Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
SỰ PHÁT TRIỂN QUAN NIỆM GIÁO DỤC HÌNH THÀNH CHO NGƯỜI HỌC NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN NAY
(Developing the conception: Education forms learner’s practical capacity in Vietnam from 1945 to now)

Hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học ngay từ năm đầu tiên đến trường cho đến khi ra trường là một trong những định hướng xây dựng nền giáo dục Việt Nam nói chung, trong chương trình giáo dục nói riêng. Vấn đề này được Đảng và Nhà nước chú ý từ rất sớm, ngay từ khi nền Giáo dục Cách mạng Việt Nam mới được hình thành năm 1945, cho đến nay vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, qua mỗi qiai đoạn lịch sử, nội dung của quan điểm này luôn phát triển, biến đổi.

1. Sự phát triển quan niệm hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học bằng con đường giáo dục

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay, lịch sử nước ta đã trải qua một số giai đoạn. Cùng với sự phát triển của lịch sử, giáo dục và các quan điểm giáo dục cũng có sự phát triển.

Một lớp học tại trường học Đòan Thị Điểm - Hà Nội

1.1. Từ năm 1945 đến sau năm 1960, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và cải tạo kinh tế. Ở giai đoạn này, vấn đề xây dựng chương trình giáo dục theo hướng hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học đã được chú ý, song chủ yếu theo hướng đòi hỏi người học học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của đất nước.

Nhân ngày khai trường năm học đầu tiên, năm 1945, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh (HS): “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” và “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” (1) Trong thư này, Bác đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của giáo dục là giúp HS trở thành những người hữu ích cho đất nước, đồng thời Bác đã kêu gọi tinh thần học tập vì tương lai dân tộc Việt Nam, vì tương lai đất nước Việt Nam. Sau khi giành được độc lập, 95% dân số trong nước mù chữ, Bác đã xác định nhiệm vụ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ là “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ ( 2). Nền giáo dục mới được xây dựng theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Nội dung học phải mang tính đại chúng và phải phục vụ lợi ích nước nhà. Tuy nhiên, cuối năm đó, Pháp xâm lược trở lại. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến. Giáo dục có nhiệm vụ trang bị cho người học những gì thiết thực để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (4/1947), phương hướng thiết kế chương trình giáo dục được xác định là: Chương trình học phải thiết thực. Đến Đại hội Giáo dục toàn quốc lần 2 (2/1948), Bác Hồ gửi thư và nhấn mạnh: việc sửa đổi chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học phải phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Năm 1950, Đảng và Nhà nước tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất để xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân, xây dựng những tư tưởng, những thiết chế giáo dục và hệ thống giáo dục, làm cho giáo dục phục vụ lợi ích, yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục lần này nhấn mạnh: Cần giáo dục thế hệ trẻ trung thành với Tổ quốc, với chế độ dân chủ nhân dân, có năng lực và có phẩm chất phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Phương châm giáo dục cũng được xác định là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Để thực hiện mục tiêu trên, nội dung giáo dục có thêm một số môn mới như Thời sự - chính sách, giáo dục công dân, Tăng gia sản xuất. Những môn học này có ý nghĩa thực tiễn lớn, phù hợp với hoàn cảnh vừa xây dựng đất nước, vừa kháng chiến. Một số môn khác như: Nhạc, Vẽ, Nữ công gia chánh được gác lại. Như vậy, nội dung giáo dục giai đoạn này tập trung cung cấp những kiến thức hết sức thiết yếu, cơ bản để HS học xong có thể phục vụ ngay công cuộc kháng chiến. Đến tháng 5/1956, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cải cách giáo dục lần thứ 2 được tiến hành. Ngoài mục đích hợp nhất hai hệ thống giáo dục 9 năm và 12 năm thành hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, cải cách giáo dục lần hai còn nhằm mục tiêu “Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên thành… những người phát triển toàn diện, những công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt của nước nhà…” (3). Để thực hiện mục tiêu này, phương châm giáo dục là liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đời sống xã hội; Nội dung giáo dục đã chú trọng đến tính toàn diện; Phương pháp giáo dục được nhấn mạnh là tăng cường thực hành, tăng cường giờ lao động sản xuất, đặc biệt là nhấn mạnh chú ý nhiều hơn đến ứng dụng tri thức vào đời sống. Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, việc xây dựng chương trình giáo dục nói riêng đều phải hướng đến hình thành những người có ích cho đất nước, những người hiểu biết thực tiễn đất nước, những người có năng lực hành động cải tạo thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tồn tại chính mà các nhà trường giai đoạn này thường mắc phải, đó là “Tồn tại cơ bản của các nhà trường là khuynh hướng nhấn mạnh đến các kiến thức sách vở. Mối liên hệ giữa nhà trường với lao động sản xuất, với đấu tranh chính trị còn yếu(4). Đồng thời Đảng ta cũng chấn chỉnh và kiên quyết yêu cầu các trường phải gắn chặt chẽ giữa đào tạo với cơ sở sản xuất, kết hợp lý thuyết với thực tiễn, lao động trí óc với lao động chân tay, đưa Giáo dục lao động trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bắt buộc HS phải thực hiện các nghĩa vụ lao động. Như vậy, có thể nói việc thiết kế chương trình học nói riêng, việc tổ chức dạy học nói chung phải hướng đến thực tiễn, hình thành năng lực hành động thực tiễn cho con người là một quan điểm cơ bản của Đảng ta ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân. Trong quá trình thực hiện, chúng ta đã kiên trì quan điểm này và phải đấu tranh không ngừng với những những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm giáo dục thoát ly thực tiễn của chế độ cũ còn rơi rớt lại.

Nhà trường cần tạo cho học sinh cảm nhận được: mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

1.2. Từ năm 1960 đến năm 1975, giai đoạn thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam là Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Tháng 9/1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã nhấn mạnh Giáo dục phải phục vụ đắc lực cho việc đào tạo cán bộ xây dựng kinh tế và văn hóa XHCN, nâng cao không ngừng trình độ văn hóa của nhân dân lao động. Từ phương hướng này, một số mô hình trường phổ thông gắn với thực tiễn ra đời như: Thứ nhất là mô hình trường phổ thông vừa học vừa làm dành cho đối tượng học đang tham gia lao động sản xuất tại địa phương nhằm nâng cao trình độ văn hóa. Thứ hai là mô hình trường phổ thông kết hợp với một cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương (nhà trường là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật tại địa phương, nơi cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ngược lại môi trường kinh doanh sản xuất là cơ sở để HS ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật đã học được ở nhà trường (ví dụ như mô hình trường PTCS Bắc Lý – lá cờ đầu của ngành giáo dục); Loại mô hình thứ ba là mô hình trường phổ thông dạy nghề (đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp hoặc kỹ thuật nông lâm kết hợp với giáo dục học vấn phổ thông). Điển hình của mô hình này là trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, trường Phổ thông Công nghiệp Hà nội,... Đây là những mô hình trường đã thực hiện thành công việc gắn chặt giáo dục với thực tiễn lao động sản xuất, những gương điển hình để nhân rộng ra cả nước và được một số nước áp dụng như Cu Ba. Những kiểu nhà trường này đã tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn lao động và chiến đấu ở Việt Nam, góp phần tạo nên thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và kháng chiến chống Mỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vài trường đã phát triển chệch hướng so với mục tiêu giáo dục chung. Qua tổ chức lao động cho HS, những trường này đã có vườn trường, ruộng thí nghiệm, xưởng mộc, lò gạch ngói,… đã tạo ra một lượng của cải vật chất nhất định cho xã hội nên họ đã quá đề cao vai trò của lao động trong việc hình thành nhân cách con người mới XHCN, dẫn đến coi nhẹ vai trò của việc lĩnh hội một cách hệ thống các giá trị văn hóa, xây dựng nền tảng học vấn phổ thông. Hội nghị tổng kết kinh nghiệm kết hợp giáo dục với lao động với sản xuất (5) của Bộ Giáo dục tháng 7/1963 đã tổng kết, đánh giá và đặt ra yêu cầu tổ chức hợp lý giáo dục với lao động học đường, đảm bảo cân đối giữa học với làm. Đến 5/8/1965, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ diễn ra, Chỉ thị 88/TTg đã nhấn mạnh Nâng cao kiến thức khoa học cơ bản theo hướng tinh giản và vững chắc, kết hợp với thực tiễn Việt Nam. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức trong nhà trường được tăng cường nhằm đào tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức cao và có năng lực cần thiết cho công cuộc chiến đấu và sản xuất. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu học tập cấp bách của nhân dân, Đảng ta còn nhấn mạnh: “Tích cực chuẩn bị lực lượng tốt hơn nữa cho những năm sau” (Chỉ thị 169 CT/TW ngày 14/2/1969).

Bên cạnh những ý kiến chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong giới khoa học cũng đồng thời tiến hành nhiều nghiên cứu và tranh luận về vấn đề dạy và học như thế nào để phục vụ tốt hơn yêu cầu của Cách mạng Việt Nam: Cần xây dựng nội dung, chương trình học như thế nào để người học, khi ra xã hội, có thể đáp ứng được ngay những yêu cầu của công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng CNXH; đồng thời phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam (kinh tế thấp, điều kiện giáo dục khó khăn, đầu tư thấp, dạy và học trong hoàn cảnh chiến tranh,…). Những kết luận khoa học đã được xác định là: “Để đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường, cần phải tiến hành một cuộc cải cách giáo dục toàn diện về ba mặt: nội dung, phương pháp và tổ chức giáo dục”. Về nội dung chương trình học, cần lựa chọn những kiến thức cơ bản của các khoa học; Dạy và học các kiến thức cơ bản dưới ánh sáng của những tư tưởng khoa học hiện đại; Những kiến thức cơ bản, hiện đại phải gắn liền với thực tế Việt Nam (có tính khả thi) và đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Việt Nam (6 - đã dẫn).

Như vậy, ở giai đoạn này, quan điểm giáo dục gắn với thực tiễn xã hội được củng cố và có những nội dung phát triển mới. Giáo dục gắn với thực tiễn xã hội không chỉ thể hiện ở mục đích học để phục vụ lợi ích xã hội; xây dựng chương trình giáo dục phải cung cấp những những kiến thức thực tiễn, vận dụng kiến thức khoa học cơ bản để giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội, phục vụ lợi ích của dân tộc, của giai cấp, của đất nước. Giáo dục còn phải cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, cũng cần phải chú trọng phát triển toàn diện nhân cách HS, cung cấp một nền học vấn cơ bản cho người học. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục phải theo tinh thần giáo dục kỹ thuật tổng hợp, gắn với đời sống, với sản xuất, với thực tế đất nước và địa phương

1.3. Giai đoạn 1976 đến 1986:

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đại hội Đảng lần thứ IV và Nghị quyết Cải cách giáo dục số 14/NQ-TW đã xác định mục tiêu giáo dục trong giai đoạn mới là đào tạo có chất lượng người lao động mới; Coi giáo dục là một bộ phận quan trọng của cách mạng văn hóa, một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Để thực hiện mục tiêu trên, giáo dục được tiến hành theo nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Lao động sản xuất trong nhà trường phổ thông mang tính chất giáo dục kỹ thuật tổng hợp. Trong giai đoạn này, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng chỉ đạo chấn chỉnh giáo dục theo định hướng đáp ứng yêu cầu cách mạng Việt Nam, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy học trong nhà tr­ường với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đại tư­ớng Võ Nguyên Giáp trong một lần phát biểu tại Hội nghị giáo dục miền núi lần thứ 5 (Ngày 4 - 6/4/1983 ở Bắc Thái) đã nói: Cần phải gắn liền nội dung chư­ơng trình dạy - học với mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể… Ngay mục tiêu giáo dục cũng cần phải xác định một cách cụ thể, đào tạo con ngư­ời cho vùng miền nào thì ngư­ời đó phải có sự hiểu biết, khả năng làm việc ở vùng miền đó(6) . Trong chỉ đạo công tác nghiên cứu và phát triển giáo dục ở Việt Nam, Đại tướng cũng nhấn mạnh: "Phải biết lựa chọn những tri thức cần thiết, phù hợp với yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở n­ước ta, với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, với xu thế cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới, đạt mục đích đào tạo những con ng­ười mới cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể, với những mục tiêu cụ thể."(7) Điều này có nghĩa là việc nghiên cứu cũng như­ trong tổ chức, quản lý hoạt động dạy học phải gắn liền với mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể của đất nư­ớc, của mỗi vùng, mỗi địa phư­ơng trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, từ mục tiêu đến nội dung ch­ương trình dạy - học. Những ý kiến này đã đ­ược quán triệt trong Đề án cải cách giáo dục lần thứ ba. Ngoài ra, nhiều vấn đề giáo dục cũng được đặt ra nhằm thực hiện giáo dục toàn diện theo mục đích giáo dục đặt ra. Vấn đề đầu tiên mà Uỷ ban Cải cách giáo dục Trung ương đặt ra là “Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học. Bên cạnh đó, việc xây dựng nội dung chương trình và sách giáo khoa được chuẩn bị rất kỹ, bổ xung những nội dung giáo dục còn khiếm khuyết trong thời kỳ trước, khi chúng ta chưa có điều kiện thực hiện như giáo dục kỹ thuật tổng hợp, giáo dục thẩm mỹ... (8) Nội dung giáo dục được lựa chọn theo hướng cơ bản, hiện đại, gắn liền với thực tiễn Việt Nam, theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam vì chỉ có như vậy, mới tạo được ra một thế hệ trẻ Việt Nam có đầy đủ ý thức và năng lực phục vụ cách mạng Việt Nam. Thực tiễn Việt Nam, bao gồm những hiểu biết về yêu cầu và quy luật phát triển đặc thù của Cách mạng Việt Nam, thực tế thiên nhiên và xã hội Việt Nam, gắn với thực tiễn giáo dục trong các nhà trường Việt Nam.

1.4. Giai đoạn từ 1986 đến nay:

Năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đường lối đổi mới (chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN) (giai đoạn 1986 - 2000) được xác lập. Giáo dục cũng có những điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội. Quan điểm giáo dục phải gắn liền với yêu cầu phát triển của đất nước, với thực tiễn xã hội, với cuộc sống của người học tiếp tục được khẳng định nhưng có những nội hàm mới. Mục tiêu giáo dục của giai đoạn nàyđược nhấn mạnh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) như sau: “Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo… Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế nhiều thành phần .

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) đã đánh đấu bước phát triển mới của Việt Nam, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn này, mục tiêu giáo dục được xác định là “Xây dựng những con người thiết tha, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH,… giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại;Có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, sống có lý có tình, ứng xử có tình có nghĩa,… có tư duy khoa học sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khỏe. Như vậy năng lực đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn được cụ thể hơn ở chỗ người học không chỉ có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, mà phải là người có năng lực hoạt động thực tiễn, đồng thời phát triển toàn diện, có năng lực cải tạo và biến đổi thực tiễn, có khả năng am hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Có hiểu biết sâu sắc về thời đại, có khả năng hội nhập, thích ứng và cạnh tranh cao

… Tiếp tục phát triển tư tưởng trên, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) xác định: để có thể rút ngắn con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức, cần coi Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; Cần phát huy nguồn lực con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo sự phát triển toàn diện về giáo dục đào tạo. Đến Hội nghị BCH TW lần thứ 6 khoá IX đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu, trong đó phải “Phát triển quy mô giáo dục trên cơ sở đảm bảo chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo với sử dụng Để giáo dục có thể đạt được những mục tiêu trên, nhiều quyết sách đã được đưa ra trong đó có chiến lược phát triển giáo dục 10 năm (2001- 2010). Trong chiến lược này, giáo dục được tiếp tục đổi mới một cách hệ thống và đồng bộ dể phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH - HĐH, chấn hưng đất nước. Mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực được ưu tiên hàng đầu, trong đó chú trọng đặc biệt ba loại hình: Nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao; Cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi; Công nhân kỹ thuật lành nghề (10).

Như vậy, có thể nói, phát triển giáo dục gắn với thực tiễn xã hội, thực tiễn của người học là một quan điểm giáo dục được chú ý thực hiện từ những ngày đầu xây dựng nền giáo dục Việt Nam XHCN. Định hướng này chi phối việc xây dựng chưong trình, lựa chọn nội dung, sử dụng phương pháp và cả việc tổ chức dạy học và giáo dục trong nhà trường. Qua quá trình phát triển trong lịch sử, nội dung của quan điểm này được hiểu ngày càng rộng và đầy đủ hơn. Từ việc đòi hỏi con người được đào tạo phải đáp ứng yêu cầu lợi ích dân tộc, đất nước, giai cấp, và cao hơn nữa là đáp ứng chính nhu cầu, lợi ích phát triển toàn diện của mỗi người, mỗi cộng đồng, vùng miền, thời đại. Nội dung của việc hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học cũng được mở rộng, từ việc cung cấp những kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ năng sống cơ bản, những phẩm chất đạo đức cơ bản của một công dân đến việc chuẩn bị những tiềm năng, năng lực sống cơ bản cho người học, giúp họ có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của xã hội, tạo cho họ phát triển mọi tiềm năng, có thể làm chủ; tạo cho họ có cơ hội tốt nhất cống hiến sức lực, tâm trí cho xã hội. Định hướng đúng đắn trong phát triển giáo dục những năm qua đã tạo rẵnhng thế hệ con người Việt Nam làm nên chiến thắng và xây dựng đất nước từ một nước nô lệ, nông nghiệp lạc hậu, với hơn 95% dân số mù chữ đến nay thành một nước độc lập, phát triển kinh tế xã hội vững chắc, có vị trí trên trường quốc tế, đã cùng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

2. Quán triệt quan điểm hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học trong một số văn kiện, nghị quyết về giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Để đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam thực hiện một loạt các đường lối, quyết sách về giáo dục, trong đó vấn đề chú trọng hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho người học được đặt ra với nhiều nội dung mới. Điều này được biểu hiện trong nhiều văn bản về giáod ục của Đảng và Nhà nước. Luật Giáo dục sửa đổi 2005 đã xác định rõ mục tiêu giáo dục là “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện,… có nghề nghiệp; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện được mục tiêu trên, phương thức tiến hành các hoạt động giáo dục được xác định trong Luật Giáo dục 2005 là “Thực hiện học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Phương thức giáo dục trên đã thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta là gắn giáo dục với thực tiễn xã hội, con người được giáo dục phải có hiểu biết thực tiễn xã hội, có năng lực hoạt động thực tiễn có hiệu quả, phải là người có năng thích ứng và cải tạo thực tiễn. Định hướng này đã được quán triệt không chỉ trong việc thiết kế chương trình, nội dung giáo dục, mà cả trong phương pháp và tổ chức giáo dục ở nhà trường, trong hệ thống giáo dục, trong các tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục. Ngược lại, xã hội và mọi người dân đều có trách nhiệm phát triển giáo dục. Điều này thể hiện ở những quan điểm giáo dục như “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, “Khuyến khích, huy động và tạo mọi điều kiện để tổ chức cá nhân tham gia phát triển giáo dục; Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn”, “(Đã dẫn, tr.24).

Việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục mới được Quốc hội quyết định từ năm 2000 với nhiều định hướng, trong đó có nhấn mạnh một hướng là “Nội dung chương trình giáo dục phổ thông phải… gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh”. Để thực hiện nội dung, chương trình giáo dục trên, phương pháp giáo dục được xác định là “Phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS;… rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”.

Mục tiêu và định hướng chung của toàn hệ thống giáo dục được cụ thể hóa hơn trong mỗi bậc học. Việc hình thành năng lực hoạt động thực tiễn cho HS THPT được cụ thể hóa ở mục tiêu như: “Học xong THPT, học sinh cần đạt được các yêu cầu sau: Có chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn… Quan tâm đến những vấn đề cấp bách của đất nước, của toàn cầu… Hoàn thành nội dung học vấn phổ thông về tự nhiên, xã hội và con người, gắn với cuộc sống cộng đồng và thực tiễn địa phương; Phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức vào các tình huống học tập mới, vào thực tiễn sản xuất và đời sống; Có hiểu biết và kỹ năng cần thiết về kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp để có thể vận dụng trong cuộc sống lao động, trong việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp với năng lực bản thân… Sống hòa hợp với thiên nhiên và xã hội”. Để thực hiện mục tiêu của bậc học, có nhiều giải pháp được thực hiện như tổ chức nhiều mô hình trường THPT phù hợp với năng lực của HS và của từng vùng miền; phân hóa HS bằng cách thực hiện chương trình THPT phân ban (3 ban), thực hiện các môn học và chủ đề tự chọn nhằm cung cấp một số nội dung mới theo nhu cầu của người học và theo yêu cầu của cộng đồng; Việc xây dựng chương trình THPT phải đảm bảo nhiều yêu cầu, trong đó vẫn kiên trì quan điểm “Đảm bảo cơ bản, hiện đại, sát với thực tiễn Việt Nam”. Để thực hiện chương trình trên, cần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng “phát triển năng lực tự học, đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo điều kiện để HS được tự nghiên cứu, chủ động trong việc phát hiện và giải quyết vấn đề” (Đã dẫn 14, tr. 2).

Từ những yêu cầu trên, việc thiết kế chương trình, nội dung và sách giáo khoa lần này đã có những thay đổi căn bản. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng lựa chọn những lĩnh vực kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người học có thể tồn tại và phát triển được trong xã hội mới; Tăng cường kiến thức kỹ năng thực hành, thực tiễn, đặc biệt là khả năng tư duy, thực hành, giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra một cách sáng tạo. Vì vậy, ngoài hệ thống môn học truyền thống vẫn được lựa chọn nhưng đã thu hệp rất nhiều đầu môn học, một số nội dung môn học mới mang tính tích hợp và một số hoạt động giáo dục cơ bản được lựa chọn đưa vào nhằm hình thành những kiến thức cơ bản và kỹ năng sống, phương pháp làm việc cho HS. Nội dung dạy học cũng được lựa chọn theo hướng kiến thức cơ bản về khoa học được tinh giản đến mức tối đa, tăng cường kiến thức thực hành ứng dụng, chú trọng hình thành những phương pháp và kỹ năng học tập cơ bản. Việc thiết kế các bài học trong sách đã giảm tối đa kiến thức lý thuyết, giành thời lượng chính cho việc tổ chức các hoạt động trên lớp với mong muốn qua các hoạt động này, có thể giúp HS hình thành phương pháp học tập - nhận thức, hình thành hệ thống kỹ năng xã hội, tạo nên cơ sở giúp HS có thể tồn tại và thành đạt được, có thể thích nghi và biến đổi thực tiễn, làm chủ cuộc sống của chính họ và của cộng đồng.

Như vậy, có thể nói quan điểm giáo dục hướng vào phát triển năng lực hoạt động thực tiễn cho người học những năm sau 2000 đã có sự phát triển và hoàn chỉnh. Người học không chỉ đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống mà giáo dục còn hướng đến hình thành những con người phát triển toàn diện, có đủ năng lực thích ứng và làm chủ cuộc sống, chủ động và sáng tạo trong cuộc sống, có năng lực giải quyết các vấn đề mà cuộc sống xã hội, cộng đồng, thời đại đặt ra.



1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục”, NXB Lao động, Hà Nội 2005, tr. 16 và 17.

2. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục”, NXB Lao động, Hà Nội 2005, đã dẫn tr. 19

3. Nguyễn Đăng Tiến, “Nhà trường phổ thông Việt nam qua các thời kỳ lịch sử, NXB ĐHQGHN 2001

4. “Đấu tranh để xây dựng nhà trường XHCN”, NXB Giáo dục, Hà Nội 1959.

5. Hoàng Ngọc Di, “Nhìn lại 35 năm xây dựng nền giáo dục phổ thông”, T/c NCGD tháng 12/1990.

6. Nguyễn Sỹ Tỳ, “Nghiên cứu về tính cơ bản, hiện đại gắn liền với thực tế Việt Nam trong nội dung dạy và học ở trường phổ thông, T/c NCGD số 2 (Tháng 7/1969).

7. Võ Nguyên Giáp, "Gắn liền nội dung dạy - học với mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể", T/c Nghiên cứu Giáo dục số 134 (Tháng 7/1983).

8. Võ Nguyên Giáp, "Nhiệm vụ của giáo dục và khoa học giáo dục ở nư­ớc ta", Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 135 (Tháng 8/1983).

9. Nguyễn Thanh Bình (chủ biên): “Lý luận Giáo dục học Việt Nam, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội tháng 6/2005.

10. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII - Văn kiện đại hội - tháng 6/1991.

11. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, 1997.

12. “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2001 - 2010, Ban hành kèm theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

13.  Luật Giáo dục 2005”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005.

14. Dự thảo chương trình THPT, Báo Giáo dục và thời đại số 69 (2002).

 TS. Ngô Thu Dung - Khoa Sư phạm - ĐHQGHN
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   |