Thay mặt Đại học Tokyo, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Ngài Giám đốc-Giáo sư Đào Trọng Thi, Ngài Phó giám đốc-Giáo sư Vũ Minh Giang và các quí vị trong ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo cho Diễn đàn lần này.
Đây là Hội thảo cuối cùng của vòng 2 trong chương trình Diễn đàn bốn Đại học Đông Á với chủ đề chính là “Tính đa dạng văn hoá” và “Phát triển bền vững”. Tôi nghĩ rằng đây là những vấn đề rất đáng quan tâm vì “Tính đa dạng văn hoá” và “Phát triển bền vững” là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ. Ví dụ như thế kỉ XXI đang đối mặt với vấn đề chung của nhân loại là “Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất”. Để giải quyết vấn đề này một loạt các biện pháp đang được đề ra như qui định về khí thải cacbon, phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm, tăng cường sử dụng tái chế, phát triển các nguồn năng lượng sạch, trồng rừng... Đây là những đối sách, những công nghệ mang tính phổ biến trên toàn thế giới được sinh ra trên cơ sở nhiều kiến thức chuyên môn khác nhau.
|
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đang bắt tay GS. Komiyama Hiroshi, Giám đốc Đại học Tokyo |
Nhưng làm thế nào thực hiện các chính sách này một cách có hiệu quả, làm thế nào để duy trì hiệu quả lâu dài? Điều này phụ thuộc vào việc các chính sách đó có phù hợp với đặc điểm sinh thái và văn hoá của mỗi khu vực hay không. Đây là điều cực kì quan trọng. Những vấn đề phổ biến của nhân loại như vấn đề ngăn ngừa tình trạng nóng lên của trái đất sẽ chỉ phát huy được hiệu quả nhờ áp dụng những phương pháp phù hợp với tính đa dạng văn hoá của mỗi khu vực. Tính đa dạng văn hoá riêng của mỗi khu vực sẽ chỉ thể hiện được đúng ý nghĩa của nó khi các vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nghèo đi của môi trường trên trái đất, tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên... được giải quyết và sự phát triển bền vững được đảm bảo.
Thế kỉ XX là thế kỉ bùng phát. Hoạt động vật chất của nhân loại diễn ra mạnh mẽ gây nên ảnh hưởng đến chính trái đất, cơ sở tồn tại của nhân loại, mà tiêu biểu là vấn đề nóng lên của trái đất. Hoạt động tri thức của nhân loại có thể nói là bùng nổ, sinh ra những tri thức bùng phát và dẫn đến sự chuyên môn hoá ngày càng sâu của các ngành khoa học. Kết quả là các lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn hoá sâu khó đối thoại với nhau, dẫn đến tình trạng không ai có thể bao quát hết tất cả các lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, một trong những vấn đề trọng yếu nhất của nghiên cứu khoa học trong các trường đại học của thế kỉ XXI là nghiên cứu đồng thời cả tính phổ biến và tính đa dạng văn hoá của ngành khoa học. Từ đó cần cấu trúc hoá các tri thức đang phát triển bùng phát và chuyên sâu tưởng như không có mối quan hệ gì với nhau, đưa ra hình ảnh tổng thể của các tri thức và xác định một cách khách quan và chính xác lĩnh vực của từng tri thức trong bức tranh tổng thể đó. Tôi tin rằng chính việc cấu trúc hoá các tri thức liên quan đến các ngành tự nhiên và xã hội là con đường để nghiên cứu đồng thời tính phổ biến và đa dạng văn hoá của tri thức. Đó là bởi trong mỗi lĩnh vực, khi quá trình chuẩn hoá diễn ra, sự khác biệt về địa vực và văn hoá hầu như không bộc lộ nhưng cho dù tri thức được chuyên môn hoá có tính phổ biến thì trong quá trình cấu trúc hoá sẽ xuất hiện tính đa dạng.
|
GS. Komiyama Hiroshi, Giám đốc Đại học Tokyo (người thứ 2 từ trái sang) |
Khác với các trường đại học “độc chiếm tri thức” trước kia, các trường đại học thế kỉ XXI cần phải phục vụ cho tính cộng đồng của thế giới. Trong xã hội tri thức, quá trình cấu trúc hoá tri thức được đẩy mạnh, đồng thời khuynh hướng liên kết giữa đại học và xã hội càng ngày càng trở nên sâu sắc. Đúng là mục tiêu nghiên cứu trong trường đại học là chân lí và sự thật phổ biến của nhân loại, là hoà bình chung cho nhân loại, là phát triển bền vững. Nhưng những hoạt động này được tiến hành trên cơ sở cân nhắc tính đa dạng và cá biệt của các xã hội và khu vực trên thế giới, và chính quá trình tích luỹ tri thức đó làm sản sinh ra tri thức mang tính phổ biến. Vấn đề chung của nhân loại như ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất, xây dựng hoà bình sẽ được giải quyết trong quá trình tích luỹ các giải pháp cho vấn đề này ở từng khu vực văn hóa khác nhau. Với ý nghĩa đó, việc chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa phát triển bền vững và tính đa dạng văn hoá chính là vai trò của đại học từ giờ trở đi.
Hơn nữa, ngay trong quá trình sáng tạo tri thức mới tại trường đại học, tính đa dạng văn hoá có một ý nghĩa cực kì quan trọng. Toàn cầu hoá được cho là có khuynh hướng đồng nhất thế giới. Tuy nhiên chúng ta cần nỗ lực để quá trình toàn cầu làm nảy nở tính đa dạng của văn hoá, xã hội và tri thức của nhân loại. Tính đa dạng là nguồn gốc của sự phát triển mới, chính trong quá trình những ý tưởng khác nhau cạnh tranh, đối thoại sẽ xuất hiện những tri thức mới. Ý tưởng càng đa dạng tri thức càng phong phú, càng mang lại cho nhân loại nhiều lợi ích.
|
GS. Komiyama Hiroshi (bên phải) |
Vì vậy, trường đại học vừa mở ra một thế giới mang tính đa dạng, vừa phải nỗ lực không ngừng vì nó mang trong mình tính đa dạng và không ngừng tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình liên kết và đầu tranh của tính đa dạng đó. Tôi thường khuyến cáo sinh viên hãy trang bị cho mình “khả năng cảm nhận được những điều khác với mình”, bởi sứ mệnh của trường đại học là đào tạo những con người trưởng thành trong mối quan hệ tin cậy có được trong quá trình giao tiếp giữa những người có văn hoá khác nhau, có giá trị quan khác nhau, giữa các xã hội, các quốc gia khác nhau. Trường đại học cần đạo tạo những nhà nghiên cứu, những chuyên gia có kiến thức trong một lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn sâu, nhưng không được khép kín chỉ biết lĩnh vực của mình mà cần phải không ngừng nỗ lực nắm bắt những tri thức chung của nhân loại và xác định được ý nghĩa và vị trí của lĩnh vực nghiên cứu của mình trong tổng thể tri thức chung đó.
Trên cơ sở nhận thức đó, Hiến chương của Đại học Tokyo ghi rõ: “Nâng cao tính quốc tế trong tổ chức và hoạt động, tăng cường sự hiểu biết về các khu vực trên thế giới, thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu hướng tới chân lí và hoà bình”, và “Đại học Tokyo tự xác định là một trường đại học của Nhật Bản ở châu Á nên sẽ tăng cường mối quan hệ với châu Á, đẩy mạnh giao lưu với các khu vực trên thế giới trên cơ sở phát huy những thành tựu nghiên cứu của nhà trường”. Đại học Tokyo nhận thấy trong thời đại toàn cầu hoá tính đa dạng văn hoá là yếu tố quan trọng. Chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu thông qua việc cạnh tranh và hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên thế giới, đồng thời thúc đẩy và phát triển việc đào tạo, nghiên cứu đa nguyên trên cơ sở tôn trọng tính đa dạng văn hoá trong khu vực châu Á. Trong nội bộ trường đại học, chúng tôi nhận thức rằng “tính đa dạng của các thành viên có ý nghĩa quan trọng” và nỗ lực để trường đại học trở thành môi trường thức tỉnh tính đa dạng và đào luyện tính đa dạng đó.
Với ý nghĩa đó, Diễn đàn bốn Đại học Đông Á có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đại học Tokyo. Bốn Đại học chúng ta là các đại diện cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản, là các trường đại học mang trọng trách đào tạo ra những nhân tài sẽ trở thành những nhà lãnh đạo của các nước, là nơi có trách nhiệm cống hiến cho hoà bình của khu vực, của thế giới, và cho sự phát triển bền vững. Trong các Diễn đàn từ trước đến nay, bốn Đại học chúng ta đã xác định là các trường đại học cùng trong khu vực Đông Á có những yếu tố văn hoá, lịch sử tương đồng, vừa chấp nhận những đặc điểm văn hóa, lịch sử riêng của mỗi nước, vừa hướng tới việc sáng tạo ra những giá trị văn hoá chung. Nói cách khác, chúng ta vừa đứng trên một mặt bằng chung, vừa thông qua đối thoại giữa các yếu tố khác nhau để cố gắng tạo ra sự đa dạng mang tính điều hoà của bốn nước chúng ta và của khu vực Đông Á nói chung. Với ý nghĩa này, việc ngôn ngữ sử dụng trong Diễn đàn này không phải là tiếng Anh mà là ngôn ngữ của bốn nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản với những bối cảnh văn hoá khác nhau có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Lần này, chúng tôi nhận được đề nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam) về “Tuyên bố Hà Nội” nhằm tổng kết các kết quả trao đổi, giao lưu trong 8 năm qua của Diễn đàn bốn Đại học Đông Á. Tôi nghĩ rằng tuyên bố này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhấn mạnh vấn đề coi trọng tính đa dạng văn hoá là nhận thức chung của bốn Đại học Đông Á chúng ta.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy việc Diễn đàn lần này được tổ chức ở Đại học quốc gia Hà Nội, nơi đang kỉ niệm 100 năm thành lập, có một ý nghĩa rất lớn. Trong 100 năm qua, bốn nước trong khu vực Đông Á đã trải qua nhiều thăng trầm, môi trường khu vực cũng có nhiều thay đổi. 100 năm trước là thời kì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, trong bối cảnh tự do bị hạn chế, khả năng phát huy cá tính văn hoá của các dân tộc cũng bị giới hạn. Sau đó, với việc các dân tộc lần lượt giành được độc lập, tự do, vấn đề coi trọng tính đa dạng văn hoá đã trở thành vấn đề chung của tất cả chúng ta.
Quá trình cận đại hoá của các nước Đông Á có đặc điểm chung là vừa đối phó vừa tiếp thu văn minh phương Tây. Trong thời kì mà cận đại hoá được coi Tây phương hoá, chúng ta thường cố gắng đặt văn hoá Á châu đối lập với văn hoá Tây Âu. Cơ sở của quan điểm này là cách nghĩ văn hoá phương Tây là một thực thể và văn hoá châu Á là một thực thể. Tuy nhiên, trải qua thế kỉ XX, khi châu Á và châu Phi sau một thời gian bị bao phủ bởi văn hoá phương Tây đã giành được độc lập, ở cả các nước phương Tây, các nước châu Á và trong khu vực Đông Á, bằng việc nhìn nhận lại các nền văn hoá đa dạng, người ta đã nhận thức được tính đa dạng văn hoá phong phú của các khu vực.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam, đất nước tổ chức Diễn đàn lần này, là một đất nước độc đáo, vừa là một nước Đông Á có truyền thống chung với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như văn hoá chữ Hán, vừa là một thành viên của Đông Nam Á. Việt Nam là một đất nước đa dạng về dân tộc và văn hoá, các bạn Việt Nam vừa phát huy tính đa dạng ấy, vừa nỗ lực xây dựng một xã hội điều hoà. Tương tự như vậy, các nước Trung Quốc, Hà Quốc, Nhật Bản cũng vừa mang những yếu tố đa dạng vừa tạo nên nét điều hoà. Chẳng phải sứ mệnh của Diễn đàn chúng ta là liên kết bốn trường đại học đại diện cho bốn nước Đông Á, thông qua việc đẩy mạnh giao lưu với các khu vực khác của châu Á như Đông Nam Á, với châu Âu, châu Phi, châu Mĩ, cùng cống hiến cho tính cộng đồng của thế giới loài người sao?
Chính vào thời điểm này, Hà Nội đang chuẩn bị khai mạc Hội nghị APEC. Tôi nghĩ rằng việc Diễn đàn bốn Đại học Đông Á diễn ra vào thời điểm này có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta cùng gánh vác trách nhiệm trọng đại trong việc xây dựng sự đa dạng mang tính điều hoà và phong phú cả về văn hoá và kinh tế trong khu vực Đông Á, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của kinh tế thế giới.
Diễn đàn lần này không chỉ có các thầy cô giáo mà còn có tiểu ban của các em sinh viên thảo luận về tương lai của khu vực Đông Á. Việc sinh viên bốn đại học tập hợp dưới một mái trường, tranh luận và hiểu biết lẫn nhau là rất cần thiết. Chúng tôi trông đợi các em, những sinh viên nắm giữ tương lai của Đông Á và thế giới, sẽ truyền tinh thần của Diễn đàn bốn đại học hôm nay cho các thế hệ sau.
Sau đây xin cho phép tôi được đề xuất về định hướng của Diễn đàn bốn Đại học năm tới. Năm 2007, Đại học Tokyo, trường tổ chức Diễn đàn bốn Đại học Đông Á tiếp theo, dự kiến kỉ niệm 130 năm thành lập trường vào ngày mồng 9 tháng 11. Tôi muốn được mời các vị Giám đốc Đại học Bắc Kinh, Đại học Seoul, Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam) cùng với Giám đốc các trường đại học danh tiếng khác trên thế giới tham dự lễ kỉ niệm đó và Diễn đàn bốn Đại học Đông Á sẽ được tổ chức ngay sau lễ kỉ niệm. Đây là đề nghị của tôi.
Xin trân trọng cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
|