Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Bộ môn Khảo cổ học
50 năm không ngừng phấn đấu vươn lên, cần mẫn, say mê trong giảng dạy và nghiên cứu Khảo cổ học, các thầy cô giáo Bộ môn Khảo cổ học đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo một đội ngũ đông đảo các nhà khảo cổ học, phát hiện hàng chục di tích di vật khảo cổ học mới, góp sức nghiên cứu nhiều nền văn hoá khảo cổ học và tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của quá khứ lịch sử Việt Nam.

Nhân dịp Bộ môn Khảo cổ học tròn 50 tuổi, với niềm tự hào chính đáng, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về những đóng góp của mình cho việc tạo dựng nên nền Khảo cổ học Việt Nam hôm nay.

Khảo cổ học Việt Nam còn rất trẻ so với khảo cổ học thế giới.

Các di tích khảo cổ học ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, bao gồm các di tích thời tiền sử, sơ sử và lịch sử. Có thể nói, ở Việt Nam, từ miền rừng núi đến vùng trung du và đồng bằng, từ vùng ven biển đến các hải đảo, đâu đâu cũng có nhiều loại di tích, di vật khảo cổ học cực kỳ quý giá.

Các di tích đầu tiên của nhiều nền văn hoá như: Hoà Bình, Bắc Sơn, Hạ Long, Bàu Tró, Đông Sơn, Sa Huỳnh… đã được các học giả Pháp và nước ngoài phát hiện,  nghiên cứu từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau “thời kỳ bình định”, nhà cầm quyền Pháp lập ra một số cơ quan nghiên cứu nhằm mục đích để điều tra, tìm hiểu kỹ xứ thuộc địa về mọi mặt đặng phục vụ đắc lực cho công cuộc thống trị về chính trị, tinh thần và bóc lột kinh tế. Năm 1898, Uỷ ban Khảo cổ học Đông Dương ra đời. Hai năm sau, Uỷ ban này đổi thành Trường Viễn Đông bác cổ (Ecole Francaise d’Extrême Orient, EFEO). Nhà trường có một tập san (BEFEO) để công bố những phát hiện khảo cổ học ở Đông Dương. Người Pháp nắm độc quyền tất cả (tổ chức, nghiên cứu, công bố), không dạy khảo cổ học cho người bản xứ và không cho người bản xứ tham gia nghiên cứu khảo cổ học. Bởi thế mà người nước ngoài chỉ biết đến khảo cổ Việt Nam - quá khứ lịch sử Việt Nam qua những phát hiện và công bố của người Pháp và một số học giả nước ngoài. Cũng cần phải nói thêm rằng, những kết quả nghiên cứu khảo cổ Việt Nam lúc đó không những không được công bố đầy đủ mà còn bị đánh giá sai lệch lịch sử. Dù sao thì người Pháp và các học giả nước ngoài cũng có công đầu trong việc phát hiện, khai quật, nghiên cứu, xác lập một số nền văn hoá khảo cổ ở Việt Nam, như các văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Sa Huỳnh và Đông Sơn.

Một nền khảo cổ học Việt Nam mới, độc lập, một nền khảo cổ học Mác xít - Lêninnít thực sự mới phát sinh và bước đầu phát triển từ sau khi đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi và lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam (1954).

Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, ngay trong thời kỳ hàn gắn những vết thương chiến tranh và khôi phục nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những nghị định, những chủ trương, chính sách để bảo vệ các di tích lịch sử.

Phủ Thủ tướng ban hành Nghị định bảo vệ di tích 519/TTG-1957 (nay là Luật Di sản Văn hoá).

Thành lập Vụ Bảo tồn Bảo tàng, cơ quan chuyên trách việc bảo vệ các di tích lịch sử (1956) (nay là Cục Di sản Văn hoá - Bộ Văn hoá Thông tin).

Thành lập nhiều cơ quan chuyên nghiên cứu khảo cổ học, nhất là thành lập Viện Khảo cổ học (1968).

Tăng cường đào tạo cán bộ nghiên cứu khảo cổ học ở các trường đại học trong nước và ngoài nước.

Trước năm 1975, khi miền Nam Việt Nam chưa hoàn toàn giải phóng, nước nhà chưa được thống nhất và giang sơn chưa thu về một mối, thì Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là nơi gần như duy nhất đào tạo cán bộ nghiên cứu khảo cổ học của cả nước. Bởi vì, ngay cả cho đến nay, số cán bộ nghiên cứu được đào tạo ở nước ngoài và ở các trường khác trong nước cũng rất ít ỏi.

Sự ra đời và phát triển của Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gắn liền và chịu sự chi phối của những hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Có thể nói, Bộ môn Khảo cổ học gặp muôn vàn khó khăn, nhất là ở giai đoạn đầu, trong việc xây dựng đội ngũ, trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bởi vì, Bộ môn Khảo cổ học phải bắt đầu đi lên từ “hai bàn tay trắng”, - không cán bộ, không bài giảng, không giáo trình, không có kinh nghiệm và phương pháp, không có cả trang thiết bị nghiên cứu tối thiểu…

Trong những năm đầu, từ 1956-1967, nhất là từ năm 1956-1960, việc dạy và học Khảo cổ học trong trường còn nhiều khó khăn và hạn chế. Trong các năm 1956-1957, khảo cổ học chưa hình thành về mặt tổ chức, chỉ mới có hai cán bộ (nay là GS.  Hà Văn Tấn và cố GS. Trần Quốc Vượng) được phân công chuẩn bị để dạy Khảo cổ học, vẫn sinh hoạt chung trong tổ Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại.

Sau hai năm, năm 1959, trên cơ sở tham khảo, tiếp thu có chọn lọc các cuốn cơ sở khảo cổ học của Liên Xô, Trung Quốc, tham khảo tài liệu Pháp và nghiên cứu trực tiếp trên các di tích, di vật khảo cổ của Việt Nam, các cán bộ khảo cổ học trẻ của Việt Nam đã xây dựng được bài giảng về Khảo cổ học đại cương cho sinh viên năm thứ nhất của Khoa Lịch sử.

Mặt khác, để có tài liệu giảng dạy và học tập, từ nguồn tài liệu khai thác ở Tổng cục Địa chất, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tự thu thập, Khoa Lịch sử đã lập được một phòng trưng bày với hai tủ hiện vật các loại.

Năm 1960 là năm đáng ghi nhớ đối với những cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khảo cổ học ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bởi vì, lúc này, cùng với phong trào xây dựng nhà trường Xã hội chủ nghĩa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có điều kiện mời nhiều nhà khoa học nước ngoài, trong đó có chuyên gia khảo cổ học Xô viết đến giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của nhà trường. Đặc biệt, việc in cuốn Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam chủ yếu dựa vào tài liệu khảo cổ học, có một ý nghĩa rất lớn.

Về Khảo cổ học, Trường mời GS.TS P.I.Borixkovxki, một chuyên gia khảo cổ học lớn, một nhà khoa học hết sức nhiệt thành trong việc giúp đỡ, bồi dưỡng cho cán bộ khảo cổ học Việt Nam không chỉ tiếp thu được nhiều kiến thức về cơ sở khảo cổ học mà còn học hỏi được nhiều phương pháp nghiên cứu khảo cổ học và đi sâu tìm hiểu một số chuyên đề khảo cổ học. Sau khoá học, tập bài giảng của chuyên gia được tập hợp lại thành cuốn Cơ sở khảo cổ học. Đây là cuốn sách công cụ quan trọng giúp rất nhiều cho việc giảng dạy và học Khảo cổ học ở Khoa Lịch sử.

Trên cơ sở những kiến thức mới, những phương pháp mới, các cán bộ khảo cổ học trẻ Việt Nam còn nhanh chóng vượt qua những khó khăn lúc ban đầu, có khả năng tiếp thu và vận dụng những thành tựu khảo cổ học thế giới trong việc giải quyết dần từng bước những vấn đề của khảo cổ học Việt Nam. Bấy giờ, ngoài việc dạy cơ sở khảo cổ học, các thầy Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn còn biên soạn các sách công cụ phục vụ cho giảng dạy và học tập. Đó là cuốn Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam (1961). Cuốn sách này được coi như giáo trình khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam. Sự ra đời của nó đánh dấu bước trưởng thành của khảo cổ học Việt Nam. Sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khảo cổ học còn được thể hiện ở chỗ, từ năm học 1964-1965, Khoa Lịch sử đã xây dựng một số chuyên ban ở năm học thứ 4, trong đó có chuyên ban Dân tộc - Khảo cổ.

Song song với quá trình bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ những cán bộ dạy khảo cổ học cũng được bổ sung thêm về số lượng lấy từ nguồn đào tạo trong và ngoài nước. Số lượng cán bộ tăng từ 2 (1957) lên 4 (1962) và đến 1989 đạt tới con số 13. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời gian từ 1967 đến 1985, có 7 cán bộ xin thuyên chuyển công tác với nhiều lý do chính đáng khác nhau. Bộ môn Khảo cổ học hiện chỉ có 4 cán bộ cơ hữu và 1 cán bộ hợp đồng.

Sự trưởng thành về mặt tổ chức được đánh dấu bởi việc thành lập Nhóm Khảo cổ học do GS. Trần Quốc Vượng phụ trách. Nhóm Khảo cổ học là một trong hai nhóm của Tổ Dân tộc- Khảo cổ. Mặc dù nằm trong Tổ Dân tộc- Khảo cổ do cố PGS. Vương Hoàng Tuyên làm Chủ nhiệm, nhưng Nhóm Khảo cổ học hoạt động độc lập như một bộ môn của Khoa Lịch sử.

Năm 1967 được coi là mốc mở đầu cho giai đoạn hai, với sự ra đời của Bộ môn Khảo cổ học thay cho Nhóm Khảo cổ học ở giai đoạn trước. Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học từ năm 1967 đến 1980 là: PGS.TS Diệp Đình Hoa (1967-1980), GS. Trần Quốc Vượng (1980-1992) và PGS.TS Hán Văn Khẩn (1993- nay).

Bộ môn Khảo cổ học là một trong những bộ môn mạnh của Khoa Lịch sử, đủ sức dạy khảo cổ học cho sinh viên năm thứ nhất và dạy các môn chuyên ngành cho sinh viên năm thứ tư, học viên cao học cũng như nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, có uy tín và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Khảo cổ học Việt Nam.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, cùng với sự lớn mạnh của ngành Khảo cổ học cả nước, Bộ môn Khảo cổ học đã trưởng thành về mọi mặt, không chỉ trong đào tạo mà cả trong nghiên cứu khoa học.

* Về công tác đào tạo:

Trước hết, Bộ môn Khảo cổ học rất tự hào với việc đào tạo cho đất nước một đội ngũ đông đảo những người làm công tác nghiên cứu Khảo cổ học.

Từ năm 1967 đến nay, do được bổ sung thêm cán bộ, do trình độ cán bộ được nâng cao, nhiều người là giảng viên chính, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nên việc đào tạo không những được mở rộng về quy mô mà còn được nâng cao về chất lượng. Hàng năm Bộ môn đảm nhận một khối lượng công việc lớn, bao gồm: dạy Cơ sở khảo cổ học cho sinh viên năm thứ nhất (chính quy, mở rộng và tại chức); dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ tư; hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất và thứ tư thực tập, thực tế, điều tra, khai quật khảo cổ học; hướng dẫn sinh viên năm thứ hai và thứ ba làm niên luận; hướng dẫn sinh viên năm thứ tư viết khoá luận tốt nghiệp…

Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trong Khoa và trong Trường, nhiều cán bộ còn tham gia giảng dạy Cơ sở khảo cổ học, dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ nhất và thứ tư của nhiều trường trong cả nước.

Đặc biệt, việc biên soạn và xuất bản cuốn Cơ sở khảo cổ học vào năm 1975 có một ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng học cơ sở khảo cổ học. Cuốn sách thực sự đã trở thành giáo trình cơ sở khảo cổ học chung cho tất cả các trường đại học trong cả nước.

Việc xây dựng ổn định hệ thống chuyên đề Khảo cổ học đã trang bị cho sinh viên chuyên ngành khảo cổ học những kiến thức sâu rộng và những phương pháp nghiên cứu thiết thực. Hệ thống chuyên đề khảo cổ học đã được xây dựng và dạy cho đến nay là:

Ø     Thời đại đá cũ.

Ø     Thời đại đá mới.

Ø     Thời đại đồ đồng.

Ø     Thời đại đồ sắt.

Ø     Khảo cổ học lịch sử.

Ø     Khảo cổ học Chămpa.

Ø     Văn hoá Óc Eo.

Ø     Khảo cổ học Đông Nam Á.

Ø     Khảo cổ học Trung Quốc.

Ø     Cổ nhân học.

Ø     Con người - kỹ thuật - môi trường.

Ø     Lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Ø     Gốm sứ học và lịch sử gốm sứ Việt Nam.

Ø     Các phương pháp nghiên cứu khảo cổ học (nghiên cứu điền dã, nghiên cứu trong phòng, nhất là các phương pháp nghiên cứu thống kê, vẽ, phục chế, thạch học, kim tướng học và thực nghiệm).

Hiện nay, Bộ môn đã biên soạn xong khung chương trình chi tiết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ khảo cổ. Đó là khung các chuyên đề sau:

1.      Khảo cổ học Việt Nam.

2.      Khảo cổ học Đông Nam Á.

3.      Khảo cổ học môi trường.

4.      Một số vấn đề về gốm sứ cổ Việt Nam và Đông Nam Á.

5.      Lịch sử kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

6.      Các phương pháp nghiên cứu trong khảo cổ học.

7.      Các nghề thủ công tiền - sơ sử ở Việt Nam.

8.      Vẽ và chụp ảnh trong khảo cổ học.

9.      Thực nghiệm chế tạo công cụ cổ.

10. Thành cổ Việt Nam.

Đây là các chuyên đề chung cho cả học viên cao học và nghiên cứu sinh. Ngoài ra, riêng nghiên cứu sinh bắt buộc phải học thêm một số chuyên đề (theo quy định) có liên quan với đề tài luận án.

Việc mở chuyên ban Khảo cổ học (đại học và sau đại học) và xây dựng hệ thống chuyên đề có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Bởi vì, điều này chứng tỏ sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khảo cổ học và hứa hẹn khả năng cung cấp thường xuyên cho đất nước những cán bộ nghiên cứu khảo cổ học có năng lực.

Kết quả đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học liên tục trong suốt thời gian qua là rất to lớn. Bộ môn đã đào tạo được nhiều cử nhân khoa học. Các lớp cử nhân, sau khi ra trường, hiện đang công tác ở hầu hết các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học hoặc có liên quan đến khảo cổ học, từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước. Tuyệt đại đa số cử nhân đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành khảo cổ học và bảo tàng học.

Nhiều người trưởng thành nhanh chóng trong nghiên cứu khoa học và trong công tác quản lý. Nhiều người đã được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư. Nhiều người là trưởng phó phòng, trưởng phó ban, giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, viện phó hoặc thứ, bộ trưởng.

Trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, ngoài đào tạo cử nhân, Bộ môn Khảo cổ học còn đào tạo hoặc phối kết hợp với các viện nghiên cứu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngoài đào tạo trong nước là chính, Bộ môn còn tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh nước ngoài làm khoá luận, luận văn cao học và luận án tiến sĩ.

Có thể nói, trong suốt thời gian qua, công tác đào tạo luôn luôn là trọng tâm số một của Bộ môn Khảo cổ học. Công tác đào tạo ngày càng được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng.

Chương trình đào tạo chú trọng tính toàn diện và hệ thống, coi trọng cả lý thuyết lẫn thực hành, trang bị các phương pháp nghiên cứu chuyên và liên ngành. Ngoài Khảo cổ học Việt Nam, chương trình đặc biệt chú ý đến Khảo cổ học Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

* Về công tác nghiên cứu khoa học:

Công tác nghiên cứu khoa học có vị trí quan trọng không kém nhiệm vụ đào tạo. Việc nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ.

Trước hết việc biên soạn chương trình, giáo trình Cơ sở khảo cổ học và các chuyên đề được coi là nhiệm vụ hàng đầu của công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài cuốn Cơ sở khảo cổ học (1975), Bộ môn đã biên soạn xong chương trình chi tiết môn Khảo cổ học đại cương cho Trường Đại học Đại cương và Khung chương trình đào tạo cử nhân khoa học khảo cổ cho giai đoạn 2 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bộ môn đã hoàn thành công tác biên soạn bài giảng các chuyên đề cho năm thứ 4 chuyên ban Khảo cổ học và sẽ cố gắng xuất bản giáo trình Cơ sở khảo cổ học mới vào năm 2006.

Công tác điều tra, phát hiện, thám sát, khai quật, nghiên cứu các di tích di vật khảo cổ học là khâu không thể thiếu được cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, hàng năm, Bộ môn vẫn cố gắng tổ chức hoặc kết hợp với các cơ quan khác để tiến hành điều tra, phát hiện, thám sát, khai quật, nghiên cứu các di tích khảo cổ học ở khắp mọi miền của đất nước. Đây là dịp tốt để thầy trò thực hiện “học kết hợp với hành”, “lý luận đi đôi với thực tiễn”, “nhà trường gắn liền với xã hội”.

Tại đợt khảo sát khai quật di tích lịch sử ở Đường Lâm.

Công tác điền dã khảo cổ học có nhiều ý nghĩa to lớn đối với cả thầy và trò. Trong thời gian thực tập, ngoài việc tìm hiểu mọi mặt đời sống nông thôn, tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông dân và nông nghiệp, sinh viên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với di tích di vật khảo cổ, học hỏi được nhiều phương pháp nghiên cứu khảo cổ học điền dã và thu thập tư liệu làm khoá luận tốt nghiệp. Đối với cán bộ, ngoài nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên thực tập thực tế, còn phát hiện thêm di tích di vật mới cho đất nước, thu thập thêm tư liệu để mở rộng, nâng cao chất lượng bài giảng và mục tiêu nghiên cứu khoa học của mình. Ngoài ra, việc trưng bày kết quả khai quật khảo cổ học hàng năm ở các địa phương đã giúp cho nhân dân hiểu được những giá trị quý báu của di tích di vật cổ. Do đó, nhân dân càng thêm tự hào về truyền thống dân tộc và nâng cao ý thức bảo tồn các di sản văn hoá cổ truyền của dân tộc.

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình, Bộ môn Khảo cổ học trực tiếp hoặc cùng phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân ở Trung ương và các địa phương tiến hành điều tra, phát hiện, thám sát, khai quật, nghiên cứu nhiều di tích văn hoá khác nhau thuộc tất cả các giai đoạn lịch sử quá khứ, từ các văn hoá Núi Đọ, kỹ nghệ Ngườm, Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Quỳnh Văn, Hạ Long, Bàu Tró, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chămpa… đến các di tích lịch sử đình, chùa, đền, miếu…

Kết quả nghiên cứu của Bộ môn Khảo cổ học là rất to lớn. Hàng trăm bài thông báo và nghiên cứu của cán bộ đã được công bố trong “Những phát hiện mới về khảo cổ học” hàng năm, trên tạp chí Khảo cổ học và nhiều tập san nghiên cứu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật hoặc xuất bản thành sách. Kết quả tìm tòi nghiên cứu di tích di vật còn được thể hiện qua hàng chục khoá luận cử nhân, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ khảo cổ đã được bảo vệ thành công ở Khoa Lịch sử.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học còn cho phép cán bộ thực hiện độc lập hoặc thâm gia nhiều đề tài khoa học cấp Trường, cấp Bộ, cấp Nhà nước, hoặc tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

* Về công tác xây dựng tư liệu :

Có thể nói trong suốt mấy chục năm qua, Bộ môn luôn có ý thức cố gắng thu thập, xây dựng tư liệu phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Tư liệu mà Bộ môn có trong tay hiện nay bao gồm nhiều loại khác nhau, như: các khoá luận tốt nghiệp của sinh viên chuyên ban khảo cổ, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ khảo cổ; Tạp chí Khảo cổ học, Thông báo khảo cổ học hàng năm, một số tạp chí có liên quan đến khảo cổ học; các loại sách và tài liệu khảo cổ học bằng tiếng Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; các loại di vật khảo cổ học bằng đá, đồng, sắt và đồ gốm. Kho tư liệu của Bộ môn chưa nhiều về số lượng, chưa phong phú về chủng loại, nhưng đã góp phần giúp cho việc giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ và tạo điều kiện tốt cho sinh viên học tập. Đồng thời, một số tư liệu đã giúp Bộ môn có điều kiện trao đổi tư liệu với một số cơ quan khác. Hiện nay, toàn bộ tư liệu của Bộ môn Khảo cổ học đã chuyển giao cho Bảo tàng Nhân học theo chủ trương mới của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

* Về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học :

Đây là khâu rất quan trọng giúp cho việc mở rộng, nâng cao hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bộ môn Khảo cổ học đã xây dựng, mở rộng hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều cơ quan và cá nhân từ Trung ương đến các địa phương. Nhiều cơ quan và cá nhân thuộc các cơ quan khác nhau như: Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Bảo tàng Mỹ thuật và Cục Di sản Văn hoá đã tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập, hướng dẫn khoá luận, luận văn và luận án.

Nhiều cán bộ của Bộ môn Khảo cổ học đã được các cơ quan bên ngoài mời tham gia giảng dạy, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, bồi dưỡng thi tuyển nghiên cứu sinh, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia hợp đồng chấm luận án tiến sĩ, tham gia nghiên cứu hoặc tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Việc hợp tác quốc tế, tuy còn ít, nhưng đã có kết quả tốt. Một số giáo sư được mời tham gia hợp tác nghiên cứu, giảng dạy ở Pháp, Mỹ, Úc. Một số cán bộ của Bộ môn hợp tác nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Đông Sơn, một số thành cổ, cảng thị cổ và đô thị cổ.

Tóm lại, 50 năm nhen nhóm xây dựng một Bộ môn khoa học (từ A đến Z) ở một trường đại học chưa phải là dài. Bởi vậy, Bộ môn Khảo cổ học có quyền tự hào chính đáng với những kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nửa thế kỷ qua đã góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc, góp phần xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nền móng vững chắc để Bộ môn Khảo cổ học vững bước tiến lên ở thế kỷ XXI.

 Bài viết của PGS.TS. Hán Văn Khẩn
VNUnews (Theo: Khoa Lịch sử - nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (1956-2006))
Ảnh Tư liệu và Tất Đạt
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   |