Kính thưa đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,
Kính thưa GS. Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo,
Kính thưa GS.TSKH Đào Trọng Thi - Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Kính thưa các bậc cựu giáo chức, các cán bộ lão thành qua các thời kỳ của Trường ĐHTHHN, ĐHKHTN - ĐHQGHN,
Kính thưa các cô giáo, các thầy giáo, các cán bộ công chức, công nhân viên Nhà trường
Các anh chị nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và học sinh thân mến,
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN kế thừa truyền thống xây dựng và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng hiện đã bước qua một nửa thế kỷ. 50 năm qua, các thế hệ cán bộ và sinh viên Nhà trường đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đã cống hiến tài năng và tâm huyết của mình để viết nên những trang sử truyền thống chói ngời và hào hùng của chặng đường nửa thế kỷ qua.
Hôm nay, Trường ĐHKHTN long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống vẻ vang của Nhà trường. Trước hết xin cảm ơn sự hiện diện của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị đại biểu, các vị khách quý quốc tế đã không quản đường xá xa xôi, ngày nghỉ cuối tuần, dành tình cảm nồng ấm và sâu sắc đối với Nhà trường, cùng đến chung vui dự Lễ hội truyền thống với cán bộ và sinh viên Trường ĐHKHTN ngày hôm nay.
Nhắc lại chặng đường truyền thống, hẳn mỗi chúng ta đều không quên sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954), cán bộ và sinh viên từ các trung tâm đại học kháng chiến chuyển về Thủ đô để cùng với các cơ sở đại học được tiếp quản ở nội thành lập thành các Đại học Khoa học, Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Văn khoa và Khoa học, Đại học Y - Dược.
Trước yêu cầu phát triển giáo dục đại học nước nhà, ngày 4/6/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/TC thành lập 5 trường đại học và 15 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. GS. Ngụy Như Kontum được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường.
Khởi đầu, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chỉ có ba khoa chuyên ngành: Khoa Toán - Lý, Khoa Hoá - Sinh, Khoa Văn - Sử. Năm học đầu tiên của trường được khai giảng trọng thể vào ngày 15/10/1956 tại Đại giảng đường của khu Đại học Việt Nam, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội trong niềm phấn khởi, tự hào của tập thể 43 cán bộ và giáo sư cùng 430 nam nữ sinh viên. Các giảng đường này nay là đại giảng đường mang tên GS. Nguỵ Như Kontum và Hội trường mang tên GS. Lê Văn Thiêm, những nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãng đạo đầu tiên của Nhà trường. Từ thời điểm này, một trang mới trong lịch sử phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bắt đầu. Chính vì lẽ đó mà sau này, chúng ta chọn ngày 15-10 hàng năm làm ngày truyền thống của Nhà trường.
Ngày 23/5/1957, một sự kiện quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường, một vinh dự lớn đến với cán bộ, sinh viên Nhà trường: Bác Hồ kính yêu đã đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy trò hân hoan chăm chú nghe từng lời dạy của Bác. Người dạy “Thầy trò phải biết kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học sinh phải cố gắng học tập, kính thầy, yêu bạn”. Những lời dạy của Người còn vang mãi tới ngày hôm nay, mãi mãi đi theo lớp lớp thế hệ thầy trò chúng ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường. Với mục tiêu của thời kỳ ban đầu ấy là:
“Nhanh chóng xây dựng, đào tạo một đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường giai cấp công nhân và đường lối giáo dục xã hội chủ nghĩa của Đảng.
Biên soạn, biên dịch các chương trình, giáo trình cơ sở và chuyên đề, xây dựng thư viện phục vụ cho việc học tập và giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Từng bước mở rộng quy mô đào tạo theo phương châm đào tạo con người toàn diện, gắn Nhà trường với xã hội, đưa khoa học cơ bản phục vụ các yêu cầu thực tiễn của cách mạng.
Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo và nghiên cứu. Từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ và sinh viên”.
Những mục tiêu đó vẫn còn tính thời sự cho tới ngày hôm nay. Ngay những năm đầu tiên sau ngày thành lập, tuy công tác nghiên cứu khoa học là một công việc hết sức mới mẻ, đã có những bước đi chập chững khởi đầu được đánh dấu bằng các sự kiện: Thành lập Hội đồng Khoa học trường (1960), Hội nghị Khoa học toàn trường lần I (1960), Hội nghị khoa học sinh viên lần I (1961). Những kết quả nghiên cứu khoa học ban đầu của thầy và trò đã củng cố lòng tin của thế hệ trí thức trẻ trên mặt trận khoa học kỹ thuật.
Sau giai đoạn phát triển quan trọng ban đầu đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Nhà trường hàng năm vẫn tiếp tục được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhà trường đã chuyển hình thức đào tạo từ hệ 3 năm sang hệ 4 năm. Điều đó chứng tỏ sự trưởng thành nhanh chóng của Nhà trường trên con đường tiếp cận và hội nhập với tiến trình đào tạo và nghiên cứu của thời đại.
Tháng 10/1965 lớp chuyên Toán, chiếc nôi đầu tiên đào tạo năng khiếu, nguồn tài năng trẻ cho đất nước được thành lập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã góp phần khuyến khích thế hệ trẻ tiến nhanh hơn trên con đường phát triển khoa học kỹ thuật. Bên cạnh các cơ sở vật chất còn khiêm tốn về nhà ở, lớp học, với phương châm “thắt lưng buộc bụng” chúng ta đã xây dựng được một số phòng thí nghiệm cho các khoa Vật lý, Hoá học, Sinh học; thành lập Bảo tàng động thực vật, Bảo tàng khảo cổ, Xưởng cơ - vô tuyến; xây dựng nhà in, mở rộng thư viện. Trong những năm tháng xây dựng nền móng đó, mỗi thầy cô, cán bộ sinh viên Nhà trường luôn được ghi nhớ khắc sâu một điều: Một nửa đất nước thân yêu còn chưa được giải phóng, chúng ta phải sống, làm việc và học tập với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì sự nghiệp giải phóng miền Nam ruột thịt”. Trong phong trào thi đua sôi nổi đó, nhiều tập thể, cá nhân Nhà trường đã đạt danh hiệu tập thể Lao động xã hội chủ nghĩa, Chiến sĩ thi đua. Năm 1965, đất nước bước vào một giai đoạn mới của cách mạng. Một trang mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường được mở ra với đầy những khó khăn và thách thức. Sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964, chiến tranh đã lan rộng ra cả miền Bắc XHCN. Nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước, hơn lúc nào hết, đã trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Trong không khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” tuổi trẻ Nhà trường được trao hai nhiệm vụ trọng đại: Đi đánh giặc cứu nước và học tập rèn luyện. Tháng 8/1965 Nhà trường đã khẩn trương chuyển lên khu sơ tán Đại Từ, Bắc Thái. Đúng ngày 15/10/1965, năm học lịch sử của giai đoạn sơ tán lần thứ nhất, đã được khai giảng ở giữa núi rừng Việt Bắc. Ngay trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Nhà trường vẫn không ngừng trưởng thành cả về quy mô, chất lượng cũng như về cơ cấu tổ chức điều hành, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển của Nhà trường sau này. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ của cán bộ, sinh viên Nhà trường vẫn được duy trì trong những năm tháng sơ tán. Tập thơ “Những năm học chống Mỹ” là một kỷ niệm không quên của một thời “tiếng hát át tiếng bom” trên vùng núi rừng Việt Bắc đáng nhớ của thầy trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã ra đời trong giai đoạn này. Cuối năm 1968, Nhà trường lại trở về Hà Nội. Tháng 10/1968 ngành giáo dục vinh dự nhận được thư của Hồ Chủ tịch. Người căn dặn “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt” để chuẩn bị cho công cuộc “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc thắng lợi hoàn toàn. Nhà trường đã nhanh chóng ổn định việc ăn ở, học tập cho cán bộ, sinh viên tại nơi sơ tán. Các lớp học được chia nhỏ để học thành nhiều ca. Tất cả gọn nhẹ, cơ động theo nếp sống thời chiến với khẩu hiệu: An toàn tối đa, chất lượng đảm bảo, thi cử nghiêm túc. Thầy và trò thực hiện 3 cùng: cùng ăn, cùng ở và cùng lao động với bà con nông dân.
Trong những năm học chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thân yêu của chúng ta đã có 1.333 cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi đánh Mỹ. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc và nhiều người đã ngã xuống bên chiến hào như những người Anh hùng. Những Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Ngô Văn Sở, Phạm Ngọc Tuân, Nguyễn Văn Thạc và biết bao sinh viên ưu tú khác của trường đã “một đi không trở lại”. Các anh đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Với Tổ quốc, các anh bất tử với tuổi hai mươi. Với Nhà trường, tên tuổi các anh còn lưu mãi trong truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thân yêu.
Năm 1974, mốc son đầu tiên của công tác đào tạo sau đại học nước nhà được đánh dấu bằng sự kiện thầy giáo Hoàng Hữu Đường, cán bộ giảng dạy của Nhà trường là người Việt Nam đầu tiên đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Toán - Lý trong nước tại Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước được tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những bản nhận xét của các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao chất lượng khoa học của bản luận án khích lệ công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường. Nhà trường bắt đầu triển khai công tác đào tạo sau đại học bên cạnh việc tiếp tục gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Công tác đào tạo sau đại học được triển khai trong Nhà trường cũng khẳng định chất lượng đào tạo đại học của Nhà trường đã chuyển qua một giai đoạn phát triển mới.
Năm 1993, Đại học Quốc Gia Hà Nội ra đời. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trong những trụ cột đầu tiên, quan trọng nhất xây dựng nền tảng của một trung tâm khoa học mới đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của đất nước.
Năm 1995, Trường ĐHKHTN và ĐHKHXH&NV ra đời từ Trường ĐHTHHN. Một số khoa của trường thành khoa trực thuộc của ĐHQGHN. Trường ĐHCN được thành lập trên cơ sở 2 khoa Công nghệ Thông tin và Điện tử Viễn thông của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Nhớ lại từ những buổi sơ khai, chúng ta vừa học, vừa tìm tòi, vừa dạy học, sản xuất và chiến đấu. Từ các công sự, chiến hào đã hình thành nên nhiều công trình sáng tạo có giá trị cho thực tiễn cách mạng nước nhà. Nhà trường đã đóng góp qua từng năm tháng nhiều thành tựu khoa học công nghệ và ứng dụng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng ta đã có nhiều nhà khoa học, nhà giáo được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Nhiều sinh viên của Nhà trường đã trưởng thành qua các dự án, đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế, trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp giỏi. Đặc biệt, Trường ta có nhiều nhà khoa học nữ đã thu được nhiều kết quả khoa học ứng dụng và nghiên cứu triển khai có chất lượng và uy tín, được tặng giải thưởng Kôvalepxkaia.
Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ gắn với một thời đại mới, thời đại của nền kinh tế tri thức, của khoa học - công nghệ cao. Khắp nơi trên thế giới, các trường đại học tiên tiến đang hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện mô hình các trường đại học nghiên cứu. Trường đại học không chỉ là trung tâm đào tạo gắn với nghiên cứu, mà còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, một trung tâm triển khai các công nghệ tiên tiến, đóng góp đắc lực cho nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam ta chưa có ngay được mô hình của một trường đại học nghiên cứu tiên tiến. Chúng ta còn thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm với thiết bị đồng bộ và tiên tiến, thiếu các chuyên gia, các thầy giáo của một nền công nghiệp hiện đại và cũng thiếu nhiều những nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và học sinh tài năng do các khâu phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ chưa được quan tâm chú ý đúng mức. Chiến lược đào tạo nhân tài nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang là mục tiêu cấp bách của nước ta trong giai đoạn đầu của thế kỷ XXI.
Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tìm cho mình lộ trình xây dựng một đại học nghiên cứu, gắn kết các đề tài luận án thạc sĩ và tiến sĩ với các chương trình, dự án nghiên cứu, trước mắt hướng tới mục tiêu ngang bằng các trường tiên tiến trong khu vực và từng bước hội nhập quốc tế về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong bước đường đi lên đó, chúng ta đã có những bước đột phá và bứt phá thực sự vào chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh - những phần thưởng cao quý của Nhà nước.
Chúng ta đã xác định một trong những khâu then chốt chính là việc xây dựng thành công một lộ trình đào tạo đặc biệt từ bậc THPT đến bậc tiến sĩ. Đó là chương trình thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực tài năng cho các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường.
Có thể nói rằng, với sự ra đời của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng và những thành tích đã đạt được trong những năm qua cho thấy hướng đầu tư đào tạo mũi nhọn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, của ĐHQGHN là đúng đắn và hiệu quả.
Nhìn lại những năm tháng qua, chúng ta thấy tự hào về những thành tích đã đạt được. Nhiều thầy cô giáo trong nước và quốc tế đã tận tâm tận lực với lớp, với trò trong hoạt động chính khoá cũng như hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt đoàn thể cũng như các phong trào khác.
Việc xây dựng thành công một đại học gắn với mục tiêu cao của một đại học nghiên cứu chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn và cần các bước đi thích hợp.
Chắc chắn rằng chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới mong đạt được thành tựu trong tương lai. Mong rằng tại thời khắc vô cùng quan trọng này, thời điểm giao thời, chuyển tiếp từ nửa đầu thế kỷ sang nửa sau của một thế kỷ truyền thống xây dựng và phát triển, chúng ta sẽ thấy được nét chân dung, đường hướng và cách thức xây dựng các tiêu chí cũng như lộ trình cho việc thực hiện các mục tiêu lớn mà các thế hệ thầy và trò của Nhà trường đã theo đuổi nửa thế kỷ qua. Mong sự nỗ lực hết mình của các thế hệ tập thể các giáo sư, các nhà khoa học, các cán bộ công chức và toàn thể sinh viên, học sinh Nhà trường hãy tiếp tục khí thế của đơn vị anh hùng, dũng cảm tiến lên.
Xin chân thành biết ơn và tưởng nhớ tới các thầy hiệu trưởng Nguỵ Như Kontum, Nguyễn An; xin tỏ lòng biết ơn tới các thầy hiệu trưởng Phan Hữu Dật, Đào Trọng Thi; xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Trường ĐHTHHN, ĐHKHTN qua các thời kỳ, cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương, các đơn vị bạn, các cựu giáo chức, các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp trong nước và quốc tế… đã tận tâm chỉ đạo, giúp đỡ, luôn luôn cùng chung vai sát cánh với Nhà trường, xây dựng nên truyền thống hào hùng của một trường ĐHTHHN - ĐHKHTN anh hùng như ngày hôm nay.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy giáo, cô giáo, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và học sinh Nhà trường sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn.
|