Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Thời gian và ký ức
50 năm thật đáng kể trong mối tương quan với cuộc đời của mỗi con người và cũng bằng ngần ấy thời gian đủ để Khoa Văn học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) tiến những bước dài trên con đường khẳng định mình là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo chất lượng cao, có uy tín về ngữ văn học của cả nước.

Cứ sau một khoảng chẵn thời gian, khi tổng kết, nhìn lại, bao giờ người ta cũng rút ra được những bài học quý làm điểm tựa để phát triển trong tương lai và không gì ý nghĩa hơn là nghe những người dẫn đầu từng chặng trong lộ trình gian nan ấy nói lên suy nghĩ của mình…

* GS.TS Lê Quang Thiêm, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn giai đoạn 1987 - 1988:

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mặc dù không theo đúng nguyện vọng nhưng năm 1962, tôi cũng đã thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm tốt nghiệp đại học cũng là năm tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng đồng thời được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa. Trong suốt thời gian chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, thế hệ thầy, trò chúng tôi phải sơ tán lên vùng Đại Từ (Bắc Thái). Ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn, tôi còn tham gia công tác Đoàn. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Bungari. Trong thời gian 4 năm ở đó, tôi đã có điều kiện nghiên cứu lý luận ngôn ngữ học và tìm hiểu về ngôn ngữ học đối chiếu. Năm 1979, sau khi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, tôi và hai người bạn cùng khóa nghiên cứu sinh là Hán Văn Khẩn và Hoàng Nam (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) ở lại Bungari thêm mấy tháng để hoàn chỉnh cuốn “Từ điển Việt - Bun” gồm 2 tập, dày trên 1.500 trang và được xuất bản tại Sôphia năm 1984. Cuốn từ điển này đã được đánh giá là có tính chất mở đường cho công cuộc học tập và nghiên cứu của nhiều thế hệ tiếp theo, đồng thời mở ra một cánh cửa giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Bungari. Từ cuối năm 1982 đến cuối năm 1984, tôi được cử đi thực tập sinh bậc 2 ở  Bungari. Năm 1985, tôi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn mà lúc đó GS. Nguyễn Lai đang là Chủ nhiệm khoa. Tháng 4/1987, tôi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa. Cùng trong Ban chủ nhiệm khoa lúc bấy giờ còn có thầy Nguyễn Kim Đính - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách công tác đào tạo và thầy Hà Minh Đức - Phó chủ nhiệm phụ trách công tác nghiên cứu khoa học. Tháng 5/1988, tôi được bầu làm Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tiếp đến tháng 8/1988 được cử làm Phó hiệu trưởng Nhà trường. Trong hơn một năm là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Khoa Ngữ văn, tôi đã cùng toàn thể cán bộ trong khoa đầu tư trí tuệ để thực hiện đổi mới một bước cơ  bản cơ cấu các chuyên ngành đào tạo và chương trình đào tạo. Thời kỳ này, tổ bộ môn Cổ - Cận - Dân được tách ra thành 2 bộ môn: Văn học dân gian Việt Nam và Văn học cổ cận đại; Tổ Lý luận và Văn học hiện đại cũng được tách thành đôi là bộ môn: Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại; Tổ Văn học nước ngoài được phát triển thành 3 bộ môn: Văn học Nga - Xô Viết, Văn học Trung Quốc, Văn học Phương Tây và Mỹ Latinh; Tổ ngôn ngữ được tách thành các bộ môn: Ngôn ngữ học lý luận và ứng dụng, Việt ngữ học và ngôn ngữ các dân tộc. Ngoài ra còn có 2 bộ môn mới được thành lập thêm là Bộ môn Ngữ văn Đông Nam Á và Bộ môn Hán - Nôm... Tôi cho rằng xây dựng bộ môn trong khoa được hiểu như là xây dựng đơn vị cơ sở trong đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học. Nó như là một tế bào quan trọng cho việc rèn luyện cán bộ, xây dựng chương trình giáo trình, đào tạo chuyên gia trong trường đại học. Và điều này càng quan trọng trong hoàn cảnh phát triển đại học ngày nay đặc biệt là đối với ĐHQGHN với chủ trương xây dựng thành đại học nghiên cứu. Có thể nói, trong trường đại học, giảng dạy - đào tạo - nghiên cứu không thể tách rời. Và tỉ lệ đó có khi phải tính đến mức 50/50%. Việc đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu cần kết hợp chặt chẽ với đa ngành và liên ngành , với bộ môn và nhóm nghiên cứu sẽ tạo nên những tập thể khoa học mạnh theo cùng một hướng. Đó là tiền đề để tiến đến xây dựng những khuynh hướng, trường phái khoa học trong đại học.

Trong suốt thời gian gần 10 năm sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ thành công về nước, mặc dù bận bịu công tác lãnh đạo ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng tôi vẫn dành thời gian thích đáng cho công việc nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ. Hướng nghiên cứu đối chiếu này đã được đưa vào Việt Nam và nay trở thành một chuyên ngành trong nghiên cứu đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Ngày nay, môn học này đã trở thành môn thi bắt buộc đối với những ai đi làm nghiên cứu sinh và đi học ở nước ngoài. Trong khi đào sâu nghiên cứu ngôn ngữ, do nhu cầu xã hội, tôi cũng đã cố gắng kết hợp với nghiên cứu về văn hoá, văn minh, bản sắc văn hoá và nghiên cứu khu vực. Trong thời gian làm công tác quản lý, đất nước còn khó khăn, việc nghiên cứu kết hợp với giảng dạy, chuyên ngành kết hợp với đa ngành và liên ngành là không dễ thực hiện. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợc của đồng nghiệp, tôi cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Cũng trong thời gian công tác tại Khoa, tôi nhớ lần đầu tiên ở Khoa Ngữ văn  đã xây dựng được bộ chương trình công phu và xác lập  kế hoạch xây dựng hệ giáo trình mới. Tôi rất vui mừng vì những ý tưởng xác lập thời bấy giờ sau này được tiếp  tục thực hiện một cách có hiệu quả.   

Trong suốt thời gian công tác, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, ấn tượng để lại trong tôi sâu sắc nhất là vai trò nêu gương của người thầy và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Nhiều tấm gương của thế hệ đi trước đã cỗ vũ, động viên chúng tôi vượt qua khó khăn. Nhiều thế hệ học trò của khoa đã phát huy truyền thống trí tuệ và nhân văn của khoa, trong số đó có nhiều người thành danh, có nhiều đóng góp cho Khoa Ngữ văn, cho Trường ĐHTHHN trước đây và Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN ngày nay. Truyền thống đó sẽ mãi mãi được nối tiếp và phát huy trong bất kỳ hoàn cảnh nào của sự phát triển.

 * GS.NGND Nguyễn Kim Đính, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn nhiệm kỳ 1988 - 1992:

“Cổng trường mở rộng lớp lớp đi vào. Tên mỗi người lấp lánh một vì sao…” - đó là niềm xúc động chung của cả thế hệ sinh viên khóa 1 chúng tôi cái ngày bước chân vào giảng đường Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Không có nhiều sự lựa chọn và cũng không phải lo lắng quá nhiều về tương lai, sau ngày tốt nghiệp tôi được cử đi đào tạo ở Liên Xô, rồi về nước phục vụ, gắn bó với Khoa cho đến khi về hưu. Bên cạnh vai trò là một nhà khoa học, một thầy giáo giảng dạy Văn học Nga, tôi cũng đã từng tham gia công tác quản lý nhiều năm trong đó có một nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn từ 1988 đến 1992. Đó là một nhiệm kỳ khá đặc biệt bởi nó thuộc giai đoạn giao thời từ xã hội của nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, cả bộ máy giáo dục cũng chuyển mình mạnh mẽ để hòa nhịp. Khoa Ngữ văn nói riêng, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung là một trong những đơn vị đi đầu phong trào hưởng ứng nhiệt tình những chủ trương cải cách đổi mới của Bộ Đại học lúc ấy. Chỉ trong 4 năm, các bộ môn thuộc Khoa đã huy động tối đa khả năng để bằng thời gian ngắn nhất hoàn chỉnh được các bộ giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và học tập. ở giai đoạn này, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy gắn liền với đào tạo luôn là niềm trăn trở, canh cánh trong suy nghĩ của tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa. Biên soạn giáo trình cơ sở, giáo trình chuyên đề, viết chuyên luận, báo cáo khoa học tham gia các hội nghị khoa học ở Khoa và các đơn vị bạn, đó là những công việc thường xuyên diễn ra tại các bộ môn. Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các em sinh viên học lý luận văn học đã có 3 tập, hơn nghìn trang giáo trình do các cán bộ trong Khoa cùng các đồng nghiệp ở Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) biên soạn. Bộ sách về văn học Việt Nam xuyên suốt từ văn học dân gian đến văn học hiện đại với hơn chục tập bao gồm những giáo trình về lịch sử văn học, những chuyên luận về thơ, tiểu thuyết, về một số tác giả tiêu biểu. Bộ “Lịch sử văn học Nga và Xô Viết” gần 2.000 trang, bộ “Lịch sử văn học phương Tây” (4 tập) cũng được biên soạn lại trong giai đoạn này. Đặc biệt, giáo trình “Cơ sở Hán Nôm” được ấn hành năm 1990 đã đánh dấu một bước trưởng thành của ngành Hán Nôm, chuyên ngành ra đời muộn nhất trong Khoa và cũng bắt đầu từ giai đoạn này, Hán Nôm cơ sở trở thành một môn học chính thức bắt buộc đối với sinh viên Khoa Ngữ văn. Chỉ tính trong vòng 4 năm từ 1987 đến 1991, nhờ sự giúp đỡ của Bộ Đại học và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 12 đầu sách giáo trình của Khoa đã được công bố phục vụ kịp thời cho việc đổi mới quy trình đào tạo, 15 đề tài NCKH cấp Bộ đã được tiến hành và nghiệm thu, chính việc thực hiện những đề tài đó đã tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, giảng viên để phát huy sức mạnh tập thể, góp phần quan trọng vào việc cho ra đời những công trình khoa học có giá trị. Những kết quả của thời kỳ đầu sau đổi mới đó đã tạo đà cho Khoa Văn học phát triển mạnh mẽ hơn ở những giai đoạn sau này. Gắn bó với Khoa Văn học đã gần nửa đời người, với tôi đó là cả một niềm tự hào và hạnh phúc lớn. Tôi yêu tập thể Khoa với những đồng nghiệp tài năng, mẫn cán và có ý thức độc lập, tự chủ. Nhớ những năm tháng sau đổi mới, khi Bộ Đại học quyết định ra bộ đề thi tuyển sinh cùng bộ đáp án bắt buộc cho cả nước, chủ trương đó đã vấp phải những phản ứng quyết liệt từ phía các nhà khoa học uy tín của Khoa Ngữ văn, của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi đến chủ trương quy trình đào tạo 2 giai đoạn, chủ trương thiết lập “đại học đại cương”, Khoa đã không hề thụ động thực hiện mà luôn có ý kiến phản biện công khai, đúng mức. Cũng trong thời kỳ làm Chủ nhiệm khoa, tôi đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng và quyết định cho sinh viên làm Bí thư Liên chi Đoàn thanh niên bởi xuất phát từ suy nghĩ: Chỉ có sinh viên mới hiểu được sinh viên muốn gì, cần gì… để từ đó tham mưu cho lãnh đạo khoa phát huy tối đa được tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của tuổi trẻ. Trong số những lứa sinh viên đã trưởng thành từ giảng đường của khoa, có lẽ người học trò mà tôi quý mến, ấn tượng nhất đó là nhà báo Trường Phước của Đài Truyền hình Việt Nam, giờ đã không còn nữa…

Năm nay, Khoa Văn học bước sang tuổi 51, gần ba chục thầy giáo đã “nhất khứ bất phục phản”. Hàng nghìn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ và hàng chục tiến sĩ đã được đào tạo và trưởng thành từ trung tâm khoa học cơ bản này. Không ít những học trò của Khoa giờ đang đảm nhận những vị trí công tác quan trọng trong xã hội. Một nửa thế kỷ nhìn lại, Khoa Văn học đã trải qua không ít những vất vả, gian nan, không ít những nỗ lực liên tục của nhiều thế hệ thầy, trò và chính vì vậy mà những thành tựu mà Khoa đã đạt được cũng thật đáng tự hào.

* PGS.TS Nguyễn Bá Thành - nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn học giai đoạn 1996 - 2000:

 

37 năm về trước, tháng 8/1969, Khoá sinh viên K14 chúng tôi háo hức làm thủ tục nhập học vào Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và rồi một thời gian rất ngắn sau đó phải đi sơ tán về mạn Hà Đông. Lúc ấy, được vào học tại Khoa đã là một niềm vinh dự rất lớn, là niềm ao ước của rất nhiều bạn bè thế hệ chúng tôi, bởi vậy nên ai cũng hăng say học tập và rèn luyện. Năm 1972, khi đang học năm thứ 3, tôi cùng với một số bạn bè đồng khoá lên đường nhập ngũ. Sau 3 năm 9 tháng khoác áo lính, tôi xuất ngũ về học lại năm thứ 3 đại học. Tốt nghiệp năm 1977, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở Trường và gắn bó với Khoa từ đó đến nay. Tôi chính thức nhận trách nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Văn học tháng 7/1996, thời điểm mà một loạt các trường đại học được sắp xếp lại. Trường ĐHKHXH&NV vừa mới tách ra trực thuộc ĐHQGHN, rất nhiều những khoa và bộ môn mới được thành lập, Khoa Văn học cũng được đặt trước một loạt những thời cơ và thách thức. Tôi và Ban chủ nhiệm khoa mới đã thực hiện ngay những chính sách cải tổ như xây dựng và chuẩn hoá chương trình đào tạo từ bậc đại học đến sau đại học; xây dựng chế độ tài chính cấp khoa bằng việc mua két đựng tiền, cử cán bộ phụ trách tài chính và thủ quỹ riêng, sử dụng hoá đơn, chứng từ, sổ sách theo đúng Luật Tài chính của Nhà nước… Có 2 điều mà tôi luôn ấp ủ trong suốt nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm khoa và cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được đó là phát triển văn hoá học như những ngành đào tạo mới trong Khoa Văn học và xây dựng khối THPT chuyên Văn. Có lẽ do tác động của hàng loạt các yếu tố khách quan mà nhiều ý tưởng của các nhà khoa học mãi vẫn chỉ là ý tưởng…

Tôi gắn bó với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Khoa bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Với tôi, được vào học Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã là một niềm vinh dự, càng vinh dự hơn khi trở thành một cán bộ giảng dạy tại Khoa và khi được đảm nhận trọng trách là Chủ nhiệm khoa thì đó là một vinh quang lớn mặc dù biết trách nhiệm cũng lớn lao hơn nhiều. Bên cạnh đội ngũ những nhà giáo, nhà khoa học cựu chiến binh mang phẩm chất chiến sĩ như chúng tôi thì  lực lượng cán bộ trẻ được giữ lại Khoa những năm sau này cũng rất xuất sắc, yêu nghề như các anh, chị Nguyễn Kim Sơn, Phạm Xuân Thạch, Phạm Ánh Sao, Nguyễn Thanh Diên, Nguyễn Thu Thuỷ... Diện mạo của Khoa ngày hôm nay chính là công sức của tập thể nhiều thế hệ thầy, cô giáo tiếp bước, học hỏi và kế thừa lẫn nhau. Chỉ cần nhìn vào hệ thống giáo trình và sách tham khảo hàng trăm cuốn cũng đủ để khẳng định những đóng góp to lớn về phương diện học thuật của Khoa Văn học. Khoa không chỉ tự hào về đội ngũ các thầy giáo, về thành tích nghiên cứu khoa học và đào tạo mà còn rất tự hào về đội ngũ sinh viên, nhất là về phương diện nhân cách văn hoá và sự trưởng thành của họ sau khi ra trường. Có thể nói, Khoa Văn học đã góp phần đào tạo họ và họ cũng đã góp phần làm vẻ vang cho Khoa…

50 tuổi đời là 50 năm phấn đấu và trưởng thành không ngừng của thầy và trò Khoa Văn học. Những thành tích mà tập thể và các cá nhân trong Khoa đạt được đã ít nhiều được Nhà trường, Nhà nước, xã hội ghi nhận và nó cũng nói lên sự cố gắng vượt bậc của bao thế hệ. Trong chiều dài 50 năm truyền thống, Khoa Văn học nói riêng, cả dân tộc nói chung đã phải trải qua 3 cuộc chiến tranh lớn trong đó có hàng trăm sinh viên và cán bộ của Khoa đã trực tiếp tham gia chiến đấu bằng cả cây bút và cây súng. Tất cả những người ra trận đều gửi lại tuổi xuân của mình và không ít người đã chẳng bao giờ về nữa. Tôi tin rằng thế hệ chúng tôi và các thế hệ tiếp bước sau này sẽ vẫn ghi nhớ những hình tượng ấy, tinh thần ấy để tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin tiến lên trong giai đoạn mới…

Thế hệ sinh viên ngày nay, bên cạnh những khó khăn chung mang tính chất thời đại thì các em có những điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ đi trước rất nhiều. Mong rằng sinh viên Khoa Văn học của chúng ta sẽ mãi xứng đáng với niềm tin và niềm tự hào của các thế hệ sinh viên của 51 khoá. Tương lai, ngày mai của các em nói riêng, Khoa Văn học nói chung đã, đang và sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay.

 * PGS.TS Hà Văn Đức, Chủ nhiệm Khoa Văn học từ năm 2001 đến nay:

Tôi là một cựu sinh viên K16 và đồng thời cũng thuộc thế hệ cán bộ thứ 3 của Khoa Văn học. Thế hệ của chúng tôi may mắn được học tập và sinh hoạt trong một giai đoạn hào hùng, sôi động của lịch sử dân tộc. Đó là những năm tháng thầy và trò chúng tôi phải đi sơ tán ở vùng rừng núi huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, tuy đời sống vật chất thiếu thốn trăm bề nhưng mục tiêu và lý tưởng của mỗi người đều được xác định rất rõ ràng, mạch lạc để từ đó gắn bó toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ học tập, với công việc nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hăng say học tập, nhiệt tình lao động và ai cũng được sống trong bầu không khí gần gũi, thân mật như ở gia đình. Có lẽ đây chính là một giai đoạn thử thách quan trọng để có một đội ngũ trí thức tinh hoa phục vụ đất nước sau này…

Được công tác tại Khoa đó là niềm hạnh phúc, niềm tự hào của cá nhân tôi. Khoa Văn học là một trong những khoa lớn và có lịch sử lâu dài nhất của Trường Đại học Tổng hợp trước đây, nay là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN). Trong 50 năm tồn tại và phát triển của mình, Khoa đã có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước, trong việc xây dựng cơ sở nền tảng cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Tính từ năm 1956 đến nay, hàng nghìn sinh viên đã trưởng thành từ giảng đường của Khoa đã và đang làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình, các hội văn nghệ. Nhiều sinh viên thuộc các khoá khác nhau trong Khoa đã trở thành các nhà nghiên cứu có năng lực ở các viện khoa học. Nhiều người trong số đó đã được biết đến như những nhà khoa học nổi tiếng, là giảng viên, giáo sư ở các trường đại học và các cơ sở giáo dục - đào tạo, những nhà báo, nhà biên tập nổi tiếng.

Nhìn lại quá trình phát triển của Khoa Văn học trong suốt 50 năm qua, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò và sự đóng góp của nhiều thế hệ thầy, cô giáo. Đó là các giáo sư Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Ngọc, Bạch Năng Thi, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…, những người thuộc thế hệ đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời của Khoa Văn học. Ba thế hệ tiếp theo cũng kế tục xứng đáng và phát huy những thành tựu đã có để làm rạng rỡ diện mạo của Khoa suốt mấy chục năm qua và cả ở tương lai.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những mặt thuận lợi như cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị hiện đại hơn trước; xu thế hội nhập trong giáo dục đại học được mở rộng; đội ngũ cán bộ trẻ đang được bổ sung; sách vở, giáo trình, chương trình được chuẩn hoá; số lượng và chất lượng của công tác đào tạo các bậc đều được nâng lên thì Khoa Văn học cũng bị đặt trước những thách thức mới. Đó là việc rất nhiều ngành nghề mới được mở ra, phạm vi đối tượng tuyển sinh của Khoa bị thu hẹp sinh viên sau tốt nghiệp phải cạnh tranh rất vất vả mới kiếm được việc làm. Đó là xu thế hội nhập đòi hỏi chúng ta phải xây dựng những mục tiêu dài hơi trong khi đó xét về mọi mặt thì chúng ta đang bị tụt hậu. Đó là phải làm sao để đổi mới phương pháp dạy và học nhất là khi toàn ĐHQGHN đang chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo tín chỉ… Rất nhiều những thách thức như vậy, đòi hỏi Khoa Văn học phải có sự chuẩn bị cần thiết để chuyển mình.

Bài học mà tôi rút ra được sau một khoảng thời gian khá dài nắm trọng trách Chủ nhiệm khoa đó là phải thống nhất, đoàn kết được tập thể toàn khoa từ trên xuống dưới trong mọi tình huống, có như vậy thì mới triển khai được thành công và hiệu quả những công việc cần thiết, đồng thời tạo ra được một môi trường làm việc nhân văn, ổn định, bền vững. Sau 50 năm nhìn lại, các thế hệ thầy và trò Khoa Văn học có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được, nhưng cũng phải nhận thức được rất rõ những cơ hội và thách thức đang chờ đợi ở phía trước. Lịch sử 50 xây dựng và phát triển sẽ là điểm tựa để Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV tự tin bước vào một thời kỳ mới sẵn sàng hội nhập với khu vực và thế giới…

 Minh Trường – Vũ Oanh (Ghi) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   |