Ngay trong năm đó, Khoa Triết học được thành lập với 3 cán bộ chính nhiệm và GS. Phạm Như Cương, Viện trưởng Viện Triết học lúc đó được mời đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm khoa.
Năm học 1976 - 1977, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã chiêu sinh ngành Triết học với 62 sinh viên, đây là khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Triết học (khóa 21 của Trường).
Những năm đầu Khoa Triết học gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về đội ngũ cán bộ giảng dạy, về chương trình, giáo trình, bài giảng, tài liệu,... Song được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, đặc biệt là sự giúp đỡ của Viện Triết học và một số viện khác của Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam); của Khoa Triết học, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chính nhiệm và kiêm nhiệm của khoa, công việc đào tạo đã dần dần đi vào ổn định. Theo quyết định ban đầu của Bộ, Khoa Triết học có nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu triết học, song do nhu cầu của xã hội, Khoa đã thực hiện mục tiêu không chỉ đào tạo cán bộ nghiên cứu Triết học mà cả đào tạo cán bộ giảng dạy Triết học, đáp ứng về nhu cầu của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong các trường đại học của cả nước đào tạo bậc đại học ngành Triết học.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Khoa Triết học không chỉ đào tạo sinh viên chuyên triết mà đào tạo cả sinh viên một số chuyên ngành khác như Xã hội học, Tâm lý học, Quản lý xã hội. Dần dần các chuyên ngành này tách ra hình thành các ngành học, các bộ môn độc lập và thành các khoa Tâm lý học, Xã hội học, Khoa học Quản lý như hiện nay.
Hiện nay, Khoa Triết học có 39 cán bộ chính nhiệm; trong đó 70% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; số còn lại đều đang là nghiên cứu sinh, học viên cao học. Các cán bộ của Khoa sinh hoạt trong 6 bộ môn: Lịch sử triết học, Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đạo đức và Mỹ học, Lôgic học, Khoa học về Tôn giáo, ngoài ra còn có một tổ Tư liệu và Văn phòng. Hiện Khoa đang tiến hành đào tạo ở các bậc: Bậc cử nhân (gồm hệ chuẩn và hệ chất lượng cao) với 6 chuyên ngành; Bậc thạc sĩ với 3 chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tôn giáo học; Bậc tiến sĩ với 3 chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Lịch sử triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Với phương châm đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên, Chi uỷ, Ban chủ nhiệm khoa rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, sinh viên thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là qua bài giảng và các hoạt động của đoàn thể. Điều này đã làm cho hoạt động của Chi bộ đảng, của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trở nên sinh động, thiết thực. Khoa đã chủ trì nhiều cuộc thi như cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những cuộc thi này đã tăng thêm lòng say mê nghiên cứu lý luận cho sinh viên. Có thể nói công tác Đảng, Đoàn và Hội của Khoa đã có những đóng góp rất tích cực cho việc đào tạo năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị cho sinh viên Triết học. Chi bộ khoa Triết học là chi bộ có đông đảng viên nhất trong Trường ĐHKHXH&NV, luôn đạt danh hiệu chi bộ vững mạnh, trong sạch và là một trong những chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng trong cán bộ và nhất là trong sinh viên, có những năm kết nạp được 6 sinh viên vào Đảng.
Với đòi hỏi của việc đào tạo cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Triết học, một trong những nhiệm vụ mà khoa hết sức quan tâm đó là nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua cán bộ của Khoa đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu từ cấp Trường đến cấp Nhà nước. Những công trình khoa học này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Tham gia biên soạn bài giảng, giáo trình cũng là một nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc đối với cán bộ giảng dạy, phần lớn các môn học, chuyên đề thuộc chuyên ngành triết học đã có giáo trình các môn lý luận Mác - Lênin hoặc bài giảng. Một số cán bộ của khoa còn tham gia biên soạn giáo trình chuẩn quốc gia, giáo trình của Bộ. Đối với sinh viên, hàng năm có khoảng trên 20% sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, xu hướng nghiên cứu khoa học trong sinh viên đang có sự gia tăng về số và chất lượng. Nhiều sinh viên của khoa đạt giải cao về nghiên cứu khoa học ở cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia và cấp Bộ.
30 năm qua Khoa Triết học đã đào tạo được 1.376 cử nhân Triết học hệ chính quy, 41 cử nhân Triết học hệ tại chức, 90 giảng viên chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học, 130 cán bộ có trình độ cao đẳng cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 77 thạc sĩ, 41 tiến sĩ. Ngoài ra, Khoa còn đào tạo được trên 1.600 cử nhân ngành Quản lý xã hội. Số cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp ở Khoa đang công tác ở nhiều lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là góp phần vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển đường lối chính sách, nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Năm học 2006 - 2007, Khoa đang đào tạo 335 sinh viên hệ chính quy (trong đó có 65 sinh viên hệ chất lượng cao), 58 sinh viên hệ tại chức, 23 nghiên cứu sinh, 128 học viên cao học.
Trong xu hướng mở cửa, đổi mới, hội nhập, quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa ngày càng được mở rộng, đa dạng. Hiện nay, Khoa Triết học có quan hệ hợp tác với hàng chục cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước và hàng chục đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, đặc biệt thông qua hợp tác đã tổ chức được một số cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế trong dư luận đánh giá cao. Đội ngũ cán bộ của Khoa đã xuất bản được hàng chục đầu sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh.
Với những thành tích đạt được, Khoa Triết học đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, hạng II. Nhiều tập thể và cá nhân của khoa đã được nhận các phần thưởng và danh hiệu cao quý khác của Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhà trường như: bằng khen, huân chương, huy chương, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Có thể nói rằng với truyền thống, kinh nghiệm 30 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Triết học đang vững bước trên con đường phát triển và hội nhập, góp phần ngày càng tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là xây dựng và phát triển nền Triết học của nước nhà.
|