Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - 50 năm xây dựng và phát triển
Khoa Hoá học ra đời năm 1956, ngay sau Quyết định số 2184/TC ngày 4/6/1956 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiệm vụ của khoa là đào tạo cán bộ giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực Hoá học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Lúc mới thành lập khoa có 5 cán bộ giảng dạy và 2 kỹ thuật viên (chung cho cả Khoa Hoá học - Trường Đại học Tổng hợp và Khoa Hoá học - Trường Đại học Sư phạm). Chương trình đào tạo là 3 năm với 1 ngành là Hoá học cơ bản. Cơ sở vật chất rất nghèo, chỉ có 4 phòng thực tập, chưa có các phòng nghiên cứu chuyên đề.

Năm 1965 khi được gần 10 tuổi, đội ngũ cán bộ đã lớn mạnh, chương trình đào tạo đã phát triển lên 4 năm thì cả nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thầy trò Khoa Hoá học đã mấy lần "cõng" trường trên lưng đi sơ tán. Lớp lớp sinh viên của Khoa đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, trong số những người ra đi có đến 17 chiến sĩ không trở về. Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh các chi đã hy sinh, xin cám ơn các thế hệ đi trước đã khắc phục muôn vàn khó khăn gian khổ, vượt lên hoàn cảnh, tạo dựng một Khoa Hoá học phát triển bền vững như ngày hôm nay.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN đã đào tạo cho đất nước hơn 5.000 cử nhân Hóa học và Công nghệ. Nhiều sinh viên của Khoa đã trở thành những nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý giỏi đã và đang giữ những trọng trách trong nhiều ngành của nền kinh tế quốc dân. Trong mọi hoàn cảnh, Khoa Hoá học vẫn luôn phấn đấu giữ vững chất lượng đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Cán bộ của khoa chủ trì thực hiện hàng trăm đề tài KHCN các cấp và công bố hàng nghìn công trình nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước. Trong 5 năm gần đây, cán bộ của Khoa đã hoàn thành hơn 120 đề tài nghiên cứu cơ bản và 13 đề tài KHCN cấp Nhà nước, 30 đề tài KHCN cấp Bộ. Khoa Hoá học đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II và hạng III. 3 bộ môn và 25 nhà giáo của Khoa đã được tặng huân chương; 3 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 8 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

I. VÀI NÉT VỀ KHOA HỌC HỌC HIỆN NAY

Là một trong những khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà nội, 50 năm qua Khoa Hoá học luôn là một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu đầu ngành của đất nước.

1.1. Cơ cấu tổ chức

Khoa có 125 cán bộ (94 biên chế, 31 hợp đồng), trong đó: 18 giáo sư và tiến sĩ khoa học,
26 phó giáo sư, 15 tiến sĩ và 18 thạc sĩ.

Bằng các nguồn học bổng khác nhau, Khoa đã gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài 60 người (trong đó có 16 cán bộ trong biên chế). Đây sẽ là nguồn bổ sung cán bộ trình độ cao để phục vụ việc mở rộng ngành nghề và quy mô đào tạo của Khoa.

Khoa có 8 Bộ môn, phòng thí nghiệm và 2 trung tâm:

- Bộ môn Hoá học vô cơ;

- Bộ môn Hoá học hữu cơ;

- Bộ môn Hoá học phân tích;

- Bộ môn Hoá lý và Hoá lý thuyết;

- Bộ môn Công nghệ Hoá học;

- Bộ môn Hoá học dầu mỏ;

- Phòng thí nghiệm Hoá học môi trường;

- Trung tâm Hoá dầu;

- Trung tâm ứng dụng tin học trong Hoá học.

1.2. Cơ cấu ngành nghề

Hiện tại Khoa có 3 ngành đào tạo cử nhân:

- Cử nhân Hoá học;

- Cử nhân Công nghệ hoá học;

- Cử nhân Sư phạm Hoá học (theo mô hình 3+1).

7 mã ngành đào tạo sau đại học:

- Hoá học vô cơ (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Hoá học hữu cơ (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Hoá học phân tích (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Hoá lý và Hoá lý thuyết (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Xúc tác hữu cơ và Hoá dầu (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Hoá học Môi trường (thạc sĩ và tiến sĩ);

- Hoá kỹ thuật (thạc sĩ).

1.3. Các chương trình đào tạo

Hiện nay Khoa Hoá học có 5 chương trình:

- Chương trình đào tạo cử nhân Hoá học cơ bản;

- Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ Hoá học;

- Chương trình đào tạo 3 năm của cử nhân Sư phạm Hoá học;

- Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng;

- Chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế hoá.

Ngoài ra, Khoa Hoá học còn đào tạo hệ THPT chuyên Hoá, tuyển sinh mỗi năm khoảng 100 học sinh.

Tổng số sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa năm học 2005-2006 khoảng 1.750 (kể cả sinh viên hệ tại chức và liên thông).

1.4. Nghiên cứu khoa học

Các lĩnh vực nghiên cứu:

- Phức chất và Hoá sinh vô cơ;

- Vật liệu vô cơ;

- Các nguyên tố đất hiếm và phóng xạ;

- Hoá học các hợp chất dị vòng;

- Hoá học các hợp chất cơ kim;

- Xúc tác hữu cơ;

- Hoá học các hợp chất thiên nhiên;

- Các phương pháp phân tích cấu trúc hợp chất hữu cơ;

- Các phương pháp sắc ký trong Hoá phân tích;

- Các phương pháp quang phổ trong Hoá phân tích;

- Các phương pháp điện hoá trong Hoá phân tích;

- Động học xúc tác trong Hoá phân tích;

- Nhiệt động học Hoá học;

- Động học xúc tác;

- Điện hoá học;

- Hoá lý thuyết;

- Tối ưu hoá và tự động hoá các quá trình Công nghệ hoá học;

- Hoá học polime và hóa keo;

- Công nghệ Hoá vật liệu (composit và nano);

- Hoá sinh ứng dụng;

- Công nghệ các hợp chất vô cơ và hữu cơ;

- Công nghệ màng và sensor;

- Công nghệ xử lý môi trường.

Các hướng nghiên cứu:

Các lĩnh vực nghiên cứu của Khoa triển khai theo 3 hướng:

- Nghiên cứu cơ bản
:
Đây là hướng tập trung nhiều cán bộ trình độ cao. Năm 2006 toàn Khoa có 41 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước với kinh phí hơn 3 tỷ đồng;

- Nghiên cứu cơ bản có định hướng: Đây là loại đề tài nghiên cứu cơ bản có định hướng triển khai ứng dụng. Năm 2006 Khoa có 14 đề tài loại này với kinh phí khoảng gần 1 tỷ đồng;

- Nghiên cứu triển khai ứng dụng: Đây là các đề tài dự án triển khai ứng dụng thuộc các chương trình KHCN trọng điểm quốc gia và các địa phương, các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Năm 2005-2006 Khoa đang thực hiện 11 đề tài dự án KHCN với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những thành tích đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng của Khoa. Đối chiếu với sự phát triển của KHCN hiện đại, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa đang bộc lộ nhiều hạn chế. Để từng bước hội nhập khu vực và quốc tế, Khoa Hóa học đang tiến hành đổi mới tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học.

II. ĐỔI MỚI TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

2.1. Đổi mới tổ chức đào tạo

Mục tiêu của việc đổi mới tổ chức đào tạo là đáp ứng tốt hơn đòi hỏi về nguồn nhân lực khoa học công nghệ của xã hội, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nội dung đổi mới tổ chức đào tạo gồm 3 phần:

a. Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo

Việc đổi mới chương trình và nội dung đào tạo nhằm 2 tiêu chí cơ bản:

- Tính hiện đại, cập nhật trình độ tiến tiến của khu vực và thế giới và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay.

Căn cứ quy định của Bộ GD&ĐT, Khoa Hoá học xây dựng khung chư­ơng trình mới, hiện đại của trên cơ sở tham khảo và so sánh chương trình đào tạo của một số trường đại học tiêu biểu trên thế giới.

- Tính mềm dẻo, dễ thích nghi với sự đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.

Trước đây trong cơ chế bao cấp ta chỉ đào tạo những gì ta có thể. Khi đất nước hội nhập, để sống còn phải đào tạo những gì thị trường cần. Hiện nay Khoa Hóa học đang đào tạo 3 mã ngành (Hoá học cơ bản, Công nghệ hoá học và Sư phạm hoá học). Trong t­ương lai, tùy thuộc nhu cầu xã hội, Khoa có thể mở thêm nhiều ngành nghề mới (ngành Hóa dầu, Hóa môi trường, Hóa vật liệu, Hóa sinh ứng dụng, Hóa dư­ợc, Hóa y...). Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phải đổi mới ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Toàn bộ khối kiến thức lý thuyết Hoá học (~125 đvht) sẽ được chia thành 3 module:

Module 1: Khối kiến thức cơ bản chung cho tất cả các ngành Hóa: 60 đvht;

Module 2: Khối kiến thức cơ sở của từng mã ngành: 43-45 đvht

Module 3: Khối kiến thức chuyên ngành: 4-6 đvht (chọn trong 16-20 đvht)

Khóa luận tốt nghiệp: 8-15 đvht

Module 1 là những kiến thức cơ bản của ngành Hoá học, chung cho tất cả các mã ngành (60 đvht). Khi cần mở mã ngành mới, không cần xây dựng khung chương mới từ đầu, mà chỉ cần bổ sung khối kiến thức cơ sở của mã ngành (module 2) và chuyên ngành (module 3).

b. Đổi mới chương trình thực tập cơ bản:

Chương trình thực tập cũng được chia làm 2 module tương ứng:

Module 1: Thực tập cơ bản chung cho các mã ngành (15-20 đvht);

Module 2: Thực tập cơ sở của từng mã ngành (10-15 đvht)

Chương trình thực tập module 1 chú ý rèn luyện kỹ năng thực hành, cũng cố các kiến thức cơ bản. Module 2 là thực tập nâng cao kết hợp nghiên cứu khoa học có sự dụng các thiết bị khoa học công nghệ hiện đại.

c. Đổi mới cách tổ chức thi các môn học:

Dựa vào chương trình chi tiết các môn học, Bộ môn và cán bộ phụ trách môn học xây dựng ngân hàng câu hỏi và bài tập có đáp án kèm theo. Ngân hàng đề thi môn học sau mỗi năm phải đổi mới ít nhất 10% nội dung. Việc tổ chức thi và chấm thi được tiến hành độc lập với việc giảng dạy môn học.

2.2. Đổi mới tổ chức nghiên cứu khoa học:

Mục tiêu của đổi mới tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ ở Khoa Hoá học là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tập trung lực lượng nghiên cứu vào một số lĩnh vực mũi nhọn của KHCN.

Dựa trên xu thế phát triển của KHCN hiện đại và những nhiệm vụ của chương trình Kinh tế - Kỹ thuật trọng điểm quốc gia, Khoa Hoá học đang xây dựng 4 hướng nghiên cứu tập trung:

- Hướng nghiên cứu KHCN vật liệu chuyển hoá năng lượng;

- Hướng nghiên cứu vật liệu xúc tác cho các quá trình chuyển hoá Hoá học và xử lý môi trường;

- Hướng nghiên cứu trong lĩnh vực Hoá học Y- Dược;

- Hướng nghiên cứu xác định lượng vết, phục vụ quan trắc môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.

2.3. Hiện đại hoá trang thiết bị:

Khoa đã tích cực xây dựng các đề tài, các dự án đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội để hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2003 đến nay khoa được thực hiện 2 dự án với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Việc mua sắm thiết bị được thực hiện theo thứ tự ưu tiên để phục vụ các hướng nghiên cứu mũi nhọn. Các thiết bị chỉ được mua khi có ít nhất 30% cán bộ trong Khoa có nhu cầu sử dụng. Có thể nói hiện nay Khoa Hoá học đang có một lực lượng máy móc thiết bị hiện đại có hiệu quả sử dụng cao, gồm: Máy nhiễu xạ rơnghen D8 Advance (Bruker), máy phân tích nhiệt đa chức năng với các khoảng khoảng nhiệt độ từ -1700C đến +16000C (Seteram), Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử đồng bộ (Shimadzu), khối phổ phát xạ plasma (Perkin-Elmer), máy cực phổ đa chức năng (Autolab), máy đo kích thước hạt bằng tia lazer, máy thử vật liệu đa chức năng (Shimadzu), hệ thống các máy UV-VIS và máy hồng ngoại. Đặc biệt khoa đang có một hệ thống các máy sắc ký đồng bộ, gồm sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao, sắc ký khí khối phổ, sắc ký lỏng khối phổ, sắc ký điều chế, sắc ký thẩm thấu gel và sắc ký khí khối phổ phân giải cao (Water). Hệ thống thiết bị cập nhật đang phát huy tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ. Hàng năm Khoa Hoá học tổ chức các lớp đào tạo "nâng cao khả năng vận hành và sử dụng các thiết bị hiện đại" cả lý thuyết lẫn thực hành cho cán bộ thuộc có sự tham gia của hàng chục học viên của các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam.

2.4. Khuyến khích nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ

Để khuyến khích nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, Khoa đã đề ra một số biện pháp cụ thể, đó là:

1) Khoa đang khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ kinh phí, phương tiện nghiên cứu cho các cá nhân, các nhóm, các bộ môn có đề tài khả thi thuộc các lĩnh vực mũi nhọn (Hoá vật liệu, Hoá dược...) để trong thời gian ngắn có thể tạo ra các kết quả KHCN có chất lượng cao;

2) Thực hiện việc liên tục nâng cấp các đề tài do cán bộ của Khoa chủ trì. Một cán bộ không đăng ký tham gia chủ trì đề tài cùng cấp 2 lần. Nếu đề tài đã được duyệt, thực hiện và nghiệm thu, chủ trì phải tổ chức nghiên cứu hoàn thiện để đăng ký nhiệm vụ ở cấp cao hơn, cho đến khi kết quả được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn. Khi đó chủ trì có thể quay lại đăng ký chủ trì thực hiện đề tài cấp thấp hơn lần thứ 2, theo một vấn đề mới.

Ở Khoa Hóa học từ cử nhân mới ra trường đến các giáo sư, ai cũng được chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Sự kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học được bắt đầu từ đội ngũ cán bộ trẻ. Thông qua việc tham gia và chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, một mặt, trình độ cán bộ sẽ nhanh chóng được nâng cao. Mặt khác, việc chủ trì thực hiện đề tài sẽ tạo phần cứng để cán bộ trẻ có năng lực sớm trưởng thành, sẵn sàng thay thế cho cán bộ lớn tuổi.

Nhờ kinh phí thu được từ các đề tài khoa học - công nghệ, cán bộ Khoa Hóa học đã hỗ trợ tích cực cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Số sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học ngày một đông. Năm học 2002-2003 gần 60 em, năm học 2003-2004 gần 70 em, năm học 2004-2005 và 2005-2006 mỗi năm khoảng 90 em tham gia báo cáo ở hội nghị khoa học sinh viên.

III. KẾT HỢP NGHIÊN CỨU KHCN VỚI ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Thực tế ở Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN mấy năm gần đây cho thấy, để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ cần phải có lực lượng nghiên cứu đông đảo, có tay nghề vững. Trong lộ trình xây dựng trường đại học nghiên cứu việc gắn kết nghiên cứu khoa học - công nghệ đẩy mạnh đào tạo sau đại học, sử dụng có hiệu quả lực lượng cao học và nghiên cứu sinh là rất cần thiết.

Nhờ có đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học trình độ cao, có số lượng các đề tài khoa học và công nghệ đa dạng, Khoa Hoá học đã trở thành một địa chỉ đào tạo sau đại học hấp dẫn. Số học viên đỗ vào ngành Hoá học ngày một đông đảo.

- Năm 2002: 41 học viên cao học, 10 nghiên cứu sinh;

- Năm 2003: 71 học viên cao học, 13 nghiên cứu sinh;

- Năm 2004: 102 học viên cao học, 15 nghiên cứu sinh;

- Năm 2005: 112 học viên cao học và 30 nghiên cứu sinh.

IV. TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa ngày càng được nâng cao, thể hiện trong việc các trường đại học trên thế giới chú ý ngày càng nhiều đến việc cấp học bổng cao học và nghiên cứu sinh cho sinh viên tốt nghiệp của khoa. Hầu như tháng nào Ban chủ nhiệm khoa cũng tiếp ít nhất một đoàn đại biểu quốc tế sang thăm, thảo luận hợp tác và giới thiệu học bổng cho sinh viên. Hiện nay, Khoa có gần 200 sinh viên tốt nghiệp đang làm luận văn thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp, Đức, Nhật, Thụy Sĩ, Bỉ, Mỹ, Hàn Quốc.

Hiện Khoa đang thực hiện một số dự án đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường Đại học Tulon, Le Mane (Pháp), Đại học Tự do (Bỉ), Đại học Đresden (Đức), Đại học Công nghệ Tokyo, Viện JAIST và Đại học Kochi (Nhật) và nhiều trường đại học của Hàn Quốc.

Tranh thủ các chương trình hợp tác quốc tế, hàng năm Khoa đã gửi đi khảo sát nghiên cứu ngắn hạn và đào tạo sau đại học ở nước ngoài từ 15-20 cán bộ.

Mặc dù còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới đạt được trình độ tiên tiến của thế giới, nhưng thầy trò Khoa Hoá học có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua. Khoa đã có những bước đi mạnh dạn, cố gắng tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhằm từng bước hội nhập khu vực và quốc tế./.

 PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   |