Nhưng thực chất nền tảng của bộ môn được khởi lập từ cách đây 50 năm cùng tuổi với trường đại học Tổng hợp Hà nội, khi GS Đinh Gia Khánh về nhận nhiệm vụ ở trường năm 1956. Lúc này Văn học dân gian là một bộ phận trong bộ môn Văn học cổ cận đại. Lực lượng Văn học dân gian thực sự mạnh khi PGS Chu Xuân Diên tốt nghiệp khóa đầu tiên (1956 – 1959 ) được giữ ở lại trường và cùng với GS Đinh Gia Khánh viết giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (NXB Giáo Dục 1962). Đến năm 1972, hai nhà văn học dân gian đầu ngành của Việt Nam đã sửa chữa, nâng cao thành bộ giáo trình cùng tên gồm 2 tập và được tái bản nhiều lần. Đây là bộ phận quan trọng hợp thành nhóm công trình để GS Đinh Gia Khánh nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Từ năm 1963, Võ Quang Nhơn được bổ sung thêm để đảm trách công việc nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của GS Đinh Gia Khánh năm 1982 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Sử thi anh hùng Tây Nguyên. Nội dung luận án này được NXB Giáo Dục in thành sách năm 1997. Dấu ấn mà Võ Quang Nhơn in đậm trong lịch sử khoa văn học dân gian Việt Nam là Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1983, 475 trang). Tập sách này đã vượt ra khỏi khuôn khổ một giáo trình đại học mà trở thành một công trình khoa học sáng giá dành cho mọi đối tượng có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về văn học dân gian các dân tộc ít người Việt Nam. Với hai công trình đã xuất bản, PGS. TS Võ Quang Nhơn đã được tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.
Để bổ sung và đào tạo lực lượng trẻ, năm 1966, Lê Chí Quế và Trần Vĩnh (PrêkimalaMak) được giữ lại trường. Tiếp đó là Nguyễn Đình Bưu, Nguyễn Hùng Vĩ (1977, 1978). Đây là thời kì lực lượng cán bộ giảng dạy về văn học dân gian ở trường Đại học Tổng hợp đông về số lượng, đều về thế hệ và mạnh trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên đi điền dã.
Do nhu cầu xã hội, năm 1980 GS Đinh Gia Khánh được điều động sang ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện khoa học xã hội Việt Nam) để thành lập và lãnh đạo Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa). Năm 1986, PGS Chu Xuân Diên chuyển vào công tác ở trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà giáo Trần Vĩnh, Nguyễn Đình Bưu vì lí do riêng đều chuyển công tác khỏi trường. Với lực lượng còn lại tuy mỏng, 3 nhà giáo cũ (Võ Quang Nhơn, Lê Chí Quế, Ngyễn Hùng Vĩ) và một cô giáo mới (Nguyễn Thị Hiền, tiếp nhận năm 1987) đã hợp sức để thành lập bộ môn Văn học dân gian và viết giáo trình Văn học dân gian Việt Nam mới (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1990, NXB Đại học Quốc gia, in lại 1996, 1998, 2001, 2004). Năm 1995, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Võ Quang Nhơn, người anh cả của bộ môn, ra đi, về với cõi vĩnh hằng. Ba nhà giáo còn lại (mỗi người cách nhau 10 tuổi) vẫn cố gắng đảm đương những công việc của một chuyên ngành riêng biệt trong khoa văn học - văn học dân gian. Nét nổi bật của giai đoạn này là liên thông với các cơ quan đào tạo và nghiên cứu ngoài trường để thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Trong khoảng 10 năm (từ 1996 đến 2006) đã có trên 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thành công tại khoa Văn học. Nhiều tiến sĩ trong số đó hiện nay đã trở thành Phó giáo sư và đang giữ vị trí quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quản lí như PGS. TS Park Yeon Kwan chủ nhiệm khoa Việt Nam học, trường đại học Choong Woon (Hàn Quốc); PGS.TS Nguyễn Thị Huế trưởng ban Văn học dân gian của viện Văn học; TS Nguyễn Hằng Phương chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên; TS Nguyễn Thị Nguyệt, phó chủ nhiệm khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; TS Phạm Thị Trâm, phó giám đốc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Phạm Thị Hằng trưởng phòng Khoa học và đối ngoại; TS Mai thị Hồng Hải, phó chủ nhiệm khoa Xã hội trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa); TS Trần Đình Ngôn, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu sân khấu (Bộ Văn hóa thông tin); TS Nguyễn Hữu Thức, vụ trưởng, ban Tư tưởng văn hóa Trung ương…
Để có được kết quả này chúng tôi xin thành tâm cám ơn sự hợp tác của GS. TS Nguyễn Xuân Kính, GS.TS Kiều Thu Hoạch, GS.TSKH Phan Đăng Nhật (Viện Nghiên cứu văn hóa) , PGS. TS Trần Đức Ngôn (trường Đại học Văn hóa); PGS. TS Nguyễn Bích Hà, PGS.TS Vũ Anh Tuấn (Đại học Sư phạm Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Thị Huế, TS Trần Thị An (Viện Văn học)
Trong năm học 2005 - 2006, Bộ môn Văn học dân gian phải chia tay cô giáo Nguyễn Thị Hiền và tiếp nhận một thành viên mới đầy sức trẻ và triển vọng : Cử nhân Phùng Thị Minh Hiếu.
“Ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhìn lại 50 năm khởi dựng và phát triển, chúng tôi nhận thức được rằng lực lượng văn học dân gian ở khoa văn học “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” nhưng người tâm huyết chẳng lúc nào vắng. Hiện tại tuy chỉ có ba thành viên nhưng cũng đã thành một tổ chức: Bộ môn Văn học dân gian Việt nam. Sức mạnh của bộ môn là ở sự hội tụ và lan tỏa. Một mặt bộ môn luôn chào đón các đồng nghiệp từ các Viện nghiên cứu, các trường Đại học ở Hà Nội tham gia hội thảo chuyên đề về văn học dân gian và công tác đào tạo (Chủ yếu là đào tạo sau đại học). Mặt khác các cán bộ trong bộ môn cũng thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học và giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ cho các trường, các viện nghiên cứu khác nhau.
Trong dịp này, chúng tôi xin được giới thiệu với độc giả chân dung một số thành viên tiêu biểu của bộ môn :
Các giáo sư tiền nhiệm
Giáo sư Đinh Gia Khánh (công tác ở trường từ 1956 – 1980)
Đinh Gia Khánh sinh ngày 25 tháng 12 năm 1924 tại Thái Bình. Trước cách mạng tháng Tám (1945) ông trau dồi học vấn tại Hà Nội. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, ông dạy Triết học và tiếng Anh tại trường Trung học Chu Văn An (Hà Nội). Sau mấy tháng làm báo ở trung đoàn Thăng Long, từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 9 năm 1951, ông dạy tiếng Anh và Triết học tại trường trung học Hàn Thuyên (thị xã Bắc Ninh). Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 6 năm 1956, ông dạy văn học ở trương Trung cấp sư phạm tại khu học xá trưng ương (đóng tại Trung Quốc). Từ tháng 9 năm 1956 đến năm 1983, ông giảng dạy Văn học và Hán Nôm tại trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Ngoài ra, Đinh Gia Khánh còn giảng dạy tại trường Nguyễn Ái Quốc I và trường Tuyên huấn Trung Ương (cả hai trường này đều thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tại các lớp đại học tại chức do Phủ thủ tướng, Báo Nhân Dân, Bộ Văn hoá chịu trách nhiệm tổ chức.
Năm 1980 ông được nhà nước phong chức danh Giáo Sư.
Giáo sư Đinh Gia Khánh đã tham gia nhiều hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ nhà nước và không ít lần được cử làm chủ tịch hội đồng.
Trong những năm 80 ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá dân gian, Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian, tổng thư kí hội văn nghệ dân gian Việt Nam, uỷ viên uỷ ban tư vấn của UNESCO cho việc nghiên cứu Đông Nam Á. Năm 1984, ông được cử làm uỷ viên Uỷ ban Trung Ương liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện nay ông là uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ tháng 3 năm 1992 cho đến nay, ông là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của trung tâm Khoa học Xã hội và Nhăn văn quốc gia.
Phạm vi chuyên môn của Đinh Gia Khánh rất rộng. Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học viết, ông đã là một chuyên gia nổi tiếng. Đã có hơn 30 năm ông đọc bài giảng về văn học Việt Nam (từ thế kỉ X đến nửu đầu thế kỉ XVII) tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Về kết quả nghiên cứu, biên soạn, ông là chủ biên Hợp tuyển thơ văn Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII, chủ biên cuốn Điển cố văn học, chủ biên bộ sách Văn học Việt Nam thế kỉ X – Nửa đầu thế kỉ XVIII, chủ biên cuốn Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong quá trình Uỷ ban khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn công trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập I (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1980), ngoài cương vị là tác giả là một trong số những tác giả chính, giáo sư Đinh Gia Khánh còn được giao trách nhiệm xử lí bản thảo lần chót. Ông còn là chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập văn học Việt Nam.
Ở các lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hoá dân gian, Đinh Gia Khánh cũng có những cống hiến to lớn.
Phó Giáo sư Chu Xuân Diên (công tác ở trường từ 1959 – 1986)
Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp khoá đầu tiên (1956 – 1959) ngành Ngữ văn thuộc trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Văn học dân gian. Từ năm 1986 đến nay, ông công tác tại khoa Ngữ văn Trương đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1984 ông được nhà nước phong chức danh Phó giáo sư.
Với hơn 30 năm liên tục làm việc tại các trường đại học, bên cạnh việc gỉang bài theo giáo trình cơ bản về Văn học dân gian, Chu Xuõn Diờn còn đọc bài giảng cho sinh viên. học viên cao học, cho nghiên cứu sinh những vấn đề khác hoặc đi chuyên sâu hơn dưới đây:
Người Pháp và văn học dân gian Việt Nam (các khuynh huớng và những công trình sưu tầm, nghiên cứu);
Sáng tác dân gian và tập thơ Việt bắc của Tố Hữu:
Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu mối quan hệ văn học và folklore:
Văn học dân gian và văn hoá dân gian.
Trong quá trình vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, Chu Xuân Diên là tác giả và đồng tác giả nhiều cuốn sách:
Văn học dân gian Việt Nam, Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục, 1962 (viết cùng Đinh Gia Khánh)
Văn học dân gian, hai tập, tái bản: 1977, tái bản lần hai : 1991 (cùng viết với Đinh Gia Khánh)
Tục ngữ Việt Nam, 1975 (cùng biên soạn với Lương Văn Đang, Tri Phương) tái bản: 1993
Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam (cùng biên soạn với Lê Chí Quế).
Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, 1989 (là tác giả).
Ngoài ra ông còn tham gia biên soạn Từ điển văn học (Hà Nôi, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, hai tập, 1983 – 1984, viết 18 mục từ), là đồng soạn tác giả sách giáo khoa Văn lớp 10 (hai tập, một tập là sách cho học sinh, tập kia là sách cho giáo viên, nhà xuất bản Giáo dục, 1990).
Tham gia dịch thuật, Chu Xuân Diên là đồng dịch giả các cuốn sách:
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (dịch chung với Dương Tường, từ tiếng Pháp), Hà Nội, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1961;
Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch chung với Đỗ Hồng Chung, từ tiếng Nga), Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, hai tập, 1983.
Có hai bài dịch của ông đã đăng trên tạp chí Văn hoá dân gian. Đó là bài: “Những vấn đề lí luận Folklore” (dịc của N.I.Crapxop, từ tiếng Nga, Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1984, số 2), bài “Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kì” (dịch của V.Ia.Prốp, từ tiếng Nga, Văn hoá dân gian Hà Nội, 1989, số 3;năm 1990, bài dịch này được in trong cuốn Văn hoá dân gian. Những phương pháp nghiên cứu, Hà Nội, nhà xuất bản Khoa học xã hội)
Còn nhiều tài liệu do Chu Xuân Diên dịch từ tiếng Nga chưa được xuất bản. Những bản dịch (đánh máy) này được dùng làm tài liệu cho cán bộ nghiên cứu chuyên ngành và sinh viên năm thứ tư làm luận văn tốt nghiệp, được lưu tại phòng tư liệu của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian:
V.I.Guxep: Mỹ học Folklore;
V.I.Guxep: Những vấn đề Folklore trong lịch sử mỹ học;
Nhiều tác giả: Những vấn đề Folklore (tạp chí Văn hoá dân gian số 2 năm 1984 trích đăng một bài);
V.Ia.Prốp: Folklore và thực tại (tạp chí Văn hoá dân gian số 3 năm 1989 trích đăng một bài).
Những công trình mà ông biên soạn gồm có:
Văn hoá dân gian. Các phương pháp tiếp cận (Giáo trình chuyên đề cao học)
Từ điển biểu trưng (biên soạn cùng ba tác giả khác)
Thần thoại và văn học.
Với hơn 40 năm gỉang dạy, nghiên cứu và dịch thuật, Chu Xuân Diên đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề xuất hoặc góp phần giả quyết nhiều vấn đề lý luận văn học dân gian.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Quang Nhơn (công tác tại trường từ năm 1965 – 1995)
Võ Quang Nhơn sinh năm 1929 tại Quảng ngãi. Ông tốt nghiệp trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1963), bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn (1982) và được phong chức danh Phó giáo sư (1984).
Trong nhiều năm, tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, Võ Quang Nhơn chuyên giảng dạy văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Từ năm 1981 trở đi, ông đảm nhiệm thêm giáo trình Văn học Đông Nam Á. Về chuyên đề, từ năm 1982, ông đã trình bày bài giảng về thể loại sử thi anh hùng; Từ năm 1985, ông đã lên lớp về các trường phái văn học dân gian.
Thời trai trẻ, Võ Quang Nhơn đã trải qua cuộc đời công dân – chiến sĩ ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1948 sau một thời gian hoạt động trong phong trào thanh niên ở địa phương, người trí thức - Đảng viên trẻ tuổi Võ Quang Nhơn đã “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” đến với bà con Cheo Leo trong cương vị chính trị viên huyện đội. ở đó ông đã đóng khố đi phát nương, vót chông giết giặc và cùng bà con vui chơi ca hát lúc bẫy chim trên rẫy, đón tết Mnăm thun trong buôn, nghe già làng kể chuyện trong nhà rông. Nhìn chàng trai da ngăm, môi dày, tóc cứng, bà con Tây Nguyên quên rằng đó là một thư sinh tốt nghiệp trường trung học Thuận Hoá mà cứ ngỡ chàng là con của Bok Klăng hay hậu dụê mấy đời của Đam San cậu, Đam San cháu…Chính tình cảm máu thịt với con người văn hoá Tây Nguyên ấy đã truyền cho ông tri thức và cảm hứng để biên soạn các tuyển tập Chàng Đam Thí (1972), Truyện cổ các dân tộc miền Nam (1976), Truyện cổ Cà Tu (1978), Truyện cổ Cơ Ho (1984; 1988) và đặc biệt là Dân ca Tây Nguyên (1976; 1986).
Công trình nghiên cứu lý luận có sức thuyết phục hơn cả của Võ Quang Nhơn là bài viết Về sử thi anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên Việt Nam (Tạp chí văn học số 4 năm 1987, tr.5-21). Bài viết này là sự tóm tắt có phát triển của luận án Phó tiến sĩ mà ông đã bảo vệ thành công ngày 22-3-1982 tại trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Cũng có thể nói rằng bài viết này là sự tích tụ tri thức ông tích luỹ trong những năm ông ở chiến trường và ở nhà trường. Ở trang đầu bài viết ông giới thiệu tư liệu và tình hình nghiên cứu sử thi Tây Nguyên từ 1929 đến 1982. Ở đó chúng ta thấy Võ Quang Nhơn không những là người am hiểu tinh tường sử thi từ của miệng các già làng mà còn bao quát một khối lượng tư liệu và các công trình nghiên rất lớn bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Đến đây, chúng ta thấy Võ Quang Nhơn đã vượt lên trên tầm của người thư kí trung thành của bà con các dân tộc Tây Nguyên ghi chép lại những câu ca, truyện kể mà trở thành nhà Lí luận văn học và Văn hoá dân gian. Ông không còn là con nai con sóc chạy nhảy trên nương rẫy mà đã hoá thành chim ưng bay lượn trên bầu trời phóng tầm mắt của mình khắp bốn phía “trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu’ để có cái nhìn vừa cụ thể vừa bao quát. Khả năng của ông được thể hiện rõ trong bộ giáo trình đại học Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1983, 475 trang). Cho đến thời điểm hiện nay, tập sách này vẫn là một cái mốc lớn trong việc giới thiệu một cách hệ thống di sản văn hoá và văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam. Vì vậy ý nghĩa của nó đã vượt ra ngoài phạm vi một cuốn giáo trình dùng trong nhà trường. Nó trở thành cuốn sách tra cứu cho những ai có nhu cầu tiếp cận đối tượng nói trên.
|