Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhớ lại những ngày đầu thành lập
1. “Đánh bạo” nhìn trước 10 năm
Khi Đại học Quốc Gia vừa thành lập, tôi đề xuất với GS Nguyễn Văn Đạo việc lập những khoa mới về Công nghệ, vì khi khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì trong trường đại học tổng hợp các khoa Công nghệ sẽ làm cầu nối giữa nhà trường với sản xuất.

“Lý công hợp bính”, tư tưởng hợp nhất việc đào tạo khoa học cơ bản với đào tạo khoa học công nghệ trong cùng một mái trường đã được thảo luận rất kỹ ở Trung Quốc khi họ nhận thấy áp dụng một cách máy móc mô hình Liên Xô tách riêng Đại học Bách khoa với Đại học Tổng hợp là không hợp lý.

Nhìn vào tình hình nước ta, vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20, Tổng Cục Bưu điện bắt đầu xây dựng mạng lưới viễn thông quốc gia, chủ trương đi thẳng ngay vào công nghệ số và truyền thông đa dịch vụ, với dịch vụ phi thoại ngày càng nhiều hơn dịch vụ thoại .Đó là một chủ trương đúng nhưng táo bạo vì khi đó đội ngũ kỹ thuật viễn thông của chúng ta chỉ được đào tạo theo kỹ thuật analog, rất ít hiểu biết về máy tính và chỉ quen khai thác máy của các nước XHCN (đến 1994, mạng điện thoại công cộng mới hoàn toàn số hoá và chớm nhú lên khỏi “cận dưới tới hạn” 1 máy/100 dân).

Lúc bấy giờ chúng ta chưa biết gì về truyền hình số, truyền hình phát thẳng từ vệ tinh đến nhà dân; thông tin di động và internet chưa phổ cập, thậm chí còn đang tranh luận nên hay không nên cho dùng internet (Viện CNTT thử nghiệm VARENet từ 1992, nối qua máy chủ của ĐHQG Australia, đến 11/1997 chính phủ mới cho phép thành lập ISP đầu tiên nối ra quốc tế, cung cấp dịch vụ internet thương mại. Thông tin di động xuất hiện ở nước ta từ 1992, nhưng đến 1994 mới có TTDĐ công nghệ số, với 4000 thuê bao trong cả nước).

Tuy vậy, thông qua việc xây dựng qui hoạch mạng viễn thông thống nhất quốc gia, mạng phát thanh và truyền hình, và tranh thủ tham quan các trường, viện, mạng truyền thông số hoá, mạng máy tính ở Anh, Pháp, Singapo, Malaxia, Hoa kỳ trong những lần đi công tác Hội, tôi nhận thức được rằng nếu không thành lập ngay các khoa công nghệ Điện tử Viễn thông Tin học trong Đại học Quốc Gia để đáp ứng sự bùng nổ công nghệ thông tin truyền thông sẽ diễn ra ở nước ta trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, là bỏ lỡ mất cơ hội vàng để trường đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước.Thực tế ngày nay đã chứng minh là nhận định đó đúng.

1. Chọn mặt gửi vàng

Khi được GS Nguyễn Văn Đạo và lãnh đạo của Đại học Quốc Gia cho chủ trương, tôi và PGS Nguyễn hữu Xý đã trao đổi khá nhiều về việc nên dựa vào lực lượng nào để xây dựng khoa mới.

Năm 1958, khi xây dựng bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa Hà Nội chúng tôi phải dựa hoàn toàn vào những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cả anh Nguyễn Như Kim và tôi, cũng như các anh Vũ Văn Sang, Bùi Minh Tiêu đều là những kỹ sư vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về, và những sinh viên ĐHBK HN khoá 1 mà chúng tôi vừa cho “ra lò”.

Tình hình ở ĐHTH HN năm 1994 đã khác xa với năm 1958 ở ĐHBK HN . Lực lượng cốt cán xây dựng khoa có thể chọn từ 3 nguồn:

- Các thầy giáo về Điện tử ở khoa Vật lý trường ĐHTH HN.

- Các kỹ sư lớn tuổi sắp nghỉ hưu tại các cơ quan bưu điện, Phát thanh và Truyền hình, Thông tấn xã.

- Những cán bộ trung niên đã tham gia công tác giảng dạy ở ĐHTH HN một số năm và đang làm NCS tại chức.

Chúng tôi nhất trí sẽ tìm từ cả 3 nguồn, nhưng các thầy giáo về Điện tử (Điện tử Hạt nhân và Vật lý Vô tuyến) của khoa Vật lý phải là lực lượng chủ đạo, vì đây là lực lượng đã có một quá trình đào tạo kỹ sư Vô tuyến-Điện tử không kém gì ĐHBK HN. 10 năm làm công tác quản lý kỹ thuật tại Uỷ Ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, tôi đã sử dụng kỹ sư được đào tạo ở cả hai “lò” và thấy chất lượng cũng suýt soát như nhau. Kỹ sư tốt nghiệp ĐHBK HN mới ra trường có năng lực thiết kế và kỹ năng thao tác máy khá hơn, nhưng kỹ sư tốt nghiệp ĐHTH HN lại có kiến thức cơ bản tốt, ham tìm hiểu đến gốc rễ của vấn đề, cho nên sau một thời gian cọ sát với công việc thực tế, trình độ thực hành của họ cũng không kém gì kỹ sư ĐHBK HN.

Đến những năm giữa thập kỷ 90 (thế kỷ 20), các thầy giáo về Điện tử ở ĐHTH HN và ĐHBK HN đều đi vào công nghệ số với hành trang như nhau, nói cách khác là cùng lao vào một lĩnh vực hoàn toàn mới từ một vạch xuất phát như nhau!.

Trên cơ sở nhận định đó, các anh Nguyễn Hữu Xý và Nguyễn Viết Kính trong Ban Trù bị thành lập khoa đã vận động được một lực lượng khá mạnh (5 PGS, 3 TS và một số giảng viên lâu năm) tự nguyện tách khỏi Bộ môn Vật lý Vô tuyến để tham gia xây dựng khoa Điện tử Viễn thông trường ĐHTH HN. Lực lượng giảng dạy ban đầu của khoa như vậy là khá hùng hậu (1 GS, 6 PGS, 4 TS và một số giảng viên giỏi). Tuy vậy hầu như đối với tất cả, các lĩnh vực: thông tin số, thông tin máy tính, thông tin vệ tinh, thông tin di động, internet, xử lý ảnh và video số,.. đều là hoàn toàn mới, mọi người phải tự đào tạo từ đầu.

Đi vào những lĩnh vực mới, nhưng là một đội ngũ đã giảng dạy lâu năm nên chúng tôi có khá nhiều kinh nghiệm xây dựng chương trình, giáo trình, và sau khi đã xây dựng xong mục tiêu đào tạo, chương trình khung, thì đi ngay vào công việc chính là xây dựng một bộ giáo trình và những bài thí nghiệm cơ bản.

Một kinh nghiệm nữa cũng đáng lưu ý là khoa mới thành lập đã xây dựng gần như đồng thời (chênh lệch thời gian ≤ 1 năm) mục tiêu và chương đào tạo cả ở bậc đại học và cao học (thạc sỹ), vì tổ chức tốt việc đào tạo cao học chính là xây dựng nền móng cho NCKH của khoa.

2. Tầm sư học đạo

Muốn đào tạo kỹ sư chất lượng cao phải có thày giỏi. Nhưng đi vào một lĩnh vực mới, chỉ đọc sách không thì khó giỏi, nếu không có người đi trước chỉ dẫn phương hướng, giới thiệu sách báo, giới thiệu nơi đến tham quan thực tập, hướng dẫn cho làm NCKH. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã nghĩ đến việc tìm sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà trước hết là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài.

Hai người đầu tiên mà anh Xý liên hệ là TS Lê Duyên Bình, ở Đại học Monash, Australia, và TS Nguyễn Hữu Lễ, khi đó là Giám đốc khu vực của Northern Telecom. Họ đều rất nhiệt tình, anh Bình đã giúp đỡ tìm chương trình đào tạo Điện tử-Viễn thông của một số trường đại học Australia, góp ý vào chương trình dự thảo của chúng tôi, giúp xây dụng quan hệ hợp tác giữa trường ĐHTH HN với trường, từ đó 2 thầy giáo của khoa cũng đã được sang thực tập một học kỳ; còn anh Lễ đã vận động Northern Telecom ủng hộ trường ĐHTH HN 10.000 USD để trang bị thêm cho đào tạo Tin học - Viễn thông.

Khi đó, mối quan hệ quốc tế của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt nam (REV) cũng đã rất phát triển, chỉ tính đến năm thành lập khoa, REV đã ký hiệp định hợp tác với Alcatel Space (1993), Đại học Đông nam, Trung quốc (1994), AEAI Israel (1994), IEEE (1996). Trước 1996, REV cũng đã mời một số GS quốc tế sang giảng về một số công nghệ mới, như:

· Truyền thông số, GS Huỳnh Hữu Tuệ, ĐH Laval, Canada (1993)

· Nén ảnh số, GS Cairong Zhou, ĐH Đông Nam, China (1994)

· Chống sét, GS A. Braunstein, ĐH Tel Aviv, Israel (1994)

· Thông tin Di động, GS Huỳnh Hữu Tuệ (1994)

Viễn thông quốc tế, GS Drew O.McDaniel, ĐH Ohio, USA (1995)

Sau khi thành lập khoa, tôi thống nhất với GS Phan Anh là mỗi khi có giáo sư quốc tế vào thì tổ chức giảng ngay tại khoa, từ đó các xêmina và lớp chuyên đề về thông tin vệ tinh, ứng dụng điện từ trường trong công nghiệp, xử lý mù tín hiệu, công nghệ truyền thông đa sóng mang, theo thứ tự do TS Nastar (Alcatel), GS Merignac (ĐH Cambridge), GS Zhenya He (ĐH Đông nam, TQ), GS Đào Trọng Tích (Hoa kỳ) và GS VS Maurice Bellanger (CNAM, Pháp) cùng một số tutorial khác do GS Nguyễn Đình Thông (ĐH Tasmania, Australia) giảng, lần lượt được tổ chức tại khoa. Thông qua các đầu mối này khoa đã xây dựng được quan hệ hợp tác với CNAM, Đại học Đông Nam, và mời các GS Huỳnh Hữu Tuệ, Nguyễn Đình Thông, TS Lê Duyên Bình làm giáo sư thỉnh giảng, giúp bồi dưỡng các cán bộ trẻ. Cũng qua các mối quan hệ này khoa gửi được một số cán bộ ra nước ngoài thực tập khoa học, thực tập sau TS, quan hệ với CNAM có hiệu quả quý giá nhất là đã mở ra cho khoa một hướng nghiên cứu mới là truyền thông đa sóng mang.

Tất nhiên là trong thời kỳ sau này ở khoa Công nghệ, khoa còn phát triển những mối quan hệ quốc tế khác, nhưng nhìn vào thực tế hiện tại, hình như những “mối tình đầu từ thuở ấy” vẫn là mặn nồng và đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn cả.

3. Tre già, măng mọc

Lớp thầy lớn tuổi (2 GS, 5 PGS) xây dựng khoa từ đầu, nay đã hưởng chế độ hưu trí hết. Ngay từ những năm mới thành lập, chi bộ khoa đã sớm chuẩn bị các lớp cán bộ cho cuộc “chạy tiếp sức”. Mười năm vừa qua, lớp giảng viên trung niên thêm 2 vị được phong PGS, 3 vị nhận bằng TS. Số lượng không nhiều, nhưng thuộc các lớp tuổi khác nhau, là lực lượng quý để đảm bảo sự chuyển giao thế hệ không tiến hành theo phương thức xung-số, xung trước từ 1 tụt thẳng xuống 0, xung sau từ 0 nhảy ngay lên 1. Đây cũng là nguồn bổ sung cán bộ quản lý cho khoa và trường.

Lớp “măng” mà chi bộ và khoa lựa chọn từ những khoá sinh viên đầu tiên ra trường, qua tích cực bồi dưỡng và tự thân phấn đấu, nay đã có ít nhiều kinh nghiệm công tác, có học vị thạc sỹ, một số đã được gửi đi thực tập ngoài nước, số lớn được các GS trong và ngoài nước hướng dẫn làm NCKH, tiếp cận được những hướng phát triển mới của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

2006 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập ĐHBK HN và ĐHTH HN. Nửa thế kỷ đã qua đi, ngẫm lại cuộc đời làm thầy trong cái ngành này là luôn luôn phải đối mặt với những thách thức mới. Với bửu bối “học, học nữa, học mãi” các thầy đã không ngừng tự cập nhật kiến thức, quyết đi trọn con đường đã chọn. Mong rằng các em của thế hệ “măng” cũng sẽ dũng cảm tiếp bước trên con đường vẻ vang nhưng không mấy dễ dàng này.

 GS. Nguyễn Văn Ngọ - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   |