Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Bạn đọc VietNamNet thương tiếc GS.VS Nguyễn Văn Đạo
Tin GS.VS Nguyễn Văn Đạo qua đời vì tai nạn giao thông đã khiến nhiều bạn đọc vô cùng thương tiếc. Qua VietNamNet, nhiều bạn đọc là đồng nghiệp, học trò cũ… đã bày tỏ sự ngưỡng mộ Giáo sư và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông. Ban Quản trị mạng ĐHQGHN xin đăng lại những thông tin này từ mạng VietNamNet.

Nguyễn Nguyên Phong, Giáo sư VLHN, Đại học Agostinho Neto, CH Angola

Anh Nguyễn Văn Đạo ơi! Anh đi rồi đấy ư? Đột ngột vậy sao? Số phận đã cướp đi của đất nước ta một tài năng lớn. Từ châu Phi xa xôi, hay tin anh mất sáng nay trên Internet, lòng tôi đau đớn lắm, linh hồn anh biết chăng?

Chúng ta đã là bạn thân của nhau từ ngày tuổi trẻ: Những năm sinh viên đói ăn, rách mặc, chỉ biết lo học hành của ĐHSP, rồi những ngày cùng giảng dạy ở ĐHBK, anh ở cuối nhà 32, tôi ở đầu nhà 31. Cả những buổi cùng nhau chuyện trò trên đồi Lênin - Đại học Tổng hợp Lômônôxôp, Matxcơva. Cái miệng anh cười tươi, đôi mắt sáng ngời, một nốt ruồi đen trên khoé, giọng nói nhanh, chắc nịch đầy suy tư.

Bây giờ mà nói tôi là bạn anh thì thật không khiêm tốn chút nào. Anh là một cây đại thụ giáo dục khoa học, một nhà lãnh đạo uy tín tài giỏi, còn tôi chỉ là một cây nhỏ ven đường. Thế mà vừa nhận Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đã gọi tôi đến nhà trao đổi suốt cả 2 tối về giáo dục đại học, về công việc phải làm ngay. Từ hồi đó, anh đã kiên trì đấu tranh cho tự chủ đại học và cho mãi đến tận ngày nay.

Cuộc đời là vậy, mỗi người một việc, chúng ta đã xa nhau khá lâu.

Năm 1998, tôi đưa Đoàn đại biểu khoa học công nghệ Chính phủ Angola sang Việt Nam bàn về hợp tác giữa 2 nước, dẫn đầu là GS.TS.VS Pedro Sebastiao Teta, một nhà khoa học lớn của nước bạn, hiện nay đang là Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Công nghệ của Liên hiệp quốc. Sau khi anh tiếp chuyện và đàm luận, ông đã nhiều lần vừa lắc lắc cái đầu vừa bảo tôi: “Một cái đầu quá lớn!” Tri thức toả ra từ anh sao mà sáng vậy?

Nhưng cảm động nhất là vừa thấy tôi, anh đã chạy lại, ôm chặt và nói với bạn: “Đây là ông bạn thân của tôi từ 40 năm rồi”. Nước mắt tôi đã trào ra vì tình nghĩa thuỷ chung mà anh chẳng biết đâu!

Anh khuyên tôi nên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trình độ cao cho bạn, nên chú ý những người lãnh đạo, một ý kiến chiến lược thật đáng nể! Tôi đã cố gắng phấn đấu nghe lời anh, và chỉ đầu năm sau thôi, tôi sẽ đi cùng 2 nghiên cứu sinh sang ta để bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Hà Nội. Tôi háo hức dự định sẽ đến thăm anh, để báo cáo kết quả và xin ý kiến.

Thế là hết, chẳng bao giờ còn được gặp lại anh nữa, anh Đạo ơi!

Dao Duy Tien, Cộng hoà Ba Lan

Thương tiếc thầy Đạo

Được tin thầy Đạo bị tai nạn giao thông và ra đi đột ngột, tôi xin gửi đến gia đình thầy lời chia buồn sâu sắc nhất. Là một học trò của thầy và là một cán sự môn Cơ lý thuyết năm học 1960, tôi vẫn luôn giữ trong mình hình ảnh một người thầy có phương pháp sư phạm tuyệt vời, một người thầy rất giản dị và gần gũi.

Sau khi tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Đạo lại trở thành đồng nghiệp với tôi. Những năm tháng tôi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan, tôi lại được gần thầy vì lúc đó thầy sang bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học kỹ thuật. Thầy đã tự viết công trình này trong những năm tháng của cuộc sống bao cấp và chiến tranh. Thầy sang Ba Lan một năm là bảo vệ. Thầy Đạo rất giỏi và sau đó thầy về làm Viện trưởng Viện Cơ học và Viện phó Viện Khoa học Việt Nam. Thầy luôn tâm đắc một điều làm sao để ngành Cơ học ngày càng phát triển và đuổi kịp trình độ thế giới.

Thầy đã nâng niu những tài năng và luôn tìm hướng mới trong khoa học. Tôi nhớ mãi những ngày Hội nghị Cơ học toàn quốc, thầy Đạo luôn là tâm điểm và gương sáng của một người làm khoa học. Nhiều đức tính tốt của thầy, tôi không sao kể hết.

Tôi sống ở nước ngoài, lâu lắm không gặp lại thầy, chỉ được nhìn thầy qua chương trình VTV4 trong những lúc thầy hoạt động trong ban liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài mà thôi. Mong ngày gặp lại thầy, thế mà không được nữa rồi. Vô cùng thương tiếc!

GS. Tống Duy Thanh, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN

Thương tiếc anh Nguyễn Văn Đạo

Là bạn của anh Đạo từ thuở cùng là sinh viên Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội, rồi cùng công tác ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi sững sờ nghe tin anh Đạo qua đời do tai nạn giao thông.

Không thể kể hết tình cảm bạn bè giữa chúng tôi với nhau. Sự quan tâm của anh Đạo đối với đồng nghiệp và học trò của anh là tấm gương sáng đối với các thế hệ thầy và trò ở Đại học Bách khoa trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Một tay anh Đạo cùng với bạn bè và đồng nghiệp đã chèo chống trước biết bao khó khăn ban đầu khi xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội theo một mô hình chưa từng có trước đó ở Việt Nam. Anh đã vượt qua bao trở ngại do những đầu óc thủ cựu, quan liêu gây nên. Nhưng sự kiên trì và quyết tâm của anh Đạo với sự cộng tác tích cực của đồng nghiệp và sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mà Đại học Quốc gia Hà Nội được hình thành với những quy chế tự chủ cao (hoàn toàn mới trong bối cảnh đầu những năm 90 của thế kỷ trước).

Đáng ra anh Đạo còn đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục và khoa học của đất nước, nhưng chỉ vì sự bừa ẩu của những kẻ phóng xe máy mà đất nước mất một nhân tài, ngành giáo dục và khoa học mất một Giáo sư đầu ngành.

Thương tiếc GS. Nguyễn Văn Đạo đồng thời cũng lo lắng cho người dân Hà Nội đang đối mặt với cảnh loạn trật tự giao thông ở Thủ đô. Mong rằng mỗi một người dân hãy cùng chung tay chấn chỉnh kỷ cương về giao thông đường phố.

Thái Chi, 20 rue de Nantes 75019 Paris France

Những kỷ niệm không thể quên về Thầy Nguyễn Văn Đạo

Qua VietNamNet, tôi được tin đau đớn: Giáo sư Nguyễn Văn Đạo - một trong những người Thầy cũ rất yêu mến của tôi ở Đại học Bách khoa Hà Nội vừa qua đời do tai nạn giao thông.

Đối với tôi, GS. Nguyễn Văn Đạo là một người thầy giỏi và tận tuỵ, một người anh giản dị và gần gũi. Chắc cũng như rất nhiều sinh viên cũ của Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi còn giữ mãi những kỷ niệm rất đẹp về anh.

Tháng 9 năm 1960, khi tôi vào học Đại học Bách khoa Hà Nội, giờ đầu tiên lên lớp là môn Cơ lý thuyết do thầy Đạo giảng. Tôi bất ngờ bị thầy “tóm” lên bảng đầu tiên để kiểm tra xem trình độ của sinh viên mới được tuyển vào trường thế nào. Rất may là mọi sự đã diễn ra tốt đẹp cho tôi cũng như các bạn tiếp theo được thầy gọi kiểm tra. Từ đó, lòng tin cậy và sự gần gũi thầy - trò ngày càng được nhân lên trong suốt 2 năm đầu ở Đại học Bách khoa.

Hồi đó, thầy Đạo còn rất trẻ. Lớp tôi có 60 sinh viên, một nửa là cán bộ CNV và sĩ quan quân đội đưc cử đi học, các anh đều lớn tuổi hơn thầy, số còn lại là bọn “học sinh phổ thông” chúng tôi cũng chỉ kém thầy có 3-4 tuổi nên cả lớp chúng tôi đều quen gọi thầy Đạo là “Anh”, rất thân tình mà không khi nào thiếu sự kính trọng.

Khi đã ra trường nhận công tác, thỉnh thoảng lại có dịp về trường cũ, tôi vẫn tìm tới thăm thầy Đạo và xin ý kiến thầy về các vấn đề liên quan đến Cơ học khi thực hiện các công trình phục vụ vận tải thời chiến mà tôi được giao phụ trách, khi làm việc ở Cục Vận tải ô tô, Bộ Giao thông Vận tải.

Ngày 20 tháng Giêng năm 1980, khi gia đình tôi lên đường qua Pháp định cư, tôi lại có cơ duyên được thầy Đạo tiễn chân rất thân tình tới cửa cuối cùng tại sân bay Nội Bài và giới thiệu tôi với 3 giáo sư người Đức đi cùng chuyến bay trở về Berlin.

GS. Nguyễn Văn Đạo quả là một người thầy, nhà giáo dục mẫu mực. Tên tuổi và sư cống hiến cho khoa học của thầy Đạo là niềm tự hào chung của đất nước Việt Nam ta. Với tất cả tấm lòng kính mến, tôi xin cầu nguyện cho hương hồn của thầy được yên nghỉ và xin chân thành chia buồn cùng gia đình thân thương của thầy. Một học trò cũ của thầy, Thái Chi.

Trịnh Văn Thanh, ĐH Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Xin chia buồn cùng gia đình và bè bạn của Giáo sư Đạo

Tôi là một sinh viên đại học khóa 1974-1979 vô cùng ngưỡng mộ Giáo sư. Xin được chia buồn cùng với gia đình và bè bạn của Giáo sư. Chúng tôi xin hứa với Giáo sư, trên cương vị của mình, dù mỗi người theo đuổi những khoa học khác nhau nhưng đều có điểm chung là những người thầy, sẽ noi gương Giáo sư để cống hiến và làm việc thật tốt vì sự nghiệp trồng người và xây dựng đất nước vì mục tiêu cao cả mà giáo sư đã trọn đời theo đuổi.

Pham Ngoc Thang, THCS Thanh Trì

Cháu vô cùng thương tiếc và xin được chia buồn cùng gia đình GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Viện sĩ mất đi để lai bao đau thương cho gia đình và khoa học nước nhà.

Nguyễn Thị Lan Hương, lanhuongnt@vnu.edu.vn

Là một cán bộ trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội, tuy không có dịp tiếp xúc với GS.VS Nguyễn Văn Đạo nhưng hôm nay nghe tin ông mất, tôi thực sự xúc động và cảm thấy đây là một mất mát lớn. Từ đáy lòng mình, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình GS.VS Nguyễn Văn Đạo.

BS. Do Huu Liet, BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh

Em tuy là không học thầy ngày nào nhưng từ lâu, em rất ngưỡng mộ tài năng của thầy. Em ao ước có một ngày được gặp thầy nhưng chưa bao giờ được gặp. Hôm nay, biết tin thầy qua đời vì tai nạn giao thông, lòng em đau như cắt. Xin thắp nén hương chia buồn sâu sắc đến gia đình thầy. Thầy vẫn mãi là tấm gương sáng cho thế hệ chúng em noi theo.

Nguyễn Văn Quý, Huế

Xin chia buồn cùng gia quyến của thầy

Thầy ra đi là một mất mát lớn cho nước nhà, thầy là niềm tự hào của thế hệ trẻ chúng em, là tấm gương mà mỗi thanh niên cần học tập trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống thường ngày. Em xin chia buồn cùng gia quyến của thầy!

 VNUnews (theo vietnamnet.vn) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   |