1. Khái quát về địa phương và các hoạt động
Xã Ninh Sơn, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi tôi đang làm việc nằm cách Hà Nội 40 km về phía đông bắc. Đi bằng xe buýt đến Hà Nội mất 1 tiếng rưỡi, còn đến thành phố Bắc Giang, thủ phủ của tỉnh mất 30 phút. Xã Ninh Sơn có khoảng 8.000 người, nghề chủ yếu của xã là nghề nông.
Trường tiểu học Ninh Sơn là trường tiểu học duy nhất của xã. Trường có khoảng 500 học sinh (có 3 lớp 5, còn lại là lớp 4), ngoài cơ sở chính, trường còn có ba cơ sở khác. Giáo viên có 35 người, ngoài hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhiệm bộ môn Đối là nam giới còn lại tất cả giáo viên đều là nữ. Về cơ bản, giáo viên chủ nhiệm dậy hầu hết các môn, riêng “vẽ”, “nhạc” và “tiếng Anh” là do các giáo viên chuyên môn giảng dạy.
Cơ sở chính của trường tiểu học Ninh Sơn được xây dựng mới từ năm 2005 nhờ vào viện trợ ODA của Nhật Bản. Đồng thời cũng từ tháng 8 năm 2005 đội viên đội thanh niên tình nguyện hải ngoại được cử tới đây.Từ năm 2005 đến tháng 5 năm 2006 đội viên đội tình nguyện phụ trách hai môn học của học sinh lớp 5 là thể dục và vẽ (mỗi tuần 14 tiết), còn từ tháng 9 năm 2006, phụ trách giờ vẽ của học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 (mỗi tuần 20 tiết)
Tôi thường dạy sát theo nội dung sách giáo khoa của Việt Nam, đôi khi cũng sử dụng những tài liệu tự tham khảo. Do chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt cho học sinh, nhưng những đôi mắt trong veo của các em cùng sự giúp đỡ của các thầy cô và người dân trong làng, tôi luôn thấy vui vẻ trong công việc.
Dưới đây là tóm tắt những trải nghiệm cũng như những cảm nhận của tôi.
2. Tiết vẽ không “vẽ” được cuộc sống
(1) Tiết vẽ đầu tiên
Chuyện xảy ra trong buổi lên lớp môn vẽ đầu tiên của tôi. Khi tôi bước chân vào phòng học của lớp 4, các em học sinh đã đang chăm chú vẽ vào vở. Tôi vừa ngạc nhiên “Ơ, mình đã bảo gì đâu!” vừa lại gần lướt qua vở của các em. Một đám cưới trên thuyền? Bức tranh thật đẹp. Tôi bất ngờ “Không ngờ các em nhỏ Việt Nam lại vẽ được những bức tranh như thế” và quay sang vở của em ngồi cạnh. “Ơ?”, tôi tiếp tục xem vở của em khác rồi em khác nữa..., tất cả các em đều vẽ giống nhau. Quan sát kỹ, hoá ra các em tô lại bức tranh ở trang sau. Không phải là tranh mô tả mà là tranh tô nên tranh các em có giống nhau cũng chẳng có gì lạ.
Các em đều hài lòng khi vẽ xong bức tranh căn trên tranh mẫu. Chủ đề của bài học ngày hôm đó là “Vẽ cảnh lễ hội của quê hương”. ở xã Ninh Sơn không có đám cưới tổ chức trên thuyền và tất nhiên, tô lại tranh không phải mục đích của bài học.
Trước khi bắt đầu giờ học, tôi đã được một đội viên làm việc trước mình cho biết “Các em nhỏ không có tính sáng tạo”, nhưng tôi cảm thấy không phải “các em không có tính sáng tạo” mà là “giáo dục không coi trọng tính sáng tạo” “giáo dục không nuôi dưỡng tính sáng tạo”.
(2) Ai đây?
Khi dạy các em tôi nhận thấy một điều nữa cũng liên quan đến tính sáng tạo, đó là tranh của các em thường khác so với cuộc sống hàng ngày.
Đó là khi tôi cho các em vẽ về “Phong cảnh quê hương”. Trong giờ học, trước tiên, tôi hỏi các em “ Nơi các em thích nhất là đâu?” và để các em suy nghĩ rồi viết vào vở. Em nào cũng viết “ thích một phong cảnh nào đó của quê hương”, nhưng đến khi vẽ tranh, vẫn có những em vẽ cảnh như con thuyền trên mặt biển (mặc dù ở Ninh Sơn không có biển).
Một lần khác khi tôi cho các em vẽ đề tài về “Ngày nhà giáo”. Rất nhiều em vẽ tranh các em nhỏ tặng hoa cho thầy cô. Tôi chỉ vào một em nhỏ xuất hiện trong bức tranh của các em vẽ và hỏi hỏi từng em “Ai đây?” thì rất nhiều em trả lời “là học sinh ạ” chỉ có ít em trả lời là “là em ạ”. Những học sinh vẽ “những phong cảnh không có ở quê hương” khi vẽ về đề tài quê hương, những học sinh vẽ về “một ngày nhà giáo chung chung (do các em hình dung)” chứ không phải “một ngày nhà giáo các em đã tham gia”... Đó chỉ là một trong muôn vàn những điều xảy ra hàng ngày.
Tôi đã nghĩ, tại sao lại như vậy?
Tôi nghĩ mãi và cuối cùng đi đến một kết luận, có lẽ chính cách dạy của giáo viên là nguyên nhân chủ yếu của điều này. Kết quả của việc dạy “sao chép mẫu” do không nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu giảng dạy (đây là kiểu phó mặc cho các em đúng hơn là dạy), đã tạo cho các em một thói quen vẽ “cảnh đã nhìn thấy ở đâu đó”, “ngày nhà giáo đã nhìn thấy ở đâu đó”.
Vẽ đẹp hay xấu là điều đáng quan tâm. Cho các em nắm được kỹ thuật vẽ tranh là điều quan trọng. Nhưng, việc đưa cuộc sống, những trải nghiệm và suy nghĩ của trẻ lên tranh cũng quan trọng không kém. Điều này gắn liền với việc nuôi dưỡng tính sáng tạo, đồng thời gắn liền với việc giúp các em đối diện với chính mình để học tập.
3. Những hoạt động thể hiện cuộc sống của trẻ em
Trong giờ học vẽ, học sinh không vẽ được cuộc sống của mình nhưng vẫn có thời gian cho các em thể hiện cuộc sống của mình trong trường học. Đó là “giờ lao động”.
ở trường tiểu học Ninh Sơn, giờ lao động không được coi là một giờ học nhưng trường cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Hoạt động chủ yếu là nhổ cỏ, tưới nước cho hoa. Khi cần thiết các em tự mang cuốc ở nhà đi. Đôi tay cầm cuốc của các em trông thật thành thạo. Không có một học sinh nào tôi dạy ở Nhật lại cầm cuốc thành thạo được như các em. ở Nhật, để tránh nguy hiểm, các em luôn được nhắc nhở phải cầm cuốc khi đứng cách nhau vài mét ( loại cuốc do trường phát và dành riêng cho trẻ em). “Việc thử dùng cuốc” được chú ý hơn cả “việc cuốc đất như thế nào”
Nhưng ở Việt Nam lại khác. Các thầy cô thường bảo ban các em những câu như “Kém quá, đưa cô làm mẫu cho” nhưng không hề dạy các em tránh nguy hiểm. Vì các em đã quen nhìn cha mẹ làm và cũng đã tự làm ở nhà nên biết quá rõ về sự nguy hiểm của việc sử dụng loại dụng cụ này.
Những bàn tay nhỏ bé cầm những chiếc cuốc lớn thoăn thoắt cuốc đất. Có lẽ chúng ta không bao giờ nhìn thấy cảnh đó ở một đất nước trẻ em được giải phóng khỏi lao động và công việc như Nhật Bản. (ảnh bên trái là “bàn tay” của một học sinh lớp 4 vẽ. Trong giờ dạy của mình, tôi cũng chú trọng việc quan sát kỹ các đồ vật.)
(2) Trường học của vùng
Có lẽ vì ở Việt Nam, tôi được bố trí sống tại nhà một người dân ở rất gần trường học nên tôi cũng có cảm giác trường học thật gần. Không chỉ là vấn đề về khoảng cách. Bản thân các giáo viên cũng là người làng nên tôi có cảm giác họ gắn bó với học sinh ngay cả ngoài giờ lên lớp.
Các giáo viên Nhật (tất nhiên cũng tùy người) thường cho rằng nên sống cách xa trường mình dạy. Có lẽ điều này xuất phát từ quan điểm “ muốn có sự riêng tư”, “muốn giải thoát khỏi sự căng thẳng”.
Trong khi đó các giáo viên Việt Nam, biết rất rõ từ việc học sinh của mình sống ở đâu, bố mẹ là ai cho đến cả họ hàng thân thích của các em. Các giáo viên cũng sống trong sự gắn bó mật thiết của gia đình, họ hàng và của tập thể. Hơn nữa, tôi cũng có cảm giác học sinh và giáo viên cùng có chung một cuộc sống. Vì vậy, dù tôi có say hay chỉ mặc độc chiếc quần đùi đi trong sân cũng chẳng ai bàn tán gì.
“Học sinh và giáo viên cùng có chung một cuộc sống”, “Cuộc sống thường nhật gần gũi với cả giáo viên và học sinh”, tôi nghĩ chính điều này là một nguyên nhân khiến cuộc sống không được thể hiện trong các hoạt động giáo dục.
4. Kết luận
Trên đây là những cảm nhận của tôi, một đội viên đội thanh niên tình nguyện hải ngoại về “cuộc sống thường nhật của các em học sinh và các hoạt động trong trường học”.
Tôi đã công tác được 1 năm rưỡi và chỉ còn khoảng 3 tháng nữa tôi sẽ hết thời gian công tác. Không thể đếm hết được những ngạc nhiên, giận dữ, khó khăn do sự khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật là chính trong những tháng ngày công tác ở trường tiểu học Ninh Sơn, được sự giúp đỡ của mọi người, trong tôi đã nảy sinh một tình cảm mới, một thứ tình cảm tôi không cảm nhận được khi còn ở Nhật Bản. Đó chính là “sự biết ơn”. Chính điều đó khiến tôi nghĩ rằng Nhật Bản cũng phải học tập ở Việt Nam rất nhiều.
Tôi không thể viết cụ thể đó là những gì nhưng tôi mong rằng Nhật Bản và Việt Nam luôn giữ vững mối quan hệ tương trợ và học hỏi lẫn nhau.
SANADA Noboru Đội 1 đội thanh niên tình nguyện hải ngoại Trường tiểu học Ninh Sơn, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Giáo viên trường tiểu học Tsurumai thành phố Nara
|