I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Ban đầu, Bộ môn Dân tộc học thuộc Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại, sau đó sáp nhập vào Bộ môn Khảo cổ học thành Bộ môn ghép Dân tộc học - Khảo cổ học. Đến năm 1967, Dân tộc học được tách thành một bộ môn riêng. Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên là PGS. Vương Hoàng Tuyên, một chuyên gia đầu ngành của dân tộc học Việt Nam và là người đặt nền móng xây dựng Bộ môn.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn Dân tộc học là nơi công tác và trưởng thành của nhiều nhà giáo, nhà khoa học có tên tuổi đã nghỉ hưu hoặc đang đảm trách những vị trí quan trọng trong hệ thống đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học ở nước ta. GS.NGƯT Phan Hữu Dật (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội); GS. Đặng Nghiêm Vạn (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo); PGS. Nguyễn Dương Bình (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học); PGS.TS Nguyễn Quốc Lộc (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Huế, Chủ nhiệm Khoa Đông Nam Á học - Trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh); PGS.TS Hoàng Nam (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc); Thầy Hoàng Hoa Toàn (năm 1983 chuyển về công tác tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên); PGS.TS Lê Ngọc Thắng (Viện trưởng Viện Dân tộc - Uỷ Ban Dân tộc); PGS.TS Lâm Bá Nam (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); TS Nguyễn Văn Chính (Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương); Thầy Hà Văn Thụ đã sớm qua đời, để lại niềm thương tiếc và quý trọng trong các thế hệ học trò và đồng nghiệp.
|
Chi đoàn cán bộ Khoa Lịch sử. | Gắn liền với quá trình phát triển của Bộ môn, Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên và có nhiệm kì dài nhất là cố PGS. Vương Hoàng Tuyên (1967-1982); Chủ nhiệm Bộ môn tiếp theo là thầy giáo Hoàng Hoa Toàn (1982-1983); PGS.TS Hoàng Nam (1983-1987); GS. Phan Hữu Dật (1987-1988); PGS.TS Lê Sỹ Giáo (1988-1996); PGS.TS Hoàng Lương (1996-2000); PGS.TS Lâm Bá Nam (2000-2006). Trong quá trình phát triển, do nhu cầu công tác, một số thầy đã được điều động bổ sung cho các cơ quan nghiên cứu như Viện Dân tộc học, các trường Đại học Tổng hợp Huế, Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng ngành Dân tộc học cho các cơ quan này.
Hiện nay, Bộ môn có 8 cán bộ, gồm PGS.TS Lê Sỹ Giáo, PGS.TS Hoàng Lương, PGS.TS Lâm Bá Nam (Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Bộ môn); TS Nguyễn Văn Chính, GVC Phạm Văn Thành, TS Nguyễn Văn Sửu, ThS Nguyễn Thu Hương (đang làm luận án tiến sĩ tại Hà Lan), GS.TS Phan Hữu Dật và PGS.TS Khổng Diển (nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học) là cán bộ kiêm nhiệm.
Trong Khoa Lịch sử, Bộ môn Dân tộc học luôn là một trong những bộ môn có tiềm lực về đào tạo và nghiên cứu khoa học, được giới nghiên cứu thừa nhận là một địa chỉ đào tạo và nghiên cứu có uy tín. Bằng sự nỗ lực vươn lên của các thế hệ thầy giáo, gắn liền với yêu cầu đào tạo, phát triển của Nhà trường, của Khoa và yêu cầu của nghiên cứu, giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta, Bộ môn Dân tộc học đã có những đóng góp tích cực trong thành tích chung của Khoa Lịch sử.
II. THÀNH TÍCH CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Trong thời kì Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1960-1994):
Do yêu cầu của công tác chuyên môn, cùng với việc xây dựng và phát triển đội ngũ, công tác đào tạo của Bộ môn được tập trung vào giảng dạy môn Cơ sở dân tộc học và chương trình Dân tộc học cho sinh viên chuyên ngành.
Chương trình Cơ sở dân tộc học được giảng dạy 60 tiết lí thuyết cho sinh viên năm thứ hai của Khoa Lịch sử. Ban đầu chương trình này do GS. Liên xô E.P Buxưghin làm cố vấn xây dựng và đảm nhiệm. Những bài giảng của GS. Buxưghin đã được tập hợp và công bố thành cuốn Dân tộc học đại cương (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1961).
|
Sinh viên Khoa Lịch sử luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. | Sau khi học xong giáo trình Cơ sở dân tộc học, sinh viên được đi thực tập, thực tế tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc từ 2 đến 3 tuần để bước đầu làm quen với môn học trên thực địa, áp dụng các phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học, kết hợp giữa lí luận với thực tiễn. Trong khoảng 10 năm từ 1987 – 1997 do có khó khăn về kinh phí nên việc thực tập của sinh viên không được tiến hành thường xuyên. Trong những năm gần đây việc thực tập đã được triển khai trở lại.
Đối với chuyên ban Dân tộc học, chương trình phân ban chỉ được bắt đầu từ năm thứ 4 gồm 2 học kì 7 và 8.
Khối kiến thức phân ban được xây dựng bao gồm:
- Những vấn đề có tính chất lí luận như: Phương pháp nghiên cứu, Hôn nhân gia đình và xã hội nguyên thuỷ, Lễ hội, Dân tộc học nông nghiệp, Chính sách dân tộc, Nghiên cứu so sánh…
- Các chuyên đề về các nhóm dân tộc chính ở Đông Nam Á và Việt Nam.
- Những vấn đề hướng dẫn tác nghiệp.
Tổng số chuyên đề được giảng dạy và học tập trong năm thứ tư là từ 14-15 môn học (từ 30-35 đơn vị học trình) và được phân bố chủ yếu trong học kì I của năm thứ tư.
Sau khi kết thúc chuyên đề, sinh viên có tối thiểu 4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 6) để thực tập và viết luận văn tốt nghiệp (nay là khoá luận tốt nghiệp). Trong những năm gần đây khoá luận được đầu tư công phu hơn và chất lượng ngày càng nâng cao.
Các đề tài khoá luận được thực hiện hàng năm khá đa dạng. Một phần trong số đó được gắn với các đề tài nghiên cứu và giảng dạy của Bộ môn, của các thầy cô giáo. Tất cả các đề tài đều được thực hiện trên cơ sở tài liệu nghiên cứu thực địa, có giá trị về mặt khoa học, hiện được lưu giữ tại phòng Tư liệu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Từ năm 1978, Bộ môn được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo Phó tiến sĩ Sử học, chuyên ngành Dân tộc học và gần đây là Thạc sĩ, Tiến sĩ theo mã số 5.03.10.
Thời kì thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:
Khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được sáp nhập vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1994 thì chương trình Dân tộc học đại cương trở thành môn học bắt buộc. Trong giai đoạn này, số giờ lí thuyết tuỳ thuộc theo từng nhóm ngành, dao động từ 2 đến 4 đơn vị học trình. Năm 1995, khi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập thì Dân tộc học đại cương trở thành môn bắt buộc và đưa vào giảng dạy cho sinh viên từ năm thứ nhất.
Có thể thấy, cùng với việc hình thành Đại học Quốc gia và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì Dân tộc học đại cương được đưa vào giảng dạy cho đối tượng sinh viên rộng hơn nhiều so với trước đây. Đối với sinh viên theo học chuyên ngành Dân tộc học, tuy vẫn giữ khung thời gian trong hai học kì cuối của khoá học, nhưng chương trình được cấu tạo gồm phần cứng (các chuyên đề bắt buộc) và phần mềm (các chuyên đề tự chọn), thường xuyên được điều chỉnh để bổ sung. Xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành học, Bộ môn Dân tộc học và Khoa Lịch sử chủ trương xây dựng ngành Dân tộc học thành một ngành đào tạo độc lập theo hướng Dân tộc học – Nhân học. Đây là một hướng phát triển phù hợp với thực tế đào tạo của ngành Dân tộc học và là điều kiện để ngành Dân tộc học phát triển hội nhập với khu vực và Quốc tế. Chương trình đào tạo này đã thông qua Hội đồng khoa học của Khoa Lịch sử và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2004 Đại học Quốc gia Hà Nội đã có quyết định chuyển đổi Bộ môn Dân tộc học thành Bộ môn Nhân học.
Thành quả của công tác đạo tạo của Bộ môn Dân tộc học trong 50 năm qua thể hiện cụ thể trên các mặt sau
- Có 535 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học, trong đó có khoảng 1/5 là con em các dân tộc thiểu số và 10 sinh viên nước ngoài. Số người tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học đã và đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu trung ương và địa phương, các cơ quan quản lí. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học có tên tuổi, các nhà quản lí trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, các viện nghiên cứu, các bảo tàng, các trung tâm đào tạo dân tộc học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Tây Nguyên, Đà Lạt…
- Đã đào tạo được 13 Tiến sĩ và 25 Thạc sĩ. Trong đó có 1 người Thái Lan, 4 người Hàn Quốc (gồm 3 Tiến sĩ và 1 Thạc sĩ), 1 người Lào. Các thầy giáo trong Bộ môn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong nước là các thầy Lê Ngọc Thắng (1991), Lâm Bá Nam (1995), Hoàng Lương (1997).
Hiện có 6 nghiên cứu sinh đang theo học tại Bộ môn. Trong số đó có 1 người Trung Quốc (do PGS.TS Lâm Bá Nam và PGS.TS Phạm Quang Hoan hướng dẫn). Số học viên cao học của Bộ môn hiện có 10 người.
- Gần 400 cán bộ làm công tác dân tộc, dân vận, mặt trận, tôn giáo, văn hoá của các cơ quan Trung ương và địa phương đã được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về các vấn đề dân tộc, tôn giáo và được Nhà trường cấp chứng chỉ….
Mặc dù còn có hạn chế về chương trình và quy mô đào tạo, nhưng trong những thập kỷ qua, Bộ môn Dân tộc học đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo, cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lí, chỉ đạo dân tộc - một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta và là một trung tâm đào tạo hàng đầu trong cả nước về dân tộc học.
III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Là một trung tâm đào tạo của cả nước, ngay từ khi mới thành lập, việc nghiên cứu khoa học đã được triển khai song song với công tác đào tạo và được xem như là cơ sở cho quá trình đào tạo. Trên tinh thần đó, các thế hệ thầy giáo của Bộ môn rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và có nhiều công trình thành công trên lĩnh vực này. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng trên 400 công trình của các thầy giáo trong Bộ môn đã được công bố.
Trước hết phải kể đến hai cuốn giáo trình Cơ sở Dân tộc học của GS.TS Phan Hữu Dật (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1973) và cuốn Dân tộc học đại cương của tập thể Bộ môn do PGS.TS Lê Sỹ Giáo chủ biên với sự tham gia của PGS.TS Hoàng Lương, PGS.TS Lê Ngọc Thắng, PGS.TS Lâm Bá Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1995 và được tái bản nhiều lần). Các giáo trình này đã được đưa vào giảng dạy chính thức trong hệ thống các trường đại học thuộc các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ngay từ đầu thập kỷ 60, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, PGS. Vương Hoàng Tuyên đã cho công bố các luận văn về Sự hình thành nhà nước ở Việt Nam, đặt vấn đề xác minh thành phần dân tộc… Trong các công trình nghiên cứu của PGS. Vương Hoàng Tuyên đáng chú ý là các chuyên khảo: Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam (1963) và Sự phân bố dân tộc và cư dân ở miền Bắc Việt Nam (1966). Cũng trong thời kì này GS. Đặng Nghiêm Vạn đã cho công bố các luận văn về các dân tộc thuộc ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam, về An Dương Vương và lịch sử người Tày. PGS. Nguyễn Dương Bình từ những năm 1961 đã công bố những nghiên cứu về người Rục, A rem, về các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me ở vùng Trường Sơn. GS.TS Phan Hữu Dật công bố những kết quả nghiên cứu về các dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me ở miền Bắc, về xã hội nguyên thuỷ…
Từ cuối thập kỷ 60, nhiều thầy giáo của Bộ môn đã tham gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước, góp phần cùng với giới Sử học, Khảo cổ học làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương…
Bước sang thập kỷ 70, trước yêu cầu thực tiễn ở nước ta về vấn đề dân tộc, các thầy ở Bộ môn như Vương Hoàng Tuyên, Phan Hữu Dật, Hoàng Hoa Toàn, Hoàng Nam… đã tham gia nghiên cứu xác định thành phần dân tộc, góp phần cùng giới Dân tộc học cả nước xây dựng Bảng Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam và được nhà nước công bố năm 1979.
Các thầy giáo của Bộ môn đã tham gia hoặc chủ trì nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Trường như các đề tài: Tư tưởng Đại đoàn kết Hồ Chí Minh; Các giá trị truyền thống của con người Việt Nam hiện nay; Quản lí xã hội Nông thôn; Sắc thái văn hoá vùng và tộc người ở Việt Nam; Những vấn đề lí luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc, sắc tộc ở nước ta và trên thế giới; Chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; Cơ sở lí luận và thực tiễn trong việc xây dựng đường lối chính sách Dân tộc…
Trong mấy chục năm qua, trên hành trình Dân tộc học, các thầy giáo của Bộ môn đã có mặt trên hầu khắp mọi miền Tổ quốc để nghiên cứu về đời sống và văn hóa các dân tộc từ vùng Lũng Cú (Hà Giang) đến xóm Mũi (Cà Mau); từ Tây Bắc đến Trường Sơn - Tây Nguyên; từ Việt Bắc đến các vùng châu thổ… Hàng chục tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn trong các công trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học trong Bộ môn. Nhiều giá trị văn hoá của các dân tộc được các thầy giáo của Bộ môn phát hiện được đánh giá cao trong giới khoa học. Thông qua các công trình nghiên cứu của các thầy giáo trong Bộ môn, có thể thấy các vấn đề khoa học được đề cập khá phong phú và đa dạng: từ văn hoá vật thể đến văn hoá phi vật thể; từ các vấn đề truyền thống đến các vấn đề cụ thể; từ các vấn đề lí thuyết đến các vấn đề thực tiễn; từ người Kinh đến các dân tộc thiểu số; từ lịch sử tộc người đến quan hệ tộc người; từ các tộc người trong nước đến các tộc người trong khu vực và thế giới; từ truyền thống đến hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.
Một số chuyên khảo do các thầy giáo trong Bộ môn biên soạn hoặc tham gia biên soạn đã được xuất bản :
- Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1975 ( tham gia).
- Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1975 (tham gia).
- Hoàng Nam - Lê Ngọc Thắng, Nhà sàn Thái, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1984.
- Hoàng Lương, Hoa văn Thái, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1988.
- Lâm Bá Nam, Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989.
- Lê Ngọc Thắng - Lâm Bá Nam, Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1990.
- Lê Ngọc Thắng, Nghệ thuật trang phục Thái, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1990.
- Văn hoá lễ hội các dân tộc Đông Nam Á, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1992.
- Phan Hữu Dật - Lê Sỹ Giáo - Lê Ngọc Thắng - Lâm Bá Nam, Lễ cầu mùa các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1993.
- Hoàng Lương, Một số kiến thức cơ bản về dân tộc học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, 1994.
- Phan Hữu Dật (đồng chủ biên), Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995.
- Phan Đại Doãn - Lê Sỹ Giáo…, Quản lí xã hội nông thôn nước ta hiện nay – Một số vấn đề và giải pháp, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995.
- Phan Hữu Dật, Một số vấn đề Dân tộc học Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội 1998.
- Phan Hữu Dật - Lâm Bá Nam, Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001.
- Hoàng Lương, Lễ hội cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001.
- Hoàng Lương, Các dân tộc Tây Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 2005.
Nhiều công trình nghiên cứu của GS.TS Phan Hữu Dật, PGS.TS Lê Sỹ Giáo, PGS.TS Hoàng Lương, TS Nguyễn Văn Chính, TS Nguyễn Văn Sửu công bố trên các kỷ yếu và chuyên san các nước trên thế giới được đánh giá cao.
Các cán bộ của Bộ môn gồm PGS.TS Lê Sỹ Giáo, PGS.TS Hoàng Lương, PGS.TS Lâm Bá Nam đều là thành viên của Chương trình nghiên cứu Thái học ở Việt Nam thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có một thực tế là, mặc dù số lượng cán bộ của Bộ môn không đông, nhưng bằng sự say mê nghề nghiệp, với tâm huyết của nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà Dân tộc học của Bộ môn đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam. Chất lượng các công trình nghiên cứu của các thầy giáo trong Bộ môn được thừa nhận rộng rãi trong giới khoa học, khẳng định vị thế của Bộ môn trong ngành Dân tộc học Việt Nam.
IV. HỢP TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Đây là khâu rất quan trọng giúp cho việc mở rộng, nâng cao hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ở trong nước, Bộ môn đã có quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan nghiên cứu, đào tạo và quản lý. Nhiều cán bộ của Bộ môn là cộng tác viên của các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khoá X. GS.TS Phan Hữu Dật (tiểu ban Pháp luật), PGS.TS Lê Sỹ Giáo (tiểu ban Văn hoá - xã hội) đã tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc của Quốc hội như tham gia biên soạn dự thảo Luật Dân tộc, các đoàn công tác của Hội đồng phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và Miền núi nghiên cứu triển khai các dự án về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Các cán bộ của Bộ môn đã tham gia phối hợp nghiên cứu và đào tạo với các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong việc quản lý vùng biên cương, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Các cán bộ của Bộ môn đã tham gia giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị ở trung ương và địa phương, các trường đào tạo trong ngành an ninh, quân đội, các trường đào tạo dân sự về dân tộc học và văn hoá dân tộc. Một số cán bộ đã được mời tham gia Hội đồng tư vấn về vấn đề dân tộc của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (GS.Phan Hữu Dật, PGS.TS Hoàng Lương, PGS.TS Lâm Bá Nam). Từ nhiều năm nay, Bộ môn đã có quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian. Dưới góc độ kết hợp giữa hai cơ quan nghiên cứu và giảng dạy, có thể nói đây là truyền thống tốt đẹp của sự hợp tác. Các cán bộ nghiên cứu của Viện đã tham gia công tác giảng dạy trong trường như giảng dạy các chuyên đề, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, phản biện các luận án từ cử nhân cho đến tiến sĩ. Các cán bộ của trường cũng đã tham gia bậc đào tạo tiến sĩ tại Viện, tham gia các đề tài, các chương trình nghiên cứu. Viện Dân tộc học, Hội Dân tộc học Việt Nam và Bộ môn đã phối hợp tổ chức thành công bốn hội thảo quốc gia về Nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy Dân tộc học với sự tài trợ của Quỹ Ford…
Sự hợp tác giữa Bộ môn và các cơ quan ngoài trường chính là điều kiện thuận lợi cho Bộ môn vươn lên trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đưa Dân tộc học vào phục vụ thực tiễn, góp phần thực hiện thành công đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Bộ môn cũng đã có quan hệ hợp tác với hệ thống các bảo tàng như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, các bảo tàng địa phương, Ban Dân vận và các Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong hợp tác quốc tế, Bộ môn đã có mối quan hệ trong nghiên cứu và đào tạo với nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Australia, Thái Lan… Bộ môn cũng đã từng tiếp nhận và đào tạo thực tập sinh Liên Xô, sinh viên và nghiên cứu sinh Lào, nghiên cứu sinh và thực tập sinh Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Lào, Nhật Bản… Cán bộ của Bộ môn cũng đã từng học tập và hợp tác chuyên môn ở nước ngoài như Liên Xô, Hà Lan, Bungari, Thái Lan, Mỹ, Xingapo, Lào, Australia…
Trên 40 năm qua, trong cơ cấu của Khoa Lịch sử, Bộ môn Dân tộc học đã kiên trì phấn đấu và giành được những thành tựu rất quan trọng. Một số cán bộ của Bộ môn đã được tặng những phần thưởng cao quý của Nhà nước như: GS. Phan Hữu Dật được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, giải thưởng Nhà nước và Khoa học công nghệ; GS. Đặng Nghiêm Vạn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, PGS.TS Hoàng Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, PGS.TS Lê Sỹ Giáo và PGS.TS Hoàng Lương được tặng Bằng khen của Thủ tướng… Bộ môn cũng đã được Khoa và Trường đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là sự ghi nhận của Trường và Khoa đối với tập thể Bộ môn. Bộ môn Dân tộc học tự hào là thành viên của Khoa Lịch sử - Đơn vị Anh hùng Lao động được Nhà nước phong tặng năm 2000.
Những thành tựu đáng tự hào trên đây chính là nền tảng vững chắc để Bộ môn tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thành công chính sách dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
|