Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Thương tiếc Giáo sư Nguyễn Văn Ðạo
Thông tin về việc GS. Nguyễn Văn Ðạo đột ngột từ trần vào sáng 11/12/2006 tại Bệnh viện Việt - Ðức, khiến giới khoa học, bạn bè và rất nhiều học trò của ông bàng hoàng đau xót.

Cách đây không lâu, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, ông còn vui vẻ tiếp chuyện tôi, bồi hồi kể lại nhiều kỷ niệm trong trẻo về những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khi ông còn theo học Trường Hùng Vương bên con sông Thao hiền từ cuộn đỏ...

Nguyễn Văn Ðạo là một gương mặt tiêu biểu của thế hệ trí thức được đào tạo dưới mái trường cách mạng.

Ông sinh ngày 10-8-1937 tại xã Chí Tiên, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Cách mạng Tháng Tám thành công khi mới tám tuổi, ông theo học tiểu học, rồi trung học đều trong vùng tự do. Nói chuyện với các bạn trẻ hôm nay, ông thường kể về thời học sinh "xưa cũ" của mình:

- Tôi đã thăm nhiều ngôi trường lộng lẫy, đã ngồi trong nhiều giảng đường đại học nguy nga, thế nhưng Trường Hùng Vương giữa rừng cọ Hạ Hòa vẫn để lại trong tôi những kỷ niệm đằm thắm nhất. Tôi đã sống ở nhiều nơi, đã đặt chân lên nhiều nước khắp năm châu, thế nhưng những ngày học tiểu học, trung học ở Phú Thọ vẫn là những ngày để lại trong ký ức của tôi nhiều dấu ấn không thể phai mờ... Tôi yêu trường tôi nơi rừng sâu núi thẳm, yêu những làng quê nghèo khó đã cưu mang tôi trong những năm kháng chiến gian nan. Tình yêu thắm thiết đó khác hẳn tính hiếu kỳ "hoài cổ" của những du khách "hậu hiện đại", thích chui xuống những hang động giả, hay dạo chơi dăm ba ngày giữa chốn núi rừng hoang vắng, nhưng vẫn phải được ngủ trong... phòng gắn máy lạnh, thưởng thức những món ăn, thức uống... tuyệt ngon. Cuộc đời học sinh của chúng tôi dạo ấy quả thật là nghèo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng ai nấy lòng đầy háo hức, luôn miệng hát ca, tin chắc vào ngày mai tươi sáng, náo nức đón chờ "mai mốt rạng đông"...

"Mỗi tấc đất ngày đêm bỏng giẫy/ Mỗi lòng người như nước suối trong" - Nét đẹp diệu kỳ ấy của một thời kháng chiến đã được Nguyễn Ðình Thi miêu tả thật chân thành.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nếu thời trẻ, ta sớm bị "ném vào lửa", phải sống gieo neo, vất vả như Nguyễn Văn Ðạo, thì đó chưa hẳn đã là điều... "bất hạnh"!

Tháng 10-1954, Thủ đô giải phóng, Nguyễn Văn Ðạo "hạ sơn" học lên đại học, cùng một thế hệ với Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Ðình Cự, Phan Ðình Diệu, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê...

Năm 1957, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm loại giỏi, ông được cử sang Trường Đại học Bách khoa, dạy môn Cơ học lý thuyết. Biết rõ kiến thức của mình còn có nhiều lỗ hổng, ông lo lắng tự bổ túc theo chương trình hoàn chỉnh 5 năm của Trường Ðại học Tổng hợp Lômônôxôp ở Matxcơva.

Ðọc hiểu tiếng Nga, đạt trình độ cơ bản về toán rồi, ông bắt đầu thích thú một số vấn đề nêu lên trong các tạp chí cơ học của Liên Xô và cảm thấy khát khao nghiên cứu. Nhưng không tìm đâu ra người hướng dẫn. Ông mạnh dạn gửi thư hỏi ý kiến một vài nhà cơ học Liên Xô. Rồi nhận được lời khuyên: "Nên nghiên cứu cơ học thiên thể; trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề thú vị chưa ai giải quyết". Liên Xô vừa phóng vệ tinh nhân tạo, rồi Gagarin, Titov... bay vào không gian. Cơ học thiên thể rất cần cho nước bạn. Nhưng Việt Nam ta thì đã cần chưa? Năm 1960, ông đề xướng với các đồng nghiệp trong khoa một hướng nghiên cứu thiết thực hơn: Dao động phi tuyến của các hệ động lực.

28 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cơ học tại Ðại học Tổng hợp Lômônôxôp danh tiếng. Trở về nước năm 1965, ông theo Trường đại học Bách khoa vượt qua Na Sầm, Thất Khê, sơ tán lên một bản vắng của đồng bào Tày ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Nơi đây thiếu thốn mọi thứ. Nhưng, may thay, có hai thứ không hề thiếu: thời gian và sự yên tĩnh - hai thứ vô cùng quý báu giúp người nghiên cứu lý thuyết có thể đắm mình trong suy tưởng. Ông nhớ lời khuyên của nhà bác học Xô Viết lừng danh M.Lavrentyev dành cho lớp trẻ: "Muốn tìm một nhà khoa học giỏi ư? Trước hết, hãy tìm trong số những người có khả năng làm việc rất nhiều, không phải 6 giờ hay 8 giờ, mà là 10-12, thậm chí 14 giờ mỗi ngày!".

Nguyễn Văn Ðạo làm việc miệt mài như thế.

Ðầu năm 1967, giữa rừng sâu Việt Bắc, ông nhận được một bức thư từ Liên Xô gửi tới theo địa chỉ: Việt Nam BC 24 ÐQ-TH2B (ký hiệu mật của Trường Đại học Bách khoa lúc đó). Trong thư, Viện sĩ V.O.Kononyenko viết: "Tôi rất vui mừng khi được biết, mặc dù chiến tranh ác liệt, bạn vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ðề tài bạn chọn thật là hay về lý thuyết cũng như về ứng dụng...".

Năm 1976, sang Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp, ông mang theo một bản luận án tiến sĩ khoa học hoàn chỉnh, dày 500 trang, được nghiền ngẫm kỹ càng trong những năm dài sống giữa núi rừng Việt Bắc, bên dòng "sông Kỳ Cùng ào ào sóng đổ". Các giáo sư bạn hết sức ngạc nhiên. Chỉ ba tháng sau, ông bảo vệ thành công luận án. Trở về nước vào dịp Tết Ðinh Tỵ, ông được đồng chí Trường Chinh đến thăm nhà chúc Tết. Lúc bấy giờ, gia đình ông đang sống trong một gian nhà cấp bốn bên dòng Tô Lịch...

Không được sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, thế mà Nguyễn Văn Ðạo đã viết 114 bài báo khoa học (43 bài công bố ở nước ngoài) và 8 cuốn sách chuyên khảo, chủ yếu ở trong nước, bất chấp mọi khó khăn. Cuốn sách viết bằng tiếng Anh “Applied Asymptotic Methods in Nonlinear Oscillations” (Phương pháp tiệm cận ứng dụng trong dao động phi tuyến) của Yu.A.Mitropolsky và Nguyễn Văn Ðạo đã mang lại cho hai tác giả Giải thưởng Nhà nước của Ukraine.

Năm 2000, Nguyễn Văn Ðạo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà cơ học Việt Nam nổi tiếng ấy được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc (1988, nay là CH Séc), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba (1999), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine (2000), và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu (2002).

Là người sáng lập và nhiều khóa liền được bầu làm Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, GS. Nguyễn Văn Ðạo đã thể hiện khả năng tập hợp rộng rãi, đoàn kết tất cả các lực lượng nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy cơ học ở nước ta. Ông là người không những có tài năng vượt trội, mà còn có đức độ khiêm nhường và nhân cách thanh cao.

Do tài năng và phẩm chất, ông từng được cử giữ nhiều trọng trách: Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

GS. Ðặng Ðình Áng, Chủ tịch danh dự Hội Toán học thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Giáo sư Nguyễn Văn Ðạo làm việc chu đáo, cẩn thận, khoa học và đặc biệt, rất có tình người... Hiếm thấy những nhà khoa học như ông, vừa quản lý tốt, vừa nghiên cứu xuất sắc".

Giáo sư Z.Osinski, ở Ðại học Công nghệ Warsaw (Ba Lan), cho biết: "Giáo sư Nguyễn Văn Ðạo không chỉ tiêu biểu cho nền cơ học Việt Nam, mà còn là đại diện chân chính cho đất nước ông trong cộng đồng khoa học quốc tế".

Giáo sư, Viện sĩ NGUYỄN VĂN ÐẠO

- Sinh ngày 10-8-1937 tại xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

- Nguyên Giám đốc, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Ðào tạo Ðại học Quốc gia Hà Nội.

- Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký, Bí thư Ðảng ủy Viện Khoa học Việt Nam; Viện trưởng Viện Cơ học; Phó Chủ nhiệm khoa - Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

- Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam.

- Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình Việt Nam.

- Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ.

- Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

- Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng.

- Giải thưởng Nhà nước của Ukraine về Khoa học và Công nghệ.

- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba.

- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu.

- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc.

- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine

 VNUnews( theo: www.nhandan.com.vn) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   |