Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Bộ môn Lịch sử thế giới trong hành trình 50 năm Khoa Lịch sử
Ba năm sau khi Khoa Lịch sử được thành lập (14-9-1956), Bộ môn Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) là một trong những bộ môn đầu tiên được thành thành lập của Khoa. Kể từ mùa Thu năm 1959 đến nay, Bộ môn đã trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển.

I. TỪ NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN

Ngày mới thành lập, Bộ môn Lịch sử thế giới - Khoa Lịch sử, do GS. Phạm Huy Thông trực tiếp phụ trách. Từ năm 1959, do yêu cầu về đào tạo và tổ chức, hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp bắt đầu tách riêng, các cán bộ giảng dạy Lịch sử thế giới chuyển về Đại học Sư phạm. Trong hoàn cảnh đó, từ mái trường Đại học Tổng hợp, một số sinh viên tốt nghiệp khoá I như các thầy: Vũ Dương Ninh, Trần Cự Khu, Tạ Đình Đồng, Tạ Văn Thành, Hoàng Bá Sách, Trần Xuân Cầu, Nguyễn Thị Bích và sau đó là các thầy: Phạm Việt Trung, Đỗ Văn Nhung... đã được Nhà trường giữ lại để xây dựng Bộ môn. GS. Trần Văn Giàu, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử cũng đã từng đồng thời đảm đương cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử thế giới.

Cán bộ Bộ môn Lịch sử Thế giới, Khoa Lịch sử.

Những năm đầu sau khi hoà bình lập lại, Lịch sử thế giới còn là một môn học mới, tài liệu tham khảo không nhiều, đội ngũ cán bộ lại hầu hết là lớp giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng do được sự chỉ đạo sâu sát của GS. Trần Văn Giàu, với tinh thần hăng say của tuổi trẻ, với quyết tâm vượt mọi khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên chỉ sau một thời gian tương đối ngắn các cán bộ của Bộ môn đã thực sự trưởng thành về mọi mặt và đã hoàn thành được phần bài giảng của mình. Trong thời gian đó, hàng tuần các thầy: Phạm Huy Thông, Chiêm Tế, Lê Văn Sáu, Phạm Gia Hải... vẫn đến dạy một số buổi cho sinh viên trong Khoa. Tương tự như vậy, các thầy ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam của Trường Đại học Tổng hợp cũng sang giảng dạy cho sinh viên Sư phạm. Sự cộng tác chặt chẽ đó đã mang lại những kết quả rất tích cực cho công tác đào tạo của cả hai trường trong những năm đầu mới thành lập.

Sau một thời gian phấn đấu xây dựng, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Bộ môn Lịch sử thế giới đã được bổ sung thêm từ các nguồn đào tạo trong nước và ngoài nước. Vào đầu thập kỷ 60, một số nhà giáo như: Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Công Sử... tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh trở về nước và đã sớm tham gia công tác ở Bộ môn. Tiếp theo là thầy Hồ Gia Hường từ CHDC Đức về và thầy Hoàng Điệp tốt nghiệp ở Khoa được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Khả năng nghiên cứu theo hướng các vùng và khu vực văn hoá bắt đầu được thực hiện. Bên cạnh đó, phạm vi giảng dạy của Bộ môn cũng được mở rộng hơn trước. Nhiều thầy giáo của Bộ môn đã sử dụng tốt ngoại ngữ trong công tác chuyên môn. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, tình cảm thân ái thấm đượm tình đồng nghiệp, đồng chí giữa các thành viên trong Bộ môn đã tạo nên không khí phấn khởi, quyết tâm vươn lên vì sự nghiệp khoa học.

Đến năm 1962, do yêu cầu về nhân sự, một số thành viên của Bộ môn đã chuyển công tác sang cơ quan khác. Đội ngũ cán bộ giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, do những biến động của tình hình quốc tế nên khả năng đi trao đổi, hợp tác khoa học của cán bộ trong Khoa, Bộ môn với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa gặp nhiều trở ngại. Cũng chính trong thời điểm khó khăn đó, có một sự kiện đáng ghi nhớ. Năm 1962, Bộ môn đã được bổ sung thêm một cán bộ trẻ, đó là nhà giáo Ca Lê Hiến. Vốn là một sinh viên xuất sắc, sau khi về Bộ môn, được phân công giảng dạy phần lịch sử Hy Lạp - La Mã, Ca Lê Hiến đã thành công ngay từ những bài giảng đầu tiên. Sau ít năm công tác, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Anh là một trong những lớp người đầu tiên hăng hái tình nguyện xung phong đi chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Ngoài tư chất của một thầy giáo - chiến sĩ, với bút danh Lê Anh Xuân, những bài thơ của Ca Lê Hiến từ chiến trường gửi về đã thể hiện rõ một tài năng thi ca và niềm khát khao cống hiến của lớp trẻ cho sự trường tồn và nền độc lập của dân tộc. Tin Anh hy sinh ở ven thành Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 mãi mãi để lại niềm tiếc thương cho nhiều thế hệ học trò và bạn bè đồng nghiệp.

Trong những năm 1960, cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trường Đại học Tổng hợp đã lên đường đi sơ tán. Khoa Lịch sử đóng tại làng Vạn Thọ, huyện Đại Từ, Bắc Thái. Những năm tháng gian khổ, chặt cây dựng lán, thầy - trò cùng chung nhau bát cơm sắn, cùng chia sẻ buồn vui khi nhận được tin nhà... đã trở thành kỷ niệm sâu sắc của nhiều lớp sinh viên sau khi ra trường. Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, Bộ môn Lịch sử thế giới vẫn cố gắng xây dựng và giữ vững nề nếp giảng dạy và học tập. Với phương châm Cơ bản - Hiện đại - Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của giới nghiên cứu quốc tế, các thầy giáo của Bộ môn đã hoàn thành việc biên soạn chương trình giảng dạy về Lịch sử thế giới. Trên cơ sở chương trình mới, ngay trong điều kiện chiến tranh, việc biên soạn giáo trình vẫn được đặt ra như một trọng tâm công tác của Bộ môn. Dưới bom thù và tầm đại bác giặc, trên những chiếc bàn tre mộc mạc, dưới ánh đèn dầu không đủ sáng... những trang giáo trình vẫn được thầm lặng biên soạn với tinh thần trách nhiệm và một tấm lòng tâm huyết với trò, với nghề. Nhờ đó nên năm 1973, khi Trường trở về Hà Nội, bộ giáo trình Lịch sử thế giới gồm nhiều tập từ cổ đại đến hiện đại đã được xuất bản với khổ lớn. Đây là bộ giáo trình đầu tiên, thực sự đánh dấu một chặng đường phát triển về nghiên cứu và giảng dạy của Bộ môn. Sau này, chương trình và các bộ giáo trình do Bộ môn biên soạn đã được coi là những bộ giáo trình chuẩn, sử dụng rộng rãi trong nhiều trường đại học trên cả nước.

Tại một giờ học của học viên cao học Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV. Ảnh: Lưu Mai

Ngoài việc tham gia các hoạt động khoa học chung của toàn Khoa, từ đầu những năm 70, Bộ môn đã chủ động đứng ra tổ chức một số hội thảo khoa học như: Hội nghị khoa học kỷ niệm 100 năm Công xã ParisHội nghị khoa học về Đông Nam Á. Các báo cáo tham gia hội nghị đã được chọn và xuất bản trong các số Thông báo khoa học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Qua các hoạt động khoa học đó, yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu ngày càng được Bộ môn khẳng định là một định hướng đúng đắn. Nghiên cứu tốt sẽ góp phần làm cho bài giảng thêm phong phú và có chiều sâu.

Giữa những năm 1960, Bộ môn Lịch sử thế giới do thầy Đặng Xuân Huy lãnh đạo. Là một đảng viên nhiều tuổi, điềm đạm, thân ái, thầy Huy được tập thể Khoa quý mến. Trong thời gian này, lực lượng của Bộ môn được tăng cường thêm một số cán bộ được đào tạo cả trong và ngoài nước. Đó là các thầy, cô: Lê Xuân Tùng, Nguyễn Quốc Hùng, Võ Mai Bạch Tuyết. Hoạt động của Bộ môn như có thêm sinh lực mới nhờ tinh thần khoa học nghiêm túc, luôn nhiệt tình với công việc chung của tất cả các thành viên mới tham gia Bộ môn.

Sau khi đất nước thống nhất, với tinh thần sẵn sàng chi viện cho các trường đại học phía Nam, một số cán bộ Khoa Lịch sử đã lên đường vào công tác tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong những năm đầu, Bộ môn đã cử nhiều đợt cán bộ đi giảng dạy ở các trường đại học thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Đến những năm 1980, ba cán bộ của Bộ môn: Đỗ Văn Nhung, Võ Mai Bạch Tuyết, Nguyễn Gia Phu và nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử thế giới chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt... công tác. Các thầy, cô giáo và lực lượng cán bộ trẻ đó đã hỗ trợ một cách tích cực vào việc xây dựng, phát triển ngành Lịch sử thế giới cũng như một số ngành chuyên môn khác ở các trường đại học phía Nam. Nhưng cũng trong thời gian này, Bộ môn phải chịu đựng hai mất mát lớn. Đó là sự ra đi của thầy Hồ Gia Hường năm 1976 do một căn bệnh hiểm nghèo. Năm sau, thầy Hoàng Điệp cũng qua đời trong một tai nạn giông bão. Là những nhà sư phạm đức độ, mẫu mực, các thầy luôn được học trò kính trọng, đồng nghiệp quý mến, tin cậy.

Từ cuối những năm 1970, đội ngũ cán bộ của Bộ môn lại được bổ sung thêm từ nguồn đào tạo ở Liên Xô, đó là các thầy: Lê Khắc Thành, Nguyễn Ngọc Đào và những người tốt nghiệp trong nước: Đỗ Đình Hãng, Đặng Xuân Kháng, Nguyễn Văn Ánh, Chu Tiến Đức, Đinh Trung Kiên, Trần Văn La... Trong số đó có nhiều người từ chiến trường trở về. Đó là một lực lượng được đào tạo hệ thống, tâm huyết với nghề, một số người nay đã tham gia công tác quản lý ở Trường, lãnh đạo các khoa, cơ quan khoa học. Đến những năm tiếp theo, một số cán bộ trẻ như: Nguyễn Văn Kim, Lý Tường Vân, Trần Thiện Thanh, Phạm Văn Thuỷ... được tiếp tục giữ lại giảng dạy ở Bộ môn.

Sau khi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập, với chủ trương sắp xếp lại tổ chức, Nhà trường đã thành lập thêm một số khoa mới như: Đông Phương học, Quốc tế học, Du lịch học... đội ngũ các nhà khoa học vốn được đào tạo và trưởng thành từ Bộ môn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng các khoa mới. Nhưng cũng vì thế mà số lượng cán bộ của Bộ môn bị phân tán, lực lượng cán bộ có kinh nghiệm và trình độ bị thiếu hụt. Đây có thể coi là thời kỳ hết sức khó khăn của Bộ môn. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ và chỉ đạo của Ban chủ nhiệm Khoa và Nhà trường, với chủ trương mở rộng liên thông trong đào tạo cùng những nỗ lực vượt bậc của từng thành viên, Bộ môn đã từng bước đi vào ổn định hoàn thành xuất sắc những công việc được giao phó. Bộ môn đã mời thêm GS. Lương Ninh, chuyên gia về Lịch sử thế giới cổ - trung đại, làm giảng viên kiêm nhiệm. Hiện nay, Bộ môn có 11 thành viên (bao gồm cả giảng viên kiêm nhiệm): 2 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, 2 Thạc sĩ đồng thời là nghiên cứu sinh, 1 Giảng viên chính và 2 cán bộ trẻ hiện đang theo học chương trình thạc sĩ. Tính đến nay, Bộ môn đã có 1 Nhà giáo Nhân dân, 3 Nhà giáo ưu tú, trong đó có một số thầy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, theo yêu cầu chuyên môn cụ thể, Bộ môn còn mời một số chuyên gia ở trong và ngoài trường tham gia vào công tác đào tạo, nghiên cứu.

Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Bộ môn Lịch sử thế giới - Khoa Lịch sử trân trọng ghi nhận công lao và cống hiến của tất cả các thầy, các cán bộ đã từng tham gia công tác ở Bộ môn, đặc biệt là những đóng góp hết sức quý báu của các thầy: Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Gia Phu... Các thầy đã đem hết sự nhiệt tình trí tuệ và sự nghiệp khoa học của mình cống hiến cho sự phát triển Bộ môn trên cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu khoa học.

I. ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong những năm 1980, nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo không ngừng tăng lên. Bộ giáo trình Lịch sử thế giới do Bộ môn biên soạn trước đây đã được hiệu chỉnh, sửa chữa và trở thành giáo trình giảng dạy chung trong các trường đại học tổng hợp của cả nước. Một số tập được bằng khen của Bộ. Thành tựu đó cho thấy, việc coi trọng công tác biên soạn giáo trình, không ngừng đổi mới, cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy là một nhu cầu bức thiết, thường xuyên của trường đại học.

Trong thời gian đó, các cán bộ của Bộ môn của chủ động, tích cực tham gia vào những hoạt động khoa học cả trong và ngoài Trường. Nhiều bài nghiên cứu đã được đăng trong các kỷ yếu khoa học nhân dịp 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1984), 40 năm chiến thắng phát xít (1945-1985), 200 năm Cách mạng Pháp (1789-1989), 30 năm Cách mạng Cu Ba (1959-1989), 100 năm ngày sinh J. Nehru (1889-1989)... Cuốn Khoa Lịch sử nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006) là sự thể hiện tương đối đầy đủ những đóng góp khoa học của Bộ môn kể từ khi thành lập.

Với chức năng là một đơn vị khoa học cơ bản đầu ngành, trong suốt một thời gian dài, Bộ môn Lịch sử thế giới là một trong số ít các cơ sở trên cả nước đào tạo chuyên ngành Lịch sử thế giới theo 3 cấp: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Những thành tựu trong công tác đào tạo đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục của đất nước cũng như công tác giảng dạy, nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn nói chung và Lịch sử thế giới nói riêng.

Lịch sử thế giới là một môn học cơ bản trong chương trình đào tạo của Khoa Lịch sử nên trong gần 50 năm qua, cùng với các bộ môn khác trong Khoa, chương trình giảng dạy của Bộ môn nhằm trang bị cho sinh viên một khối lượng kiến thức phong phú và hệ thống về lịch sử dân tộc và cũng như lịch sử kinh tế, chính trị và văn hoá thế giới. Bộ môn đã tiến hành giảng dạy cho tất cả các khoá sinh viên Khoa Lịch sử trong 3 năm đầu. Sau đó, đảm nhận trách nhiệm giảng chuyên đề cho những sinh viên vào học tại chuyên ban Lịch sử thế giới ở năm cuối. Tính đến nay, đã có trên 500 cử nhân sử học là sinh viên tốt nghiệp chuyên ban Lịch sử thế giới (trong số đó có một số sinh viên của Nga, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản...). Lực lượng đó đã và đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, các bộ phận đối ngoại ở trung ương và địa phương. Một số cán bộ và sinh viên trưởng thành từ Bộ môn đã và đang đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm, chương trình môn học Lịch sử thế giới ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, chương trình đã được xây dựng bao gồm 2 giai đoạn: Khối kiến thức chung gồm 5 học kỳ và chương trình chuyên ngành gồm 3 học kỳ. Đồng thời, Bộ môn còn xây dựng 2 chương trình về Lịch sử văn minh nhân loại Lịch sử quan hệ quốc tế. Các chương trình này đều đã được giảng dạy cho sinh viên nhiều khoa ở trong và ngoài Trường và đã thu được những kết quả tốt đẹp. Để đáp ứng nhu cầu học tập, khuyến khích tinh thần tự học, tự đi sâu tìm hiểu các vấn đề khoa học của sinh viên, Bộ môn đã hoàn thành việc biên soạn một bộ giáo trình hoàn chỉnh về Lịch sử thế giới gồm: Lịch sử thế giới cổ đại; Lịch sử thế giới trung đại; Lịch sử thế giới cận đại; Lịch sử thế giới hiện đại; và một cuốn giáo trình về: Lịch sử văn minh thế giới. Những bộ giáo trình trên đều đã được sửa chữa và tái bản nhiều lần, phục vụ việc học tập của sinh viên và là nguồn tài liệu tham khảo của cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy ngành Lịch sử thế giới trên phạm vi cả nước. Việc coi trọng công tác biên soạn giáo trình, không ngừng đổi mới, cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy, nghiên cứu là một thành tích nổi bật của Bộ môn trong những thập kỷ qua.

Cùng với việc giảng dạy khối kiến thức chung về Lịch sử thế giới, hiện nay Bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy các chương trình về: Lịch sử văn minh thế giới, Lịch sử quan hệ quốc tế, Lịch sử các học thuyết chính trị và pháp lý thế giới, Lịch sử nhà nước và pháp luật... và một số chuyên đề cho các khoa trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội; các cơ quan khoa học và trường đại học như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Khoa học Huế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Luật, Đại học Vinh, Học viện Ngoại giao, Đại học Văn hoá... Bên cạnh đó, các cán bộ khoa học của Bộ môn còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình và sách tham khảo chuyên môn khác cho nhiều cấp học. Trong gần nửa thế kỷ qua, các cán bộ của Bộ môn còn tích cực tham gia nhiều công tác như: giảng dạy, làm chuyên gia giảng dạy ở Đại học Madagascar, Đại học Humboldt (CHDC Đức)... và đi thuyết trình, trao đổi khoa học tại các trường đại học ở Pháp, Đức, Hà Lan, Thuỵ Điển, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore...; biên soạn và thẩm định giáo trình Đại học, sách giáo khoa Trung học phổ thông, góp phần xây dựng chương trình giáo dục ở các trường phổ thông; cộng tác với các cơ quan nghiên cứu như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Nghiên cứu Bắc Mỹ... để phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu và đào tạo ở bậc sau đại học; tham gia xây dựng những môn học mới, ngành khoa học mới như: Bộ môn Khoa học chính trị, Khoa Đông phương học, Khoa Quốc tế học, Khoa Du lịch học... của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 1990, Bộ môn bắt đầu tham gia đào tạo trên đại học. Bộ môn Lịch sử thế giới là cơ sở đầu tiên trên cả nước đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành Lịch sử thế giới và được đánh giá là một trung tâm đào tạo sau đại học có uy tín. Đến nay, đã có 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ và Tiến sĩ. 6 nghiên cứu sinh của Bộ môn đang chuẩn bị hoàn thành luận án tiến sĩ. Đội ngũ các nhà khoa học trong Bộ môn cũng đã hướng dẫn trên 30 thạc sĩ bảo vệ thành công luận văn. Ngoài ra, các giáo sư, cán bộ của Bộ môn còn tham gia hướng dẫn và góp phần đào tạo 23 nghiên cứu sinh của các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và nhiều trường đại học trên cả nước. Có thể nói, những kết quả về đào tạo sau đại học là một trong những thành tựu nổi bật của Bộ môn.

Xuất phát từ quan điểm coi trọng công tác nghiên cứu trong môi trường đại học, gắn bó chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, đội ngũ các nhà giáo trong Bộ môn đã dành nhiều tâm huyết để biên soạn các bộ sách tham khảo và chuyên khảo. Nhiều công trình khoa học do cán bộ của Bộ môn biên soạn đã được xuất bản, phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và bạn đọc nói chung. Tính riêng trong những năm gần đây đã xuất bản: 1. Những nền văn minh rực rỡ cổ xưa (3 tập); 2. Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới; 3. Lịch sử các học thuyết chính trị và pháp lý thế giới; 4. Liên hiệp quốc; 5. Một số chuyên đề về lịch sử thế giới; 6. Lịch sử Liên xô; 7. Lược sử Liên bang Nga 1917-1991; 8. Các nước Nam Thái Bình Dương; 9. Ấn Độ hôm qua và ngày nay; 10. Lịch sử Ấn Độ; 11. Lịch sử vương quốc Chămpa; 12. Vương quốc Phù Nam - Lịch sử và văn hoá; 13. Hàn Quốc: Lịch sử - Văn hoá; 14. Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa: Nguyên nhân và hệ quả; 15. Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV-XVII; 16. Nhật Bản với châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội; 17. Lịch sử giáo dục thời Minh trị Duy tân; 18. Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại; 19. Đông Nam Á - Tháng Tám năm 1945; 20. Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam; 21. Các nước ASEAN; 22. Quan hệ Nhật - Pháp ở Đông Dương 1940-1945; 23. Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam; 24. Lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai; 25. Sự thất bại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai; 26. Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ quốc tế... Hiện nay, Bộ môn đang chuẩn bị hoàn thành bản thảo để xuất bản 3 công trình: Một số chuyên đề về lịch sử thế giới (tập II), Phong trào cải cách ở một số quốc gia Đông Á; Đông Nam Á và sự hội nhập của Việt Nam với khu vực. Ngoài ra, một số công trình chuyên khảo khác cũng đang được biên soạn để xuất bản trong những năm tới.

Điều đáng chú ý là, không ít công trình nghiên cứu do Bộ môn chủ trì đã tập trung được năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, quan hệ quốc tế tại các trường đại học trong nước, quốc tế. Đội ngũ khoa học của Bộ môn đã chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước sau: Đề tài khoa học cấp Nhà nước về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Đề tài khoa học cấp Nhà nước về vấn đề biên giới Tây - Nam; Tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghiên cứu về các hệ thống chính trị thế giới; Đề tài khoa học cấp Nhà nước về các giá trị truyền thống của con người Việt Nam hiện nay; Đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu về thiết chế chính trị - xã hội nông thôn ở các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á...

Trên các tạp chí khoa học như: Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Đảng, Lịch sử Quân sự, Nghiên cứu Đông Bắc Á, Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Quốc tế, Nghiên cứu châu Âu, Tạp chí Cộng sản, Thông tin Khoa học Xã hội, Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội... đã đăng nhiều bài nghiên cứu của các cán bộ khoa học của Bộ môn. Cho đến nay, đã có trên 400 công trình khoa học gồm: sách, giáo trình, báo cáo khoa học do các cán bộ của Bộ môn thực hiện đã được xuất bản trong các kỷ yếu, tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Trong quá trình hoạt động chuyên môn, đội ngũ cán bộ khoa học của Bộ môn đã tham gia nhiều hội thảo khoa học được tổ chức ở trong nước và quốc tế như: Hội thảo khoa học của các nhà sử học châu Á tổ chức ở Hồng Kông và Tokyo; Hội thảo về Việt Nam học tổ chức ở Paris (Pháp); ở Amsterdam (Hà Lan); Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học (lần thứ I,1998) và lần thứ hai (2004); Hội thảo về Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ (1999); Hội thảo quốc gia Việt Nam trong thế kỷ XX (2000). Một số Hội thảo Quốc tế về Đông Nam Á và các nước ASEAN (1995-2000); Hội thảo về Nghiên cứu Nhật Bản tại khu vực Đông Á (Thái Lan,3-2000); Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại (2003); Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại (2004); Việt Nam trong tiến trình đấu tranh thống nhất - Đổi mới và hội nhập (2005); Quan hệ văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản và 100 năm Phong trào Đông Du (2005) v.v...

Trong khuôn khổ hợp tác khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu quốc tế, nhiều cán bộ của Bộ môn đã tham gia và có nhiều đóng góp tích cực. Có thể kể đến các chương trình như: Chương trình VH26 hợp tác khoa học với Đại học Amsterdam, Hà Lan; Chương trình Nghiên cứu về Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá), Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Tây); Chương trình khảo sát, nghiên cứu những chuyển biến kinh tế - xã hội ở vùng châu thổ sông Hồng; Chương trình nghiên cứu về sự biến đổi của Thăng Long - Hà Nội qua các di tích lịch sử - văn hoá...

Sự tham gia của các cán bộ khoa học Bộ môn Lịch sử thế giới vào các hoạt động khoa học nói trên đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, tiêu biểu của lịch sử - văn hoá Việt Nam. Mặt khác, những hoạt động khoa học đó cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như nhận thức của thế giới trong đó có các nhà khoa học quốc tế về công cuộc và những thành tựu Đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Thông qua các hoạt động khoa học đó, bằng những công trình nghiên cứu và thành tự khoa học của mình, các giáo sư, nhà nghiên cứu của Bộ môn cũng đã có những đóng góp nhất định trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử khu vực cũng như lịch sử - văn hoá và con đường phát triển đặc thù của một số dân tộc châu Á.

III. NHỮNG MỤC TIÊU SẮP TỚI

- Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong công tác đào tạo của những thập kỷ qua, toàn thể Bộ môn cố gắng phấn đấu để xây dựng Bộ môn thành một Tập thể khoa học mạnh, với những bước đi căn bản nhằm nâng cao năng lực đào tạo đại học và sau đại học, coi đào tạo đại học là nền tảng vững chắc để phát triển đào tạo sau đại học, tạo đà cho sự vươn lên của những nhà nghiên cứu trẻ có thể tiếp tục học tập và sớm đạt trình độ học thuật cao. Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ môn chủ trương gắn bó mật thiết chương trình đào tạo của mình với những hoạt động chung của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội; tiếp tục tranh thủ kinh nghiệm và nguồn lực trí tuệ của “Thế hệ khai sáng”; mở cửa đón nhận một số chuyên gia trong nước, quốc tế đến giảng dạy tại Bộ môn; tiếp tục hoàn thiện, cập nhật hệ thống giáo trình, sách và tài liệu tham khảo; đa phương hoá các quan điểm học thuật với mục tiêu trọng tâm là rèn luyện bản lĩnh khoa học và năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu cho người học.

- Bằng việc tích luỹ những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn hoạt động khoa học gần nửa thế kỷ qua, tập thể Bộ môn đã xác định rõ phương châm: Nghiên cứu lịch sử thế giới phải xuất phát từ vị thế của Việt Nam, đặt trong mối liên hệ và vì lợi ích của Việt Nam. Như vậy, trong những thập kỷ tới Bộ môn sẽ tập trung vào việc nghiên cứu hai khu vực Địa - văn hoá, Địa - chính trị - kinh tế là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, nhằm khảo cứu những đặc tính lịch sử, thể chế nhà nước cũng như truyền thống quan hệ bang giao, hợp tác, hội nhập giữa các quốc gia, trung tâm văn hoá khu vực đồng thời coi trọng tác động của những nhân tố quốc tế đặc biệt là vai trò của các nước lớn đối sự phát triển và bảo đảm an ninh khu vực Đông Á.

- Những năm gần đây, theo định hướng khoa học mà Hội đồng Khoa học Khoa Lịch sử và Ban Chủ nhiệm Khoa đã đề ra, căn cứ vào nhu cầu phát triển đất nước và xu thế quan hệ quốc tế trong thời gian tới, cùng với việc cố gắng bảo đảm tính cân đối giữa các chương trình nghiên cứu, giảng dạy được phân công và phối hợp với một số Bộ môn trong Khoa và một số đơn vị khác để nghiên cứu về một số thành thị tiêu biểu, về quá trình khai phá và xác lập chủ quyền ở vùng Nam Bộ, về giao lưu và hội nhập văn hoá, về con đường phát triển đặc thù của Việt Nam... Hiện nay, Bộ môn Lịch sử thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu về biển và cố gắng xây dựng Bộ môn thành một trung tâm nghiên cứu về quan hệ bang giao và thương mại trên biển tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Định hướng nghiên cứu này còn nhằm hướng đến những nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về môi trường kinh tế biển, truyền thống khai thác biển, ý thức về chủ quyền trên biển và quá trình xác lập phạm vi lãnh hải của dân tộc ta trong lịch sử. Một định hướng nghiên cứu thể hiện quan điểm khu vực đã và đang đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.

Như vậy, trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử đã không ngừng phấn đấu vươn lên, có những đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như sự nghiệp giáo dục của cả nước. Nhìn lại chăng đường đã qua, vì những mục tiêu khoa học trong tương lai, mỗi thành viên của Bộ môn đã và đang ý thức đầy đủ nhất về trách nhiệm của mình, nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và học thuật, mở rộng quan hệ hợp tác mà trước hết là phát huy thế mạnh Liên ngành Đa ngành vốn có của Nhà trường và Khoa đồng thời tranh thủ nguồn lực tri thức, sự ủng hộ và những điều kiện cần thiết khác của Nhà trường và Đại học Quốc gia Hà Nội..., thực hiện thành công những nhiệm vụ và định hướng trong nghiên cứu, đào tạo.

 Bài viết của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim - Chủ nhiệm Bộ môn
VNUnews (Theo: Khoa Lịch sử - nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006))
Ảnh: TL và Lưu Mai
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   |