Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Những chuyển biến căn bản trong cơ cấu giai tầng xã hội Ấn Độ dưới tác động của thực dân Anh (nửa cuối thế kỷ XIX - nửa đầu XX)
Nền tảng xã hội Ấn Độ được hình thành và hun đúc theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm với những đặc điểm riêng phong phú của nó qua từng thời kỳ.

Nếu cơ cấu xã hội Ấn Độ suốt thời cổ – trung đại còn tương đối khép mình trong công xã nông thôn thì thời kỳ cuối Mughal tới đầu thế kỷ XX lại chứng kiến sự chuyển biến nhanh mạnh chưa từng thấy của toàn bộ cơ cấu ấy trước sự công phá của thực dân phương Tây nói chung, của thực dân Anh nói riêng. Trên cơ sở phá vỡ nền kinh tế cổ truyền Ấn Độ, chủ nghĩa tư bản nước ngoài với đại diện là nền đô hộ Anh đã làm biến đổi căn bản hệ thống đẳng cấp, đưa đến những nhân tố mới thúc đẩy sự chuyển mình của các giai cấp cũ cùng sự nảy mầm của các giai cấp mới hiện đại. Biểu hiện cụ thể của quá trình vận động trước điều kiện chính trị - kinh tế mới ấy là sự phân hóa của các giai cấp cũ ở nông thôn (với đại diện là giai cấp quý tộc phong kiếnlực lượng nông dân công xã) và sự xuất hiện một số giai cấp mới – biểu trưng của xã hội hiện đại (đại diện là giai cấp tư sản, công nhân và trí thức tiểu tư sản), từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội Ấn Độ nói chung sau ngày độc lập.

Như những quốc gia có chiều dài lịch sử văn hóa lâu đời khác trên thế giới, nền tảng xã hội Ấn Độ được hình thành và hun đúc qua hàng ngàn năm với những đặc điểm phong phú của nó qua từng thời kỳ lịch sử. Nếu công xã nông thôn đã từng vỗ về xã hội Ấn Độ cổ trung đại khép mình trong trạng thái tương đối tĩnh lặng thì luồng gió xâm nhập của thực dân phương Tây lại bật tung cánh cửa khép kín ấy và trao cho nó một sắc diện mới. Nói cách khác, quá trình xâm lược và thống trị của thực dân phương Tây, mà cụ thể ở đây là thực dân Anh đã làm rung chuyển tới tận gốc rễ toàn bộ cơ tầng xã hội Ấn Độ, đưa đến những nhân tố mới thúc đẩy sự chuyển mình của các giai cấp cũ cùng sự nảy mầm của các giai cấp mới hiện đại. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những chuyển biến chủ yếu trong cơ cấu giai tầng xã hội Ấn Độ dưới tác động của “cuộc cách mạng xã hội”1 mà nước Anh mang lại sau hơn hai thế kỷ chinh phục và thống trị xứ sở này.

1. Ấn Độ trước ngưỡng cửa xâm nhập của văn minh phương Tây

Ngày 21-5-1498 chứng kiến một trong những sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử Ấn Độ: Vasco da Gama cùng hạm đội của ông cập bến tại Calicut (một thành phố cảng nằm ở Tây Nam Ấn). Đây là sự kiện quan trọng bởi nó không chỉ đánh dấu bước chân xâm lược đầu tiên của thực dân Bồ Đào Nha hay của thực dân phương Tây nói chung trên đất Ấn mà còn đưa tới một hệ quả tất yếu là sự chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế - xã hội Ấn Độ trong nhiều thế kỷ sau đó.

Vào buổi đầu đi chinh phục, những người châu Âu thế kỷ XVI - khao khát thị trường thương mại - đã bị hấp dẫn bởi những giấc mơ về xứ sở Ấn Độ giàu có với nguồn hương liệu và tơ lụa dồi dào, phong phú. Khi lợi nhuận buôn bán ngày càng lớn, họ không còn chịu dừng ở việc đặt thương điếm và lập các vùng đất thực dân mà tiến lên chinh phục và thiết lập nền thống trị đế quốc trên khắp xứ sở này. Song, trong quá trình cạnh tranh giành ngôi vị thống trị miền đất giàu có, chỉ có một kẻ chiến thắng duy nhất - đó là thực dân Anh.

Năm 1757, sau khi chính thức hất cẳng người Pháp và chinh phục được phần lớn lãnh thổ Ấn Độ, công ty Đông Ấn Anh – chính quyền Anh “trong bộ mặt thương nhân” (9, tr.79) một mặt hoàn tất quá trình xâm chiếm, mặt khác bắt tay cấy mầm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trên miền đất vốn bị thuần hóa bởi phương thức sản xuất phong kiến trong nhiều thế kỷ. Chính sự du nhập của phương thức sản xuất mới này đã thu hẹp và phá vỡ dần các quan hệ sản xuất phong kiến và tiền tư bản, đồng thời, kích thích sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản dân tộc tại Ấn Độ. Điều đó đã trở thành nhân tố quyết định xu hướng phát triển của xã hội Ấn Độ trong gần ba thế kỷ.

2. Những chuyển biến trong cơ cấu xã hội Ấn Độ dưới tác động của thực dân Anh

Rõ ràng, nền kinh tế cổ truyền Ấn Độ đã bị chủ nghĩa tư bản nước ngoài mà đại diện là nền đô hộ Anh tấn công tiêu diệt tận nền móng. Do đó mà cuộc xâm lược của Anh khác tất cả mọi cuộc xâm lược trước đây. Thật vậy, những kẻ xâm lược nước ngoài trước đây không động chạm gì đến cơ sở kinh tế và cuối cùng thích ứng với cơ cấu của nó, còn cuộc xâm lược của Anh thì phá vỡ cơ sở đó và là một lực lượng bên ngoài tác động từ bên ngoài và mang khoản cống nạp thu được ra ngoài... (7, tr.19) Nhưng khách quan mà nói, một số chính sách kinh tế - xã hội của thực dân Anh lại vô hình trung mang đến hệ quả tích cực, đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XIX (từ sau Khởi nghĩa 1857) - khi mà các giai cấp cũ ở nông thôn vận động và thích nghi với điều kiện kinh tế mới thì một số giai cấp mới - biểu trưng của xã hội hiện đại đã từng bước ra đời và phát triển. Nói cách khác, sự xuất hiện các giai tầng xã hội mới ở Ấn Độ là quả chín của quá trình hình thành nền kinh tế xã hội mới, nền giáo dục mới cũng như một thiết chế chính trị mới với guồng máy hành chính tương ứng thời thuộc địa.

2.1. Sự chuyển mình của các lực lượng xã hội cũ ở nông thôn

Tuy Ấn Độ đã có bước chuyển cơ bản từ cơ cấu kinh tế xã hội phong kiến thời trung cổ sang nền tảng tư bản hiện đại song dưới tác động của nền thống trị thực dân, những biến đổi ấy không thể sâu sắc và mạnh mẽ như đã từng diễn ra ở các nước như Anh, Pháp, Mỹ... Hiển nhiên, với nền kinh tế thuộc địa phát triển còn lệch lạc, cộng thêm những tàn dư kinh tế thời phong kiến, xã hội Ấn Độ từ nửa sau thế kỷ XVIII còn mang đậm dấu ấn của một xã hội nông nghiệp lạc hậu, trong đó, các quan hệ đẳng cấp và quan hệ phong kiến vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng chi phối sự phát triển chung của xã hội Ấn Độ hơn là những yếu tố xã hội tư bản mới du nhập.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Do vậy, chuyển biến này được biểu hiện từng bước qua quá trình hình thành các giai cấp mới ở thành thị trên nền tảng các giai tầng cũ ở nông thôn tiếp tục tồn tại và tích hợp thêm cho mình một số nhân tố mới. Chẳng hạn, tầng lớp thợ thủ công tuy vẫn là lực lượng lao động nòng cốt ở làng xã Ấn Độ nhưng thay vì chỉ phục vụ đơn thuần cho nhu cầu của công xã như trước kia, nay lại thường xuyên mang hàng hóa của mình rao bán ngoài chợ. Ngay cả bộ phận thợ thủ công “cao cấp” mới chưa đầy nửa thế kỷ trước còn chuyên phục vụ cho giai cấp thống trị và cho cả giới thương nhân giàu có trong xã hội, nay cũng đã đưa các sản phẩm đặc biệt của họ ra thị trường kinh doanh... Tuy nhiên, về cách thức làm ăn và nhất là về cơ cấu tổ chức của tầng lớp này nói riêng và các lực lượng xã hội cũ nói chung vẫn được duy trì theo nền nếp truyền thống mà chưa có bước đột phá nào rõ nét.

Trong các lực lượng xã hội cũ ở Ấn Độ thời kỳ này có giai cấp quý tộc phong kiến là bộ phận duy trì được trọn vẹn địa vị và quyền lợi hơn cả. Bởi lẽ, đây chính là đội ngũ tay sai đắc lực phục vụ chính quyền thực dân trong các hoạt động chinh phục và cai trị Ấn Độ. Người Anh không chỉ ý thức được tầm quan trọng của giai cấp quý tộc trong việc điều hành xứ Ấn mà còn muốn khoét sâu thêm hố ngăn trong xã hội thuộc địa khổng lồ này. Vì thế, ngay khi hất cẳng xong người Pháp và chinh phục toàn bộ xứ Bengal, Công ty Đông Ấn - Anh vẫn giơ chiêu bài phò trợ triều đình Mughal đồng thời bảo hộ mọi quyền lợi của giới quý tộc Ấn Độ.

Điều đáng nói là chỉ có một bộ phận quý tộc phong kiến tiếp tục “bám đất” ở nông thôn còn lại một bộ phận khác đã vươn ra thành thị và phân hóa thành hai lực lượng: tư sản (là những đại quý tộc giàu có trước kia) và trí thức tiểu tư sản (là những quý tộc phá sản hoặc buôn bán nhỏ). Riêng lực lượng quý tộc phong kiến địa phương dưới sức ép của các quy định mới về ruộng đất (như “chế độ Zamindar vĩnh viễn”, “chế độ Zamindar tạm thời” và “chế độ Raiyotwari”... cũng buộc phải chuyển hóa thành tầng lớp địa chủ Zamindar kiểu mới. Như vậy, đa số các Zamindar đã trở thành người thu tô thuế cho chính quyền thực dân và hưởng phần trăm hoa hồng từ nguồn lợi béo bở ấy.

Trong khi đa số tầng lớp trên cùng chính quyền thực dân tiếp tục tận hưởng “thành quả” của công cuộc khai thác thuộc địa thì đại bộ phận tầng lớp dưới chịu cảnh cơ cực lầm than. Họ không chỉ bị vắt kiệt sức lao động và bóc lột đến cùng cực mà còn có một bộ phận bị tước đoạt ruộng đất - là thứ quý giá nhất đối với người nông dân. Dưới chế độ Zamindar vĩnh viễn ở miền Bắc và chế độ Zamindar tạm thời ở miền Trung, lực lượng nông dân công xã khi xưa nay đã trở thành tầng lớp tá điền chuyên cày cấy trên những thửa ruộng của các Zamindar. Họ có trách nhiệm nộp thuế và lao động cho Zamindar chứ không phải chịu trách nhiệm với chính quyền Anh.

Riêng ở miền Nam, dưới chế độ Raiyotwari, người nông dân tuy không phải nộp thuế cho tầng lớp trung gian là các Zamindar nhưng cũng không còn là lực lượng lao động chuyên phục vụ cho công xã như trước. Thay vào đó, họ trở thành đội ngũ tá điền mới - lao động và nộp thuế trực tiếp cho ông chủ thực dân. Về hình thức, bộ phận nông dân miền Nam Ấn được làm chủ ruộng đất của mình và chỉ có trách nhiệm thuế má với nhà nước nhưng thực tế cho thấy chế độ Raiyotwari cũng bóc lột người nông dân không kém chế độ Zamindar vĩnh viễn và tạm thời. Dưới tác động của chế độ thực dân, giai cấp nông dân công xã nói chung không chỉ phân hóa thành lực lượng tá điền cho Zamindar và lực lượng nông dân nhà nước mà sau khi bị tước đất còn có một bộ phận vươn ra thành phố kiếm sống. Ở đây, họ sớm tham gia vào đội ngũ công nhân nhà máy hoặc đứng ra làm ăn buôn bán nhỏ và từng bước góp phần hình thành hai lực lượng xã hội mới là công nhân và trí thức tiểu tư sản trong bức tranh chung của các giai cấp mới hiện đại.

2.2. Sự xuất hiện các lực lượng xã hội mới ở thành thị: giai cấp tư sản, vô sản và tiểu tư sản

Trước tiên, nói đến giai cấp tư sản Ấn Độ, người ta thường nghĩ đến giới thương nhân và những người cho vay lãi. Thực tế cho thấy, đại bộ phận tư sản Ấn Độ có nguồn gốc xuất thân từ các Zamindar (địa chủ), các Rajah (vương công), những người buôn bán và cả những người cho vay lãi... Sang giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Anh từng bước thay đổi phương thức bóc lột thuộc địa thì thương nghiệp Ấn Độ càng có cơ hội mở mang phát triển. Một bộ phận người Ấn chuyển hẳn sang kinh doanh trong lĩnh vực công thương và không ngừng mở rộng thị trường ra bên ngoài. Trong giai đoạn đầu, với chức năng làm trung gian chủ yếu tiêu thụ hàng hóa Anh tới các thị trường lớn như Trung Quốc và Cận Đông, các nhà mại bản Ấn Độ đã thu về rất nhiều bài học kinh nghiệm để từ đó, tạo lập cho riêng mình một nền tảng nhất định, kết tinh bằng quá trình xây dựng thành công các nhà máy, xí nghiệp đầu tiên của giai cấp tư sản dân tộc.

Tuy nhiên, quá trình hình thành nền công nghiệp bản địa lại không phải là con đường bằng phẳng vì chính kẻ cầm cân nảy mực nền kinh tế Ấn Độ luôn chủ trương phát triển nó theo hướng phục vụ trực tiếp cho nền đại công nghiệp Anh đồng thời đưa nền công nghiệp non trẻ ấy đi theo hướng mất cân đối. Một mặt, nền công nghiệp Ấn Độ thời thuộc địa hoàn toàn vắng bóng các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, các ngành công nghiệp nặng, mặt khác ngay các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp nhẹ cũng không được xây dựng dàn trải mà chỉ tập trung ở một số rất ít vùng trọng điểm (trong đó Bombay là nơi có điều kiện thuận lợi hơn cả). Trên cơ sở đó, thực dân Anh không thể tự mình thâu tóm việc điều hành các nhà máy, xí nghiệp nên chúng buộc phải cho phép tầng lớp có thế lực ở địa phương được quyền làm chủ. Những nhà tư bản này từ chỗ là những nhà buôn hay những người cho vay nặng lãi ở Bombay đã vươn lên chớp thời cơ làm ăn với tư bản Anh và trở thành nhóm tư sản mại bản đầu tiên ở Ấn Độ.

Giống như lực lượng tư sản, lực lượng vô sản nhà máy Ấn Độ cũng phải trải qua biết bao thăng trầm để vươn lên khẳng định mình như một giai cấp mới độc lập và tiến bộ. Cùng với quá trình bần cùng hóa giai cấp nông dân dưới chế độ bóc lột thực dân phong kiến, giai cấp công nhân Ấn Độ đã sớm ra đời. Phần lớn trong số họ xuất thân từ tầng lớp nông dân. Bị dồn đến bước đường cùng cơ cực ở quê hương, họ bỏ lên thành phố, mong tìm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền hay hầm mỏ của các ông chủ tư bản. Và khi các ông chủ thực dân tăng cường đầu tư vào Ấn Độ và bắt tay vào “công nghiệp hóa” thuộc địa này, thì nhu cầu tuyển mộ nhân công ngày càng nhiều, thu hút hơn nữa số nông dân mất đất bỏ quê ra đi. Từ đó, sản sinh ra đội ngũ những người vô sản nhà máy đầu tiên trên chính những miền đất gieo mầm xuất hiện giai cấp tư sản Ấn Độ.

Vào những năm 60 của thế kỷ XIX, khi số lượng nhà máy, xí nghiệp... ở các thành phố lớn gia tăng thì cũng là lúc những nhóm công nhân đầu tiên được hình thành, trước hết là ở hai thành phố BombayCalcutta. Đến đầu những năm 90, tổng số công nhân trong các nhà máy lên tới 400.000 người, tập trung ở hai trung tâm chính: Bombay (118.000), Bengal (120.000), riêng Thủ phủ Madras có khoảng 24.000 người. Ngoài ra, còn có khoảng 700.000 - 800.000 công nhân trong các ngành mỏ và đường sắt... (1, tr.195) Song, dù đã lớn mạnh cả về số lượng và ý thức dân tộc nhưng tới đầu thế kỷ XX, đội ngũ công nhân Ấn Độ vẫn phải cam chịu một cuộc sống hết sức cơ cực. Xuất phát từ chỗ đời sống vật chất bấp bênh, đời sống tinh thần cạn kiệt như vậy mà lực lượng công nhân đã sớm trở thành giai cấp đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc sau này dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp tư sản Ấn Độ.

Bên cạnh hai giai cấp trên, còn một lực lượng mới cũng góp phần làm nên bước chuyển biến trong cơ cấu xã hội Ấn thời kỳ này, đồng thời trở thành đại diện tiêu biểu cho thế hệ trí thức Ấn Độ trước ngưỡng cửa văn minh hiện đại. Đó là tầng lớp trí thức tiểu tư sản Ấn Độ. Có thể nói, tầng lớp trí thức hiện đại ở Ấn Độ đã hình thành và phát triển trong nhiều thập niên trước khi xuất hiện nền công nghiệp hiện đại cùng với giai cấp tư sản công nghiệp. Trong số bộ phận tiểu tư sản xuất thân từ đội ngũ nông dân thoát ly lên thành phố làm ăn sinh sống, có những người chọn con đường buôn bán nhỏ góp phần hình thành nên tầng lớp thị dân tiểu tư sản. Ngoài ra, nhu cầu tuyển mộ một số nhân viên người bản địa phục vụ cho công việc cai trị buộc chính quyền thực dân không thể không mở trường đào tạo đội ngũ trí thức mới. Thậm chí, còn có một bộ phận giới quý tộc cấp tiến đã gửi con em mình sang học tập ở Anh trong thời gian vài năm. Từ đó, hình thành nên tầng lớp trí thức Tây học đầu tiên tại Ấn Độ. Họ là các luật gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, phóng viên hay nhân viên trong các công ty, công sở của người Anh... Họ vừa được trang bị vốn kiến thức hiện đại vừa được hấp thu nền văn hóa phương Tây với những tư tưởng tự do, tiến bộ đồng thời lại luôn gìn giữ trong mình những mạch chảy của truyền thống dân tộc. Vì thế, dù còn ít ỏi về số lượng nhưng họ đã trở thành tầng lớp xã hội vô cùng quan trọng, là bộ phận đi đầu trong các cuộc vận động dân chủ từ giữa thế kỷ XIX ở Ấn Độ.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Như vậy, sự ra đời của các giai cấp mới đã làm thay đổi cơ bản tình hình chính trị xã hội Ấn Độ. Những giai cấp này không chỉ là lực lượng kinh tế nòng cốt trong xã hội Ấn Độ cận hiện đại mà còn là lực lượng đi đầu tiếp thu các tư tưởng tiến bộ và các trào lưu cách mạng từ các nước phương Tây. Bước sang thế kỷ XX, một chặng đường mới mở ra trước mắt các giai tầng xã hội mới cũng như các lực lượng xã hội cũ ở Ấn Độ và bài học chuyển mình thích ứng cùng vận hội mới dường như còn vẹn nguyên tính thời sự của nó. Từ đây, quá trình tồn tại hệ thống đẳng cấp ngàn đời song hành cùng quá trình hình thành và phát triển từng bước của các giai cấp mới đã làm nên bước chuyển biến cơ bản trong xã hội Ấn Độ thời kỳ thuộc Anh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A.R.Desai, Social background of Indian nationalism, Popular Prakashan, Bombay, 2002.

2. C.Mác và Ph.Ănghen toàn tập (tập II), Nxb Chính trị Sự thật, Hà Nội 1993.

3. Jawahalan Nehru, Phát hiện Ấn Độ (tập I), Nxb Văn học, Hà Nội, 1990.

4. Majumdar Raychaudhuri, An advanced History of India, Macmillan India Limited, Delhi, 1978.

5. M.N.Srinivas, Caste in Modern India and other essays, Media Promoters and Publishers, Bombay, 1962.

6. Ram Ahuja, Indian social system, Rawat Publication, Jaipur and New Delhi, 2002.

7. R.P.Dutt, Ấn Độ hôm nay và ngày mai, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960.

8. S. Kumar, Modern India 1885 - 1947, Macmillan, Madras - Bombay - Delhi - Patna, 1985.

9. Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.



Chú thích

1 C.Mác, Diễn đàn New York hàng ngày, 25-6-1953

 ThS. Nguyễn Thị Hương Giang - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; (Ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet) - (Tham luận tại hội thảo)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   |