Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
GS. Hoàng Tụy: “13 năm ấy... biết bao nhiêu tình”
Nhân dịp Khoa Toán - Cơ - tin học, Trường ĐHKHTN tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Hoàng Tụy, Viện Toán học Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN giai đoạn 1961 - 1968. Ông tâm sự:

Năm 1956, Trường Đại học Khoa học được chia thành hai trường mới: Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. GS. Lê Văn Thiêm được cử làm Chủ nhiệm Khoa Toán chung của cả hai trường. Khi ấy tôi cũng vừa mới chuyển công tác từ Ban Tu thư (Bộ Giáo dục) sang Đại học Sư phạm, và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa Toán chung đó.

Tháng 8/1957, cùng với 8 anh em khác tôi được cử sang thực tập tu nghiệp một năm tại Đại học Tổng hợp Matxcơva. Năm 1959, sau khi bảo vệ luận án, tôi trở về, thì Đại học Sư phạm đã tách ra và chuyển lên Cầu Giấy. Tôi được cử về Đại học Tổng hợp, phụ trách Tổ Bộ môn Toán của Khoa Toán - Lý - Hóa (1959-1960), rồi Chủ nhiệm Khoa Toán - Lý (1961), Chủ nhiệm Khoa Toán (1961-1968). Trong suốt thời gian ấy tôi cũng kiêm nhiệm Uỷ viên ban Toán - Lý - Hóa, rồi Ban Toán - Lý và Ban Toán của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKHKTNN), thường xuyên tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển ngành Toán (thành lập Hội Toán học Việt Nam, xúc tiến đào tạo cán bộ để chuẩn bị phát triển khoa học máy tính, xây dựng các tạp chí Acta Scientiarum Vietnamicarum, sau này tách ra thành Acta Mathematica Vietnamica, xây dựng Tạp chí Toán học, sau này là Vietnam Journal of Mathematics, xây dựng kế hoạch lâu dài phát triển Toán học trong 20 năm). Từ 1968 tôi rời Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyển hẳn sang công tác ở UBKHKTNN.

Nhiều thế hệ học sinh chuyên Toán đã trưởng thành từ mái trường này.

Khi bắt tay xây dựng Khoa Toán, anh em cán bộ đều còn rất trẻ. Chỉ có GS. Lê Văn Thiêm và tôi đã có công trình nghiên cứu, còn lại đều mới tốt nghiệp đại học hệ 3 năm trong nước, mọi người đều bỡ ngỡ với việc giảng dạy và nghiên cứu ở đại học. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là mặc dù kiến thức và kinh nghiệm còn yếu, ai nấy đều hăng say làm việc và, quan trọng nhất, đều có chí tiến thủ mạnh mẽ trong chuyên môn, quyết tâm nâng cao trình độ để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ xin nêu một việc cụ thể: niên khóa 1959-1960, để bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ giảng dạy Toán xung quanh Hà Nội, tôi mở một chuyên đề về lý thuyết độ đo vào tối thứ năm hàng tuần. Nội dung khá trừu tượng và mới mẻ, nhưng lớp học khoảng 40 - 50 người, vẫn đông đủ suốt năm, cho đến buổi giảng cuối cùng. Người giảng hào hứng, người nghe thích thú, ai cũng hăng hái đến lớp, chỉ với mục đích mở rộng hiểu biết để làm nhiệm vụ tốt hơn chứ không hề có động cơ nào khác. Chính nhờ tinh thần đó và sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc đào tạo cán bộ, mà chỉ một thời gian ngắn mấy năm, Khoa Toán đã trở thành một đơn vị giảng dạy Toán đại học vào loại tiên tiến nhất so với các đại học khác trong khu vực thời bấy giờ, mặc dù điều kiện vật chất của ta thua kém họ nhiều.

Vào những năm đó, có thể nói Khoa Toán, Trường ĐHTHHN là nơi đầu tiên ở cả Đông Nam Á có một đội ngũ giảng dạy toàn người trong nước mà đã sớm biết kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, và ngay từ những năm đầu 1960 đã bắt đầu có những hình thức và không khí sinh hoạt học thuật như thường thấy ở các đại học nghiêm túc. Ngày nay một số thuật ngữ tiếng Việt về các hoạt động khoa học như xêmina, khóa luận, phản biện, hội nghị khoa học, v.v... đã trở thành thông dụng nhưng ít ai biết rằng các thuật ngữ ấy đã ra đời tại Khoa Toán này. Cũng tại đây lần đầu tiên đã xuất hiện những công trình nghiên cứu Toán học được mời báo cáo trong các hội thảo quốc tế và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Một số nghiên cứu này đã nhận được sự quan tâm và thừa nhận quốc tế rộng rãi, góp phần chứng minh “định lý tồn tại”, dù còn yếu ớt, của nền Toán học Việt Nam. Không kể mấy chuyên gia Liên Xô đến giúp trong thời gian đầu về một số chuyên ngành còn chưa đủ sức tự lực, chúng tôi cũng đã tranh thủ mời được một số nhà toán học hàng đầu thế giới đến giảng chuyên đề, làm xêmina, về những lĩnh vực thời sự của Toán học, trong số đó có hai tên tuổi lớn là L.Schwartz và A.Grothendieck. Điều đặc biệt nữa là song song với các nghiên cứu lý thuyết đã có những hoạt động sôi nổi ứng dụng Toán học mà hồi đó trên thế giới hãy còn hiếm, như: ứng dụng vận trù học và lý thuyết tối ưu, ứng dụng lý thuyết hàm phức trong nổ mìn định hướng, v.v... Đồng thời, hằng năm, bắt đầu từ 1960 cho đến 1964, Khoa cũng đã liên tục mở những lớp bồi dưỡng học sinh phổ thông giỏi Toán và những lớp ngắn ngày bồi dưỡng kiến thức cho các thầy dạy Toán phổ thông. Từ 1965, do sáng kiến của Khoa, Chính phủ cho phép mở lớp chuyên Toán đầu tiên, lúc đó gọi là lớp “Toán đặc biệt” hay A0 khi đi sơ tán (Ak là năm thứ k ngành Toán), để tuyển chọn và bồi dưỡng năng khiếu Toán. Tất cả những hoạt động đa dạng đó nói lên phương hướng phát triển lành mạnh và đúng đắn của Khoa Toán: không chỉ lo giảng dạy mà còn làm nghiên cứu, ứng dụng thực tế, không chỉ tập trung vào công việc trước mắt mà còn lo cho tương lai lâu dài, không chỉ lo cho đại học mà còn quan tâm đến phổ thông, và không dễ dàng lấy cớ trình độ thực tế thấp kém trong nước để tự cho phép coi thường các chuẩn mực quốc tế trong xây dựng giáo dục và khoa học.

Năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt Miền Bắc. Cả trường ĐHTHHN phải sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên), giảng dạy và học tập trong những điều kiện mới, gian khổ và thiếu thốn hơn trước nhiều, nhưng chất lượng vẫn không vì thế mà giảm sút. Học bên miệng hầm, học tranh thủ khoảng thời gian giữa hai cuộc báo động có máy bay địch đánh phá, học dưới ánh đèn dầu leo lét, vậy mà vẫn không nhân nhượng khi kiểm tra kiến thức và vẫn có văn nghệ, vui chơi, ca hát. Còn nhớ cái đêm liên hoan văn nghệ với GS. Grothendieck, ông ấy cũng tham gia hát hò với sinh viên và cán bộ trong Khoa, để lại cho mọi người ấn tượng sâu sắc về một nhà khoa học lớn, có cá tính mạnh mẽ, dám xông pha bom đạn đến chia xẻ với chúng tôi những suất ăn đạm bạc thời chiến nơi sơ tán trong rừng, để mỗi ngày lên lớp 4 giờ liền buổi sáng, trao đổi giúp đỡ học viên mấy giờ buổi chiều, liên tục như thế trong ba tuần lễ, nhiều lần cũng đội mũ rơm xuống hầm tránh máy bay, mà mỗi thứ hai hoàn toàn nhịn đói, thường ngày lại chỉ ăn rau, trứng, từ chối mọi món ăn ưu đãi dành riêng cho khách.

Điều kỳ lạ nữa là những năm ấy, vượt qua bom đạn, các sinh hoạt học thuật vẫn tiếp tục đều đặn. Hầu hết các trường học, phổ thông hay đại học, đều sơ tán, mỗi trường một nơi, cách xa nhau hàng trăm cây số, các gia đình giáo viên thì chồng đi một nơi, vợ con đi một nẻo, phương tiện đi lại chủ yếu chỉ bằng xe đạp mà đường giao thông lại thường xuyên bị máy bay địch đánh phá. Ấy thế mà cứ mỗi tháng cán bộ giảng dạy Toán ở các đại học khác nhau lại tụ tập vài ngày về Hà Nội tham gia một số xêmina do chúng tôi chủ trì. Bạn bè quốc tế khi nghe kể lại tinh hình đó ai cũng lấy làm lạ, nhiều người không thể tưởng tượng nổi.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng bình lặng, yên ả. Con đường sự nghiệp của mỗi người nhiều khi cũng gập ghềnh, lắm chông gai. Với tôi cũng vậy. Trong 13 năm gắn bó với Khoa Toán của ĐHTHHN, với những cố gắng khai phá con đường mới, xây dựng những quan niệm, nề nếp, thói quen làm việc mới, thích hợp với môi trường đại học hiện đại, không phải lúc nào chúng tôi cũng tìm được tiếng nói đồng thuận. Những khó khăn chúng tôi đã gặp có lúc phát triển gay gắt đến mức cả anh Thiêm và tôi đều không còn đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để tiếp tục công việc một cách bình thường. Dù vậy, 13 năm ấy cũng... biết bao nhiêu tình: đắng cay ngọt bùi đều có cả ở mọi cung bậc, cuộc sống là vậy, âu cũng là cái giá phải trả cho mọi cố gắng thay đổi một nếp tư duy. Có nhiều kỷ niệm đẹp, rất đẹp, và với thời gian đi qua, tôi càng thấy yêu mến những ngày tháng sôi nổi, hồn nhiên ấy, khi bất chấp mọi trở lực, tôi đã cùng đồng nghiệp và học trò dám sống với niềm đam mê khoa học mãnh liệt, làm việc hết mình, cống hiến hết mình và cũng nhờ thế mà ngay giữa gian khổ chồng chất tôi đã có may mắn nảy ra ý tưởng tối ưu toàn cục, sau này đã trở thành hướng chủ đạo trong sự nghiệp khoa học 42 năm qua của tôi.

Học sinh, sinh viên ĐHQGHN học tập vì ngày mai lập nghiệp. Ảnh: Lưu Mai

Tôi đã làm việc ở Khoa trong 13 năm liên tục, nay nhìn lại tin chắc rằng, cũng như tôi, nhiều anh em đã góp sức cùng tôi xây dựng Khoa từ ngày ấy đều rất tự hào về một giai đoạn đầy gian nan của buổi đầu xây dựng Khoa. Thành công có nhiều, thất bại cũng không ít, nhưng có lẽ điều quan trọng là chúng tôi không thiếu nhiệt huyết với khoa học và giáo dục. Dù làm đúng làm sai, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện phương châm sống và làm việc có thể tóm gọn trong mấy chữ: trung thực, đam mê sáng tạo, và luôn hướng tới cái mới. Ngày nay mọi sự đã thay đổi, kể cả nhiều điều khi ấy tưởng chừng bất di bất dịch. Tuy vậy, những gì ít ỏi đã làm được cũng đủ cho chúng tôi tin ở sự đúng đắn của phương châm ấy. Trong một thế giới mà hầu như chỉ có sự thay đổi mới bất biến, mỗi người khoa học càng cần có cái bất biến của mình để “dĩ bất biến ứng vạn biến”, theo cách nói của người xưa.

Đương nhiên, hồi đó chúng tôi đều còn rất trẻ, và cũng như tuổi trẻ ở mọi nơi, chúng tôi có cả ưu điểm và nhược điểm. Nhưng trên hết tôi vẫn nhớ về những năm tháng làm việc ở Khoa Toán, Trường ĐHTHHN với nhiều kỷ niệm sâu sắc về một thời hoạt động sôi nổi, với biết bao hoài bão, ước vọng, và cũng với biết bao trăn trở, thất vọng, như cuộc đời vốn phải thế mới đầy đủ ý nghĩa. Mong sao cả những kinh nghiệm hay và dở trong giai đoạn ấy đều là bài học để xây dựng Khoa Toán, Trường ĐHKHTN thành một trung tâm khoa học xuất sắc sánh được với các Khoa Toán của những đại học tiên tiến trên thế giới, đáp ứng mong đợi thiết tha của những người, nay còn sống hay đã khuất, đã vì mục tiêu ấy cống hiến những năm tháng quý giá nhất của đời mình./.

 Mai Anh (ghi) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   |