Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học nghiên cứu về phương Đông đến từ Trường ĐHKHXH&NV, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông...
Từ những đặc điểm về địa lý và lịch sử, các báo cáo phân tích những đặc điểm nổi bật của nền văn hoá truyền thống phương Đông, từ đó chỉ ra những mặt tích cực và cả những hạn chế cần khắc phục để các nước phương Đông nhanh chóng hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay. Hội thảo chia làm hai tiểu ban. Tiểu ban 1: Đông Bắc Á và tiểu ban 2: Đông Nam Á và Nam Á.
Trong báo cáo đề dẫn tại phiên toàn thể:"Văn hoá truyền thống phương Đông - một số đặc điểm và những hạn chế cần khắc phục", GS.TS Mai Ngọc Chừ đã nêu lên 4 đặc trưng chủ yếu của văn hoá phương Đông trong sự so sánh với văn hoá phương Tây. Đó là: văn hoá phương Đông mang nặng tính chất nông nghiệp, nông thôn; về tư tưởng triết học và phương thức tư duy, phương Đông thiên về "chủ toàn" và tổng hợp; nặng tính cộng đồng và cách ứng xử mềm dẻo, tình cảm trong quan hệ giữa người với người; hoà đồng, thuận tự nhiên trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên; trọng tĩnh, hướng nội và khép kín trong cách sống. Tuy nhiên, từ những đặc trưng đó, văn hoá phương Đông cũng bộc lộ những hạn chế trong xu thế hội nhập hiện nay. Đó là tính tư hữu, ích kỷ, chủ nghĩa tập thể bình quân cùng lối sống dựa dẫm, an phận, làm cản trở tính sáng tạo của cá nhân; tính lề mề, tuỳ tiện, yếu kém về tổ chức, quản lý; tư tưởng cục bộ địa phương làm hạn chế lý trí của con người... Do đó, đồng thời với việc bảo tồn và phát huy những thành tựu tích cực của văn hoá truyền thống, chúng ta phải xây dựng một nền văn hoá - văn minh công nghiệp tiên tiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và toàn khu vực.
Tiếp đó, tại hai tiểu ban, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận đi sâu bàn về những thay đổi nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, nghệ thuật, kinh tế, sản xuất, xã hội... của các quốc gia và khu vực tiêu biểu phương Đông trong xã hội hiện đại như:
- Về nghiên cứu Ấn Độ: các báo cáo đề cập đến ảnh hưởng của toàn cầu hoá tới ngôn ngữ, văn học, cơ tầng xã hội Ấn Độ;
- Về nghiên cứu Nhật Bản: bàn về văn hoá Nhật Bản, sức mạnh của truyền thống và thách thức trong thời kỳ hội nhập, về cách thức tiếp nhận văn minh bên ngoài của Nhật Bản;
- Về nghiên cứu Trung Quốc: các tác giả bàn về toàn cầu hoá với văn hoá Trung Quốc, các xu hướng nghiên cứu Hán học và Trung Quốc học thế giới, văn hoá Trung Hoa trong tiến trình hội nhập từ góc nhìn ngôn ngữ;
- Về nghiên cứu Hàn Quốc: bàn về vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Hàn Quốc: từ truyền thống và hội nhập, Shaman giáo Hàn Quốc - cái nhìn từ quá khứ đến hiện đại, xu hướng kết hôn của nam giới Hàn Quốc với phụ nữ Việt Nam;
- Về nghiên cứu Đông Nam Á: bàn về quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào thời kỳ đổi mới, hồi giáo chính trị ở Đông Nam Á trong bối cảnh toàn cầu hoá, đổi mới giáo dục và văn hoá truyền thống thích nghi với môi trường hiện đại ở Malaixia...
|