Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
ACM/ICPC không chỉ là một kì thi...
Nhân dịp Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN đăng cai tổ chức kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC lần thứ 31, khu vực châu Á, điểm thi Hà Nội, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với PGS.TS Hà Quang Thụy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, đồng Trưởng Ban tổ chức kỳ thi. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

VNUnews: Năm 2006 là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC - một cuộc thi dành cho sinh viên công nghệ thông tin toàn cầu, với tư cách là đơn vị tổ chức, xin ông cho biết rõ hơn về ý nghĩa tổ chức kỳ thi này?Quá trình vận động để kỳ thi được tổ chức ở Việt Nam đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Phúc đáp câu hỏi của GS. William B. Poucher (Giám đốc cuộc thi ACM/ICPC toàn cầu) về việc tìm kiếm đại diện ASEAN đăng cai điểm thi thứ 12 cuộc thi ACM/ICPC khu vực châu Á, Hội Tin học Việt Nam đã đề xuất điểm thi ACM/ICPC Hà Nội 2006 đặt tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN. Sau quá trình được xem xét thì đề xuất của Việt Nam đã được chấp nhận, vượt qua các đối thủ nặng ký từ Thái-lan, Singapore, Malaysia. Đây là kết quả của quá trình vận động tích cực trực tiếp của hai anh Nguyễn Long (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam) và TS. Bùi Thế Duy (Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN). Đồng thời, kết quả tham dự kỳ thi vòng loại của ba đội tuyển Việt Nam tại các điểm thi ở Iran (Trường Đại học Bách khoa-ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, hạng 4), Ấn Độ (Trường Đại học Công nghệ-ĐHQGHN, hạng 8), Philipienes (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) cũng là những yếu tố được Ban tổ chức thế giới xem xét để có quyết định chấp thuận nói trên.

Việc tổ chức điểm thi ACM/ICPC Hà Nội năm 2006 với sự góp mặt của nhiều đội tuyển từ 5 nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, trong đó có nhiều trường đại học danh tiếng, và cần phải đáp ứng mọi tiêu chí về trình độ quốc tế của cuộc thi, là một hoạt động cụ thể trong quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng CNTT nước ta. Cùng với việc phối hợp tổ chức thành công Vòng thi khởi động cuộc thi "Sẵn sàng với tri thức mới" có sự hiện diện và giao lưu với sinh viên của ông Craig Mundie (Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược của Tập đoàn MicroSoft) dẫn đầu đoàn MicroSoft tham dự APEC Việt Nam 2006, việc tổ chức điểm thi ACM/ICPC 2006 cũng góp phần thể hiện sứ mạng "cơ sở giao lưu quốc tế về khoa học, công nghệ và giáo dục" của Trường ĐHCN trong sứ mạng chung "trung tâm giao lưu quốc tế về văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước" của ĐHQGHN. Thực tế cho thấy, các bạn quốc tế đã thêm hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam. Về trình độ của các đội tuyển sinh viên CNTT nước ta, ông Wang Can (Huấn luyện viên đội tuyển Zhe Jiang University "gogogo") có nhận xét qua hai giờ thi đấu "Tôi cũng rất ngạc nhiên với sự thể hiện của các đội Việt Nam. Tôi đã không nghĩ họ mạnh đến thế".

PGS.TS Hà Quang Thụy

VNUnews: Xin ông cho biết một số thông tin khái quát về kỳ thi ACM/IPCP?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC do Hiệp hội máy tính Mỹ (ACM) bảo trợ, được tổ chức lần đầu vào năm 1970. Đến năm 1989, cuộc thi đã có quy mô toàn cầu với vòng loại tại các điểm thi trên 6 châu lục (diễn ra vào cuối năm) để chọn ra các đội vào vòng chung kết (diễn ra vào đầu năm tiếp theo). Năm 2004, có 4.019 đội tuyển dự thi từ 1582 trường đại học của 71 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự kỳ thi vòng loại để chọn ra 78 đội vào vòng chung kết với đội vô định là Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Năm 2006 vừa qua, ĐH Tổng hợp Saratov (Nga) vô địch. Dự kiến năm 2006 có khoảng 7.000 đội tuyển dự thi để chọn 80 đội vào vòng chung kết ở Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 3-2007. Theo GS. C.Jinshong Hwang (Giám đốc ACM/ICPC khu vực châu Á) thì hầu hết các đại học lớn trên thế giới như MIT (Mỹ), Stanford (Mỹ), CMU (Mỹ), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Tokyo (Nhật Bản), KAIST (Hàn Quốc), Saint Peterburg (Nga), Saratov (Nga)... đều tham dự cuộc thi. Ông còn cho biết thêm là đã có tới 1.000 đội tuyển dự thi vòng loại tại điểm thi Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 11/2006 vừa qua.

VNUnews: Ông có thể cho biết một số thông tin về các đơn vị tham dự cuộc thi này tại điểm thi Hà Nội?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Tham dự cuộc thi có 55 đội tuyển với 10 đội tuyển nước ngoài từ 05 nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á và 45 đội tuyển của hầu hết các trường đào tạo CNTT trong nước. Không chỉ các trường có bề dày đào tạo CNTT như Trường ĐHBK HN (4 đội), Trường ĐHBK (3 đội) và Trường ĐHKHTN (4 đội) cùng thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, chủ nhà Trường ĐHCN, ĐHQGHN (9 đội) mà còn có các đội tuyển từ hầu hết các trường có đào tạo CNTT trong cả nước. Nổi bật nhất là hai trường ĐHBK và ĐHKHTN thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Trường ĐHCN thuộc ĐHQGHN có những đội tuyển mạnh do có tiềm năng và có kinh nghiệm tham dự vòng loại châu Á năm 2005. Tất cả các đội quốc tế tham dự đều từ các trường nổi tiếng châu Á như Chinese University of Hongkong (Hồng Kông) hạng 201-300 thế giới, Shanghai Jiao Tong University (Trung Quốc) hạng 201-300 thế giới, Zhe Jiang University (Trung Quốc) hạng 2001-300 thế giới, Sun Yat-sen University (Trung Quốc), Ajou University (Hàn Quốc) với mục tiêu "trở thành đại học dẫn đầu của châu Á" ("with an ambition to become a leader of education in Asia"), YonSei University (Hàn Quốc), Soongshin University (Hàn Quốc), The University of Aizu (Nhật Bản).

VNUnews: Ông có thể cho biết rõ hơn một số thông tin về công tác chuẩn bị và tổ chức của cuộc thi ACM/ICPC lần thứ 31 tại Hà Nội? Việc tổ chức đón tiếp một số lượng lớn thành viên tham dự kì thi là người nước ngoài được tiến hành như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Vào tháng 01/2006, Hội Tin học Việt Nam có công văn gửi Trường ĐHCN-ĐHQGHN về việc đề xuất với Ban Tổ chức ACM/ICPC thế giới đăng cai tổ chức điểm thi ACM/ICPC Hà Nội năm 2006 tại Trường ĐHCN. Nhận thức được năng lực Nhà trường đủ đáp ứng đăng cai tổ chức và ý nghĩa hội nhập quốc tế của cuộc thi, Trường ĐHCN đã có công văn phúc đáp đồng ý với đề xuất nói trên (Công văn phúc đáp của Trường được gửi báo cáo ĐHQGHN vào ngày 25/01/2006).

Sau khi được Ban Tổ chức ACM/ICPC thế giới chấp thuận, Hội Tin học và Trường ĐHCN đã phân công trách nhiệm của mỗi đơn vị, theo đó Trường ĐHCN lo về các điều kiện mặt bằng và kỹ thuật tổ chức cuộc thi (địa điểm khai mạc - bế mạc, địa điểm thi, sinh viên tình nguyện và đảm bao kỹ thuật cho cuộc thi) và Hội Tin học Việt Nam lo về thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền, thu nhận đăng ký, tổ chức đón, ăn ở cho tất cả các đội tuyển trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Hội Tin học Việt Nam chủ trì các nội dung về đề thi và chấm thi theo quy định chung của cuộc thi.

Thủ tướng Chính phủ, Ban đối ngoại Trung ương Đảng đã hết sức ủng hộ và cho có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức tốt cuộc thi. Cuộc thi nhận được sự quan tâm của Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi có ý kiến chính thức của ĐHQGHN, Trường ĐHCN đã thành lập Ban phối hợp tổ chức cuộc thi gồm một Phó Hiệu trưởng là Trưởng ban và lãnh đạo một số phòng chức năng, Trung tâm máy tính, Khoa CNTT, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên trường là thành viên. Ban phối hợp tổ chức cuộc thi của Nhà trường đã tiến hành họp hàng tuần để sơ kết, kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị. Chúng tôi nhận được sự phối hợp chặt chẽ của PA25, Công an Phường Dịch Vọng Hậu trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn cho cuộc thi. Ngoài trừ công việc chuẩn bị máy tính và mạng cho cuộc thi do các nhà tài trợ cung cấp, hầu hết công việc chuẩn bị do chúng tôi chủ động nên được đảm bảo khá chu đáo. Trong hai ngày chuẩn bị cuộc thi, nhiều cán bộ, sinh viên của Trường ĐHCN đã làm việc gần như thâu đêm 23/11 và 24/11. Đặc biệt, sau khi các đội tuyển test máy vào chiều ngày 24/11, nhận thấy tốc độ truyền thông của mạng máy tính quá chậm trễ, khó đáp ứng yêu cầu trao đổi trực tuyến từ 60 đội tuyển với các máy phục vụ, anh Nguyễn Nam Hải đã quyết định thay đổi giải pháp kiểm soát an toàn kết nối mạng nên đã tăng tốc độ lên gấp 50 lần so với phương án cũ và nhóm kỹ thuật đã thức thâu đêm đó để triển khai phương án mới.

VNUnews: Những tình nguyện viên đã có những hoạt động rất tích cực tại kỳ thi này. ông có thể cho biết một số thông tin về hoạt động của những tình nguyện viên?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Việc đón tiếp, thu xếp nơi ăn chốn ở cho các đội tuyển ngoài nước do Hội Tin học Việt Nam chịu trách nhiệm. Đội sinh viên của Trường ĐHCN có trách nhiệm hướng dẫn tất cả các đội tuyển theo quy định của Ban Tổ chức, trong đó mỗi đội tuyển nước ngoài có một sinh viên có trình độ tiếng Anh phụ trách. Theo kế hoạch, các đội tuyển nước ngoài trú tại Khách sạn La Thành. Tuy nhiên, với một số đội tuyển đến Việt Nam vào ngày 23/11/2006, đã phải bố trí ở rải rác tại một số khách sạn khác, sau đó trở lại Khách sạn La Thành vào ngày 24/11/2006. Các sinh viên tình nguyện phụ trách các đội tuyển nước ngoài, cũng như toàn đội sinh viên Trường ĐHCN, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuộc thi ACM/ICPC Hà Nội 2006 được tiến hành theo đúng chuẩn mực quốc tế và đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức cuộc thi và toàn thể các đội tuyển đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc thi của Trường ĐHCN. Tuy còn thiếu thốn về mặt bằng triển khai, môi trường triển khai còn có điểm chưa phù hợp, song cán bộ và sinh viên Trường ĐHCN đã làm hết sức mình đóng góp cho sự thành công chung của cuộc thi. Trường ĐHCN đã nhận được sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả của ĐHQGHN và các cơ quan cấp trên; nhận được sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc ĐHQGHN (các Ban chức năng, Văn phòng, Trường ĐHNN, Trung tâm nội trú sinh viên), của PA25 và Công an Phường Dịch Vọng Hậu; sự hỗ trợ của VITEC, FPT, CSE, Alliant, ISA... và nhiều cơ quan khác.

VNUnews: Thưa ông, việc sinh viên công nghệ thông tin các trường đại học khu vực châu Á gặp gỡ và giao lưu trong một kì thi mang tính chuyên ngành được tổ chức tại Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN mang lại những lợi ích như thế nào cho sinh viên nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng trong đó có sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN? Ông đánh giá thế nào về cuộc thi?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Như đã trình bày ở trên, việc tổ chức và tham dự kỳ thi là một hoạt động có ý nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế về CNTT. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của anh Nguyễn Long (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam) về ý nghĩa của cuộc thi "Cuộc thi sẽ giúp khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực Châu Á và thế giới về nguồn lực trẻ CNTT-TT; Từng bước khẳng định khả năng hội nhập của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là kỹ năng lập trình theo chuẩn quốc tế và ngoại ngữ, một trong những nền tảng cơ bản cho chuyên gia CNTT-TT; Rèn luyện và quảng bá kỹ năng làm việc tập thể (theo nhóm) cho sinh viên Việt Nam, đây vẫn là điểm yếu của con người Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT-TT khi hội nhập kinh tế quốc tế; Từng bước đưa danh tiếng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sánh vai trong tốp hàng đầu các trung tâm đào tạo CNTT-TT thế giới”.

Trường ĐHCN-ĐHQGHN mới được thành lập, được ĐHQGHN giao sứ mạng phấn đấu đến năm 2010, lĩnh vực CNTT đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận trình độ thế giới. Hướng đến mục tiêu trên, Trường ĐHCN cần thi hành hệ thống giải pháp (1) chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; (2) xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới; (3) xây dựng và thực hiện hệ thống kiểm định và tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo hướng chuẩn quốc tế; (4) tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo, bao gồm hệ thống phòng thí nghiệm trang thiết bị hiện đại; (5) nghiên cứu và áp dụng công nghệ dạy-học tiên tiến, chuyển việc giảng dạy kiến thức sang giảng dạy phương pháp tư duy, hệ thống nhằm tăng cường năng lực sáng tạo cho sinh viên; (6) kết hợp với các cơ sở đào tạo - cơ sở công nghiệp trong và ngoài nước hình thành một môi trường toàn diện trao đối học tập - nghiên cứu cho sinh viên; (7) Khơi dậy và phát triển phong trào say sưa học tập và nghiên cứu sáng tạo, bồi dưỡng lòng yêu nước cùng ý chí rèn luyện đạo đức và tài năng trong sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Việc tổ chức và tham dự kỳ thi là một hoạt động có thể khai thác để cải tiến chương trình và nội dung đào tạo, kiểm định và đánh giá chất lượng theo chuẩn quốc tế, để nâng cao năng lực làm việc theo nhóm cho sinh viên trong cải tiến phương pháp giảng dạy. Thông qua cọ xát quốc tế, sinh viên Trường ĐHCN có thêm tự tin vào bản thân, thêm tự hào về Nhà trường, tự hào dân tộc Việt Nam, khắc phục khó khăn hiện tại về mặt bằng để phấn đấu học tập và nghiên cứu hướng tới đạt trình độ quốc tế.

VNUnews: Ông có thể cho biết một số thông tin về kết quả tham dự kỳ thi của Trường ĐHCN?

PGS.TS Hà Quang Thụy: Ngoài trách nhiệm là đơn vị đăng cai, phối hợp với Hội Tin học Việt Nam tổ chức kỳ thi trường ĐHCN thực hiện việc tổ chức cho các đội tuyển sinh viên của trường tham dự kỳ thi. Nhà trường đã thành lập Ban chuẩn bị đội tuyển gồm TS. Bùi Thế Duy là huấn luyện viên và chị Phạm Tuyết Mai, chuyên viên Phòng TCCB&CTSV. Theo TS. Bùi Thế Duy, các đội tuyển được định hướng nâng cao năng lực làm việc theo nhóm mà không quá chú trọng vào luyện tập thuật toán, vì vậy trong quá trình huấn luyện tính chủ động của các đội tuyển được phát huy cao. Các sinh viên có kinh nghiệm qua tham dự vòng thi loại châu Á hoặc vòng thi Lều chõng trong Olympic Tin học sinh viên toán quốc như Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Duy Khương, Lê Huy Bình, Lê Đôn Khuê... đã trở thành các "phụ giảng" cho các thầy, tiến hành việc phổ biến kinh nghiệm cho các bạn khác về phương pháp và kỹ năng thi. Nhà trường thành lập Đoàn dự kỳ thi gồm TS. Phạm Hồng Thái, Phó Chủ nhiệm khoa CNTT làm Trưởng đoàn, TS. Bùi Thế Duy và chị Phạm Tuyết Mai. Trong 27 sinh viên của 9 đội tuyển thì đa phần là sinh viên năm thứ hai; trong một số đội tuyển, chẳng hạn đội Chicken đạt giải nhất, còn có sinh viên chưa tham dự kỳ thi Olympic Tin học sinh viên lần nào.

Về kết quả thi, Trường ĐHCN, ĐHQGHN có 9 đội tuyển với thứ hạng tương ứng là 3, 5, 10, 12, 15, 19, 20, 28, 29 (1 giải nhất, 4 giải nhì, 2 giải ba) đối sánh với thứ hạng của 10 đội tuyển quốc tế là 1, 2, 6, 7, 8, 9, 18, 24, 26, 35.


 

 Trần Đỗ (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   |