1. Tổ Văn học nước ngoài, bên cạnh các tổ khác, được hình thành ngay từ những ngày đầu “khởi nghiệp” của Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp năm xưa. Trải qua nửa thế kỉ, nay là Bộ môn Văn học Nga và phương Tây, Bộ môn đã kế thừa, đang tiếp tục vững bước trên con đường lớn mạnh của Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong xu thế hội nhập quốc tế. Nó là một cánh cửa sổ nhìn ra thế giới, mở mang trí tuệ, khơi gợi những tình cảm nhân văn, những chân trời bác ái, yêu thương.
Phương Tây ấy bắt đầu với những Rabelais, Shakespeare, Cervantes, Hugo, Stendhal, Balzac, Pushkin, Gogol, Turgenev, Dostoievsky, Tolstoi, Chekhov, Bunin, Proust, Camus, Sholokhov, Pasternak, Rasputin,… cùng những nhà phê bình lớn: Genette, Bakhtin, Khravchenko, Tadié, Eco, Ricoeur, Barthes, Kristeva, Todorov, Jacobson,…
2. Những người đầu tiên đã giơ cánh tay ra mở cánh cửa sổ để đón ánh sáng từ các chân trời là các thầy Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, cùng sự đóng góp công sức của các thế hệ kế cận Đỗ Đức Hiểu, Tôn Gia Ngân, Nguyễn Kim Đính, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Nguyễn Văn Khỏa, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Trường Lịch, Nguyễn Huy Liên… Các Thầy Phùng Văn Tửu, Nguyễn Ngọc Ban, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Hải Hà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Xuân Hòa, Tào Văn Hón, Đỗ Ngoạn, Bùi Xuân An, Trương Quang Chế,… do những điều động nhân sự khác nhau đã lần lượt chuyển sang làm việc ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khác. Khi còn chung một tổ bộ môn, giảng dạy văn học Trung Quốc còn có các thầy Lê Đức Niệm, Lê Huy Tiêu, Bùi Huy Luận, Lý Tân Hoa, Ngô Xuân Anh, Nguyễn Thúc Đĩnh... Bên cạnh đó, còn có công lao giúp đỡ của các chuyên gia Liên xô, Trung Quốc trong những ngày đầu thành lập.
|
|
3. Không khí sinh hoạt khoa học những năm đầu thành lập tổ Văn học nước ngoài thật hào hứng: nhiều công trình dịch thuật văn học Nga, Trung Quốc, Hy Lạp, Anh, Pháp… đã lần lượt được ấn hành.
Với sự giúp đỡ hiệu quả của Trường Đại học Paris 7, nhóm giảng viên văn học Pháp cùng cộng tác với một số cán bộ của các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Huế, của Viện Văn học và các nhà nghiên cứu, dịch thuật đã có những thành tựu lớn lao: 11 tập Lịch sử văn học Pháp, trong đó có 6 tập văn thơ tuyển chọn song ngữ đã lần lượt ra đời từ 1990 đến 1997 và 16 tập Tấn trò đời đã ra mắt bạn đọc vào năm 2001. Năm 2005, bộ giáo trình Lịch sử văn học Pháp đã được bổ sung và tái bản thành ba tập tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia nhờ những nỗ lực chuẩn bị bản thảo của Đào Duy Hiệp, Trần Hinh. Bên cạnh đó, nhiều cuốn chuyên luận Đổi mới đọc và bình văn, Đổi mới phê bình văn học, Thi pháp hiện đại của Đỗ Đức Hiểu; Tiểu thuyết Hugo, Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX của Đặng Thị Hạnh, công trình Thần thoại Hilạp của Nguyễn Văn Khỏa, Thơ và Truyện và Cuộc đời của Đào Duy Hiệp, Tiểu thuyết A.Camus của Trần Hinh cũng được xuất bản cùng nhiều bài viết đều đặn trên các Tạp chí chuyên ngành để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Nhóm giảng viên văn học Nga cũng xây dựng những bộ giáo trình mới: Lịch sử văn học Nga và Lịch sử văn học xô viết vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước (năm 1997 được tái bản, có bổ sung, sửa chữa) để thay thế cho bộ giáo trình của giáo sư thỉnh giảng người Nga V.Nubarov và của giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã hoàn thành vai trò lịch sử sau hai mươi năm. Kế đến là các chuyên luận: M.Gorki (Nguyễn Kim Đính), Puskin – nhà thơ Nga vĩ đại (Đỗ Hồng Chung), Tiểu thuyết Lép Tônxtôi (Nguyễn Trường Lịch), Kịch Xô viết (Nguyễn Huy Liên) lần lượt ra đời.
4. Đến hôm nay, Bộ môn văn học Nga và phương Tây đã phải chia tay nhiều thầy, cô: các thầy Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Khỏa, Đỗ Hồng Chung đã đi xa; các thầy, cô Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Trường Lịch, Nguyễn Huy Liên cũng đã về nghỉ hưu… Nhưng những người chèo đò nhẫn nại đó vẫn như ngày đêm in bóng hình trên dòng sông giữa đôi bờ văn chương Đông-Tây.
|
|
PGS. Đặng Thị Hạnh với một vốn học vấn sâu sắc và cái nhìn nhân ái, giàu chất thơ, phảng phất một cái gì cổ xưa, nhưng lại hiện đại qua những câu văn gập ghềnh thời gian, những mệnh đề chồng chất không gian kí ức, những mảnh vườn xưa rợp bóng, ánh nắng rung rinh trên mặt đất vờn bay trong những lời ca u hoài, suối mơ, những miền đất, tên địa danh, những con người đã gặp và chia tay, biển và những làng quê hẻo lánh, xa xôi, những biến thiên, xáo trộn của lịch sử xứ sở và của con người, mỗi câu văn một số phận, một cuộc đời yêu thương, trầm lắng đứng cạnh nhau, sang quý như ta bắt gặp một nụ cười vào buổi sáng bất chợt mùa thu se lạnh mới về đêm qua để yên tĩnh hơn khi chợt nhớ tới ánh đèn, nụ cười vang, hồn nhiên, cánh áo lụa mỡ gà mỏng như hình hài của năm tháng, một chiếc cặp nhỏ xinh trên mái đầu đã ngả màu sương, những bông hoa tươi trên bàn, và sách vở, tất cả khoác lên một màu sắc mới trong đời sống nhiều lo toan, huyên náo, cần lao để ta tin hơn rằng cuộc đời và khoa học, tình yêu và sự sống, vẫn còn là những niềm vui, là những điều quan trọng mà thời gian sẽ chẳng thể xóa nhòa…
Nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu, dịch giả tinh thông Lê Hồng Sâm - Madame Sâm - thông minh, nhạy cảm với hàng ngàn trang bản dịch văn học Pháp đã qua tay bà. Mỗi câu văn dịch trung thành, đậm chất văn chương ấy vẫn in đậm dấu ấn lịch lãm, am hiểu xứ sở của tháp Eiffel, điện Panthéon, của những ngôi nhà thờ cổ kính với những Balzac, Hugo, Maupassant, Flaubert, Colette, de Bauvoir, Duras… của một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn. Bên dòng sông Seine chảy trôi, bên vòm cao nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Thánh Tâm màu trắng đường bệ, những con đường rải lá thu vàng trong vườn Luxembourg, bên tượng George Sand, bên những bức tượng Hoàng hậu các thế kỉ, những chiếc ghế sắt sơn xanh bên lối đi, trên những đường phố Paris ánh sáng, hoa lệ, những cửa hiệu thời trang, Nhà hát, Bảo tàng Louvre, con đường Champs Élysées rợp bóng cây,… Madame Sâm hiện diện như một biểu tượng của sự hòa nhập, hóa thân mà vẫn bền lâu một bản sắc phương Đông: nụ cười chen lẫn tiếng nói nhanh với ngữ pháp nhiều ngoặc đơn giải thích, bình luận cụ thể, chặt chẽ, cẩn thận; mái tóc chải lệch à la mode của những phụ nữ có học vấn vào những năm giữa thế kỉ trước; màu sắc trang phục ấm, trầm, ngầm diện. Song, trước hết, ở bà vẫn là công việc: viết giáo trình văn học Pháp năm xưa, chủ trì các dự án dịch thuật và cho đến nay công việc này vẫn có một sức hút to lớn đối với bà bên màn hình máy tính cùng cả một lớp hậu sinh ngày đêm thụ giáo kinh nghiệm dịch thuật từ nơi bà - một người chở đò thầm lặng, chuyên cần cho những ánh văn, thơ từ phương trời khác đến với chúng ta.
Giáo sư Đỗ Đức Hiểu với nụ cười hiền, buồn bã, say mê và gày gò, người phê bình sáng tạo đó đã không ngừng phát hiện ra những vẻ đẹp văn chương Việt Nam và Thế giới. Qua bản dịch của ông, những lời đối thoại trong hài kịch của Molière lấp lánh tiếng cười, những trang văn xuôi đầy chất nhạc, chất thơ của Bernadin de Saint-Pierre yêu thương, say đắm, những bước phiêu lưu, thăng trầm của Guliver, những mối tình bất tuyệt trong bản tình ca buồn đầy nhân ái qua Những người khốn khổ của Hugo, v.v. và còn nhiều nữa. Đằng sau những trang viết phê bình nhiều trân trọng, bay bổng mà khoa học của ông còn như in bóng hình của một nhà giáo, người nghệ sĩ với những đổ vỡ, những lầm lẫn và bi kịch; một tâm hồn dào dạt yêu thương và cay đắng. Ông đã ra đi, tiếng cười lặng lẽ của ông còn ở lại. Và những trang văn.
Tiếng cười bạo, trào tiếu, rất “nghịch dị” của thầy Nguyễn Văn Khỏa cùng những lời nói thẳng, chân thật của thầy vẫn đọng lại trong những trang thần thoại và cả lời nói đầu cuốn sách mà có người vẫn phải lấy làm mẫu mực. Ở đó có lao động say mê, có cả tinh thần nhân văn cao cả của thời đại Phục Hưng. Một cuộc đời nhiều sóng gió, đam mê, hi vọng và cả những thất vọng. Ông hiểu cuộc đời bằng tiếng cười, qua tiếng cười. Và bên dưới đó là những trầm tư “nghịch dị”.
Giáo sư Nguyễn Kim Đính đôn hậu, bác văn (mấy chữ ông vừa mới được học trò dâng tặng nhân kỉ niệm 75 năm ngày sinh), rủ rỉ trong nhiều năm tháng ở Bộ môn. Ông đã từng giữ trọng trách chủ nhiệm Bộ môn và chủ nhiệm Khoa. Ông viết ít, và cũng không nói nhiều. Nhưng để hiểu được nhiều điều thì phải đến tham vấn ông. Từ những nhận định, những dẫn chứng về quá khứ, về những con người đã qua, hay cả những vấn đề thời sự đang diễn ra hằng ngày, qua những lời của ông, ta gặp một con người giản dị: am hiểu, đọc nhiều, mà khiêm tốn, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, cả về những chuyện văn chương lẫn những chuyện thế thái nhân tình. Hình như ông hiểu cặn kẽ những lăn lóc, hệ lụy trần ai, mặc dù ông không vướng bận. Căn phòng nhỏ của ông bên cửa sổ, chiếc giường đơn, sách vở, ánh sáng, những bức tranh Nga lá thu vàng, những cánh rừng bạch dương, gợi nhớ tới một xứ sở thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn mang đậm màu tôn giáo của những nhà văn khổng lồ. Ông là một con người thấm sâu văn chương nếp đất của xứ sở ấy. Đôi khi qua một bài viết nhỏ của ông trên báo, ta bỗng hiểu được ánh sáng tri thức bấy lâu đã đọng lại trong những con chữ nén chặt nhiều thông tin khoa học. Ông cẩn trọng mà không hồ nghi, nhân ái mà không dễ dãi; nhưng ngay cả cái không dễ dãi của ông vẫn bao gồm cả sự không cần tính đếm, nghĩ suy nhiều. Ông tin ở con người, tin ở tình yêu lao động của họ. Và như vậy, có lẽ với ông, là hướng thiện. Sự miệt mài lao động cùng với một tấm lòng ở ông, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Đính, đã là những bài học cho nhiều thế hệ sinh viên, học viên sau đại học và cả những đồng nghiệp đến sau ông noi theo.
Thầy Đỗ Hồng Chung sớm đi xa vì một căn bệnh hiểm nghèo. Dáng người trí thức, thanh, giọng nói hiền lành, ở trên tầng cao một khu chung cư cho đến ngày thầy phải đi xa. Những vần thơ của Lecmontov mà ông dịch ám ảnh một nỗi cô đơn, sầu xứ còn vương lại:
Buồm ai đó cô đơn trắng toát
Lướt trong sương xanh ngắt biển khơi!...
Tìm chi ở chốn xa xôi?
Còn chi để lại khi rời quê hương?
Những dấu hỏi, những chấm than về cuộc đời… từ nỗi buồn gia đình và nhân thế. Những màu sắc gợi nỗi mênh mông, thẳm xa vời vợi trong ẩn dụ “biển khơi” cuộc đời khắc khoải trong ta. Ta thấy ở đó dường như vẫn đau đáu một nỗi niềm trách nhiệm, một tình yêu. Tấm lòng ấy, tiếng thơ ấy, qua lời một thi nhân, mãi là một ám ảnh cho mỗi người khi một mùa thu lại về.
Sẽ chỉ còn lại trong kí ức con người những tấm lòng thực sự đáng trân trọng.
Thời gian đã trôi qua và cả đọng lại biết bao điều. Thầy Phan Quý Bích sắp nhận sổ hưu. Đa phần những người ở lại, tuy cũng chẳng còn là bao, cũng đều đã trên dưới năm mươi: PGS.TS. Phạm Gia Lâm, TS. Đào Duy Hiệp, các thầy Trần Hinh, Cao Vũ Trân. Họ đang tận dụng quỹ thời gian còn lại cho việc hoàn thành những dự định chuyên môn, tự đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu với hi vọng bổ sung vào đội ngũ chạy tiếp sức, bên cạnh/đằng sau các thạc sĩ Nguyễn Thu Thủy, Lê Nguyên Long là những gương mặt đang định hình.
5. Với truyền thống nhạy bén trong việc tiếp thu và vận dụng những thành tựu mới mẻ của ngành ngữ văn học, cùng với nhiều bộ môn khác trong khoa, Bộ môn Văn học Nga và phương Tây đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ. Theo đó, khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ sẽ giúp cho việc cập nhật, bổ sung nguồn học liệu – một nhân tố quan trọng để tích cực hóa hoạt động của người học.
Cùng với việc mở rộng giao diện văn học phương Tây, trong những năm tới, Bộ môn sẽ tập trung đi sâu vào việc “Việt hóa” những thành tựu lí luận văn học hiện đại cả trên phương diện giảng dạy lẫn nghiên cứu để nơi đây sẽ trở thành một khu vườn trí tuệ xum xuê, rợp bóng nhân văn và tài năng. Một không gian ươm trồng và hội tụ nhân tài khoa học và nhân cách con người.
Con đường tình yêu, vinh quang và trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Chủ nhiệm Bộ môn - TS. Đào Duy Hiệp
Danh sách cán bộ đã từng công tác tại Bộ môn
1. Thày giáo Bùi Xuân An |
2. Thày giáo Nguyễn Ngọc Ban |
3. Thày giáo Trương Quang Chế |
4. PGS.TS. Đỗ Hồng Chung |
5. GS. Nguyễn Kim Đính |
6. GS. Nguyễn Hải Hà |
7. PGS. Đặng Thị Hạnh |
8. TS. Hoàng Ngọc Hiến |
9. GS. Đỗ Đức Hiểu |
10. TS. Nguyễn Huy Hoàng |
11. Thày giáo Tào Văn Hón |
12. Thày giáo Nguyễn Văn Khỏa |
13. PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch |
14. PGS.TS. Nguyễn Huy Liên |
15. TS. Lê Ngọc Mai |
16. TS. Tôn Gia Ngân |
17. PGS.TS. Đỗ Ngoạn |
18. GS. Hoàng Xuân Nhị |
19. TS. Lê Thế Quế |
20. Th.S. Phạm Thị Tâm |
21. GS. Bạch Năng Thi |
22. GS. Nguyễn Mạnh Tường |
23. GS. Phùng Văn Tửu |
24. NGƯT. Lê Hồng Sâm |
25. CN. Phạm Hải Vân |
|
Danh sách cán bộ hiện đang công tác tại Bộ môn:
1. GVC. Phan Quý Bích |
2. TS. Đào Duy Hiệp |
3. GVC. Trần Hinh |
4. PGS.TS. Phạm Gia Lâm |
5. Th.S. Lê Nguyên Long |
6. Th.S. Nguyễn Thu Thủy |
7. GVC. Cao Vũ Trân |
|
|