Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại - Khoa Lịch sử
Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại được hình thành cùng với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956. GS., NGND, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu là người trực tiếp xây dựng Bộ môn từ những ngày đầu tiên.

I. VỀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ GIẢNG DẠY

Từ nhiều nguồn khác nhau- những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Sư phạm Hà Nội và các khoá đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội - đã hình thành nên đội ngũ cán bộ đầu tiên. Hiện nay, những nhà giáo trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết ngày xưa, người còn người mất, nhưng những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp trồng người của đất nước vẫn mãi được trân trọng và khắc ghi. Các thế hệ học trò luôn tự hào và nhớ về những người thầy đáng kính của Bộ môn như GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Kiều Xuân Bá, GS.TS Trịnh Nhu, các PGS. Lê Mậu Hãn, Hồ Sỹ Khoách (đã mất), Hoàng Văn Lân, Vũ Văn Bân, Nguyễn Văn Thư, các thầy Đặng Huy Vận (đã mất), Lê Đình Liễn, Nguyễn Văn Sự, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Chép,…

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển của đất nước, một số thầy thuộc thế hệ đầu tiên đã chuyển đến công tác tại các cơ quan khác. Thầy Kiều Xuân Bá chuyển lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Các thầy Hồ Sỹ Khoách, Lê Đình Liễn tạm biệt Bộ môn, lên đường vào Nam sau ngày đất nước thống nhất, để đến với các trường Đại học Tổng hợp Huế, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy Lê Mậu Hãn đảm nhận trọng trách xây dựng Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng trước sự thiếu hụt cán bộ giảng dạy, Bộ môn đã bổ sung thêm một lớp cán bộ trẻ mới, gồm các thầy cô như Đỗ Quang Hưng, Phùng Hữu Phú, Trương Thị Tiến, Đặng Hồng Hạnh, Nguyễn Văn Khánh, Lê Công Hưng, Phạm Xanh. Đây được coi là thế hệ giáo viên thứ hai của Bộ môn. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một số thầy đã đến tuổi về hưu và chuyển công tác khác. Bộ môn đã bổ sung thêm các thầy Bùi Đình Phong, Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Thanh Tĩnh, Phạm Hồng Tung và Nguyễn Văn Sửu vào đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đây được xem là thế hệ thứ ba của Bộ môn. Sang thiên niên kỷ mới, trước sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên vì một số thầy đã chuyển công tác, Bộ môn được tăng cường thêm hai cán bộ trẻ là Trần Viết Nghĩa và Trương Thị Bích Hạnh. Bộ môn đang tích cực tìm kiếm những sinh viên giỏi, có tâm huyết với nghề để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận. Lớp giáo viên trẻ thuộc thế hệ thứ tư đang được hình thành.

Đoàn hợp tác nghiên cứu Khoa Lịch sử (ĐHKHXH&NV) và ĐH Nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) tại Hội An.

Như vậy, sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Bộ môn đã có hàng chục thầy cô cùng góp công sức, trí tuệ và tâm huyết vì sự phát triển của Bộ môn và vì sinh viên thân yêu. Trong khoảng thời gian đó, Bộ môn đã được sự dẫn dắt của các Chủ nhiệm như GS. Đinh Xuân Lâm, GS.TS Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Nguyễn Văn Thư, và bây giờ là PGS.TS Phạm Xanh.

Hiện nay, Bộ môn có 5 thành viên chính thức, trong đó có 3 Phó giáo sư, Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ (hiện đang theo học chương trình nghiên cứu sinh Sử học) và 1 Cử nhân (hiện đang theo học chương trình thạc sĩ Sử học).

Điểm nổi bật của Bộ môn trong nửa thế kỷ qua là những cán bộ trưởng thành từ đây đã trở thành hạt nhân, hay cán bộ nòng cốt của nhiều trường, nhiều viện nghiên cứu khoa học như PGS. Hoàng Văn Lân (Đại học Vinh), Lê Đình Liễn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Huế), PGS. Hồ Sỹ Khoách (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), PGS. Vũ Văn Bân (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học, Bộ Công an), GS.TS Trịnh Nhu (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), GS.TS Phùng Hữu Phú (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương), GS.TS Đỗ Quang Hưng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo), PGS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Phạm Hồng Tung (Phó trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội),…

Với bề dày thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, các thành viên trong Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước: GS. Trần Văn Giàu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ và danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (GS. Trần Văn Giàu và GS. Đinh Xuân Lâm), 1 danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (GS.TS Phùng Hữu Phú), 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (GS. Đinh Xuân Lâm), 3 Huân chương Lao động hạng Ba (GS. Đinh Xuân Lâm, GS.TS Phùng Hữu Phú, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh), 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (PGS.TS Trương Thị Tiến), và nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với những thành tích trên, tập thể Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng của Đại học Quốc gia và của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trong Khoa Lịch sử, Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại luôn là Bộ môn có lực lượng đông đảo, có tiềm lực về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì thế đây là một địa chỉ đáng tin cậy cho sinh viên.

Bộ môn luôn tự hào về truyền thống đoàn kết, đùm bọc, tự lực vươn lên trong nghề nghiệp, được giới sử học thừa nhận là một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu có uy tín.

II. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Hoạt động đào tạo

Cán bộ Khoa Lịch sử và cán bộ Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến làm việc tại Trung Quốc

Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại đảm nhiệm hai chương trình cơ sở của Khoa Lịch sử: Lịch sử Việt Nam cận đại cho sinh viên năm thứ hai và Lịch sử Việt Nam hiện đại cho sinh viên năm thứ ba. Ngoài ra, Bộ môn còn đảm nhiệm chương trình chuyên ngành cho sinh viên năm thứ tư (năm cuối) và hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp cho sinh viên. Bộ môn còn đảm nhiệm chương trình lịch sử đại cương (Tiến trình lịch sử Việt Nam) cho sinh viên các khoa thuộc một nhóm ngành. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, Bộ môn còn đảm nhiệm chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của khoa và một số khoa khác trong trường. Số sinh viên theo học đại học và sau đại học của Bộ môn luôn đồng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ cao trong Khoa.

Bộ môn không chỉ đào tạo sinh viên trong nước mà còn góp phần đào tạo sinh viên nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Triều Tiên, Indonesia, Liên Xô, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hungari, Rumani,…

Cùng với việc giảng dạy tại trường, cán bộ của Bộ môn còn tham gia giảng dạy và đào tạo ở các trường thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường thuộc hệ thống trường Đảng cao cấp. Cán bộ của Bộ môn tham gia hướng dẫn luận án thạc sĩ, tiến sĩ sử học, với tư cách phản biện, thành viên hay chủ tịch các hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn trên cả nước.

Ngoài việc giảng dạy trong nước, một số cán bộ đã đi giảng dạy và trao đổi khoa học ở Mađagaxca, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ,…

2. Biên soạn giáo trình và nghiên cứu khoa học

Bên cạnh công tác giảng dạy, công tác biên soạn giáo trình đại học và sau đại học được Bộ môn rất chú trọng. Dưới sự chủ biên của GS. Trần Văn Giàu và sự cộng tác của Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Văn Sự bộ Lịch sử Việt Nam Cận đại (4 tập khổ lớn) được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành những năm 1960 - 1963. Đến nay giới sử học vẫn coi đó là bộ sách đầy đủ nhất, có chất lượng tốt trong các bộ giáo trình của Khoa Lịch sử. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, các cán bộ trong Bộ môn cùng với cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho ra mắt bạn đọc bộ giáo trình 2 tập Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2, tập 3), và cùng với Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, biên soạn tập giáo trình Tiến trình lịch sử Việt Nam cho sinh viên không chuyên lịch sử. Cùng với Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Bộ môn sắp cho ra mắt bạn đọc bộ giáo trình mới Lịch sự Việt Nam gồm 4 tập.

Ngoài các bộ giáo trình đồ sộ trên, các thành viên trong Bộ môn đã biên soạn các giáo trình chuyên đề dùng cho sinh viên đại học năm cuối, cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. Từ thập niên 90 đã lần lượt xuất bản các công trình sau:

- Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam (1921- 1930).

- Sự biến đổi cơ cấu kinh tế - xã hội thời Pháp thuộc.

- Sự biến đổi cơ cấu kinh tế - xã hội ở miền Bắc từ đầu năm 1954 đến năm 1975.

Những cuốn giáo trình trên không chỉ phục vụ việc học tập của sinh viên trong trường, mà còn là tài liệu tham khảo có giá trị cho các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong cả nước. Hiện nay, các thành viên của Bộ môn đang chuẩn bị cho một số bộ giáo trình lịch sử Việt Nam hoàn thiện hơn, tốt hơn và đầy đặn hơn.

Cùng với việc nghiên cứu trực tiếp để giảng dạy và viết giáo trình, vào thập kỷ trước, các thành viên trong Bộ môn, tuỳ thuộc vào uy tín nghề nghiệp của mình đã được thu hút vào các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước. Hầu hết các thành viên trong Bộ môn đã là chủ trì đề tài và là thành viên tham gia các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước sau đây:

- Tiểu sử khoa học Hồ Chí Minh.

- Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.

- Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng.

- Hệ thống chính trị ở Việt Nam.

- Chiến lược xây dựng con người.

- Các giá trị truyền thống của con người Việt Nam hiện nay.

- Thiết chế chính trị, xã hội nông thôn.

- Lịch sử Chính phủ.

- Lịch sử Việt Nam.

Và nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia, và cấp Trường. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đã được xã hội hoá một phần hay toàn phần, không còn tình trạng như trước là sản phẩm nghiên cứu được cất kín trong tủ.

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, các thành viên trong Bộ môn đã tích luỹ cho mình nhiều kiến thức, nhiều tài liệu, nhiều kinh nghiệm và những phương pháp lao động khoa học. Cùng với thời gian, các thành viên trong Bộ môn đã viết và công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Nếu thống kê đầy đủ thì con số đó phải là hơn 1000 công trình. Một số công trình tiêu biểu của các thành viên trong Bộ môn trong thời gian qua: Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, Giai cấp công nhân và Công hội đỏ, Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, Xô viết Nghệ Tĩnh, Tìm hiểu về tầng lớp trí thức, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam - lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh - dân tộc và thời đại, Góp phần tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ,…

Các thành viên trong Bộ môn đã tích cực tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế được tổ chức ở trong và ngoài nước như Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới tại Hà Nội năm 1990; Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh và phong trào cộng sản Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Passau, Cộng hoà liên bang Đức năm 1990; Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1998, Hội thảo quốc tế về Việt Nam trong thế kỷ XX tại Hà Nội năm 2000, Hội thảo về Điện Biên Phủ tại Paris năm 2003, Hội thảo EUROSEAS tại Paris năm 2004, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, Hội thảo quốc tế về kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội năm 2004, Hội thảo quốc tế về Việt Nam trong tiến trình thống nhất đổi mới và hội nhập quốc tế tại Hà Nội năm 2005, Hội thảo 30 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Australia năm 2005, Hội thảo quốc tế về quan hệ giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du tại Hà Nội năm 2005,…

III. BỘ MÔN LỊCH SỬ VIỆT NAM CẬN HIỆN ĐẠI HÔM NAY

Tại thư viện Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.

Hiện nay Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại có 5 cán bộ hưởng lương tại trường, 4 cán bộ kiêm nhiệm, đang trực tiếp đảm nhiệm 4 chương trình giảng dạy cho sinh viên đại học, 1 chương trình cho học viên cao học và nghiên cứu sinh, đồng thời đang triển khai nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, nhiều hướng khác nhau.

+ Những cán bộ chính thức của Bộ môn là:

1. PGS.TS Phạm Xanh, sinh năm 1943 tại Quảng Bình, Chủ nhiệm Bộ môn, Uỷ viên thường trực Hội đồng khoa học của Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Chuyên nghiên cứu về các phong trào chính trị, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước phương Tây từ cận đại đến nay, đồng thời quan tâm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về giai cấp tư sản Việt Nam thời cận đại.

2. PGS.TS Nguyễn Đình Lê, sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn. Chuyên nghiên cứu về các lực lượng xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân, về kinh tế nông nghiệp và nông thôn Việt Nam thời hiện đại.

3. PGS.TS Trương Thị Tiến, sinh năm 1952 tại Hưng Yên. Chuyên nghiên cứu về các lực lượng xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân, về kinh tế nông nghiệp và nông thôn Việt Nam thời hiện đại.

4. ThS Trần Viết Nghĩa, sinh năm 1977 tại Thái Bình, hiện đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh Sử học. Lĩnh vực nghiên cứu là về tư tưởng và văn hoá Việt Nam thời cận đại, trước mắt đang tập trung thực hiện đề tài luận án Tiến sĩ: “Trí thức Việt Nam đối diện với văn minh phương Tây thời Pháp thuộc”.

5. CN Trương Thị Bích Hạnh, sinh năm 1982 tại Hải Phòng, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Sử học. Lĩnh vực nghiên cứu là giai cấp tư sản Việt Nam, các tổ chức chính trị Việt Nam thời cận đại, hiện tại đang thực hiện đề tài luận văn Thạc sĩ: “Hoạt động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Hải Phòng 30 năm đầu thế kỷ XX”.

+ Những cán bộ kiêm nhiệm của Bộ môn là:

1. GS.TS Đỗ Quang Hưng, sinh năm 1946 tại Hà Nội. Hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu là tôn giáo, văn hoá, báo chí và những vấn đề cơ bản của lịch sử cận đại Việt Nam.

2. GVC Nguyễn Thanh Tĩnh, sinh năm 1954 tại Hà Tĩnh. Hiện đang công tác tại trường Đại học dân lập Đông Đô. Chuyên nghiên cứu và giảng dạy về cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, về các vấn đề ruộng đất, lịch sử nhà nước cách mạng, nông thôn Việt Nam thời hiện đại.

3. PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1955 tại Hải Dương. Hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyên nghiên cứu về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam Cận hiện đại, làng xã, và những vấn đề về trí thức Việt Nam.

4. PGS.TS Phạm Hồng Tung, sinh năm 1963 tại Hải Dương. Hiện là Phó trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyên nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám và ý thức dân tộc của những con người bình thường được đánh thức từ cuộc cách mạng đó.

Trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, cũng như các Bộ môn khác trong đại gia đình Khoa Lịch sử Anh hùng, Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại đang đứng trước những cơ hội tốt đẹp và những thử thách đầy khó khăn. Để có thể tiếp nối bề dày truyền thống của Bộ môn, tiếp tục vươn tới nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới hôm nay, tập thể Bộ môn xác định lấy truyền thống làm động lực phát triển, đoàn kết và phát huy cao độ sức mạnh tập thể, phát huy năng lực của mỗi thành viên, chủ động và sáng tạo trong công việc, và nhạy bén trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại đã có những đóng góp không nhỏ vào truyền thống vẻ vang và tự hào của Khoa Lịch sử. Trong những bước đi sắp tới, chắc chắn Bộ môn sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, góp phần làm rạng danh Khoa Lịch sử anh hùng.

 PGS.TS Phạm Xanh - Chủ nhiệm Bộ môn
VNUnews (Theo: Khoa Lịch sử - nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006))
Ảnh: TL và Lưu Mai - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   |