Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Toán - Cơ - Tin học, Tr­ường Đại học Khoa học Tự nhiên tròn 50 tuổi
Khoa Toán - Cơ - Tin học là một trong những khoa được thành lập đầu tiên thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay thuộc Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN. Nhân dịp Khoa chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật thứ 50 (1956 - 2006), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH.NGƯT Phạm Kỳ Anh - Chủ nhiệm khoa. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Xin Giáo sư cho biết đôi điều về lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN.

GS. Phạm Kỳ Anh: Cách đây nửa thế kỷ, ngày 4/6/1956, Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã ra Quyết định số 2184/TC thành lập 5 trường đại học: Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), Đại học Y - Dược, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm và Đại học Nông - Lâm.

Ngay sau đó, Khoa Toán - Lý chung cho cả hai trường ĐHTHHN và ĐHSPHN do GS. Lê Văn Thiêm làm chủ nhiệm đã ra đời. Đội ngũ của những ngày đầu tiên ấy vỏn vẹn chỉ có 16 người, trong đó có các thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Đoàn Quỳnh, Phan Đình Diệu,... mà tên tuổi còn lưu truyền cho các thế hệ sau qua những công trình khoa học xuất sắc, những giáo trình đầy tâm huyết.

Ngày 26/1/2960, Bộ Giáo dục ra Nghị định số 34-NĐ quy định bộ máy Trường ĐHTHHN gồm có hai khoa là Khoa Tự nhiên và Khoa Xã hội, trong đó bộ phần Toán - Lý và bộ phần Sinh - Hóa của Trường được nhập lại thành Khoa Tự nhiên vẫn do GS. Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm khoa.

Ngày 22/10/1961, theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường ĐHTHHN, Bộ Giáo dục ra quyết định số 705/QĐ chia Khoa Tự nhiên thành ba khoa: Toán - Lý, Sinh vật và Hóa học. Khoa Toán - Lý do GS. Hoàng Tụy làm Chủ nhiệm. Năm 1963, Khoa Toán được tách ra thành một khoa độc lập trực thuộc Trường ĐHTHHN. Lúc đó, Khoa Toán do GS. Hoàng Tụy làm Chủ nhiệm chỉ có 4 bộ môn: Giải tích, Xác xuất, Cơ học và Phương pháp tính.

Trong những năm đầu thành lập, Khoa Toán đã nhận dược sự giúp đỡ tận tình, quý báu của các chuyên gia Xô Viết. Từ năm 1961 đến 1963, các giáo sư Ersov, Lukianov, Ovchinikov, Ghirsanov rồi viện sĩ Lavrenchiep đã sang giảng bài, thuyết trình seminar cho cán bộ của Khoa. Tuy đội ngũ cán bộ còn mỏng, trình độ chung còn hạn chế, nhưng lớp cán bộ trẻ đầu tiên của Khoa với nhiệt huyết tràn đầy vừa dạy học, vừa tự nghiên cứu đã biên soạn và dịch được hàng chục giáo trình để phục vụ kịp thời cho việc giảng dạy.

Tháng 8/1964 không quân Mỹ leo thang bắn phá, miền Bắc nước ta bước vào thời chiến. Năm 1965, Khoa Toán cùng Trường ĐHTHHN sơ tán lên núi rừng Đại Từ, Bắc Thái. Trong khói lửa chiến tranh, với tầm nhìn xa trông rộng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra quyết định thành lập một lớp Toán đặc biệt tại Trường ĐHTHHN. Khoa Toán được giao thêm trọng trách đào tạo học sinh năng khiếu cho đất nước.

Năm 1970, Khoa Toán cùng Trường ĐHTH trở lại Hà Nội. Với việc Cơ học trở thành ngành đào tạo chính thức, Khoa Toán đổi thành Khoa Toán - Cơ.

Trong giai đoạn 1968-1974, theo lới kêu gọi của Đảng, với khẩu hiệu “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc” nhiều thầy giáo và sinh viên Khoa Toán đã hăng hái nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều người đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên chiến trường. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cán bộ và hầu hết số sinh viên nhập ngũ đã trở lại Khoa Toán - Cơ tiếp tục học tập, công tác.

Giữa những năm 70, một loạt các đợt thi tuyển NCS đi đào tạo ở nước ngoài được tổ chức. Phần lớn cán bộ trẻ của Khoa Toán - Cơ được cử đi thi đã trúng tuyển với số điểm rất cao và hầu như năm nào cũng có người đạt thủ khoa. Điều này góp phần vào bản xác nhận của xã hội đối với tính nghiêm túc và chất lượng cao trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Khoa Toán - Cơ. Khi cánh cửa đào tạo ở nước ngoài khép lại, không ít cán bộ trong Khoa với tinh thần tự lực, lớp trước giúp lớp sau đã tự đào tạo trên đại học ngay trong nước. Khoa Toán - Cơ tự hào là một trong những cơ sở khoa học đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ.

Khoa Toán, Trường ĐHTHN là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước dạy môn Máy tính. Năm 1963, môn “Lập trình trên máy tính điện tử” đã được dạy cho sinh viên của Khoa. Từ năm 1966, Khoa bắt đầu mở chuyên ngành máy tính. Khoá 8 là khoá có cử nhân Tin học đầu tiên. Từ đó, hàng năm Khoa đều mở chuyên ngành Tin học. Năm 1987, để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của bộ phận Tin học, Khoa Toán - Cơ được đổi thành Khoa Toán - Cơ - Tin học.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với những nhiệm vụ mới nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục - đào tạo, nhu cầu của xã hội, của đất nước, từ một khoa có nhiệm vụ là đào tạo bậc đại học ngành Toán học, tới nay Khoa đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với khối THPT chuyên Toán - Tin và 7 bộ môn: Đại số - Tôpô - Hình học, Giải tích, Toán học tính toán và Toán ứng dụng, Xác suất - Thống kê, Toán sinh thái - môi trường, Tin học, Cơ học. Hiện có hơn 1.000 sinh viên hệ đại học chính quy, 520 học sinh THPT chuyên Toán - Tin, 200 học viên cao học, 20 nghiên cứu sinh và hơn 1.000 học viên tại chức đang theo học tại Khoa.

Trong 50 năm qua đã có 295 cán bộ giảng dạy, công nhân viên đã từng công tác tại Khoa và hiện nay có 95 người đang làm việc, gồm 69 cán bộ trong biên chế, 7 cán bộ hợp đồng và 19 người là cán bộ hợp đồng tạo nguồn của nhà trường. Lực lượng khoa học của Khoa hiện có 12 giáo sư, 15 phó giáo sư, 6 tiến sĩ khoa học và 39 tiến sĩ. Dù công tác tại Khoa thời gian ngắn hay dài nhưng cán bộ giảng dạy, công nhân viên của Khoa đã phấn đấu hết sức mình góp phần xây dựng Khoa Toán - Cơ - Tin học lớn mạnh, đoàn kết hôm nay.

PV: Là một trong những khoa được thành lập từ những ngày đầu của Trường ĐHTHHN, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Khoa Toán - Cơ - Tin học đã đạt được những thành tích gì, thưa Giáo sư?

GS. Phạm Kỳ Anh: 50 năm qua, Khoa Toán - cơ - Tin học đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Khoa là đơn vị đi đầu trong việc tìm hướng mới trong đào tạo với việc xin mở các chuyên ngành mới như Toán - Tin ứng dụng, mở hệ cao đẳng Toán - tin trong quản lý và mới đây là mở hệ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp Toán sơ cấp, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Khoa Toán - Cơ - Tin học là đơn vị đi tiên phong trong đổi mới giáo dục. Khoa được giao trọng trách soạn thảo chương trình, viết giáo trình và dạy thử nghiệm các chương trình cải cách, từ đào tạo 2 giai đoạn, đào tạo đại học đại cương đến đào tạo cử nhân khoa học tài năng trong ĐHQGHN.

Khoa là đơn vị đầu tiên của Trường ĐHTHHN thực hiện công tác đào tạo cao học và tiến sĩ. Hiện nay Khoa vẫn là một trong những đơn vị dẫn đầu của Trường ĐHKHTN về số lượng và chất lượng đào tạo sau đại học với 10 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 11 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Khoa là đơn vị đào tạo Toán học, Cơ học, Tin học hàng đầu trong cả nước. Sách giáo khoa, giáo trình, chương trình của Khoa được tham khảo trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều cán bộ của Khoa đã đảm nhận trách nhiệm ra đề thi, chấm thi đại học, sau đại học, thi Olympic sinh viên và thi học sinh giỏi cấp phổ thông. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa đã trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo các cấp từ THPT chuyên Toán - Tin đến đào tạo tiến sĩ.

Khoa đã đào tạo được hơn 4.000 sinh viên hệ chính quy, khoảng 3.000 học sinh chuyên Toán - Tin, 344 thạc sĩ, 82 tiến sĩ và 6 tiến sĩ khoa học, trong số này nhiều người trở thành những nhà khoa học đầu đàn của đất nước. Một số cựu cán bộ, sinh viên của Khoa hiện giữ những trọng trách trong các tổ chức Đảng và các cơ quan trung ương,...

Như các bạn đã thấy, Khoa chúng tôi là đơn vị luôn gắn chặt đào tạo với nghiên cứu khoa học và đi đầu trong việc ứng dụng vào thực tế. Khoa là đơn vị đầu tiên (từ năm 1962) đưa Toán học, Cơ học vào thực tế phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội như: nổ mìn định hướng, khí tượng pháo binh, thiết kế cầu dây, tính toán trữ lượng dầu khí, tính nước dâng trong bão, điều khiển tối ưu hệ thống điện, điều khiển Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, giải bài toán phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tính toán giảm thiếu rủi ro cho hệ thống thuỷ điện Sơn La,...

Trong Khoa đã hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh về Tôpô Đại số, Phương trình vi phân, Giải tích số, Xác suất - Thống kê, Cơ học vật rắn biến dạng... với nhiều công trình NCKH được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Tính tới nay, các cá nhân và tập thể thuộc khoa đã công bố hơn 1.000 bài báo khoa học, 200 cuốn sách; hoàn thành khoảng 200 đề tài khoa học, trong đó có 100 đề tài cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp Nhà nước. Ngoài ra, cán bộ của Khoa còn chủ trì hàng chục đề tài thực tế khác góp phần đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống.

Khoa Toán - Cơ - Tin học là đơn vị dẫn đầu về thành tích đào tạo tài năng trẻ. Nhiều sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Khoa được chọn đi đào tạo tiếp tại một số viện nghiên cứu, trường đại học lớn của Mỹ (Havard, Princeton, Stanford,...), Anh (Cambridge), Pháp (Ecole Polytechnique), Nhật (ĐHTH Osaka),... Sinh viên của Khoa đã đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic Toán học, Cơ học và Tin học toàn quốc. Học sinh của khối THPT chuyên Toán - Tin đã đoạt 61 giải quốc tế về Toán học, đặc biệt đã đoạt được 21 giải nhất chiếm hơn một nửa số giải nhất của Việt Nam; 27 giải quốc tế về Tin học, 11 giải Olympic Toán học khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ 1995 đến 2005, học sinh của Khối THPT chuyên Toán - Tin đã đoạt 215 giải quốc gia về Toán học và Tin học. Khoa đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh, học sinh trên khắp mọi miền của đất nước.

Khoa đã có quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học và đào tạo với nhiều trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

Trong 50 năm qua, Khoa Toán - Cơ - Tin học đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III và II. Các bộ môn Cơ học, Giải tích, Toán học tính toán và Toán ứng dụng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III. Khối Phổ thông chuyên Toán -Tin được tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng III, II, I; Huân chương Độc lập hạng III và được tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Có 8 giáo sư của Khoa được tặng Huân chương lao động; Hai thầy chủ nhiệm Khoa đầu tiên, GS. Lê Văn Thiêm và GS. Hoàng Tụy được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.

PV: Giáo sư có thể cho biết "bí quyết" để Khoa có được những thành tích như trên không?

GS. Phạm Kỳ Anh: Có được những thành tích đó là do sự cố gắng, nỗ lực của từng cán bộ, công nhân viên và học viên của Khoa Toán - Cơ - Tin học. Có điều rất mừng là những năm gần đây, chúng tôi chọn được những sinh viên giỏi. Bên cạnh những em được tuyển thẳng vào hệ cử nhân khoa học tài năng, nhiều em có điểm thi đầu vào rất cao. Các em rất thông minh, lại được học tập trong một môi trường thuận lợi: đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi về chuyên môn và nhiệt tình trong công tác, có thái độ làm việc nghiêm túc. Sự phấn đấu, cố gắng của thầy và trò trong Khoa là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến thành công của chúng tôi.

Cùng với sự nỗ lực chính bản thân, trên bước đường xây dựng và trưởng thành Khoa Toán - Cơ - Tin học đã được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị bạn, của bạn bè và đồng nghiệp - đó là một trong những nguyên nhân quan trọng để có được một Khoa Toán - Cơ - Tin học lớn mạnh, đoàn kết hôm nay.

PV: Theo Giáo sư, hiện nay Khoa đang có những khó khăn và thuận lợi gì? Giải pháp để khắc phục những khó khăn đó?

GS. Phạm Kỳ Anh: Hơn 10 năm qua, công cuộc đổi mới của đất nước đã tạo nên nhiều chuyển biến tốt đẹp trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Các nghị quyết của Ban chấp hành TW Đảng về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ đã tạo ra những động lực mới thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước. Việc thành lập ĐHQGHN cũng có những ảnh hưởng tích cực đến Khoa. Ngân sách Nhà nước dành cho Trường ĐHKHTN, trong đó có Khoa Toán - Cơ - Tin học tăng lên đáng kể. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Đời sống cán bộ, giáo viên từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, hội nhập Khoa cũng gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, học sinh giỏi đua nhau vào học những ngành dễ kiếm việc làm, do đó, một thời gian dài không có học sinh theo học ngành Cơ và có những năm chỉ có 4 - 5 học sinh đăng ký học ngành Toán.

Thứ hai, sau nhiều năm xây dựng, ngành Tin học của Khoa đã phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, việc điều động cán bộ Khoa sang xây dựng những đơn vị mới (như Viện Điện tử - Tin học và Khoa Công nghệ Thông tin) dẫn tới sự thiếu hụt cán bộ Tin học trong Khoa.

Thứ ba
là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ kế cận. Các giáo sư, cán bộ chủ chốt của Khoa hầu hết đã đến tuổi nghỉ hưu, mặt khác một số cán bộ trẻ có năng lực của Khoa được cấp trên tín nhiệm giao cho những trọng trách mới. Những sự việc này đã khiến cho đội ngũ cán bộ của Khoa thêm hụt hẫng.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, Khoa đã tiến hành một số biện pháp sau đây:

1. Khoa trân trọng mời các giáo sư, các thầy cô đã nghỉ hưu tiếp tục tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho học viên. Hàng năm, Khoa mời các thầy cô đã về hưu gặp mặt để nghe báo cáo về tình hình Khoa cũng như xin ý kiến đóng góp về mọi mặt công tác.

2. Động viên và tạo điều kiện cho các cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, đi thực tập, trao đổi khoa học ở nước ngoài để nâng cao trình độ.

3. Thu hút cán bộ giỏi về công tác tại Khoa. Trong những năm gần đây đã có 5 TS trẻ về công tác tại Khoa. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại làm hợp đồng tạo nguồn cho Khoa. Những cán bộ này đều được học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh, được tham gia các xêmina và các đề tài khoa học.

4. Khoa động viên và tạo điều kiện cho các giáo viên trong Khoa chủ trì hoặc tham gia các đề tài khoa học, hướng dẫn luận văn sau đại học, viết sách,... để có đủ điều kiện đăng ký chức danh GS, PGS. Từ năm 2000 đến nay đã có 5 cán bộ của Khoa được phong học hàm giáo sư và 7 người được phong chức danh phó giáo sư.

5. Đội ngũ cộng tác viên của Khoa khá đông đảo bao gồm nhiều nhà khoa học có uy tín của Viện Toán học, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Cơ học và một số đơn vị trong, ngoài ĐHQGHN.

6. Tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế, Hiện nay Khoa có các phòng máy tính, phòng thí nghiệm Cơ học tính toán và cán bộ Khoa đang dần làm chủ hệ thống tính toán hiệu năng cao.

PV: Để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Khoa Toán - Cơ - Tin đã có những chuẩn bị gì? có những hoạt động gì đặc biệt, thưa Giáo sư?

GS. Phạm Kỳ Anh: Chúng tôi đã biên soạn cuốn kỷ yếu “Khoa Toán - Cơ - Tin học, 50 năm xây dựng và phát triển” và một tập nội san về các thế hệ thầy trò Khoa. Đây là món quà đặc biệt kính tặng các thầy cô cùng các cựu sinh viên về dự hội Khoa. Ngoài ra, một số hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Khoa cũng được tổ chức.

- Từ 23/2/2006 đến 30/6/2006 - Phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn Khoa.

- Hội nghị khoa học sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học tháng 4 năm 2006.

- Tập huấn công tác Đoàn và giao lưu với sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự tháng 5/2006.

- Festival truyền thống và Hội trại của sinh viên Khoa. Giao lưu giữa các thế hệ thầy trò Khoa Toán - Cơ - Tin học ngày 30/9/2006.

- Hội nghị khoa học của Khoa Toán - Cơ - Tin học ngày 7/10/2006 .

- Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa ngày 8/10/2006.

PV: Thưa Giáo sư, nhân dịp Khoa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50, với tư cách là một cán bộ công tác lâu năm tại khoa và là chủ nhiệm khoa Giáo sư có suy nghĩ gì? Giáo sư có tâm sự gì muốn gửi tới các đồng nghiệp và sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học?

GS. Phạm Kỳ Anh tại một hội thảo khoa học quốc tế.

GS. Phạm Kỳ Anh:
Tháng 9/1972, sau khi tốt nghiệp Trường ĐHTH Kharcov, Ukraina, tôi cùng hai bạn Nguyễn Ngọc Thắng và Trần Thị Lệ được phân công về Khoa Toán - Cơ, Trường ĐHTH Hà Nội. Đón và làm thủ tục tiếp nhận chúng tôi tại 19 Lê Thánh Tông là thầy Chủ nhiệm Khoa Phan Văn Hạp. Thầy Hạp ân cần hỏi thăm tình hình và chỉ dẫn cho chúng tôi đường lên khu sơ tán của Khoa ở Hiệp Hoà, Hà Bắc. Chỉ mấy ngày sau, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm sơ tán để nhận nhiệm vụ mới. Tôi được tiếp quản giáo trình Phương pháp tính của anh Nguyễn Tuệ, đang dạy cho lớp sinh viên năm cuối ngành Khí tượng - Thuỷ văn sơ tán mãi tận Bắc Giang. Tôi còn nhớ “lớp học” là một căn nhà tranh tre lụp xụp, còn “bảng” là một tấm nilông đen, song những gương mặt sinh viên thì rất sáng sủa, thông minh... Tôi lại nhớ đến lần được phân công kéo xe bò đi mua gạo cho tập thể, đến những phiên trực bếp cho nhà ăn của Khoa, những tối bập bùng ghita và nghêu ngao hát trên đồi Sỏi... Đó là những chuỗi ngày gian khổ, thiếu thốn, nhưng rất vui. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, các thầy cô Khoa Toán chúng tôi chẳng những đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn tranh thủ thời gian đọc sách trau dồi kiến thức. Nhờ nỗ lực học tập mà sau này trong các đợt thi tuyển nghiên cứu sinh đi học nước ngoài, năm nào cũng có cán bộ của Khoa Toán đỗ thủ khoa.

Đến hôm nay, sau 34 năm công tác tại Khoa, tôi thấy mình thật may mắn được làm việc trong một môi trường rất trí tuệ, rất hàn lâm nhưng đậm tính nhân văn như ở Khoa Toán. Tại đây, tôi được học cách làm nghiên cứu chuyên nghiệp của các thầy đi trước, như GS Nguyễn Thừa Hợp, GS. Hoàng Hữu Đường, GS. Phạm Ngọc Thao, PGS. Phan Đức Chính, GS. Nguyễn Duy Tiến,...; học được cách trình bày bài giảng chính xác, dễ hiểu của GS. Phan Văn Hạp, GS. Đào Huy Bích, GS. Lê Xuân Cận, GS. Đặng Huy Ruận, PGS. Nguyễn Hữu Ngự, PGS. Hoàng Đức Nguyên,...; "bị lây" cái tinh thần say mê ứng dụng Toán học của GS. Nguyễn Quý Hỷ, GS. Nguyễn Văn Hữu, TS. Nguyễn Công Thuý, PGS. Nguyễn Bác Văn. Tôi khâm phục thành tích khoa học của các đồng nghiệp, như GS. Đào Trọng Thi, GS. Trần Văn Nhung, GS. Nguyễn Văn Mậu, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS. Nguyễn Hữu Công, GS. Nguyễn Thế Hoàn, PGS. Nguyễn Văn Minh, PGS. Đặng Hùng Thắng, PGS. Nguyễn Hữu Dư,... Đặc biệt những cựu chiến binh đã nêu tấm gương vượt khó, lao động hết mình với tinh thần của người lính Cụ Hồ, như người thầy - thương binh - ThS. Đỗ Thanh Sơn, hay như các cựu quân nhân khác như TS. Nguyễn Xuân My, PGS. Nguyễn Đình Sang, PGS. Nguyễn Hữu Dư, PGS. Phạm Chí Vĩnh, TS. Nguyễn Vũ Lương, ThS. Phạm Văn Hùng, ThS. Nguyễn Văn Xoa, TS Trần Văn Trản...

Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ Khoa Toán - Cơ - Tin học rằng thế hệ trẻ ngày nay có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Để biến những ước mơ và hoài bão của mình thành hiện thực thì không có con đường nào khác ngoài lao động nghiêm túc. Các cán bộ trẻ của Khoa đều là những người thông minh, giỏi giang, chắc chắn sẽ kế tục xứng đáng truyền thống của các thế hệ thầy cô đi trước.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư. Xin chúc mừng Giáo sư và tập thể Khoa Toán - Cơ - Tin học nhân dịp khoa tròn 50 tuổi. Chúc Khoa Toán - Cơ - Tin học đạt được nhiều thành công mới trên chặng đường tiếp theo.

 Lưu Mai Anh (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   |