I. Khái quát sự hình thành và phát triển
Ngành Hán Nôm bắt đầu được xây dựng từ năm học 1970-1971, nằm trong cơ cấu các ngành học của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó (Văn học, Ngôn ngữ học và Hán Nôm). Sự ra đời của nó trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một mặt, đã đáp ứng với những đòi hỏi của cuộc sống đất nước, của khoa học nhằm đào tạo ra những người chuyên làm công tác sưu tầm, bảo quản, khai thác di sản Hán Nôm cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đảm bảo tính liên tục về văn hoá khi đất nước không còn dùng chữ Hán, chữ Nôm, mặt khác, đây lại đánh dấu công lao của biết bao nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý đã có công đề xuất, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của ngành. Khoá tuyển sinh đầu tiên cho chuyên ngành Hán Nôm là khoá học 1972-1976.
Là ngành đào tạo những người làm công tác Hán Nôm (sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm) lại được đặt trong khoa Ngữ Văn, điều đó đã xác định vị thế ngữ văn của ngành đào tạo này. Xuất phát từ vùng trời đó, đến nay, Hán Nôm của trường Đại học Tổng hợp trước kia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay đã trở thành một cơ sở đào tạo Hán Nôm duy nhất thuộc hệ thống đại học cả nước vừa đào tạo đại học và sau đại học. Có được vị thế đó là do Hán Nôm đã được rất nhiều thế hệ các nhà quản lý, các nhà giáo, nhà khoa học chăm chút, bỏ công sức xây dựng.
|
|
Ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều chiến tranh, biên chế đầu tiên của Hán Nôm chỉ có 4 cán bộ: GS. Đinh Gia Khánh (tổ trưởng - hồi đó gọi bộ môn là tổ), GS.TS. Lê Văn Quán, NGƯT. Nguyễn Đình Thảng và nhà giáo Trần Thuyết. Sau đó, do công việc học tập của sinh viên, nên trường cho thêm bà Lý Thục Trân về viết tư liệu. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng khoa học Khoa Ngữ văn lúc đó, ngành đã xây dựng chương trình, phân công cán bộ giảng dạy. NGƯT. Nguyễn Đình Thảng dạy chữ Hán nhập môn từ những nét ngang nét sổ đầu tiên, GS.TS. Lê Văn Quán dạy các môn như Luận ngữ, Ngữ pháp cổ đại Hán ngữ, chữ Nôm, Nhà giáo Trần Thuyết dạy các môn thuộc phần các sách Tiểu học và Hán văn Trung Quốc cổ, Hán văn Việt Nam...
Một số môn còn lại do các thầy giáo trong Khoa có chuyên môn Hán Nôm giảng dạy như PGS. Bùi Duy Tân, GS. Nguyễn Tài Cẩn ... Ngoài ra, Hán Nôm lại còn có rất nhiều nhà khoa học, các bậc túc nho của các cơ quan bên ngoài đến tham gia giảng dạy, truyền thụ kiến thức. Những khóa đầu tiên, Hán Nôm còn được GS. Cao Xuân Huy - bậc sư biểu của nền Hán học Việt Nam dạy môn Kinh Thư, nhà Hán học lão thành Đỗ Ngọc Toại dạy Kinh Thi, GS. Trương Đình Nguyên dạy tản văn Trung Quốc lịch đại (Tả truyện, Sử ký, Đường Tống Bát đại gia...) Về sau, bộ môn lại được các nhà khoa học như PGS. Trần Nghĩa, TS. Hoàng Văn Lâu... tham gia giảng dạy.
Chương trình Hán Nôm lúc đó được thiết kế trong sự liên hệ chặt chẽ với các chương trình Ngữ văn. Những môn có tính cách lý luận nền tảng như: Triết học, Lý luận văn học, Văn học Việt Nam, Văn học Trung Quốc, sinh viên Hán Nôm học như chương trình ngữ văn nói chung (Văn - Ngữ - Hán nói chung). Những môn thuộc về ngôn ngữ thì Hán Nôm học như Văn học. Tính chất ngữ văn của chương trình Hán Nôm đã là một trong những nhân tố có tính nền tảng nhất giúp cho sinh viên tốt nghiệp từ Hán Nôm Đại học Tổng hợp Hà Nội công tác tốt ở lĩnh vực chuyên môn Hán Nôm khi họ được điều về những nơi chuyên làm Hán Nôm và cả khi họ được nhận công việc ở các ngành kế cận khác. Bộ môn đã có nhiều thế hệ chủ nhiệm và quản lý như: GS.Đinh Gia Khánh, GS.TS. Lê Văn Quán, nhà giáo Trần Thuyết, GV. Nguyễn Thanh, GV. Lê Anh Tuấn, GVC. Đinh Trọng Thanh, PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh, PGS.TS. Phạm Văn Khoái.
Từ năm 1972 đến nay, cùng với những biến đổi của đời sống đất nước, Hán Nôm cũng biến đổi. Biên chế của Hán Nôm có lúc đông tới hơn chục cán bộ. Giờ đây, bộ môn Hán Nôm có 9 cán bộ trong biên chế, trong đó có 2 Phó giáo sư Tiến sĩ, 2 Phó giáo sư Tiến sĩ kiêm nhiệm. Số lượng cán bộ như thế là quá ít so với khối lượng công việc phải đảm nhận. Hán Nôm vừa có ngành đào tạo độc lập với 2 cấp học: đại học, sau đại học, vừa giảng dạy Hán Nôm cho các khoa thuộc khoa học nhân văn như: Văn học, Ngôn ngữ học, Du lịch học... Điều đó vừa nói lên nhiệm vụ nặng nề của ngành Hán Nôm, mặt khác, cũng nói lên tính chất liên ngành của Hán Nôm với các khoa học nhân văn khác.
|
|
Trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay, chương trình đào tạo cử nhân của ngành Hán Nôm vẫn được thiết kế trên cơ sở tiếp thu những điểm khả dĩ của các chương trình trước đó, đồng thời có những điều chỉnh theo hướng nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên về các lĩnh vực: giải mã văn bản Hán Nôm, các tri thức ngữ văn, các tri thức văn hoá nói chung và văn hoá truyền thống nói riêng. Bởi thế, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp mà trong đó các môn học của ngành, kiến thức ngành, có nhiều môn học và học phần trực tiếp liên quan đến Kho sách Hán Nôm, văn bản Hán Nôm, thực hành Hán Nôm. Bằng cách đó, người học sau khi tốt nghiệp cử nhân Hán Nôm không còn lạ lùng hay bỡ ngỡ khi phải trực tiếp tiếp xúc với các văn bản Hán Nôm hiện đang lưu trữ tại kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên Hán Nôm cũng như của các thư viện của các Viện nghiên cứu khác. Người học được trang bị một khối lượng khá lớn những tri thức cơ sở của ngành, trong đó có các học phần về Hán văn Trung Quốc, Hán văn Việt Nam, chữ Nôm, văn bản Nôm. Các bài giảng của các môn này đều được thiết kế để có các nội dung về mặt ngữ văn như: ngữ pháp, vốn từ, văn hóa qua các tinh tuyển văn bản có tính đại diện và tiêu biểu.
Bên cạnh những tri thức chuyên môn Hán Nôm ấy, người học được tiếp thu những tri thức về lịch sử và lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử và lịch sử văn học Trung Quốc, Hán ngữ học, Việt ngữ học cũng như các tri thức từ các học phần bắt buộc của khối kiến thức giáo dục đại cương và các môn cơ sở của khối ngành. Sự thiết kế chương trình như thế có tính liên ngành và tầng bậc làm cho người học vừa có kiến thức Hán Nôm mang tính chuyên ngành, vừa có những kiến thức ngữ văn nền tảng. Sự bố trí những kiến thức đó sẽ giúp cho người học có khả năng thích ứng cao với các điều kiện làm việc sau khi ra trường.
Chương trình cử nhân Hán Nôm còn coi trọng ngoại ngữ (cả ngoại ngữ cơ sở và ngoại ngữ chuyên ngành). Do đặc thù của ngành, ngoại ngữ thường được chọn cho cử nhân Hán Nôm là Trung văn. Song cũng có khoá lại học các ngoại ngữ khác.
Tin học và tin học Hán Nôm là những môn được đặc biệt chú ý trong chương trình cử nhân Hán Nôm để người học có thể dài tay hơn trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm tiếp cận các văn bản Hán Nôm và các vấn đề cấp bách của Hán ngữ học, Hán học, Đông phương học quốc tế.
Việc tuyển sinh trong thời gian dài (từ 1972 đến 2003) được thực hiện theo mã tuyển sinh Ngữ văn và sau đó là mã tuyển sinh Văn học. Điều này có nghĩa là, người học sẽ được vào học ngành Hán Nôm hoặc là tự nguyện, hoặc là được cử, được xếp vào sau khi họ đã đỗ vào Ngữ văn hay Văn học. Để đổi mới công tác tuyển sinh và giúp cho người học xác định nghề học ngay từ khi nộp hồ sơ thi đại học, từ khóa 49 (tức từ năm 2004), ngành Hán Nôm đã có mã số tuyển sinh riêng cho hệ cử nhân (Mã số: 610), tuyển từ các khối C, D với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là 30. Hiện nay đã có 3 khóa (K49, K50, K51) sinh viên Hán Nôm được tuyển trực tiếp như thế. Sự tuyển trực tiếp và độc lập giúp cho nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và giúp cho người học chủ động, tự tin trong việc lựa chọn và xác định nghề nghiệp cũng như cho tương lai của mình. Đồng thời chương trình đào tạo và lịch trình học tập, lịch trình bố trí các môn học, các học phần cũng được đổi mới. Phần chuyên môn Hán Nôm được rải đều trong 4 năm học, tạo điều kiện cho việc thấm và nhuyễn kiến thức của sinh viên.
II. Những thành tích cơ bản của Hán Nôm
Thành tích cơ bản của Hán Nôm ở đây được điểm lại từ một số mặt như: đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác, phục vụ cộng đồng...
1. Thành tích về đào tạo
Từ 1972, Hán Nôm có hệ đào tạo đại học chuyên ngành. Lúc đầu, tuyển sinh theo chế độ cách năm. Về sau thì tuyển sinh liên tục. Những năm 1980, 1981 trở đi, Hán Nôm tham gia dạy phần ngữ văn Hán Nôm cho sinh viên ngữ văn nói chung. Từ 1998, ngành Hán Nôm của Trường lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học.
Hán Nôm đã đào tạo 30 khóa đại học. Sản phẩm Hán Nôm ra trường đã giành được sự tín nhiệm của các cơ sở tiếp nhận. Một lực lượng đông đảo tốt nghiệp Đại học Hán Nôm đã về công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và một số Viện nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng như các cơ quan văn hóa, các đoàn thể, tổ chức xã hội khác. Nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia, đảm nhận những công việc chủ chốt của các cơ quan này.
Đào tạo Đại học Hán Nôm đã mở rộng đến hệ văn bằng hai. Đối tượng tuyển vào là những người đã có một bằng đại học. Hiện nay, hệ này đang có nhu cầu rất lớn từ phía xã hội.
Hệ sau Đại học Hán Nôm đến nay đã tuyển sinh được 8 khóa. Hệ này sẽ tiếp tục phát triển theo chiến lược phát triển đào tạo chung của trường Đại họa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Sau đại học Hán Nôm còn liên kết đào tạo với các cơ sở khác như: Viện nghiên cứu Hán Nôm...
2. Công tác biên soạn giáo trình
Có quan hệ trực tiếp với công tác đào tạo là công tác biên soạn giáo trình các tài liệu phục vụ giảng dạy học tập. Hệ thống bài giảng, giáo trình của bộ môn đã được thử nghiệp trong thực tế giảng dạy và lần lượt được xuất bản như: Giáo trình chữ Hán (1978) (Lê Văn Quán), Giáo trình Hán Nôm (công trình tập thể do Chủ nhiệm bộ môn là GVC. Đinh Trọng Thanh chủ biên, in 1999); Giáo trình Hán Nôm dành cho du lịch (Phạm Văn Khoái); Giáo trình Hán văn Lý - Trần (Phạm Văn Khoái); Giáo trình ngữ pháp Hán ngữ cổ đại (Đinh Trọng Thanh). Nhiều sách chuyên luận, chuyên khảo đã được công bố như: Nghiên cứu về chữ Nôm (Lê Văn Quán), Một số vấn đề chữ Hán thế kỷ XX (Phạm Văn Khoái)...
Thực hiện chủ trương biên soạn, xuất bản bài giảng và giáo trình, hàng chục hợp đồng biên soạn đã được ký kết và có nhiều giáo trình đã được nghiệm thu và xuất bản như Giáo trình thực hành chữ Nôm (Lê Anh Tuấn...)
3. Công tác nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ rất quan trọng của Hán Nôm. Đến nay, một loạt đề tài các cấp do cán bộ bộ môn chủ trì đã được nghiệm thu và đánh giá tốt về các lĩnh vực: ngữ pháp, giáo dục khoa cử, nho học, từ Hán Việt, Hán văn Việt Nam... Cán bộ của bộ môn cũng được mời tham gia nhiều đề tài nghiên cứu của các cơ quan bạn. Bộ môn Hán Nôm đã thực hiện Dự án sưu tầm Hán Nôm ở Huế (do Đại học Quốc gia cấp kinh phí) và đề tài độc lập cấp Nhà nước: Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm Huế do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ trì.
4. Quan hệ hợp tác
Nhiều cán bộ của bộ môn đã tham gia các công trình biên soạn các tập của bộ: Tổng tập văn học Việt Nam, Ngữ văn Hán Nôm phục vụ sau đại học hay tham gia tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề và thực hiện các đề tài khoa học lớn. Bộ môn có tham gia thực hiện các phần công việc của mình trong các hợp tác khoa học của nhà trường với Trường Đại học Tổng hợp Quốc Gia Moskva mang tên M. Lomonoxov Liên bang Nga, của Hội Thư pháp Đài Loan... Những công việc hợp tác đó sẽ được duy trì và phát triển trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh công việc hợp tác quốc tế là công tác phục vụ cộng đồng. Bộ môn đã tổ chức Phòng trưng bày Thư pháp để giới thiệu thư pháp chữ Hán. Ngoài ra, Bộ môn còn kết hợp với các đơn vị bạn tổ chức các hội thảo về danh nhân văn hóa.
III. Các định hướng nghiên cứu chính của ngành Hán Nôm
Các nghiên cứu của ngành Hán Nôm trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn hiện nay nhằm vào các hướng chính sau đây: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ công tác đào tạo và phục vụ xã hội, cộng đồng.
Nghiên cứu cơ bản nhằm vào các vấn đề như: điều tra di sản Hán Nôm, các đặc điểm của Hán văn Việt Nam về chức năng và cấu trúc, chữ Nôm văn bản Nôm, những vấn đề Hán Nôm thế kỷ XX... Chỉ có tiến hành nghiên cứu cơ bản tốt chúng ta mới trả lời thấu đáo câu hỏi: Hán Nôm là gì, cách tiếp cận nó ra sao, làm sao có thể khai thác được các giá trị có trong các văn bản Hán Nôm... để rồi từ đó xây dựng chương trình, hệ thống giáo trình, cách tiếp cận di sản Hán Nôm từ góc độ khai thác hiện đại và rút kinh nghiệm cho công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai nhằm ứng dụng và triển khai các vấn đề có liên quan đến Hán Nôm đang được xã hội quan tâm như: dạy từ Hán Việt như thế nào? Dạy chữ Hán trong nền quốc văn như thế nào?... Nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai nhằm phục vụ cộng đồng và xã hội, góp phần xã hội hóa Hán Nôm trong điều kiện hiện đại.
Trên đây là một vài điểm về công việc và thành tích của Bộ môn Hán Nôm. Là một thành viên trong đại gia đình Ngữ văn trước kia, Văn học hiện nay, chúng tôi hiểu rằng mọi bước đi của chúng tôi, mọi thành tích của chúng tôi đều gắn bó với sự nghiệp chung của Khoa của Trường, đều nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Khoa của Trường. Trước mắt chúng tôi còn nhiều việc phải làm để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đào tạo chất lượng cao của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ nhiệm Bộ môn – PGS. TS. Phạm Văn Khoái
Danh sách cán bộ đã công tác tại Bộ môn:
- GS. Đinh Gia Khánh
- GS.TS. Lê Văn Quán
- NGƯT. Nguyễn Đình Thảng
- NG. Trần Thuyết
- GVC. Đinh Trọng Thanh
- GVC. Nguyễn Quý Hữu
- GV. Nguyễn Quốc Hùng
- GV. Đào Ngọc Hồ
|
|
Danh sách cán bộ đang công tác tại Bộ môn:
-
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh
-
PGS.TS. Phạm Văn Khoái
-
GV. Tạ Doãn Quyết
-
ThS. Đinh Thanh Hiếu
-
GV. Lê Anh Tuấn
-
ThS. Phạm Vân Dung
-
GV. Đỗ Tiến Thắng
-
ThS. Phan Thị Thu Hiền
-
ThS. Nguyễn Tuấn Cường
|