I. Quá trình hình thành và phát triển
Cội nguồn của Văn học phương Đông nếu tính từ các bậc tiền bối truyền bá và giảng dạy Văn học Trung Quốc thì phải kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa ngay sau ngày đất nước giành Độc lập (ngày 10 – 10 – 1945). Năm học đầu tiên 1945 – 1946, Đại học Văn khoa bắt đầu giảng dạy các môn như Triết học phương Đông, Văn chương Việt Nam, Văn chương phương Tây, Địa dư và Nga ngữ thì đã có môn học Văn chương Trung Quốc do Giáo sư Đặng Thai Mai đảm nhận. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào tháng 12 – 1946, Đại học Văn khoa rời thủ đô Hà Nội về vùng kháng chiến. 10 năm sau, năm 1956, một trường đại học đầu tiên của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tổ Văn học Thế giới, tiền thân của bộ môn Văn học phương Đông sau này có mặt ngay từ đầu trong cơ cấu của khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Một môn khoa học đã ra đời phải gián đoạn trong kháng chiến nay lại phải làm lại từ đầu với biết bao khó khăn: xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình, bài giảng, ... Giáo sư Đặng Thai Mai, vị chủ nhiệm khoa đầu tiên cũng là người đầu tiên trực tiếp xây dựng chương trình và giảng dạy văn học Trung Quốc cùng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia Trung Quốc. Từ những năm đầu Cách mạng, khi thành lập Đại học Văn khoa, Giáo sư Đặng Thai Mai đã có những công trình giới thiệu Văn học Trung Quốc ở Việt Nam đăng trên các báo Thanh nghị, Tri tân, Văn mới như Lỗ Tấn, Tạp văn trong Văn học Trung Quốc.... Đến khi thành lập Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo sư Đặng Thai Mai lại tiếp tục tự mình dịch và giới thiệu các tác gia, tác phẩm nổi tiếng của văn học Trung Quốc, đã giảng dạy từng phần văn học Trung Quốc cho khoá sinh viên đầu tiên của trường như Văn học Tiên Tần, Lưỡng Hán...Nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc tiêu biểu, tiến bộ mà thời đó còn ít người Việt Nam biết đến đã được Giáo sư dịch, giới thiệu như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Lôi vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Chiếc đồng hồ, Ả Sim (Dân ca Vân Nam)...
|
|
Một số chuyên gia Trung Quốc có công đầu trong việc giảng dạy văn học Trung Quốc tại giảng đường Đại học Việt Nam, đó là giáo sư Trương Trọng Thuần, Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường đại học Bắc Kinh đã giảng phần Văn học Nguỵ Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy Đường, Ngũ đại, Tống Nguyên, Minh Thanh và Cận đại cho lớp sinh viên khoá I qua lời dịch trực tiếp trên lớp của thầy Trần Quốc Tiệp và về sau thầy Hồng Dân Hoa dịch viết ra Việt văn làm tài liệu học tập cho các lớp sinh viên.
Khi 2 khoa Văn và Sử sáp nhập, cũng là lúc các chuyên gia Trung Quốc về nước và giáo sư, chủ nhiệm khoa Đặng Thai Mai nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Văn học, phần Văn học thế giới do thầy Trần Văn Tấn làm tổ trưởng, đồng thời trực tiếp giảng dạy văn học Trung Quốc cùng các thầy Trương Chính, Ngô Xuân Anh, Nguyễn Thúc Đĩnh. Nhóm văn học Trung Quốc được tăng cường những cán bộ giảng dạy trẻ từ nguồn đào tạo tại khoa (khoá I) và từ nước ngoài trở về như thầy Lê Đức Niệm, Bùi Huy Luận, Nguyễn Xuân Hoà, Lê Huy Tiêu. Đây là thế hệ giảng dạy và nghiên cứu văn học Trung Quốc được đào tạo cơ bản và gần như suốt đời họ đã gắn bó với bộ môn. Sau này, nhiều thầy đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, có học hàm, học vị và được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. PGS. Nhà giáo ưu tú Lê Đức Niệm, Huân chương Lao động hạng III, PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Lê Huy Tiêu, Huân chương Lao động hạng III, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Hoà...
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975) một số thày giáo của bộ môn được tăng cường cho các trường đại học ở phía Nam hoặc các địa phương giữ các trọng trách như thầy Nguyễn Xuân Hoà làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn – Báo chí, Trường đại học khoa học Huế, thầy Bùi Huy Luận trở về quê hương mình tăng cường đội ngũ trí thức có kinh nghiệm cho Trường cao đẳng.
Năm 1980, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những vấn đề về khu vực đang đặt ra hết sức cấp thiết, chuẩn bị cho Việt Nam hội nhập ASEAN, bộ môn Văn học Đông Nam Á được thành lập do PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Võ Quang Nhơn làm chủ nhiệm. Buổi đầu thành lập bộ môn chỉ có một số cán bộ mới ở lại trường hoặc đang công tác tại khoa như Trần Thúc Việt, Võ Đình Hường, Đỗ Thu Hà. Sau đó bộ môn được bổ sung thêm một số cán bộ ở các bộ môn khác trong trường và ngoài trường và họ cũng chỉ ở bộ môn một vài năm là chuyển đi nơi khác như Phạm Hải Triều chuyển về phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Thuý chuyển về Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Công Anh về bộ môn Tiếng nước ngoài của trường. Một số cán bộ được cử đi nghiên cứu, học tập ở các nước láng giềng trong khu vực như Lào, Cămpuchia để biên soạn giáo trình đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy văn học khu vực Đông Nam Á: thầy Võ Quang Nhơn sang Lào giúp bạn biên soạn giáo trình văn học Lào, thầy Trần Thúc Việt, Võ Đình Hường sang Lào học tập tiếng và nghiên cứu văn học. Thầy Trần Thúc Việt, Võ Đình Hường, Đỗ Thu Hà sang Cămpuchia giảng dạy tại trường đại học Phnômpênh kết hợp nghiên cứu văn học Cămpuchia...
Năm 1987, nhóm văn học Trung Quốc thuộc Bộ môn Văn học nước ngoài sáp nhập với Bộ môn văn học Đông Nam Á thành bộ môn mới: Văn học phương Đông gồm 6 thành viên: PGS. Lê Đức Niệm, PGS,TS. Lê Huy Tiêu, giảng viên Ngô Hoàng Mai, giảng viên Trần Thúc Việt, Ths Võ Đình Hường, TS. Đỗ Thu Hà. Lần lượt các thầy Lê Đức Niệm, Lê Huy Tiêu, Trần Thúc Việt đã đảm nhận cương vị Chủ nhiệm bộ môn... Sau gần 10 năm, bộ môn tiếp tục được tăng cường các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa hoặc xuất sắc của khoa bổ sung như Phạm Ánh Sao, Nguyễn Thanh Diên, Nguyễn Phương Liên. Đến năm 2000, TS. Đỗ Thu Hà chuyển về khoa Đông phương học của trường, PGS. Lê Đức Niệm, PGS,TS. Lê Huy Tiêu nghỉ hưu và đến năm 2005, Ths. Võ Đình Hường nghỉ hưu.
Từ năm 1987 đến nay là một chặng đường phát triển mới của bộ môn Văn học Phương Đông trong cơ cấu của một bộ môn độc lập đảm nhận chương trình đào tạo ở tất cả các hệ, các loại hình, các bậc đào tạo: Đại học và Sau đại học, chính qui và ngoài chính qui...
II. Những thành tích chính
1. Đào tạo
Bộ môn đảm nhận giảng dạy 5 giáo trình cơ sở bậc đại học (Văn học Trung Quốc, Văn học Ấn Độ, Văn học khu vực Đông Nam Á, Văn học Nhật bản, Văn học Korea) cho 3 ngành đào tạo ở khoa ( Văn học, Hán Nôm, Văn hoá văn học các khu vực) và các đơn vị khác trong và ngoài trường. Tham gia giảng dạy 3 chuyên đề về văn học phương Đông cho sinh viên ngành văn (Ảnh hưởng thơ Đường đối với văn học Việt Nam, Thi pháp Lỗ Tấn, Truyện thơ Đông Nam Á). Giảng dạy 2 chuyên đề bậc đào tạo sau đại học (Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn học khu vực Đông Nam Á, Một số vấn đề về tiểu thuyết đương đại Trung Quốc). Bộ môn đã đào tạo được một số tiến sĩ, thạc sĩ và tham gia cùng các đơn vị khác giảng dạy và hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh và học viên cao học.
2. Biên soạn giáo trình, chuyên luận, sách tham khảo.
Nhóm văn học Trung Quốc của bộ môn do PGS,TS. Lê Huy Tiêu đứng đầu đã cộng tác với một số cán bộ ở Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội dịch trọn bộ Lịch sử văn học Trung Quốc (4 tập) từ khởi nguồn đến hiện đại. NXB Giáo dục 1995, tái bản 1997 - 1998.
PGS,TS. Lê Huy Tiêu và PGS. Lê Đức Niệm đã dịch, giới thiệu, hiệu đính nhiều bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc, Kim Bình Mai…Chuyên luận Diện mạo thơ Đường của PGS. Lê Đức Niệm (NXB Văn hoá - Thông tin, 1995) đã trở thành tài liệu quan trọng của nhiều lớp sinh viên và bạn đọc. Ngoài ra, PGS. Lê Đức Niệm còn dịch và giới thiệu nhiều sách về Phật giáo như Truyện cổ Phật giáo, Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc, Các đế vương với Phật giáo, … Đặc biệt, PGS. Lê Đức Niệm còn biên soạn một số bộ từ điển phục vụ tốt cho việc tra cứu học tập của sinh viên như Từ điển Trung – Việt (NXB Giáo dục, 1994, tái bản sữa chữa NXB Văn hoá - Thông tin, 2001, Nhật – Việt (NXB Giáo dục, 1993), chỉ đạo công trình và soạn chung các bộ từ điển khác: Trung – Việt (60.000 từ), Nhật – Việt (60.000 từ)… PGS,TS. Lê Huy Tiêu công bố một số chuyên luận với cách tiếp cận mới và tập trung vào giai đoạn văn học Trung Quốc đương đại phát triển hết sức sôi động: Cảm nhận mới về văn hoá văn học Trung Quốc (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004), Tiểu thuyết Trung Quốc đương đại (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006)… Ngoài ra, PGS,TS. Lê Huy Tiêu còn soạn chung một số từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc và dịch, giới thiệu một số tác phẩm văn học Trung Quốc như Cao lương đỏ, Truyện ngụ ngôn Trung Quốc…Phạm Ánh Sao dịch một số tài liệu Trung Quốc phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập của sinh viên Trần Thúc Việt tổ chức dịch “ Lịch sử văn học phương Đông”…
Nhóm văn học Đông Nam Á (Trần Thúc Việt, Võ Đình Hường, Đỗ Thu Hà) cộng tác với GS,TS. Đức Ninh (Viện Đông Nam Á) xuất bản giáo trình Văn học khu vực Đông Nam Á (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tái bản năm 2000). Trần Thúc Việt cùng Đức Ninh biên soạn chuyên luận Diện mạo văn học cận hiện đại Lào, (NXB Khoa học Xã hội, 2006). Trần Thúc Việt viết giáo trình của một môn học mới Văn học Korea (Triều Tiên – Hàn Quốc), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
3. Nghiên cứu khoa học
Các cán bộ trong bộ môn đã viết hàng trăm bài báo khoa học về các lĩnh vực văn học, văn hoá, nghệ thuật đăng ở các tạp chí chuyên ngành, hàng chục công trình sách chuyên luận, dịch thuật, khảo cứu, từ điển phục vụ cho các hệ đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên. Hướng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào những vấn đề của Văn học Trung Quốc, Văn học Ấn Độ, Văn học Đông Nam Á, Văn học Đông Bắc Á, đặc biệt là tìm hiểu sự ảnh hưởng, giao thoa giữa Văn học Việt Nam với văn học khu vực.
Nhiều cán bộ trong bộ môn đã chủ trì hoặc tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp Trường, nghiệm thu đạt kết quả tốt. PGS. Lê Đức Niệm chủ trì các đề tài Đại học Quốc gia như Diện mạo các nền văn học viết bằng chữ Hán ở một số nước phương Đông (Việt Nam – Trung Quốc, Nhật Bản), Con đường hiện đại hoá và dân tộc hoá của các nền văn học dân tộc Châu Á . PGS,TS. Lê Huy Tiêu cùng Nguyễn Thanh Diên chủ trì các đề tài cấp cơ bản và trọng điểm Đại học Quốc gia như Tiểu thuyết Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới, Sự đổi mới lý luận phê bình trong văn học đương đại Trung Quốc.Trần Thúc Việt chủ trì đề tài cấp Đại học Quốc gia Truyện thơ Đông Nam Á - Nguồn gốc và đặc trưng thể loại. Hầu hết cán bộ trong bộ môn đã tham gia các Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của bộ môn như Hội thảo Quan hệ Việt – Lào, Lào – Việt; Những vấn đề văn học, ngôn ngữ Việt Nam – Hàn Quốc; Tương đồng văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc; Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu XX; Giá trị sáng tạo chữ viết Hangul và vai trò của nó trong phát triển văn hoá - giáo dục Hàn Quốc…
4. Quan hệ quốc tế và các hoạt động phục vụ xã hội
Ngoài đào tạo hướng dẫn hàng trăm sinh viên trong nước làm luận văn, khoá luận tốt nghiệp, bộ môn còn đào tạo hàng chục sinh viên thực tập sinh nước ngoài thuộc các nước Lào, Cămpuchia… Trong quan hệ hợp tác quốc tế, một số cán bộ của bộ môn đã giúp các nước Bạn biên soạn chương trình, giáo trình Đại học (PGS,TS. Võ Quang Nhơn tham gia biên soạn một phần giáo trình Văn học Lào cho trường đại học Sư phạm Viêng Chăn). Một số cán bộ được cử đi thuyết trình một số bài giảng về văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc, Thái Lan (TS. Đỗ Thu Hà), đi giảng dạy tiếng Việt tại Trung Quốc (Phạm Ánh Sao). Một số cán bộ được cử đi nghiên cứu, học tập tại các nước như Lào (Trần Thúc Việt, Võ Đình Hường), Ấn Độ ( Đỗ Thu Hà) Hàn Quốc ( Trần Thúc Việt, Lê Huy Tiêu)…
Nhiều cán bộ trong bộ môn đã tích cực tham gia các hoạt động phổ biến kiến thức bằng các bài giảng về văn hoá văn học khu vực, văn hoá văn học Ấn Độ trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam (Trần Thúc Việt , Đỗ Thu Hà), các buổi thuyết trình về văn hoá Trung Quốc (Lê Đức Niệm), cộng tác với Nhà hát kịch Trung ương dịch thuật và giới thiệu một số tác phẩm kịch nói thế giới tiêu biểu nước ngoài…
III. Hiện tại và tương lai
Hiện nay Bộ môn văn học phương Đông gồm 05 cán bộ biên chế, 01 cán bộ kiêm nhiệm và 03 cán bộ hợp đồng và thính giảng, phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khá lớn vừa đảm bảo giảng dạy 05 giáo trình và 05 chuyên đề cho hệ Đại học và Sau đại học cho ngành văn và các ngành khác ở trong trường, vừa phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn bài giảng, giáo trình cho những môn học mới và từng bước chỉnh sửa chương trình, nâng cao chất lượng giáo trình để đáp ứng kế hoạch chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ.
1. Giảng viên Trần Thúc Việt, Phó chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn, giảng dạy giáo trình Văn học khu vực Đông Nam Á , Văn học Korea (Triều Tiên – Hàn Quốc), chuyên đề đại học.
2. Giảng viên Phạm Ánh Sao, hiện đang học cao học. Đảm nhận phần văn học Trung Quốc từ Cổ đại đến đời Đường, tham gia giảng dạy Hán Nôm cho ngành Hán Nôm, Khoa Văn học. Chuẩn bị giảng chuyên đề đại học.
3. Giảng viên Ngô Hoàng Mai, dạy phần văn học Minh - Thanh.
4. Giảng viên Nguyễn Thanh Diên, hiện đang học cao học. Giảng dạy văn học Minh – Thanh và Cận – hiện đại Trung Quốc. Tham gia giảng dạy Hán Nôm và tiếng Trung Quốc.
5. Giảng viên Nguyễn Phương Liên, đang học cao học. Giảng dạy một phần giáo trình văn học Ấn Độ, quan tâm những vấn đề ảnh hưởng Văn học Ấn độ đối với ĐNA.
6. GS,TS. Nguyễn Đức Ninh, GS kiêm nhiệm, giảng dạy phần văn học Ấn Độ, chuyên đề cho đào tạo cao học và nghiên cứu sinh.
7. PGS,TS. Lê Huy Tiêu, Nguyên chủ nhiệm bộ môn, đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực giảng dạy phần cơ sở văn học Trung Quốc, chuyên đề cho đào tạo Đại học và đào tạo sau đại học.
8. PGS. Lê Đức Niệm – Nguyên phó chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn, đã nghỉ hưu, mời dạy chuyên đề cho sau đại học và hướng dẫn luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ.
9. TS. Đỗ Thu Hà đã chuyển về khoa Đông phương học, hiện là chủ nhiệm bộ môn Ấn Độ học nhưng vẫn đảm nhận giáo trình văn học Ấn Độ.
So với 6 bộ môn khác trong khoa, bộ môn Văn học phương Đông với tư cách là một bộ môn độc lập (tách từ bộ môn Văn học nước ngoài, nhập với bộ môn Văn học Đông Nam Á) mới ra đời và phát triển gần 20 năm trên bề dày truyền thống Văn khoa hơn 60 năm và sự tồn tại và phát triển của khoa Văn học trên nửa thế kỷ. Một bộ môn trẻ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của văn học phương Đông lại hết sức rộng lớn, đội ngũ cán bộ rất khiêm tốn, mối quan hệ lịch sử và nhu cầu phát triển của Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực hiện nay là hết sức cấp thiết đang đặt ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Hướng chuyên môn trọng tâm của bộ môn vẫn là Văn học Trung Quốc, Văn học Ấn Độ, Văn học khu vực Đông Nam Á, Văn học Nhật Bản, Văn học Korea. Đây là những nền văn học, khu vực văn học quan trọng nhìn từ vị thế và nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong tương lai, văn học phương Đông không chỉ bó hẹp có vậy mà phải mở rộng tìm hiểu các nền văn học ở Nam Á, Tây Á, Ai Cập… Tất cả đang ở phía trước. Đất nước vào thời hội nhập, nhiều thuận lợi và cũng lắm thách thức đối với chúng ta.
Chủ nhiệm bộ môn - Trần Thúc Việt
Danh sách cán bộ đã từng công tác tại bộ môn
-
NG Trần Văn Tấn
-
Ths Phạm Hải Triều
-
NG Ngô Xuân Anh
-
TS Nguyễn Thị Thuý
-
NG Nguyễn Thúc Đĩnh
-
GVC Hoàng Công Anh
-
NG Bùi Huy Luận
-
PGS.TS Võ Quang Nhơn
-
NGUT Nguyễn Xuân Hoà
-
TS Đỗ Thu Hà
-
GV Lý Tân Hoa
-
Ths Võ Đình Hường
Cán bộ đang giảng dạy tại bộ môn
-
GV Trần Thúc Việt
-
GV Nguyễn Phương Liên
-
GV Ngô Hoàng Mai
-
GS.TS Nguyễn Đức Ninh
-
GV Phạm Ánh Sao
-
PGS.TS Lê Huy Tiêu
-
GV Nguyễn Thanh Diên
-
PGS Lê Đức Niệm
|