Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ TRONG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG

Tóm tắt:

Trong bài báo này, chúng tôi đề cập đến khái niệm, vai trò, ý nghĩa của công tác chẩn đoán tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp, những yêu cầu của chuẩn đoán tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp, những yêu cầu khi chẩn đoán tâm lý cho học sinh phổ thông, điều kiện của một bài trắc nghiệm khách quan và những đặc điểm tâm lý mà nhà tư vấn cần xác định ở học sinh khi tư vấn nghề. Với nội dung này, chúng tôi mong muốn trao đổi đóng góp thêm vào công tác tư vấn hướng nghiệp đạt hiệu quả hơn.

Đối với công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thông hiện nay là rất cần thiết, có nhiều các yếu tố tham gia trong quá trình hướng nghiệp. Trong khâu tư vấn hướng nghiệp thì chẩn đoán tâm lý là một yếu tố quyết định sự tồn tại của công tác này. Khoa học chuẩn đoán tâm lý trong công tác hướng nghiệp nhằm tư vấn và lựa chọn nghề cho những người đang tham gia lao động và những người sắp sửa tham gia vào hoạt động lao động (học sinh phổ thông). Các chuyên gia tư vấn chỉ làm việc có hiệu quả khi đánh giá đúng được những đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh đối với hoạt động nghề nghiệp.

Chẩn đoán tư vấn tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp phải vạch ra được những thuộc tính tâm lý cá nhân đặc trưng, cần thiết của học sinh đối với yêu cầu của nghề mà các em sẽ lựa chọn theo một căn cứ khoa học nhất định. Đồng thời chẩn đoán tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp nhất thiết phải có những kết luận nhất định về các ý kiến nêu ra và bao gồm cả dự đoán về việc phù hợp hay không phù hợp của cá nhân đối với nghề nghiệp tương lai.

Chẩn đoán tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp cần đạt được một số yêu cầu sau:

- Vạch ra được theo quan điểm của vấn đề được đặt ra về các phẩm chất của một người nào đó trên cái nền của các thuộc tính khác nhau, được sắp xếp theo một sơ đồ thống nhất.

- Chẩn đoán tâm lý không dừng ở việc xác nhận cái hiện có mà phải bao gồm cả sự dự đoán

- Kết quả của chẩn đoán tâm lý phải được trình bày bằng những khái niệm giải thích khoa học, được dựa trên tài liệu mô tả nói lên hành vi của con người.

Đối với công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nhà tư vấn hướng nghiệp cần phải thực hiện được những việc sau:

- Chẩn đoán những thuộc tính và phẩm chất quan trọng về mặt nghề nghiệp.

- Đối chiếu cấu trúc tâm lý của nhân cách và của hoạt động nghề nghiệp

- Xác định con đường tiếp tục phát triển nhân cách.

Trong khâu đánh giá những đặc điểm tâm lý đặc trưng của học sinh đối với hoạt động nghề nghiệp mà học sinh định lựa chọn cần phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để có thông tin khoa học, khách quan. Trong các phương pháp đó phương pháp trắc nghiệm có giá trị cung cấp thông tin rất to lớn.

Tuy nhiên, để một bài trắc nghiệm có giá trị cần phải có những điều kiện nhất định sau:

- Khi ta dùng các hình thức khác nhau của cùng một trắc nghiệm hoặc tiến hành cùng một trắc nghiệm nhiều lần trên cùng một đối tượng (cá nhân hoặc nhóm) thì kết quả thu được phải gống nhau (độ tin cậy).

- Trắc nghiệm phải đo được chính cái mà ta định đo (tính hiệu lực).

- Trắc nghiệm phải được thực hiện theo một thủ tục tiêu chuẩn và phải có những quy chuẩn căn cứ theo nhóm chuẩn và nhóm chuẩn này phải đông đảo và mang tính chất giống với những người sau này đem ra trắc nghiệm, nghĩa là nó phải đại diện cho một quần thể. Các quy chuẩn của nhóm chuẩn là một hệ thống chuẩn cứ để kiến giải các kết quả trắc nghiệm về bất cứ một cá nhân hay nhóm nào.

Trắc nghiệm tâm lý phải đánh giá được sự phù hợp những đặc điểm của nghề sẽ lựa chọn với những đặc điểm đặc trưng của nhân cách của người học sinh. Một người được coi là phù hợp với một nghề nào đó nếu như người đó có những phẩm chất, đặc điểm tâm lý và sinh lý đáp ứng những yêu cầu mà nghề đòi hỏi ở người lao động.

Những đặc điểm tâm lý nhà tư vấn cần xác định ở học sinh khi tư vấn nghề là:

* Xác định được hứng thú nghề nghiệp : Hứng thú nghề nghiệp thể hiện thái độ của con người đối với một hoặc một số nghề nghiệp nhất định, biểu hiện thái độ của con người muốn làm quen, tìm hiểu những nghề đó tạo động lực thúc đẩy người học sinh chọn nghề và là nguồn cơ bản của lòng yêu nghề và đam mê nghề nghiệp. Tuy nhiên, hứng thú nghề nghiệp được hình thành trong lao động. Để xác định hứng thú nghề ngiệp chúng ta có thể sử dụng các phương pháp như phỏng vấn, quan sát, toạ đàm, phân tích sản phẩm hoạt động của cá nhân các bộ câu hỏi định hướng v.v…

* Xác định năng lực nghề nghiệp: Năng lực nghề nghiệp là sự tương ứng giữa những đặc điểm tâm lý của con người với những yêu cầu do nghề đặt ra. Tuy nhiên, năng lực nghề nghiệp được hình thành trong lao động vì vậy chẩn đoán tâm lý trong tư vấn hướng nghiệp phải kiểm tra được một số năng lực của học sinh trước khi chọn nghề. Các Test đo năng lực trong hướng nghiệp về cơ bản có 4 nhóm:

-Test xác định trình độ phát triển trí tuệ chung

-Test xác định tưởng tượng không gian và các năng lực trong lĩnh vực cơ học

-Test xác định mức độ chính xác tri giác (năng lực quan sát)

-Test xác định các năng lực tâm vận động.

* Xác định kiểu nhân cách: Kiểu nhân cách của cá nhân được coi là cơ sở định hướng rộng giúp cho chuyên gia tư vấn hoặc bản thân người học sinh tuyển chọn nghề phù hợp với nhân cách. Xác định đặc điểm nhân cách là rất phức tạp và phải được xác định trên nhiều cơ sở như:

- Số liệu thu được từ quan sát đời sống, phỏng vấn, thu thập các thông tin về hành vi cá nhân…

- Số liệu thu được qua các Test khách quan, kiểm tra trong tình huống thực tiễn

- Số liệu thu được từ việc phỏng vấn, phiếu hỏi ….trực tiếp liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp.

Chẩn đoán tâm lý để hiểu được những đặc điểm tâm lý đặc trưng của học sinh đối với nghề nghiệp trong tương lai của họ có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Công việc này không chỉ tránh đi được chi phí lãng phí do đầu tư không chính xác cho người lao động, tạo được hiệu quả cao trong lao động và sản xuất mà còn phát huy tối đa những tiềm năng của người lao động, tạo được hứng thú, tình yêu, niềm đam mê với nghề mà người học sinh sẽ theo đuổi. Tuy nhiên, công việc chẩn đoán tâm lý cho hướng nghiệp là rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và cẩn trọng, đánh giá ở nhiều hướng khác nhau và đặc biệt nhà tư vấn cần có quan điểm phát triển khi chẩn đoán nghĩa là các đặc điểm tâm lý hiện tại không cố định mà có thể biến đổi trong tương lai. Như vậy, để tư vấn cho học sinh nhà tư vấn cần dựa vào những đặc điểm tâm lý hiện tại nhưng điều quan trọng hơn là phải dự báo được những đặc điểm đó trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Platonov.K.K. Những vấn đề về năng lực .M.NXB Khoa học, 1972.

2. Lê Đức Phúc - Đặng Thành Hưng: Nghiên cứu nghề và sự phù hợp nghề làm cơ sở cho công tác tư vấn hướng nghiệp. Tài liệu viết tay. HN. 1991

3. Phạm Tất Dong: Giúp bạn chọn nghề – NXB GD. HN. 1989

4. Trần Trọng Thuỷ: Khoa học chuẩn đoán tâm lý. NXB GD. 1992

 ThS. Trần Văn Tính - Khoa Sư phạm- Đại học Quốc gia Hà Nội - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   |