Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhớ mãi một người Anh
Nhận được tin anh bị tai nạn hết sức nguy kịch, tôi bàng hoàng. Lẽ nào một nhà khoa học như Anh, một người đang khoẻ mạnh và giàu sức sống, nhiều ưu tư như Anh lại có thể ra đi vì một lý do hết sức vô lý như vậy. Nhưng rồi, sự thực nghiệt ngã đã đến, Anh đã ra đi vĩnh viễn khi bao dự định còn dang dở và để lại bao tiếc thương cho gia đình, bè bạn, học trò, người thân.

Tôi thuộc loại hậu sinh, thuộc thế hệ học trò Anh nhưng vì học nghề khác, khi bắt đầu được làm việc dưới sự lãnh đạo của Anh, được cộng tác với Anh, tôi vẫn chỉ gọi Anh là anh với tình cảm của một người em nhưng trong thâm tâm, tôi luôn coi Anh như một bậc thầy với ý nghĩa rộng nhất của từ này.

 Viết đến đây, tôi lại thấy có một cái gì đó như bức bối, như phẫn nộ. Bởi một người như Anh, suốt ngày chỉ nghĩ đến công việc, làm việc say sưa và tâm huyết như thế, sức lực như thế mà đột ngột ra đi vì một lý do không đâu như vậy, hỏi ai có thể không đau lòng?

 Tôi còn nhớ lần đầu tôi biết đến tên tuổi Anh khi Anh bảo vệ xong luận án tiến sĩ khoa học một cách xuất sắc và sau đó là chức danh Viện phó Viện Khoa học Việt Nam. Trong nhận thức của tôi về Anh lúc đó thì Anh chỉ như một nhà khoa học tài năng, một quan chức khoa học lớn, thế thôi. Ấn tượng đầu tiên Anh để lại nơi tôi khi Anh ra mắt giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội trong cương vị Giám đốc cũng không có gì thật ấn tượng ngoài vẻ trẻ trung, sôi nổi, với những phát biểu ban đầu khá chừng mực. Tôi đã nghĩ: ông này khôn đây vì ông không hứa hẹn gì ngoài mong muốn được làm việc với đội ngũ các nhà khoa học để không phụ lòng tin của Nhà nước, nhân dân giao cho.

 …Từ năm 1993 đến 1996, 1997 là thời gian thử thách khốc liệt bản lĩnh của một nhà quản lý nơi Anh. Bao nhiêu công việc, bao nhiêu ý kiến đúng cũng có, sai cũng có, vì công việc cũng có, vì những động cơ riêng tư, không lành mạnh cũng có… liên tiếp dội vào Anh - với tư cách là người đứng đầu, người chịu trận, nhưng Anh đã đứng vững, đã vượt qua, đã trở thành chỗ dựa cho bao người. Bây giờ mô hình Đại học Quốc gia đã rõ, đường hướng phát triển cũng đã tường minh chứ những năm 1990 thì vấn đề không phải như vậy. Chúng tôi, những người làm công việc quản lý, cũng có ghé vai chia việc một phần với Anh cũng có lúc thấy mệt mỏi, hoang mang nhưng mỗi lần gặp Anh, nghe Anh tâm sự, chỉ bảo, lại có thêm niềm tin, có thêm sức lực để vượt qua những thử thách mà có lúc tưởng chừng không thể. Tôi không biết gì về lĩnh vực chuyên môn của Anh nên không dám lạm bàn nhưng với những gì tôi biết về tư tưởng của Anh xung quanh chiến lược cải cách giáo dục, về xây dựng những mô hình đại học tiên tiến, tầm cỡ khu vực, từng bước đuổi kịp trình độ quốc tế thì tôi có thể nói rằng ở nước ta, những người như Anh không nhiều, nếu không nói là rất hiếm. Tôi nói vậy vì Anh không chỉ đưa ra tư tưởng, Anh còn tổ chức thực hiện những tư tưởng ấy một cách quyết liệt, với một nhãn quan có tầm chiến lược và dám bảo vệ những gì mình tin là đúng mà không ngại va chạm, không sợ mếch lòng bất kỳ cấp nào. Qua những gì được chứng kiến nơi Anh, tôi hiểu Anh dám làm như vậy vì Anh đã làm những việc đó với tư cách một nhà khoa học, tin vào những gì mình nghĩ, tin vào những việc mình làm. Đó là phẩm chất của những nhân cách.

Ảnh từ trái sang: GS.VS Nguyễn Văn Đạo, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh và PGS.TS Phạm Quang Long tại TP.HCM tháng 1/2005.
Ảnh: Bùi Tuấn

 Tôi vẫn nhớ như in lần Anh mời GS. Nguyễn Văn Mậu và tôi lên gặp. Nghe Anh trình bày ý định của mình và mong chúng tôi hợp tác với Anh cùng thực hiện những dự định ấy, cả anh Mậu và tôi, không hề bàn với nhau từ trước nhưng đều nhất trí nói với Anh, đại ý: những gì Anh nghĩ là đúng, những dự định của Anh là cần nhưng Anh cũng cần “đi từ từ” để người khác còn theo kịp tư tưởng của Anh, còn có thể hiểu Anh để cùng Anh làm việc tốt hơn cho công việc chung. “Dục tốc bất đạt”, điều đó ai cũng biết nhưng có phải ở đời ai cũng làm được những điều mình biết đâu. Tôi nghĩ Anh cũng còn có nhiều điều, biết là phải làm, cần làm và những việc đó đều đáng làm nhưng rồi Anh cũng không thể làm như mình mong muốn. Nghĩ thế, lại càng thấy thương Anh hơn. Gần Anh mấy năm, tôi không hề thấy ở Anh thái độ quan cách dù Anh rất cẩn trọng trong các nghi thức cần làm. Anh đối xử với các cộng sự chu đáo, ân cần, trân trọng nhưng cũng rất rạch ròi, nguyên tắc.Thời giờ đối với Anh rất quý nhưng tôi cũng thấy Anh sẵn sàng bỏ ra hàng buổi cùng vui với anh em trong cơ quan, đi dã ngoại. Anh nói rằng những dịp như thế giúp Anh nghe được nhiều hơn, thấy được rõ hơn công việc của cơ quan, của chính mình để làm việc tốt hơn. Tôi vẫn nhớ khi chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị những công việc chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội, gặp khó khăn đã nhờ Anh “chi viện”, Anh đến ngay, không chút nề hà. Tôi nhớ mãi buổi chúng tôi ngồi nghe Anh nói về những dự định trong tương lai ở trong căn phòng nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh, những câu chuyện chỉ xoay quanh việc làm sao để giáo dục nước nhà tiến kịp nhân loại, làm sao chúng ta sử dụng chất xám hiệu quả nhất, làm sao để mỗi người làm việc hiệu quả hơn…

 Khi tôi chuyển công tác được khoảng vài tuần, đột nhiên tôi nhận được điện thoại của Anh. Anh ngỏ ý muốn đến thăm tôi tại cơ quan, muốn biết tôi ở nơi mới như thế nào. Tôi thấy rưng rưng trước tấm chân tình của Anh. Anh chỉ ngồi chơi với tôi độ mươi mười lăm phút, hỏi han một vài điều, động viên tôi làm việc, hỏi thăm gia đình tôi rồi về. Lúc đầu tôi cứ ngỡ Anh đi đâu, tiện đường ghé thăm tôi thôi nhưng khi biết Anh từ cơ quan đến đây chỉ vì mỗi việc ấy thôi, tôi càng thấy Anh chu đáo, giàu tình người. Khi có dịp gặp lại Anh, tôi nói “Anh chu đáo cả đến việc nhỏ”, Anh cười: “Anh bảo thế là việc nhỏ à? Không nhỏ đâu. Ai bảo nhỏ thì bảo chứ tôi không coi những việc như vậy là nhỏ”. Những lời nói ấy cứ gieo mãi vào lòng tôi ấn tượng về một con người sống chân tình và giàu tình thương.

 Viết đến những dòng này, tôi lại nhớ đến những tiếng nói ai oán, phẫn nộ trước những gì bất công đã xảy ra: “Giời có mắt không?”. Đúng vậy, giời có mắt không khi bắt Anh phải chịu thiệt thòi, phải chịu bất công như vậy? Mấy hôm trước, nghe báo chí đưa tin một giáo sư Toán học nổi tiếng thế giới người Mỹ sang Việt Nam giảng bài, bị tai nạn xe máy, đang thập tử, nhất sinh trong bệnh viện mà rùng mình. Thế mà giờ đây lại là Anh. Tôi vẫn còn nhớ như in lời Anh nói: “Hơn 8 năm làm việc ở Đại học Quốc gia Hà Nội tôi chưa nghỉ ốm một ngày nào. Không biết vì mình khoẻ hay vì công việc bắt mình không thể ốm”. Thế mà từ nay trở đi mãi mãi không còn được thấy cái dáng đi phăm phăm của Anh, thấy giọng nói nồng nhiệt và những câu chuyện về giáo dục nước nhà tưởng không bao giờ dứt nơi Anh nữa. Đau xót thay!

 PGS.TS Phạm Quang Long
Nguyên Phó giám đốc ĐHQGHN, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   |