triển. Số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh ngày càng tăng, hiện tại Khoa Sinh học đang đào tạo 15 chuyên ngành: Vi sinh học, Thực vật học, Thủy sinh học, Côn trùng học, Ngư loại học, Động vật học, Nhân chủng học, Sinh thái học, Tế bào học, Mô học - Phôi học, Di truyền học, Sinh lý học Thực vật, Sinh lý học người và động vật, Lý sinh học, Hóa sinh học.

Sẽ có thêm 4 chuyên ngành sau đại học được đào tạo vào những năm tới: Sinh học môi trường, Sinh học phân tử, Công nghệ Sinh học và Sinh y học.

Hàng năm, có khoảng 70-80 học viên cao học và 15-20 nghiên cứu sinh nhập học. Như vậy, thường xuyên có khoảng trên 150 học viên cao học và 20-30 nghiên cứu sinh học tập và thực hiện luận văn, luận án tại Khoa.

50 năm qua, Khoa Sinh học đã đào tạo các thế hệ Cử nhân từ khoá 1 đến khoá 51, thạc sĩ từ khoá 1 đến khoá 15, tiến sĩ từ khoá 1 đến khoá 25 và đã cung cấp cho đất nước hàng vạn Cử nhân sinh học, Cử nhân công nghệ sinh học, thạc sĩ, tiến sĩ sinh học. Rất nhiều Cử nhân sinh học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ Khoa hiện đang là những nhà khoa học đầu ngành, những nhà lãnh đạo các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm khoa học và đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho ngành Sinh học, Nông học, Lâm học, Thuỷ - hải sản, Sinh thái - Tài nguyên - Môi trường, Y dược học,...

Trong những năm qua, tập thể các giáo sư, các phó giáo sư, các thầy giáo, cô giáo Khoa Sinh học đã biên soạn và xuất bản hàng trăm giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ cho ở trong Khoa, trong Trường mà còn phục vụ cho các trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước.

Các hoạt động hợp tác quốc tế luôn được chú trọng.

Với đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất như trên, trong suốt nhiều năm qua, ngoài công tác đào tạo, Khoa Sinh học còn được Nhà nước, các cấp, các ngành giao cho chủ trì triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Chỉ tính từ 2002 đến nay, hàng năm, Khoa Sinh học đã và đang đồng thời chủ trì thực hiện trên 50 đề tài từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, với tổng kinh phí mỗi năm khoảng từ 4- 6 tỷ đồng. Các đề tài nghiên cứu khoa học của khoa Sinh học tập trung chủ yếu vào hai hướng chính là: Đa dạng sinh học & Sinh học môi trường, Sinh học phân tử & Công nghệ Sinh học bao gồm những vấn đề rất cơ bản có định hướng và mang tính thực tiễn cao như:

- Điều tra nguồn lợi thiên nhiên (động, thực vật,...), tập trung vào các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng sinh thái đặc thù.

- Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam đối với đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và đề xuất các giải pháp phục hồi.

- Đánh giá ô nhiễm môi tr­ường bằng các ph­ương pháp chỉ thị sinh học, hoá sinh. Nghiên cứu xây dựng chiến lược và đề xuất các mô hình, các giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo hướng bền vững.

- Nghiên cứu áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt là các biện pháp vi sinh vật trong việc phòng, chống các bệnh cho cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

- Điều tra các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, trong đó tập trung vào việc tìm kiếm những protein/enzym có nhiều ứng dụng trong Y học, công nghiệp thực phẩm, trong phát triển công nghệ sinh học, các hợp chất khối lượng phân tử nhỏ có hoạt tính dược học như chống lão hoá, chống ung thư, diệt khuẩn...

- Nghiên cứu đặc trưng sinh lý, sinh hoá của một số nhóm thực vật có ý nghĩa kinh tế và y dược. Phát triển công nghệ sản xuất nấm dược liệu phục vụ sức khoẻ.

- Nghiên cứu cơ chế tác dụng kháng khuẩn của các hợp chất tự nhiên và tổng hợp. Cơ sở di truyền của tính kháng thuốc ở các côn trùng gây bệnh.

- Nghiên cứu và phát hiện các bệnh di truyền ở người bằng các phương pháp sinh học phân tử. Áp dụng mô hình ung thư thực nghiệm để đánh giá hoạt tính chống ung thư của các hợp chất tự nhiên và tổng hợp.

Miệt mài nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm...

- Nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc động vật nhằm thực thi các nghiên cứu ứng dụng, phát triển chăn nuôi, thú y.

- Phát triển và hoàn thiện mô hình in vitro (tế bào và phân tử) để đánh giá các sản phẩm có hoạt tính trị liệu các bệnh hiểm nghèo liên quan đến virus như viên gan, AIDS...

- Nghiên cứu sản xuất các bộ kit phục vụ các nghiên cứu sinh học phân tử và một số kit để phát hiện nhanh, sớm và chính xác một số bệnh hay mầm bệnh hiểm nghèo.

Trong nhiều năm qua, Khoa Sinh học đã hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với 10 vụ, cục của 4 bộ, 25 viện nghiên cứu, 18 trường đại học, 21 sở của các tỉnh và 9 Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn.

Khoa Sinh học đã và đang có quan hệ hợp tác Quốc tế rộng rãi với nhiều nước trên thế giới trong nhiều lĩnh vực về đào tạo và nghiên cứu khoa học Sinh học, như: các nước SNG (chủ yếu Cộng hoà Liên bang Nga và Ucraina), Hà Lan, Pháp, Úc, Nhật Bản, Anh, Bỉ, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada, Ba Lan, Hungari, Sec, Slovac, Trung Quốc, Hàn Quốc, Isarael, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan… Từ năm 2002 đến nay, Khoa đã và đang có 9 đề tài hợp tác với nước ngoài.

Với những đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học, hàng năm, Khoa Sinh học công bố từ 150-200 bài báo trên các tạp chí quốc tế và trong nước, 60-100 báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học quốc tế và trong nước. Chỉ tính từ năm 2002 đến nay, kết quả của hoạt động khoa học được thể hiện ở gần 1000 công trình công bố trong các tạp chí và hội nghị khoa học trong nước, trên 100 bài báo và báo cáo công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế.

50 năm đã trôi qua, nửa thế kỷ đã trôi qua. Hôm nay tất cả chúng ta tập trung về đây nhìn lại bước đường đã qua, những gì chúng ta đã làm được là vô cùng to lớn và rất đáng tự hào. Ôn lại những kỷ niệm đã qua, chúng ta không thể nào quên những chặng đường lịch sử của khoa gắn với lịch sử phát triển của nhà trường, lịch sử của nước nhà. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm cán bộ và sinh viên Khoa Sinh học đã xếp bút nghiên lên đường vào Nam đánh giặc. Họ đã chiến đấu ngoan cường và nhiều người trong số họ đã ngã xuống, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của tổ quốc. Trong những năm tháng đó, chúng ta những người ở lại hậu phương miền Bắc hàng ngày ra sức lao động, học tập và công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng Đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá ra miền Bắc, để tiếp tục giảng dạy và học tập tốt, nhà trường đã phải đi sơ tán. Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên; Đông Anh, Hà Nội; Hiệp Hoà, Hà Bắc... những địa danh không thể nào quên với bao kỷ niệm, với bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhưng chúng ta đều vượt qua, chúng ta đã chiến thắng, đã trưởng thành và phát triển.

Sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều thầy giáo, cô giáo, nhiều cán bộ, sinh viên Khoa Sinh học đã được điều động vào Nam công tác, xây dựng các trường đại học, các viện nghiên cứu. Với truyền thống của Khoa, nhiều thế hệ thầy giáo và sinh viên đã lập được nhiều thành tích đáng kể.

Có thể nói rằng trên khắp mọi miền tổ quốc Việt Nam từ biên giới tới hải đảo, từ rừng sâu tới biển cả, ở đâu cũng có dấu chân của các nhà sinh học là những cán bộ, sinh viên, cựu sinh viên của Khoa Sinh học, trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Tất cả những điều đó đã viết nên truyền thống vẻ vang của Khoa chúng ta, góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục đại học và nền khoa học của nước nhà nói chung và của ngành Sinh học nói riêng.

*

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Khoa Sinh học đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành của cả nước, có truyền thống phấn đấu liên tục và có nhiều cống hiến đáng kể. 50 năm trưởng thành và cống hiến của khoa gắn liền với quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu liên tục không mệt mỏi của các thế hệ thày và trò, với sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường, với sự tổ chức thực hiện của các ban chủ nhiệm khoa, của các chủ nhiệm bộ môn, các trung tâm, phòng thí nghiệm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi uỷ, chi bộ Khoa Sinh học.

Say sưa quan sát, tìm tòi và học hỏi trong những chuyến khảo sát đa dạng sinh học.

Sự phấn đấu liên tục, sự cống hiến sức lực và trí tuệ suốt 50 năm qua của Khoa Sinh học đã được đánh giá xứng đáng bằng các tấm huân chương, huy chương, bằng khen và các danh hiệu cao quý của nhà nước trao tặng:

- Khoa Sinh học đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (1995) và Huân chương Lao động hạng II (2001)

- Cố GS. Đào Văn Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

- 14 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

- GS.TSKH.NGƯT. Phạm Thị Trân Châu được tặng giải thưởng Kovalepxkaia.

- 1 bộ môn và 22 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng II, hạng III.

- 40 cán bộ của Khoa được tặng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

- Trên 100 cán bộ của Khoa được nhận Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo và Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ.

- 5 bộ môn và 30 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Nhiều giáo sư, phó giáo sư, cán bộ công nhân viên trong Khoa nhiều lần được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập Khoa, với những cống hiến và thành tích đã đạt được, Khoa Sinh học đã được Nhà trường, ĐHQGHN đề nghị Nhà nước xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất, tuy nhiên do thời gian quá gấp, chúng ta còn phải chờ đợi sự phê duyệt của Nhà nước. Hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất, chúng ta sẽ được đón nhận phần thưởng cao quý này.

Những thành quả lao động khoa học, những cơ ngơi mà Khoa Sinh học chúng ta đã có và đang có, những thành tích mà chúng ta đã đạt được, những danh hiệu cao quý, những tấm huân chương, huy chương, những bằng khen của tập thể và các cá nhân đã ghi nhận thành tích to lớn của Khoa Sinh học trong suốt 50 năm qua đã nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay có mặt tại đây trân trọng và tự hào về những gì chúng ta đã làm được. Từ đáy lòng mình, chúng ta vô cùng biết ơn tất cả những người đã xây dựng và làm nên sự nghiệp và truyền thống của Khoa Sinh học chúng ta.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Khoa Sinh học, chúng ta vô cùng xúc động, thương tiếc và biết ơn các thầy, GS. Dương Hữu Thời, GS. Đào Văn Tiến, GS. Nguyễn Đình Ngỗi, GS. Nguyễn Đình Khoa, các thầy giáo, cô giáo, các bác, các anh, các chị và các bạn đã cùng chúng ta xây dựng Khoa Sinh học nhưng hôm nay không còn nữa. Chúng ta ghi nhớ công lao và cảm ơn các thầy, các cô, các bác, các anh, các chị sau nhiều năm đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, xây dựng và phát triển Khoa, nay đã được về nghỉ ngơi, dưỡng sức theo chế độ của Nhà nước, trong đó có những thầy cô do tuổi cao sức yếu không thể đến được với chúng ta trong ngày vui sum họp hôm nay.

Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.

Xin cảm ơn các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ của Khoa Sinh học đã từng đồng cam cộng khổ xây dựng và phát triển Khoa, nay đã chuyển đi các cơ quan khác trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Cảm ơn các bạn đồng nghiệp từ các khoa, các trường, các viện, các trung tâm,.. trong và ngoài ĐHKHTN là cán bộ thỉnh giảng, là cộng tác viên của Khoa Sinh học.

Cảm ơn mọi sự hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của tất cả các cơ quan, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, trong nước và nước ngoài.

Cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Giám đốc cùng các ban của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu cùng các phòng chức năng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về sự quan tâm lãnh đạo và sự hợp tác quý báu đó.

Và cuối cùng xin cảm ơn tất cả các thầy, các cô, các giáo sư, các phó giáo sư, các cán bộ, nhân viên cùng tất cả các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã và đang học tập, làm việc tại Khoa Sinh học - những người đã trực tiếp làm nên mọi thắng lợi của Khoa Sinh học.

 VNUnews
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   |