Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
GS. Nguyễn Văn Đạo qua hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp
Một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, nhà quản lý có tư tưởng cách tân, người thày mẫu mực là những hồi ức đẹp của bạn bè, đồng nghiệp về GS.VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông còn được biết đến như một trong những người đầu tiên đề cập đến "khoán 10" trong giáo dục.

TS. Trịnh Văn Tín, Viện phó Viện Cơ học: Trước năm 1979, mới chỉ có Phòng Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Việc thành lập một viện riêng là rất khó khăn. Nhưng GS. Nguyễn Văn Đạo, lúc đó là Viện phó Viện Khoa học Việt Nam, cùng các nhà khoa học khác đã nỗ lực lên kế hoạch thành lập viện. Tháng 4/1979, Viện Cơ học được thành lập.

Do có người lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng nên Viện Cơ học hiện là một trong số ít đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trụ sở độc lập, tách biệt. Thấy chỗ làm việc của nhân viên thiếu thốn, bác Đạo đã xin đất làm trụ sở. Khi được cấp khu đầm sen, Giáo sư Đạo đã hứng khởi làm câu thơ được lưu truyền đến nay: "Đầm Sen một bóng lâu đài/ Viện Cơ ta đó ngày mai huy hoàng".

Giáo sư Đạo thường xuyên đưa các nhà khoa học cơ học nổi tiếng thế giới của Nga, Đức... về viện làm việc để nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên. Không những say mê nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, bác Đạo còn luôn quan tâm tới đời sống của cán bộ công nhân viên. Thấy nhân viên thiếu chỗ ở, bác xin những ao đầm, rồi cấp cho nhân viên. Đến nay, nhiều người có được nhà riêng là nhờ sự quan tâm của bác.

Bác Đạo là người rất cẩn thận. Những văn bản do văn thư trình lên đều bị bác "soi" từng li từng tí, từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến chữ viết hoa... Bản thân tôi, sau hơn chục năm làm trợ lý cho bác, đến nay vẫn cảm thấy rằng mình khó theo kịp bác về độ say mê trong nghiên cứu khoa học. Đến lúc ra đi vẫn còn nhiều công trình và dự định dang dở...

GS. Trần Hồng Quân.

GS. Trần Hồng Quân , nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:
Chiều 10/12, tôi bàng hoàng quá khi nhận được e-mail gửi cho tôi và Hiệu trưởng Đại học RMIT báo tin anh Đạo bị tai nạn. Ngay tối hôm trước tôi đến thăm anh Đạo nhưng thấy tình trạng của anh không có hy vọng gì. Đến sáng 11/12 thì anh ra đi, trong khi vẫn còn dang dở nhiều công việc cũng như dự định.

GS. Nguyễn Văn Đạo vừa là thày, vừa là bạn của tôi. Thời sinh viên tôi từng học thày Đạo. Thày dạy Cơ lý thuyết, và tôi là cán sự lớp ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau này, chúng tôi công tác cùng nhau một thời gian khá dài nên tình cảm cũng khá thân thiết. Gần đây, tôi và anh Đạo thường xuyên trao đổi các vấn đề về giáo dục. Ở tuổi 70 nhưng anh vẫn nhiệt huyết, tràn ngập ý tưởng lớn.

Khi thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, với cương vị là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi đích thân đến nhà mời anh Đạo làm Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Lúc đó trọng trách Giám đốc rất lớn bởi khái niệm Đại học Quốc gia vẫn còn khá mới và nhiệm vụ thì nặng nề. Không chỉ là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tiên mà anh Đạo còn là người rất có tâm huyết đối với ngành giáo dục.

Bà Bùi Hồng Lâm, Ban Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: GS. Nguyễn Văn Đạo như một người thày đáng kính mà tôi có cơ hội được gần gũi.

Trong trái tim của những đồng nghiệp còn mãi hình ảnh của Giáo sư

Các nhà khoa học thường say mê công việc nhưng quên ăn, quên ngủ như bác Đạo thì tôi ít gặp. Sự say mê, nhiệt tình với công việc của bác khiến chúng tôi hồi đó bị cuốn theo. Tôi còn nhớ, hồi đó, có một đợt xin tài trợ của nước ngoài nhưng hồ sơ của trường chưa đạt. Vậy là bác cháu thức suốt đêm để làm hồ sơ, để kịp nộp Chính phủ. Chúng tôi vẫn nhớ mãi lời khuyên của bác: "Đừng để thời gian chết, tâm sự cũng tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu dành thời gian để nghiên cứu".

Những năm gần đây, mỗi lần có nhuận bút bác lại rủ hội trẻ chúng tôi đi liên hoan. Hai ngày trước khi bị tai nạn, bác Đạo còn ngồi với chúng tôi tại quán quen thuộc trên đường Tô Ngọc Vân (Hà Nội). Bác Đạo là người không thích chụp ảnh, nhưng tự nhiên hôm ấy lại yêu cầu mọi người chụp ảnh cùng để làm kỷ niệm. Tối 9/12, khi nghe điện thoại của chị đồng nghiệp báo tin bác mất, tôi đã nghẹn lại. Không đi nổi xe máy, chúng tôi đã phải gọi taxi đưa vào bệnh viện.

PGS. Trần Xuân Nhĩ

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo:
 Trước đây, tôi học cùng khóa với anh Đạo tại Đại học Sư phạm. Tôi theo học ngành Sinh học còn anh Đạo học Vật lý. Thời sinh viên, chúng tôi sống ở Việt Nam học xá. Khu học xá có 4 khu nhà, ở giữa là sông Tô Lịch. Vì cùng nghiên cứu khoa học tự nhiên nên tôi và anh Đạo ở cùng một nhà. Sinh viên chúng tôi hồi đó khó khăn lắm, thường trồng rau rồi luộc ăn, xong thì ra chơi bóng.

Lần cuối chúng tôi gặp nhau là ngày 19/11 trong buổi gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tại Bộ GD&ĐT. Anh Đạo là người hoạt động rất tích cực và có nhiều ý tưởng đổi mới giáo dục đại học. Sự ra đi của anh là đất nước mất đi một nhà khoa học lớn.

GS. Phạm Phụ

GS. Phạm Phụ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
: GS. Nguyễn Văn Đạo là một nhà khoa học lớn. Anh ấy học trên tôi 1-2 khóa. Tiếng Nga là thứ tiếng khó học, bọn tôi học rất chật vật, còn anh Đạo, dù tự học thêm tiếng Nga, nhưng khi ông giáo sư - viện sĩ Nga sang giảng bài, anh dịch rất tốt.

Kỷ niệm lớn nhất và đầu tiên khi mới ra trường là tôi và anh Đạo cùng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Đạo là lứa đàn anh nên dù không trực tiếp nhưng cũng gián tiếp chỉ dạy cho tôi. Tôi luôn coi anh là một người thày. Gần đây, chúng tôi liên hệ với nhau thường xuyên, tôi hay viết về giáo dục nên mỗi khi viết xong thường gửi để anh Đạo đọc, nhận xét. 

 VNUnews (theo: vnexpress.net) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   |