Trải qua bao lần tách nhập với các tên gọi khác nhau: Khoa Xã hội, Khoa Văn - Sử, Khoa Ngữ văn, Khoa Văn học và hàng chục lần di chuyển địa điểm sơ tán trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Phố Lê Thánh Tông, đường Hai Bà Trưng, làng Láng (Hà Nội), Đại Từ, Tràng Dương (Thái Nguyên), La Khê (Hà Đông), Ứng Hòa (Hà Tây), Hiệp Hòa (Hà Bắc), Mễ Trì, Thượng Đình (Hà Nội)... cho đến tận hôm nay, Khoa Văn học đã đi qua một chặng đường phát triển tròn nửa thế kỉ.
Dẫu tên gọi có nhiều lần đổi khác nhưng bản chất của Khoa Văn học, của nhóm ngành đào tạo vẫn là “Khoa học Nhân văn”. Khoa Văn học vẫn là một trong những khoa lớn nhất, có truyền thống dài lâu nhất trong Trường học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.
Trong gần 40 năm tồn tại và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956), hơn 60 năm tiếp nối truyền thống Đại học Văn khoa (1945) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và tròn 100 năm xây dựng và trưởng thành của Đại học Quốc gia Hà Nội kể từ Đại học Đông Dương (1906), Khoa Văn học đã có những đóng góp to lớn, đáng tự hào trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn, trong việc giáo dục đào tạo biết bao thế hệ sinh viên phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, trong việc kiến tạo cơ sở nền tảng vững chắc cho nền giáo dục Đại học Việt Nam.
Khoa Văn học là một trong những cơ sở đầu ngành đại học của cả nước về giảng dạy và nghiên cứu Văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại, Hán Nôm, Lý luận văn học, Văn học Trung Quốc, Văn học Nga, Văn học Pháp, Văn học Đức, Văn học Anh, Văn học Hy lạp La mã, Văn học Ấn Độ, Văn học Đông Nam Á, Văn học Nhật Bản, Văn học Triều Tiên – Hàn Quốc, Văn học Bắc Mỹ, Mỹ Latinh…
Khoa Văn học không chỉ là một cơ sở đào tạo và giảng dạy Văn học Việt Nam và thế giới ở bậc Đại học và Sau đại học mà còn là một trung tâm nghiên cứu văn học, văn hóa - nghệ thuật với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô và chất lượng, có uy tín khoa học trong và ngoài nước. 50 năm qua đã có hàng trăm cuốn sách nghiên cứu, giáo trình của các thế hệ cán bộ giảng dạy Khoa Văn học được xuất bản, hàng ngàn bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Chỉ tính trong vòng 10 năm (1996 – 2006), lực lượng các thầy, cô của Khoa đã cho xuất bản 158 giáo cuốn giáo trình, chuyên luận, sách tham khảo phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Khoa Văn học là một đơn vị đã có 100% số giáo trình của tất cả các môn học thuộc khối kiến thức của hai ngành đào tạo Văn học và Hán Nôm học. Các bộ giáo trình Lý luận văn học, Văn học Việt Nam (từ Dân gian đến Hiện đại, 8 quyển), Lịch sử Văn học Nga, Văn học Pháp, Hán Nôm… và các chuyên luận như Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Thơ Việt Nam hiện đại, Quá trình hiện đại hóa Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Văn học Trung đại Việt Nam từ góc nhìn văn hoá, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Khảo và luận tác gia và tác phẩm văn học trung đại Việt Nam… trở thành những tài liệu được hầu hết các trường đại học trên cả nước sử dụng có hiệu quả cao.
|
|
Hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành việc làm thường xuyên phục vụ tốt cho công tác biên soạn bài giảng, giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội, kết hợp hài hòa giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. 50 năm qua, Khoa đã tổ chức gần 80 Hội thảo khoa học các cấp từ Bộ môn, Trường đến Quốc gia, Quốc tế, hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp Nhà nước. 10 năm trở lại đây, Khoa Văn học đã tổ chức 8 Hội thảo khoa học Quốc tế: Hội thảo Tương đồng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc; Những vấn đề về văn học, ngôn ngữ Việt Nam – Hàn Quốc; Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; Những vấn đề về văn học Việt Nam - Nhật Bản; Sự nghiệp văn học Anđecxen; Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ; Huygô ở Việt Nam; Tân thư và xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX; Tổ chức 8 Hội thảo khoa học Quốc gia: Hai mươi lăm năm nghiên cứu giảng dạy Hán Nôm; Đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học; Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai; Phong trào Thơ Mới;Thi pháp của Huyền thoại; Ba mươi năm nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm tại Việt Nam; Á Nam Trần Tuấn Khải trong mạch văn chương yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX; Năm mươi năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám. Khoa Văn học đã liên kết tổ chức các hội thảo khoa học với các đối tác như: Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn - Đại học Huế, Khoa Ngữ văn Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường viết văn Nguyễn Du, Viện Văn học, Viện Văn hóa dân gian, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hội Nhà báo Hà Nội (Tự sự học; Ngô Tất Tố và báo chí cách mạng Việt Nam; Văn học kì ảo; Lí luận và phê bình văn học thời kì đổi mới; Hội thảo khoa học kỉ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du...). Nhiều cán bộ trong Khoa tham gia các hội thảo khoa học với các đơn vị trong Đại học Quốc gia như Khoa Đông phương học, Khoa Báo chí, Khoa Ngôn ngữ học, Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc tế, Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm Việt Nam học...
|
|
Khoa Văn học đã chủ trì một chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế, nghiệm thu đạt kết quả tốt; 4 đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia: Văn học Việt Nam thế kỉ XX; Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX - những vấn đề lí luận và lịch sử; Truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX; Văn học dân gian - một số vấn đề lí luận và thực tiễn; 6 đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt; 9 đề tài cơ bản cấp Đại học Quốc gia và 35 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hàng năm, Khoa Văn học đều tổ chức nghiên cứu khoa học của sinh viên và 6 năm liền từ 2000 đến 2006 đều đạt giải nhất và nhì về nghiên cứu khoa học cấp Trường. Đặc biệt, đề tài trọng điểm Văn học Việt Nam thế kỉ XX được giải thưởng xuất sắc của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhìn chung, những giáo trình, công trình nghiên cứu, đề tài khoa học của các thế hệ thầy và trò 50 năm qua đã tạo cho khoa một khối tri thức toàn diện và sâu rộng, thể hiện một truyền thống học thuật uyên thâm, một lối tư duy khoa học sắc bén.
Hoạt động quan hệ quốc tế của Khoa Văn học không ngừng được mở rộng từ khu vực đến toàn cầu nhằm tạo điều kiện tốt cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa chương trình, phương pháp nghiên cứu, giảng dạy. Nửa thế kỉ qua, Khoa Văn học đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, trung tâm Văn học nghệ thuật lớn trên Thế giới như Trường Đại học Lô-mô-nô-xôp (Nga), Trường Đại học Pa-ri VII (Pháp), Trường Đại học Hum-bôn (Đức), Tô-ki-ô, Ô-xa-ca (Nhật Bản), Hán Thành, Bu-san (Hàn Quốc), Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc)... Nhiều cán bộ được cử đi giảng dạy Ngôn ngữ và Văn học ở các nước như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Lào, Căm-pu-chia... Hiện nay, Khoa Văn học đang thực hiện Dự án Đào tạo biên kịch và Lý luận phê bình điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ nhằm tiến tới thành lập một ngành học mới (Nghệ thuật học).
|
|
Tại Khoa Văn học đã và đang có nhiều giáo sư, viện sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ chuyên ngành văn học tham gia giảng dạy, trong đó có nhiều giáo sư nổi tiếng mà tên tuổi của họ đã vượt ra ngoài khoa, ngoài trường, có những người đã trở thành những bậc thầy văn hóa: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Đinh Gia Khánh, Thạch Giang, Đỗ Đức Hiểu, Trương Chính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Kim Đính, Lê Chí Quế, Lê Văn Lân... Nhiều giáo sư, phó giáo sư được nhận những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú...
Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Văn học đã đào tạo được 47 khóa sinh viên đại học chính qui, 32 khóa tại chức, nhiều khóa mở rộng, chính quy không tập trung và cao đẳng chuyển hệ đại học với hàng chục nghìn người đã và đang làm việc tốt ở các Viện nghiên cứu, các Trường đại học và Cao đẳng, các Nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông báo chí, phát thanh và truyền hình, các cơ quan văn hóa - nghệ thuật ở trung ương và địa phương... Trong số đó, nhiều người đã trở thành những cán bộ cao cấp giữ những trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đã trở thành các nhà nghiên cứu có năng lực ở các viện khoa học. Nhiều người được biết đến như những nhà khoa học nổi tiếng. Nhiều người đã trở thành những GS, PGS ở các trường đại học khắp cả nước. Hàng trăm nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông đại chúng Quốc gia và địa phương vốn xuất thân từ Khoa Văn học. Nhiều người là Tổng biên tập, Phó tổng biên tập các báo và tạp chí, là Giám đốc, Phó Giám đốc các nhà xuất bản, các đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương. Khoa Văn học cũng là địa chỉ tin cậy của nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế. Hàng chục người nước ngoài từ Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, CH Séc... đã trở thành những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ văn chương.
|
|
Đặc biệt Khoa Văn học là cái nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Trong số gần 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam có gần 100 nhà văn trưởng thành từ Khoa Văn học (36 nhà thơ, 33 nhà văn, 28 nhà lý luận phê bình văn học, 1 kịch tác gia). Nhiều sinh viên văn khoa đã đạt các giải thưởng quốc gia qua các kỳ thi sáng tác văn học mấy chục năm qua.
Khoa Văn học không chỉ là một cơ sở đào tạo cử nhân Văn học và Hán Nôm chất lượng cao mà còn là một trong những cơ sở đào tạo Sau đại học có uy tín ở nước ta. Đến nay khoa đã đào tạo được hơn 100 PTS và TS, 132 thạc sĩ. Hiện nay đang có 165 học viên cao học và 18 nghiên cứu sinh học tập chương trình sau đại học tại khoa, gần 800 sinh viên hệ chính quy của ba hệ (hệ chuẩn, chất lượng cao và cử nhân sư phạm), hơn 600 sinh viên tại chức, chuyên tu.
Từ tháng 10 năm 1996, Khoa Văn học bước vào một chặng đường phát triển mới trong cơ cấu của Đại học Quốc gia Hà Nội, một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của đất nước thời kì đổi mới. Khoa có đội ngũ cán bộ gồm 40 người (2 GS, 8 PGS, 12 TS, 9 Thạc sĩ). Trong những năm qua, Khoa Văn học đã có 8 cán bộ bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 4 cán bộ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 4 cán bộ đi trao đổi học thuật ở nước ngoài. Tất cả các cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở lại đều tham gia các lớp học ngoại ngữ, tin học. Mục tiêu phân đấu của Khoa là đến năm 2010 sẽ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ với 85% có học hàm, học vị, xây dựng 7 bộ môn với 3 bậc đào tạo (đại học, cao học, nghiên cứu sinh), có 2 chuyên ngành đào tạo (Văn học và Hán Nôm) với 7 mã ngành thạc sĩ và tiến sĩ, nhiều hệ đào tạo cử nhân (chính quy, tại chức, cao đẳng chuyển hệ, văn bằng 2).
|
|
Trải qua nửa thế kỉ xây dựng và trưởng thành, tập thể Khoa và nhiều cá nhân vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng:
* Về tập thể Khoa:
+ Huân chương Lao động hạng Ba năm 1995.
+ Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001.
+ Khoa Văn học cũng đã được tặng 28 giấy khen, 18 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong những năm gần đây, Khoa đã được tặng Bằng khen của Đại học Quốc gia (1999, 2000, 2004, 2006) và liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc (năm học 2001 – 2002, 2002 – 2003, 2003 – 2004, 2004 – 2005, 2005 – 2006).
+ Ba bộ môn trong Khoa được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Bộ môn Lý luận văn học (2001), Bộ môn Văn học hiện đại Việt Nam (2001), Bộ môn Văn học dân gian - trung đại Việt Nam (2004).
+ Năm 2006 ba bộ môn được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Bộ môn Văn học hiện đại Việt Nam, Bộ môn Văn học Nga – phương Tây, Bộ môn Văn học trung đại Việt Nam.
* Về cá nhân:
+ Bốn giải thưởng Hồ Chí Minh (Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Đinh Gia Khánh, Giáo sư Cao Xuân Huy).
+ Một Huân chương Độc lập hạng Ba (Giáo sư Hoàng Xuân Nhị).
+ Năm giải thưởng Nhà nước (Giáo sư Hà Minh Đức, Phó Giáo sư Trần Đình Hượu, Giáo sư Lê Đình Kỵ, Phó Giáo sư Võ Quang Nhơn, Phó Giáo sư Bùi Duy Tân).
+ Ba Huân chương Lao động hạng Nhất (Giáo sư Hà Minh Đức, Giáo sư Phan Cự Đệ, Giáo sư Nguyễn Kim Đính).
+ Sáu Huân chương Lao động hạng Ba.
+ Sáu nhà giáo nhân dân (GS. Trần Văn Giàu, GS. Lê Đình Kỵ, GS. Hoàng Như Mai, GS. Phan Cự Đệ, GS. Hà Minh Đức, GS. Nguyễn Kim Đính).
+ Mười chín nhà giáo ưu tú (Hoàng Xuân Nhị, Trần Đình Hượu, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên, Nguyễn Đình Thảng, Nguyễn Xuân Hoà, Mai Cao Chương, Lê Đức Niệm, Lê Huy Tiêu, Nguyễn Liên, Đỗ Văn Khang, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Trường Lịch, Võ Quang Nhơn, Lê Chí Quế, Lê Văn Lân, Bùi Duy Tân).
Khoa Văn học đã trải qua 50 năm nghiên cứu và giảng dạy văn chương, một chặng đường ngắn ngủi trên hành trình hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc. Nhưng trải qua những năm tháng xây dựng và trưởng thành ấy, Khoa đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và trân trọng. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với truyền thống nhân văn tốt đẹp, Khoa Văn học chắc chắn sẽ không ngừng tiến lên tiếp tục thu được những thành công to lớn hơn trong chặng đường mới.
|