Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
SO SÁNH CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Ở NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM

Giáo dục Nhật Bản có mục đích giữ gìn các giá trị truyền thống và truyền lại cho thế hệ tiếp sau. Chính vì vậy, giáo dục đạo đức (GDĐĐ) được xem xét như là phần trọng tâm, không thể thiếu được của quá trình giáo dục, được thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của chính phủ. GDĐĐ là một môn học riêng biệt, bắt buộc ở cả cấp tiểu học và sơ trung (junior high school)..

Tuy nhiên với quan điểm GDĐĐ như là môn học riêng biệt cần phải dựa trên nguyên lí là nó tôn trọng tính chung (phổ quát) của các chuẩn mực đạo đức và nguyên lí đặc thù (cần quan tâm đến hoàn cảnh chính trị, kinh tế và công nghệ đặc thù mà người Nhật Bản đang đối mặt) nên GDĐĐ của Nhật Bản cứ 10 năm lại có những thay đổi trong mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp cho phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu chương trình, nội dung GDĐĐ hiện hành của Nhật Bản được thông qua từ năm 1998 và tiến hành đại trà ở nhà trường phổ thông từ 2002 .

1. Chương trình, nội dung giáo dục đạo đức của Nhật Bản

Chương trình gồm 3 loại: các môn học, giáo dục đạo đức và các họat động chuyên biệt. Các trường dựa trên chuẩn chương trình để xây dựng chương trình cho trường mình. Đối với GDĐĐ của tiểu học và sơ trung, chuẩn chương trình qui định: GDĐĐ trong nhà trường phải được thực hiện thông qua toàn bộ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Do đó, cần phải tiến hành giảng dạy đạo đức một cách thỏa đáng không chỉ trong giờ dạy đạo đức mà cả trong các giờ dạy các môn học khác và các họat động chuyên biệt, tùy theo đặc trưng của từng môn hay từng hoạt động”.

Có 4 nguyên tắc cơ bản trong GDĐĐ là:

- Học kiểm soát bản thân;

- Học sống và giao tiếp với mọi người;

- Học tôn trọng môi trường, tự nhiên và cái đẹp: để hiểu tầm quan trọng của cuộc sống;

- Học tôn trọng các qui tắc/luật lệ mà theo đó con người/xã hội đang vận hành: công bằng, bình đẳng, say mê công việc, v.v…

Nội dung GDĐĐ được thể hiện trong 4 mối quan hệ với tổng cộng 76 chỉ số, đó là: "Tự xem xét/đánh giá bản thân"; "Mối quan hệ với người khác"; "Mối quan hệ với Tự nhiên và thế lực Siêu phàm"; "Mối quan hệ với nhóm và xã hội". Cụ thể là:

1. Đánh giá bản thân: Không quá khích ; Cần cù; Dũng cảm;Chân thành; Tự do có kỉ luật; Tự hoàn thiện bản thân; Yêu quí sự thật

2. Mối quan hệ với người khác: Lịch sự; Quan tâm và nhân từ; Hiểu, tin tưởng và giúp đỡ bạn bè; Biết ơn và tôn trọng; Khiêm tốn

3. Mối quan hệ với môi trường tự nhiên: Thân thiện với môi trường tự nhiên;Tôn trọng cuộc sống; Sự nhạy cảm thẩm mỹ; Tính cao thựơng

4. Mối quan hệ với nhóm và xã hội: Có trách nhiệm với nhiệm vụ chung, với tập thể/nhóm ; Công bằng, không thiên vị; Hiểu tầm quan trọng của làm việc và mong muốn được làm việc; Tôn trọng các thành viên trong gia đình; Tôn trọng thầy cô giáo và mọi người trong trường; tôn trọng và yêu thương những người đã cống hiến bản thân cho xã hội và những người lớn tuổi để góp phần vào sự phát triển của cộng đồng; Tôn trọng truyền thống và tình yêu dân tộc; Tôn trọng nền VH khác.

Ở tiểu học (1 - 6) và sơ trung (7 - 9), GDĐĐ như là môn học riêng biệt chiếm tổng số là 34 giờ ở lớp 1, 35 giờ từ lớp 2 đến lớp 9, chiếm từ 3.3 - 4.0% tổng số giờ học trong năm của mỗi khối lớp. Tức là trong một tuần có 1 tiết đạo đức. Giáo viên thường tự soạn bài dạy theo sách hướng dẫn và các tài liệu tham khảo dựa trên chương trình chuẩn, các tài liệu thu thập được và các phương tiện khác. Giáo viên chuẩn bị chương trình giảng dạy cho cả năm. Các giá trị đạo đức cơ bản cần giảng dạy được phân cho từng giai đoạn. Giáo viên chọn lựa một vài giá trị đạo đức có liên quan với nhau, sau đó tích hợp trong chủ đề được đề xuất và sử dụng các tài liệu như các giai thoại, câu chuyện ngắn, bài viết của HS, chương trình GD trên tivi v.... để giảng dạy cho HS. GVCN thường có trách nhiệm chung trong GDĐĐ.

1.2 Giáo dục đạo đức thông qua các môn học khác:

Mục tiêu và nội dung của từng môn học và các hoạt động giáo dục ở tiểu học và sơ trung đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phát triển đạo đức, ví dụ:

Môn tiếng Nhật:

"Nhằm phát triển khả năng hiểu và diễn đạt chính xác tiếng Nhật, nhằm phát triển ý nghĩa của ngôn ngữ, làm sâu sắc sự hứng thú đối với tiếng Nhật và nuôi dưỡng thái độ tôn trọng tiếng Nhật" (MT chung, bậc sơ trung)

Các môn nghiên cứu xã hội:

" Nhằm giúp GD lịch sử Nhật Bản, trong ngữ cảnh của lịch sử thế giới, dựa vào đó để suy nghĩ về những đặc trưng truyền thống và văn hóa Nhật từ cách nhìn rộng hơn và nuôi dưỡng ý thức về mình là người Nhật" (Lịch sử, sơ trung)

Ngoài ra, ở một số môn học khác như môn Kkhoa học; Nhạc; GD sức khỏe và Tiếng nước ngoài đều chứa đựng những nội dung GDĐĐ cho HS.

1.3 Giáo dục đạo đức thông qua các họat động giáo dục

a. Thông qua các hoạt động giáo dục chuyên biệt:

Các họat động trong chương trình được mong đợi thực hiện các mục tiêu sau:

"Thông qua các họat động nhóm theo sở thích nhằm thúc đẩy sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần và phát triển cá nhân; nhằm giáo dục thái độ độc lập và thực tế như là thành viên của nhóm để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn; nhằm làm sâu sắc hơn nhận thức của mình về cuộc sống với tư cách là một con người; và nhằm GD khả năng tự hoàn thiện bản thân" (Sơ trung)

Các hoạt động chuyên biệt ở sơ trung bao gồm:

- Các hoạt động giáo dục trên lớp

- Hội đồng học sinh

- Các hoạt động CLB

- Các sự kiện của nhà trường: Các hoạt động kỉ niệm; các sự kiện liên quan đến học tập; các sự kiện liên quan đến giáo dục sức khoẻ; các chuyến đi thực tế; các hoạt động phục vụ xã hội.

Các hoạt động này liên quan chặt chẽ với GDĐĐ như là môn học độc lập và chúng bổ sung cho nhau.

b. Giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động hàng ngày:

Giáo dục đạo đức của Nhật được thiết kế nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục đề ra thông qua toàn bộ các hoạt động trong nhà trường. Có rất nhiều sự việc, việc làm trong nhà trường có vai trò quan trọng trong GDĐĐ, như:

- Thứ nhất đó là vệ sinh trường lớp: hàng ngày, trong trường từ Tiểu học đến trung học yêu cầu học sinh dọn vệ sinh lớp học, các vị trí công cộng như nhà vệ sinh, cổng trường, phòng tập thể dục, xung quanh lớp học... Mục đích không chỉ là tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giúp HS đánh giá cao giá trị của làm việc/lao động và tinh thần vì cái chung.

- Thứ hai là các hoạt động đối với các sinh vật sống: ở các trường Tiểu học có các động vật và cây trồng đa dạng để HS có thể chăm sóc. Đôi khi đó được coi như HĐ chuyên biệt hoặc một phần của giờ học khoa học. HS chăm sóc con vật hay tưới cây theo thứ tự, thậm chí cả trong dịp hè. Thông qua các HĐ này, HS thân thiện với tự nhiên xung quanh hơn và yêu quí các sinh vật sống, do đó chúng học cách tôn trọng cuộc sống.

- Thứ ba, các hoạt động CLB sau khi học trên lớp: (chúng khác các hoạt động chuyên biệt trong chương trình) được coi là có ý nghĩa trong việc hình thành các kĩ năng giao tiếp liên nhân cách và các qui định/nguyên tắc. Học sinh trung học có thể tham gia một hay nhiều CLB một lúc. Các hoạt động của các CLB có thể nhằm giúp hình thành nhiều phẩm chất đạo đức quan trọng trong MTGD đạo đức như: hợp tác, lịch sự, trách nhiệm, cần cù, tự hoàn thiện, tình bạn...

II. Giáo dục đạo đức ở Việt Nam

Với quan niệm “Đức là gốc”, GDĐĐ ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm và coi trọng ngay từ sau Cách mạng tháng Tám thành công. GDĐĐ đã sớm trở thành một môn học riêng biệt và đồng thời thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, qua các môn học khác, qua toàn bộ đời sống nhà trường.

Mục tiêu của GDĐĐ cho học sinh là nhằm trang bị cho các em những tri thức cần thiết về tư tưởng chính trị, đạo đức nhân văn, kiến thức pháp luật và văn hoá; hình thành thái độ đúng đắn, tình cảm, niềm tin đạo đức trong sáng đối với bản thân, với mọi người, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và với mọi hiện tượng xảy ra xung quanh. Các chuẩn mực hành vi đạo đức giáo dục cho HS là sự thể hiện những giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, thể hiện sự thống nhất giữa tính truyền thống và tính hiện đại.

2.1 Giáo dục đạo đức với tư cách là môn học độc lập

GDĐĐ như là môn học độc lập được thực hiện ở Tiểu học và THCS với 1 tiết trong một tuần. Tổng cộng là 35 tiết cho mỗi năm học ở từng cấp. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung cụ thể ở từng cấp, tên môn học được gọi khác nhau. Đối với Tiểu học, gọi là môn Đạo đức, còn đối với THCS và THPT, gọi là môn Giáo dục công dân.

Môn Đạo đức ở Tiểu học nhằm giúp học sinh:

i. Có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi trong quan hệ của các em với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó.

ii. Từng bước hình thành kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân va fnhững người xung quanh theo chuẩn mực đã học; kĩ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống; biết nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện.

iii. Từng bước hình thành thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình; yêu thương, tôn trọng con người; mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người; yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.

Nội dung GDĐĐ được cụ thể hoá trong 5 mối quan hệ cơ bản, gần gữi với HS Tiểu học. Đó là:

(1) Quan hệ với bản thân: Sống gọn gàng, ngăn nắp, vui vẻ, lạc quan, trung thực, có kỉ luật, ham học hỏi, có ý thức vượt khó, vươn lên; biết tự đánh giá hành vi của mình, biết trình bày, bảo vệ ý kiến, có trách nhiệm với bản thân; biết sử dụng tiết kiệm thời gian, tiền của…

(2) Quan hệ với gia đình: yêu quí, quan tâm, giúp đỡ những người thân trong gia đình; hiếu thảo cha mẹ; tự hào, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ.

(3) Quan hệ với nhà trường: Yêu quí, kính trọng, biết ơn thầy cô giáo; Đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ bạn bè, biết xây dựng tình bạn; Yêu quí và tích cực tham gia xây dựng trường lớp;

(4) Quan hệ với cộng đồng, xã hội:Yêu mến, tự hào với truyền thống quê hương, đất nước; kính trọng, biết ơn Bác Hồ và những người có công với đất nước; có tinh thần đoán kết, hữu nghị với thiếu nhi các nước; biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, sống hoà hợp với mọi người; sống thật thà, chân thành, có trách nhiệm…

(5) Quan hệ với môi trường tự nhiên: sống gần gữi, yêu quí và chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, cây cối, các loài vật có ích; biết sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường..

Ở THCS môn GDĐĐ được mở rộng với tên gọi là Giáo dục công dân nhằm giáo dục cho HS các chuẩn mực của xã hội đối với người công dân ở mức độ phù hợp với lứa tuổi. Những chuẩn mực đạo đức mà HS được học ở THCS là sự tiếp nối những chuẩn mực hành vi cụ thể đã học ở Tiểu học những có tính khái quát cao hơn, thể hiện những yêu cầu cơ bản về đạo đức đối với người công dân trong giai đoạn hiện tại. Mục tiêu GDĐĐ là:

i. Hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS THCS trong các quan hệ với bản thân, với mọi người, với công việc và với môi trường sống; hiểu ý nghĩa của các chuẩn mực đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội; sự cần thiết phải rèn luyện để đạt được các chuẩn mực đó.

ii. Biết đánh giá hành vi của bản thân và mọi người xung quanh; biết lựa chọn và thực hiện các ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, phát luật, văn hoá xã hội trong giao tiếp và hoạt động; biết tự tổ chức việc học tập và rèn luyện của bản thân theo yêu cầu của các chuẩn mực đã học.

iii. Có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện đạo đức, pháp luật, văn hoá trong đời sống hàng ngày; có tình cảm trong sáng, lành mạnh đối với mọi người, đối với gia đình, nhà trường, quê hương đất nước; có niềm tin vào tính đúng đắn của các chuẩn mực đã học và hướng tới những giá trị xã hội tốt đẹp; có trách nhiệm đối với hành động của bản thân; có nhu cầu tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để trở thành một chủ thể xã hội tích cực, năng động.

Nội dung giáo dục bao gồm các nội dung liên quan đến đạo đức và pháp luật. Nội dung đạo đức gồm 8 chủ đề:

(1) Sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư;

(2) Sống tự trọng và tôn trọng người khác;

(3) Sống có kỉ luật;

(4) Sống nhân ái, vị tha;

(5) Sống hoà nhập;

(6) Sống có văn hoá;

(7) Sống chủ động, sáng tạo;

(8) Sống có mục đích

Nội dung giáo dục pháp luật bao gồm 5 chủ đề:

(1) Quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình;

(2) Quyền và nghĩa vụ công dân về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

(3) Quyền và nghĩa vụ công dân về văn hoá - giáo dục và kinh tế;

(4) Các quyền tự do cơ bản của công dân;

(5) Quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lí nhà nước.

GDĐĐ ở Việt Nam được thực hiện thống nhất trong cả nước về mục tiêu, chương trình, nội dung, sách giáo khoa.

2.2 Giáo dục đạo đức thông qua các môn học khác và hoạt động giáo dục:

Với quan điểm GDĐĐ phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, thông qua toàn bộ đời sống nhà trường. Do đó, mục tiêu và nội dung giáo dục của các môn học và các hoạt động giáo dục có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc GDĐĐ cho HS. Cụ thể như:

- Môn Tiếng Việt: “Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN” (chương trình tiểu học); “Có ý thức và biết ứng xử, giao tiếp trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội một cách lễ phép, có văn hoá; Biết yêu quí những giá trị chân, thiện, mĩ và biết khinh ghét những cái xấu xa, độc ác, giả dối được phản ánh trong các văn bản đã học, đã đọc” (chương trình THCS).

- Môn Khoa học: “Yêu con người, thiên nhiên đất nước, yêu cái đẹp. Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh” (chương trình tiểu học).

- Môn Lịch sử: “Lòng yêu quê hương, đất nước, gắn với tin yêu CNXH, lòng tự hào dân tộc và trân trọng đối với những di sản lịch sử…, trân trọng đối với các dân tộc, các nền văn hoá trên thế giới, có tinh thần quốc tế chân chính, yêu chuộng hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc” (chương trình THCS)

- Môn Âm nhạc: “Phát triển trí tuệ, bồi dưỡng tình cảm trong sáng, lành mạnh, hướng tới cái tốt, cái đẹp”, (chương trình tiểu học).

Ngoài ra, nội dung GDĐĐ còn được khai thác ở các môn học khác như Toán, Mĩ thuật, Kĩ thuật, Thể dục

- Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: “…Củng cố, phát triển các hành vi, thói quen tốt trong học tập, lao động và công tác xã hội”, “Bồi dưỡng thái độ tự giác, tích cực tham gia các hoạt động tập thể và hoạt động xã hội; hình thành tình cảm chân thành, niềm tin trong sáng với cuộc sống, với quê hương đất nước, có thái độ đúng đắn đối với các hiện tượng tự nhiên và xã hội.” (chương trình THCS).

Nội dung hoạt động giáo dục NGLL thể hiện ở 6 loại hình hoạt động: hoạt động xã hội - chính trị; hoạt động văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể dục thể thao; hoạt động theo hứng thú khoa học, kĩ thuật; hoạt động công ích và hoạt động vui chơi giải trí.

3. So sánh giáo dục đạo đức của Nhật Bản và Việt Nam:

3.1 Những điểm giống nhau:

Thứ nhất, là việc đề cao vấn đề GDĐĐ cho học sinh, coi GDĐĐ là phần quan trọng, không thiểu thiếu được của quá trình giáo dục. Do đó, GDĐĐ đã trở thành một môn học riêng biệt, độc lập như những môn học khác của nhà trường phổ thông.

Thứ hai, là thể hiện cách tiếp cận phức hợp, toàn diện trong việc GDĐĐ cho HS. Các tiếp cận phức hợp thể hiện trong các khía cạnh sau:

- Phức hợp về nội dung: Nội dung GDĐĐ bao gồm toàn bộ các vấn đề có liên quan đến giá trị, đạo đức của cá nhân đến các vấn đề đạo đức của cộng đồng, xã hội

Phức hợp còn thể hiện ở chỗ GDĐĐ được tiến hành thông qua toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống nhà trường: trong giờ học trên lớp; thông qua nội dung giáo dục trong các môn học khác, trong các hoạt động ngoại khóa....

- Sự phức hợp còn thể hiện ở việc chú trọng đủ các mặt trong GDĐĐ từ trang bị tri thức, đến cảm xúc và hành động (kiến thức, kĩ năng, thái độ).

Thứ ba, mục tiêu, chương trình, nội dung GDĐĐ là tương đối giống nhau, đó là sự kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những giá trị hiện đại. Nội dung GDĐĐ cho HS được thể hiện trong các mối quan hệ của cá nhân với bản thân, với gia đình, cộng đồng, với môi trường sống… Thời lượng dành cho môn GDĐĐ đều là 34 – 35 tiết trong một năm tương đương với mỗi tiết trong một tuần.

Thứ tư là giáo viên dạy đạo đức và chịu trách nhiệm về GDĐĐ cho HS chính là giáo viên chủ nhiệm.

3.2 Những điểm khác nhau:

Điểm khác nhau cơ bản chính là ở việc triển khai trong thực tiễn: cách tiếp cận toàn diện, phức hợp trong GDĐĐ được thực hiện trong các nhà trường Nhật Bản một cách triệt để, thông qua toàn bộ đời sống thường ngày của nhà trường nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, tạo ra các cơ hội đa dạng để HS được trải nghiệm các giá trị đạo đức đã học. HS ở mỗi lớp thường được chia làm nhóm 5 đến 6 em, mỗi nhóm có nhiệm vụ riêng như vệ sinh lớp học, phục vụ ăn trưa; làm báo lớp; chăm sóc vật nuôi ở lớp, v.v... Các nhóm sẽ thay đổi nhiệm vụ hàng tuần hoặc hàng tháng. Loại hình nhóm như thế này cũng được sử dụng trong giảng dạy các môn học khác như khoa học và toán, ở đó HS làm việc hợp tác với nhau trong nhóm và em học khá giúp em học yếu hơn cùng đạt được kết quả. Các thành viên của nhóm không cố định mà thay đổi định kì. Qua học nhóm, HS sẽ tự học làm thế nào để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau; góp phần vào thành công của người khác và của nhóm; biết thảo luận để đạt được sự nhất trí; đoán được và quan tâm đến những ý kiến và cảm xúc không nói ra của các thành viên khác v.v...

Ở Việt Nam, nhiều hoạt động có tác dụng rất lớn đối với GDĐĐ cho HS lại được thuê khoán như vấn đề vệ sinh trường lớp chẳng hạn.

Sự khác biệt thứ hai là ở chỗ, Nhật Bản, GDĐĐ với tư cách là môn học độc lập với tên gọi môn Đạo đức được thực hiện ở Tiểu học và THCS (sơ trung), còn đối với THPT (Cao trung) gọi là môn Đạo đức – Công dân. Còn ở Việt Nam, môn Đạo đức chỉ được gọi ở Tiểu học, còn ở THCS và THPT là Môn Giáo dục Công dân. Do đó, từ THCS, các nội dung liên quan đến pháp luật, đến quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đã bước đầu được đưa vào.

Nói tóm lại, mặc dù có một vài khác biệt, nhưng nhìn chung GDĐĐ của Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau do những tương đồng về văn hoá. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là cần triển khai một cách triệt để quan điểm tiếp cận toàn diện, cần đổi mới phương pháp, hình thức tiến hành GDĐĐ trong thực tiễn nhà trường; cần tạo ra một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, tăng cường sự tham gia của HS vào đời sống nhà trường, đa dạng hoá các cơ hội để HS được trải nghiệm các giá trị đạo đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình Tiểu học, THCS, THPT, NXB Giáo dục, 2002

2. Japan education. Khai thác mạng theo địa chỉ:
http://www.inca.org.uk

Taku Ikemoto: Moral education in Japan; Implications for American schools. Khai thác mạng theo địa chỉ http://www.inca.org.uk

 TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Trường ĐHSP Hà Nội - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   |