GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Trưởng Ban điều hành hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng, Trường ĐHKHTN; nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN giai đoạn 1992 - 1993 bộc bạch:
Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965, tôi được giữ lại làm giảng viên ở Khoa Toán và gắn bó với Khoa từ đó cho tới nay. Năm 1971, tôi được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và năm 1974 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Tbilisi (nay thuộc Cộng hòa Grudia). Năm 1981, tôi sang Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Wroclap năm 1983, tôi được phong học hàm giáo sư năm 1991...
|
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN. | Tôi nhớ, thời kỳ những năm 1965 - 1986 của thế kỷ trước, cuộc sống ở Việt Nam rất nghèo khổ, hết sức khó khăn. Các nhà giáo lại còn khó khăn gấp bội, nhiều thầy cô giáo phải có thêm nghề phụ mới tồn tại được, thậm chí có khi nghề phụ còn mang lại thu nhập cao hơn nghề dạy học. Trong những năm 70, vì gia đình tôi sống trong một phòng rất chật (10m2), nên tôi thường làm việc cùng với một số bạn đồng nghiệp trẻ, trong đó có anh Đặng Hùng Thắng (hiện giờ là phó giáo sư, tiến sĩ khoa học của Khoa Toán - Cơ - Tin học) tại nhà kho, vốn là nơi chứa củi của nhiều hộ 34 Điện Biên, Hà Nội. Không có một động lực vật chất nào thôi thúc chúng tôi làm toán say sưa như thế. Chỉ có lòng khao khát sáng tạo cái mới, như là một nhu cầu nội tại muốn chia sẻ và thể hiện, đã gắn bó chúng tôi làm toán với nhau. Có lẽ làm toán, giống như làm thơ, là một nhu cầu nội tại! Để làm toán được người ta thường cần phải giữ cho cái tâm được tĩnh. Và rất có thể, nghèo quá, hay giàu quá hoặc bon chen quá thì tâm không tĩnh, nhiều người như tôi khó làm toán...
Năm nay, Khoa và Trường ĐHKHTN (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây) tròn 50 tuổi, với tôi, đó là tuổi "tri thiên mệnh", rất trọng đại. Hơn 40 năm gắn bó với bục giảng và làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi cùng với các bạn đồng nghiệp trong Khoa đã phải trải qua rất nhiều những giai đoạn khó khăn, những bước phát triển thăng trầm của Khoa, của Trường. Nhìn chung, các cán bộ của Khoa biết thương yêu, giúp đỡ nhau, họ hiểu rằng, đoàn kết là sức mạnh, ổn định là sự tồn tại. Tôi luôn tự hào là cán bộ của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và thường nghĩ rằng: Để trở thành một nhà khoa học chân chính, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, cần phải có niềm đam mê, có tâm huyết, dám hy sinh một số lợi ích vật chất cá nhân trước mắt và phải có phương pháp làm việc khoa học. Với tôi, đó là: Luôn luôn tự đào tạo lại bản thân, "tìm thầy mà học, tìm bạn mà hợp tác nghiên cứu, tìm trò mà đào tạo", giảng dạy phải gắn liền với nghiên cứu và ứng dụng, có bản lĩnh khoa học, kiên trì theo đuổi, làm việc quyết liệt khi đã chọn được đề tài, nhưng không được quá tự tin. Đã có dịp đến giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước và một số trường đại học ở nước ngoài (Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha), tôi thấy tư duy Toán học sinh viên Việt Nam khá tốt, nhạy cảm với cái mới. Nhưng, các em giỏi học toán chứ chưa phải giỏi làm toán; giỏi làm việc cá nhân chứ làm việc tập thể còn kém, và nhất là các em (nói chung) chỉ giỏi một lĩnh vực, kiến thức về "Việt Nam học" còn yếu, một vài em còn thiếu bản lĩnh, hẹp hòi, thiếu tinh thần "đồng đội". Theo tôi, để sinh viên của chúng ta nhanh chóng bắt kịp được yêu cầu của xã hội hiện đại, thì trong công tác đào tạo của Khoa nói riêng, của Trường ĐHKHTN nói chung nên nhận thức được những mặt mạnh và những điểm yếu đó để phát huy và khắc phục...
|
Niềm vui ngày hội ngộ. | Tôi vô cùng sung sướng khi biết rằng, nhiều học trò cũ của tôi (học sinh khối chuyên, sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh) đã trở thành những nhà khoa học xuất sắc, những nhà quản lý tốt, những cán bộ chuyên sâu công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong và ngoài nước. Tôi là người thích quan tâm tới việc bồi dưỡng, giúp đỡ và khuyến khích các tài năng trẻ trong toán học... Nhìn chung, tôi là người may mắn trong nghiên cứu, chung thuỷ và có duyên trong công tác đào tạo: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1965, chuyên ngành Xác suất và Thống kê), tôi được giữ lại Trường giảng dạy (đúng chuyên ngành được đào tạo) và sau đó làm luận án tiến sĩ (1974), luận án tiến sĩ khoa học (1983) cùng đề tài "Xác suất trên không gian Banach". Tôi là một trong những thầy giáo tham gia đào tạo 3 lớp Toán đặc biệt đầu tiên (tiền thân của Khối THPT chuyên Toán ngày nay) của nước ta, do Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập. Năm 1997, khi hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (Trường ĐHKHTN) ra đời, tôi cũng được trực tiếp tham gia làm công tác quản lý và giảng dạy. Điều tôi thường tự trách mình là: mải làm toán lý thuyết quá, nên không kịp làm thống kê ứng dụng, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của toán học. Điều tôi lo lắng là, các thầy cô ít khi quan tâm tới việc tự đào tạo lại và trẻ hoá bản thân mỗi người (cũng có thể là do lương của chúng ta còn thấp quá)...
Trong suy nghĩ và hành động của mình, tôi luôn luôn tin tưởng vào lớp trẻ, dám mạnh dạn giao phó cho lớp trẻ những trách nhiệm để họ mau chóng trưởng thành kịp thay thế thế hệ chúng tôi. Giữa thế hệ trẻ và già thường có "gap of generations = khoảng cách giữa các thế hệ ". Lớp trẻ ở thời nào cũng vậy, bao giờ họ cũng có những điểm mạnh nổi bật mà các thế hệ đi trước không có được, cần tạo điều kiện để cho họ thể hiện khả năng của mình. Học trò đến với tôi, ngoài hướng dẫn tận tình về nghiên cứu khoa học, tôi còn cung cấp cho họ đầy đủ tài liệu cần thiết, và thêm vào đó, là những lời động viên, khuyên bảo, chia sẻ chân tình về các vấn đề khác nhau trong khoa học và cuộc sống. Khi trò chuyện với các tài năng trẻ, điều tâm đắc nhất tôi thường nói với họ là: "Tài năng phải gắn với lòng yêu nước, biết xuất hiện hợp thời và biết rút lui đúng lúc"... Riêng với hệ Đào tạo Cử nhân khoa học tài năng, tôi luôn tin rằng trong tương lai gần, nhiều người của Hệ sẽ trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý tốt có nhiều đóng góp cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Tôi luôn ghi nhớ công lao các thầy cô đã quan tâm đào tạo tôi từ một học sinh yêu toán một cách ngây thơ trở thành người giảng dạy và làm toán chuyên nghiệp; luôn biết ơn các bạn bè, học sinh cũ của tôi (trong và ngoài nước), gia đình đã cùng tôi hợp tác làm việc, động viên và gắn bó với tôi trong nhiều năm, tiếp sức cho tôi sống có ích...
|