Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
"Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo"
Hà Nội mấy ngày nay bỗng lạnh đến se sắt, cái lạnh cuối năm rất đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, cứ len lỏi vào tận sâu thẳm trong lòng người, cứ day dứt khiến mỗi người không khỏi có lúc dừng lại để suy ngẫm về cõi nhân sinh.

Trong cái lạnh ấy, cái tin GS.VS Nguyễn Văn Đạo qua đời khiến những ai yêu mến, gắn bó với sự ra đời và từng bước trưởng thành của Đại học Quốc gia Hà Nội không khỏi sửng sốt. Mới đây thôi, ta còn gặp ông, vị giáo sư đáng kính với đôi mắt sáng và nụ cười rộng mở, được nghe ông trò chuyện, hóm hỉnh và mẫn tiệp. Vậy mà con người ấy - một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, vị giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội - đã đi xa!

Chúng tôi tìm gặp PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nay là Uỷ viên Thường vụ Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, một người từng nhiều năm gắn bó, cộng tác với GS.VS Nguyễn Văn Đạo trong công việc xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, để được ông chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận về con người mà ông luôn coi như một người anh đáng kính. Và dưới đây là những ghi chép từ cuộc nói chuyện này.

PV: Là người từng làm việc nhiều năm cùng GS.VS Nguyễn Văn Đạo, tâm trạng của ông khi biết tin buồn này như thế nào?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng: Được tin GS.VS Nguyễn Văn Đạo bị chấn thương do tai nạn giao thông, tôi đã rất lo lắng, song vẫn thực sự cảm thấy đột ngột khi biết tin giáo sư qua đời. Giáo sư là vị giám đốc đầu tiên, là người đã dành hết tâm sức để gây dựng và bảo vệ mô hình Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong tâm trí và tình cảm của tôi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mất đi một người anh cả, chúng ta đã mất đi một nhà khoa học lớn giàu tâm huyết và ý tưởng đổi mới.

PV: Phải chăng những nỗ ực của GS.VS Nguyễn Văn Đạo trong những năm tháng đầy gian khó ban đầu (1993-2001) đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển sau này của Đại học Quốc gia Hà Nội?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng: Đúng vậy. Để vượt qua những rào cản và lối tư duy cũ về giáo dục đại học không phải là điều đơn giản. Những thời điểm quan trọng, thậm chí cam go của Đại học Quốc gia Hà Nội đều gắn liền với trí tuệ và bản lĩnh của GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia - bộ khung định hình và định hướng cho sự tồn tại và hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay cũng in đậm trí tuệ và nhiệt huyết của ông.

PV: Có kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất về GS.VS Nguyễn Văn Đạo?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng: Tôi có nhiều kỷ niệm với GS.VS Nguyễn Văn Đạo, song có lẽ điều đáng nhớ nhất là: Giáo sư là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng lại quan tâm đến “si mê” những vấn đề của khoa học xã hội - nhân văn. Ông luôn luôn nhắc nhở và tạo điều kiện cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát triển các ngành khoa học xã hội nhân văn cho tương xứng với yêu cầu của đất nước. ở cương vị lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo sư đã nhiều lần khẳng định: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn là đơn vị trung kiên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó vừa là sự ghi nhận với nhiều hàm nghĩa, vừa là sự động viên đối với chúng tôi, những người hoạt động trên lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Tôi đã thực sự xúc động mỗi khi cần tham khảo ý kiến về định hướng phát triển của nhà trường là nhất định chúng tôi nhận được những ý kiến tận tình, đầy trách nhiệm và tâm huyết của giáo sư. Không chỉ đối với nhà trường nói chung, mà ngay cả với những ngành, những đơn vị mới được thành lập của nhà trường, giáo sư cũng rất quan tâm, chẳng hạn như đối với ngành Khoa học Quản lý. Cán bộ và sinh viên ngành Quản lý hẳn sẽ nhớ mãi những ý kiến đóng góp rất có giá trị của giáo sư về chiến lược đào tạo, chương trình đào tạo của một ngành mà như giáo sư nói là có vai trò mũi nhọn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Vậy trong cuộc sống, GS.VS Nguyễn Văn Đạo là một người như thế nào?

PGS.TS Phạm Xuân Hằng: Giáo sư là một người thẳng thắn, chân thành và giản dị. Cán bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn nhớ mãi kỷ niệm về Giáo sư khi ông đi dự hội nghị cán bộ chủ chốt của nhà trường ở Nghệ An: Mặc dù có tiêu chuẩn ô tô, song ông đã chọn cách đi tàu cùng với cán bộ của nhà trường. Giáo sư đã từng đến thăm gia đình của nhiều thầy, cô giáo của trường... Chính vì vậy mà Giáo sư đã nhận được trọn vẹn tình cảm kính quý của cán bộ công nhân viên nhà trường. Với chúng tôi, ông không mất, mà “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Qua tâm sự của PGS.TS Phạm Xuân Hằng, tôi cảm nhận thấy trong tâm hồn ông luôn nặng lòng tri ân, sự yêu mến và kính trọng đối với GS.VS Nguyễn Văn Đạo - một người anh lớn, một nhà khoa học xuất sắc của nước nhà. Tôi chợt hiểu vì sao, trong những câu chuyện của ông, ngay cả khi kể những kỷ niệm về GS.VS Nguyễn Văn Đạo, ông hầu như chỉ nói về công việc. Phải chăng, với những người trí thức, như GS.VS Nguyễn Văn Đạo và các đồng nghiệp của ông, công việc chính là nơi mọi phẩm chất con người được thể hiện cụ thể nhất, sinh động nhất !

Cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Xuân Hằng đã kết thúc, song chúng tôi vẫn không dứt ra được khỏi những suy tư về niềm đam mê quan họ Bắc Ninh của GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Ông đã từng nói: Quan họ Bắc Ninh, đó là một nét trong hồn văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, là một giá trị mà ngành khoa học xã hội - nhân văn phải giữ gìn và phát huy. Phải chăng, ở những nhà trí thức lớn như GS.VS Nguyễn Văn Đạo, không còn sự khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, bởi suy cho cùng, mọi ngành khoa học chân chính đều vì các giá trị con người.

 VNU (theo: hanoimoi.com.vn) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   |