Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Ảnh hưởng của toàn cầu hoá tới các ngôn ngữ Ấn Độ
Ảnh hưởng của toàn cầu hoá được cảm thấy tại Ấn Độ từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Dần dần, người Ấn Độ bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng gay gắt của nó và người ta thường xuyên phân tích, đánh giá, và tranh luận về những ảnh hưởng này trên các mặt kinh tế, công nghịêp, các phương tiện thông tin đại chúng và các phương diện văn hoá xã hội.

Nhưng cuộc điều tra về sự ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ có liên quan đến vị trí, vai trò, sự lựa chọn của các ngôn ngữ này trong việc sử dụng tại các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, mô hình sử dụng, cấu trúc và thành phần, sự phát triển… thì vẫn chưa làm được nhiều.

Các phương diện ngôn ngữ của toàn cầu hoá gồm câu trả lời đối với các vấn đề như Toàn cầu hoá có tạo nên các cơ hội hay không? Chuyện gì đang xảy ra với các ngôn ngữ Ấn Độ? Các ngôn ngữ Ấn Độ chịu ảnh hưởng của toàn cầu hoá trong các lĩnh vực nào?

Bài viết này trình bày một số ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ và những người sử dụng các ngôn ngữ đó dựa trên con số và hiện tượng thực tế, xem xét cả hai mặt ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ.

Theo Cuộc tổng điều tra năm 1961, có đến 1652 ngôn ngữ tại Ấn Độ và chúng được phân loại theo tính chất phong phú và đặc sắc. Trước Độc lập, các ngôn ngữ Ấn Độ được gọi là thổ ngữ trong sự so sánh với tiếng Anh. Hiến pháp của nước Ấn Độ độc lập đã xác định các ngôn ngữ này theo các lĩnh vực sử dụng của chúng. Bên cạnh việc khuyến khích sử dụng tiếng Hinđi như một phương tiện nhằm thống nhất văn hoá, Hiến pháp Ấn Độ cũng qui định là “phải bảo vệ sự giàu có, phong phú của ngôn ngữ Ấn Độ, không can thiệp vào các đặc điểm về tính chất, nguồn gốc, hình thức, phong cách và sự biểu hiện của chúng…”1. Hiến pháp đã bổ sung nhiều điều khoản, nghị định để triển khai quyết định về ngôn ngữ của các uỷ ban trong các kỳ họp khác nhau dưới sự lãnh đạo của chính phủ toàn Ấn Độ, chính phủ của các bang và các lãnh thổ tự trị.

Ảnh hưởng của toàn cầu hoá được cảm thấy tại Ấn Độ từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tiến trình này ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá tại đất nước này. Tuy nhiên, vấn đề về ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ vẫn chưa được quan tâm và có giải pháp triệt để. Báo cáo này xin tìm hiểu bước đầu về chuyện gì đã xảy ra với các ngôn ngữ Ấn Độ, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá đối với chúng.

1. Toàn cầu hoá- một khái niệm cũ

UNESCO đã xác định khái niệm “toàn cầu hoá” là “một cấu trúc và tiến trình về văn hoá, chính trị, công nghệ, xã hội và kinh tế, nảy sinh từ việc thay đổi tính chất sản xuất, tiêu thụ và buôn bán trao đổi hàng hoá nền tảng của nền kinh tế chính trị quốc tế…”2. Mặc dù khái niệm này nghe có vẻ mới mẻ và thường được nói tới từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX nhưng thực chất, theo UNESCO thì “…khái niệm này đã trải qua lịch sử nhiều thập kỷ trước đó, thậm chí nhiều thế kỷ, nếu chúng ta tính đến các đế chế thương mại đã từng được người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Anh hay Hà Lan xây dựng nên”3.

Trong vòng hai thập kỷ qua, tuy nhiên, khái niệm toàn cầu hoá đã có những bước biến đổi rất lớn trong việc kết hợp với những tiến bộ công nghệ như công nghệ thông tin chẳng hạn. Chắc chắn toàn cầu hoá và công nghệ thông tin đã ảnh hưởng lẫn nhau một cách sâu sắc và cùng tiến song song.

Ấn Độ chấp nhận nguyên tắc của sự phát triển có tính toàn cầu sau khi trở thành một quốc gia độc lập, các kế hoạch năm năm trở thành công cụ của sự phát triển. Nói rộng ra, bảy kế hoạch năm năm đầu tiên tập trung vào công cuộc công nghiệp hoá và gia tăng sản xuất nông sản. Kế hoặch năm năm lần thứ tám bắt đầu từ tháng 4/1992 đã xuất hiện những từ như “tự do hoá”, “tư nhân hoá”, và “toàn cầu hoá”. Những khái niệm này trở thành những điểm thiết yếu của sự tăng trưởng và phát triển của Ấn Độ. Đặc diểm cơ bản của tiến trình này là thị trường trở nên thống nhất, công việc làm ăn có tính toàn cầu:

“Toàn cầu hoá là một quá trình chứ không phải là một thực thể cố định… Nó là một loạt những bước hướng tới một nền kinh tế thế giới có sự hội nhập hoàn toàn…”4.

Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia có lẽ rất ngại khi công nhận định nghĩa này vì đây là một vấn đề nhạy cảm khi đem so sánh với khái niệm “dân tộc” hay “chủ nghĩa yêu nước” trước đây.

2. Toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ

Ảnh huởng của toàn cầu hoá đối với Ấn Độ có thể cảm thấy rõ kể từ kế hoạch năm năm lần thứ tám (từ những năm 90). Dần dần, người Ấn Độ bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng gay gắt của nó và người ta thường xuyên phân tích, đánh giá, và tranh luận về những ảnh hưởng này trong các mặt kinh tế, công nghịêp, các phương tiện thông tin đại chúng và các phương diện văn hoá xã hội. Nhưng cuộc điều tra về sự ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ có liên quan đến vị trí, vai trò, sự lựa chọn của các ngôn ngữ này trong vịêc sử dụng ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, mô hình sử dụng, cấu trúc và thành phần, sự phát triển… vẫn chưa làm được nhiều.

3. Tình hình ngôn ngữ tại Ấn Độ qua các giai đoạn lịch sử

Báo cáo này trình bày một số ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ Ấn Độ và những người sử dụng các ngôn ngữ đó dựa trên các con số và hiện tượng thực tế ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, công khai hay che đậy…

Trong bài diễn văn nhân ngày Độc lập năm 2001, Tổng thống Ấn Độ K.R. Narayanan đã tuyên bố:

“Ba con đường tự do hoá, tư nhân hoá, và toàn cầu hoá phải là những hành lang an toàn để Ấn Độ có thể tiến lên phía trước dưới sự bình đẳng về vị trí xã hội và cơ hội cho tất cả mọi người”.

Ninan Koshy trong cuốn Toàn cầu hoá cũng tuyên bố: “Toàn cầu hoá tăng cuờng sự bất bình đẳng, sự bất ổn, và xung đột… Sự bất bình đẳng về kinh tế hiện nay thật đáng báo động: ngày càng có nhiều xung đột và nội chiến nảy sinh. Thấy được mối quan hệ giữa hai tình huống này thật là điều quan trọng…”5.

Trước hết, chúng ta phải xem lại lịch sử ngôn ngữ Ấn Độ trong vòng 100 năm qua theo ba giai đoạn:

- Trước Độc lập hay dưới thời thuộc địa.

- Sau Độc lập, trong kỷ nguyên công nghiệp hoá gần 40 năm.

- Mười năm gần đây trong kỷ nguyên toàn cầu hoá.

a. Trước Độc lập

Trước Độc lập chỉ có hai phạm trù ngôn ngữ chính tại Ấn Độ (được các nhà cầm quyền thực dân đưa ra và những người bị trị chấp nhận thụ động) là tiếng Anh và các ngôn ngữ Ấn Độ. Tất cả các ngôn ngữ Ấn Độ lúc đó đều được đặt dưới một cái tên là thổ ngữ-vernacular hay dialects.

Mặc dù có một di sản vô cùng giàu có, các ngôn ngữ Ấn Độ hầu như không có được một vị trí chính thức hay quyền lực chính trị nào. Một vài ngôn ngữ như tiếng Punjabi đã phải đấu tranh để có được sự công nhận của nhà cầm quyền. Trong trường hợp một vài ngôn ngữ khác, người Anh đã cho phép sử dụng chúng trong giáo dục và quản lý hành chính. Nếu một dân số lớn có mối quan hệ địa lý cận kề nhau sử dụng cùng một ngôn ngữ, tiến trình tiêu chuẩn hoá được thông qua giáo dục bằng cách biên soạn sách ngữ pháp, từ điển, các giáo trình dạy tiếng… chủ yếu để giúp người dân học tiếng.

Dần dần, các lĩnh vực sử dụng các ngôn ngữ Ấn Độ bắt đầu mở rộng ra và các phương tiện thông tin đại chúng (chủ yếu là dưới dạng văn bản) đã bắt đầu tác động tới các cộng đồng ngôn ngữ. Khi số người biết chữ tăng lên cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc tại Ấn Độ, số người nói các thứ tiếng chính trong các vùng bắt đầu đề cập đến việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc cho mục đích giáo dục. Trong khi đó, những người thuộc giới thượng lưu vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Anh. Chính sách quốc gia về ngôn ngữ được Quốc hội Ấn Độ thông qua trong thập kỷ 20 của thế kỷ XX đã giúp các ngôn ngữ Ấn Độ được sử dụng như phương tiện giáo dục. Vì tiếng Anh là thứ tiếng giao tiếp chính thức, hợp hiến và chính phủ cầm quyền là của người Anh cho nên tiếng Anh đã phát triển lên đến đỉnh cao trong thời kỳ này.

b. Sau Độc lập

Ấn Độ độc lập đã tuyên bố chính sách về kinh tế, công nghịêp, giáo dục, nông nghiệp… nhưng người ta không hề tìm được một tài liệu nào đề cập đến chính sách ngôn ngữ trong thời kỳ đầu của nước Ấn Độ độc lập.

Chính sách ngôn ngữ của Ấn Độ được rút ra từ các nguồn khác nhau như Hiến pháp Ấn Độ, Chính sách giáo dục và các điều khoản do chính phủ Ấn Độ và chính quyền các bang, các lãnh thổ tự trị bổ sung. Chúng có thể hoặc trực tiếp đề cập đến ngôn ngữ hoặc liên quan đến các vấn đề ngôn ngữ phát sinh từ hoàn cảnh thực tế và được coi như một “vấn đề nhạy cảm”.

Việc trao quyền hợp pháp cho các phương ngữ tại Ấn Độ diễn ra trong hai giai đoạn từ sau Độc lập: giai đoạn thứ nhất là khi chúng chiếm được một vị trí trong Hiến pháp dưới dạng một điều khoản và giai đoạn tiếp theo khi các bang tại Ấn Độ nhận thức được các nguyên tắc cơ bản về việc sử dụng ngôn ngữ trong các vùng lãnh thổ có quan hệ gần gũi với nhau. Kết quả của hiện tượng này là một vài ngôn ngữ hàng đầu đã trở thành ngôn ngữ chính thức của các bang. Đây là những yếu tố khiến cho việc sử dụng các phương ngữ mạnh lên tại Ấn Độ. Chúng đã cung cấp điều kiện thuận lợi giúp các ngôn ngữ được lựa chọn, được phân loại và đưa vào danh sách các ngôn ngữ chính thức với tư cách là các ngôn ngữ của vùng, ngôn ngữ Ấn Độ hiện đại, ngôn ngữ Phương Đông, ngôn ngữ cổ điển, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và các ngôn ngữ của các bộ lạc…

Đây không chỉ là vấn đề các khái niệm hay từ vựng khác nhau. Đây chính là những vũ khí sắc bén để mặc cả chính trị hay những đặc quyền về việc sử dụng và công nhận các ngôn ngữ khác nhau sau này tại Ấn Độ.

c. Mười năm gần đây

* Các hoạt động phát triển ngôn ngữ

Vị trí mới khiến cho các ngôn ngữ phát triển tương thích với đòi hỏi cao hơn hẳn trước đó. Vì thế, các hoạt động phát triển ngôn ngữ đã diễn ra trong khung cảnh các ngôn ngữ Ấn Độ hiện đại. Mỗi ngôn ngữ lan rộng trong các lĩnh vực mới như thế nào là một vấn đề mà cho đến nay, người Ấn Độ vẫn chưa nghiên cứu hoặc ít khám phá. Các lĩnh vực của việc sử dụng ngôn ngữ đương nhiên đã mở rộng ra. Những người nói các phương ngữ bắt đầu đòi quyền được sử dụng ngôn ngữ đó trong các lĩnh vực giáo dục, quản lý… và những người nói các ngôn ngữ thiểu số và bộ lạc cũng đòi quyền được sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

* Ảnh hưởng của công cuộc công nghịêp hoá đất nước

Trong kỷ nguyên độc lập và công nghiệp hoá, vai trò mới cũng như những đặc quyền đặc lợi mà các ngôn ngữ Ấn Độ giành được đã thúc đẩy dân chúng sử dụng các ngôn ngữ này trong trường học và là phương tiện truyền giảng. Nhưng trải qua thời gian, một vài điều không đáng có đã xảy ra trong quá trình sử dụng các ngôn ngữ tại Ấn Độ trong chính trị và cả các lĩnh vực khác.

Cuộc tổng điều tra về giáo dục tại Ấn Độ do tổ chức NCERT tiến hành chỉ ra rằng con số các ngôn ngữ được sử dụng trong các trường học đã giảm từ 81 năm 1970 xuống 41 ngôn ngữ trong 25 năm vừa qua. Tương tự như vậy, con số các ngôn ngữ được dùng làm phương tiện truyền giảng cũng đã giảm từ 47 xuống 18 ngôn ngữ trong cùng giai đoạn. Thậm chí giữa hai cuộc tổng điều tra thứ V và thứ VI, đã có sự giảm sút trong con số các ngôn ngữ được dùng để giảng dạy trong các trường học: cuộc điều tra lần thứ V là 44 và thứ VI là 41 ngôn ngữ.

Xin hãy xem bảng tổng kết sau đây:

Bậc giáo dục

Cuộc điều tra lần thứ V

Cuộc điều tra lần thứ VI

Tiểu học lớp nhỏ (1-3)

43

33

Tiểu học lớp lớn (4-5)

31

25

Trung học cơ sở

22

21

Trung học phổ thông

20

18

Theo NCERT, Sixth All Indian Educational Survey, 1998, New Delhi.

* Sự thức tỉnh thông qua vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ

Trong quá trình công nghiệp hoá, người Ấn Độ đang xa rời dần tiếng mẹ đẻ, họ không còn sử dụng nó như một công cụ để truyền giảng và học ở trường lớp nữa. Nếu một ngôn ngữ không được sử dụng vì những mục đích rộng hơn sự giao tiếp và quản lý hành chính thường ngày thì nó có thể dần dần biến mất khỏi xã hội với tư cách là một phương tiện giao tiếp hiệu quả và sẽ chỉ còn giữ vai trò của một công cụ xác nhận bản sắc dân tộc mà thôi. Ngày nay, ngay cả sự xác nhận bản sắc này có khi cũng bị thờ ơ bởi vì những vấn đề khác như đẳng cấp, tôn giáo, quần áo, thói quen ăn uống và thậm chí cả họ tên vốn rất quan trọng đối với bản sắc cá nhân trong xã hội Ấn Độ truyền thống cũng đang bị thách thức nghiêm trọng trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội.

* Giáo dục bậc cao qua các ngôn ngữ Ấn Độ

Tiến sĩ Radhakrishnan rất quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ trong Giáo dục đại học Ấn Độ. Ông đã từng đưa ra nhận xét rằng: “Tiếng Anh- với tư cách là phương tiện truyền giảng ở các bậc học cao - khó có thể thay thế bằng các ngôn ngữ Ấn Độ, nhất là tiếng sanskrit khi chúng ta xét đến những khó khăn rất đặc trưng” và “Giáo dục bậc cao tại Ấn Độ đang bị chia cắt khỏi việc sử dụng các ngôn ngữ dân tộc khi người ta muốn tiến tới vịêc sử dụng một ngôn ngữ được chấp nhận trên toàn liên bang với tư cách là một phương tiện giao tiếp và truyền giảng trong một vài môn hay tất cả các môn học”. Ông cũng tuyên bố rằng “Tiếng Anh được đưa vào học tập tại các trường trung học và đại học là để chúng ta có thể giữ được mối liên lạc với dòng chảy của kiến thức đang ngày một phát triển bên ngoài Ấn Độ”6.

Sau gần 60 năm độc lập (từ 1947 đến nay), giáo dục bậc cao về khoa học và công nghệ không bao giờ sử dụng ngôn ngữ Ấn Độ! Sự hiện diện của một vài ngôn ngữ Ấn Độ trong một vài phần của khoa học xã hội được coi là một dấu hiệu có tính giữ gìn bản sắc dân tộc hơn là vì mục đích khoa học rõ rệt. Việc nghiên cứu khoa học thông qua các ngôn ngữ dân tộc thường bị thờ ơ. Chẳng hạn khi nghiên cưú bộ phận vẽ bản đồ quốc gia Ấn Độ (thuộc Viện Nghiên cứu khoa học về Trái Đất), ta thấy tất cả xuất bản phẩm của các nhà khoa học Ấn Độ đều được in bằng tiếng Anh, chỉ có 04 tác phẩm là bằng tiếng Nga, 02 bằng tiếng Hinđi, 01 tiếng Nhật và 01 tiếng Pháp. Cũng cần chỉ ra rằng trong các bài báo trên lĩnh vực này trong năm 1990 chỉ có 02 bài bằng tiếng Hinđi và trong hai năm 1994 và 1998, không có một xuất bản phẩm nào in bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh7.

* Đánh giá lại các ngôn ngữ Ấn Độ

Trong nhiều trường hợp, phương ngữ Ấn Độ bị coi là không đủ năng lực để sử dụng. Chẳng hạn như khi đề cập đến tiếng Hinđi, Toà án Tối cao Ấn Độ đã tuyên bố rằng: “Có thể tiếng Hinđi và các phương ngữ khác thích hợp để chuyển tải những vấn đề về giáo dục, tổ chức các kỳ thi, kể cả thi vào đại học nhưng vì sự phát triển của các ngôn ngữ Ấn Độ này khiến chúng chưa thích hợp để chuyển hoá, truyền đạt hay kiểm tra vốn tri thức cũng như khả năng có thể xảy ra trong các vụ án liên quan đến y học và nha khoa nên người ta đành không dùng chúng trong các vụ xử án. Chúng là những ngôn ngữ không đem lại cơ hội cho những người có liên quan”8.

5. Toàn cầu hoá: ngôn ngữ trở thành một loại hàng hoá

Ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với vai trò, quyền lực, và việc sử dụng các ngôn ngữ Ấn Độ không dễ gì nhìn thấy ngay như những ảnh hưởng trên các mặt kinh tế, công nghiệp… Toàn cầu hoá có ảnh hưởng gián tiếp nhưng rất mạnh mẽ và để lại những di chứng lâu dài. Giáo dục và các cơ hội về việc làm có liên quan trực tiếp nhất đến các ngôn ngữ tại Ấn Độ.

Khi giáo dục trở thành hàng hoá, ngôn ngữ được sử dụng trong giáo dục cũng hoá thành một loại hàng hoá. Hàng hoá nào có thể bán chạy mới có thể tồn tại trên thị trường, nếu không nó buộc phải chịu sự thải bỏ. Giáo dục cung cấp hàng hoá - nhân lực - cho cả thị trường và công nghệ. Thị trường sẽ quyết định các cơ hội về việc làm, khả năng được chấp nhận và được thuê của nguồn nhân lực đó. Hơn bao giờ hết, các cá nhân có học vấn cao đã và đang trở nên một món hàng sẵn sàng xuất khẩu. Và ngôn ngữ cũng nằm trong tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu nhân lực đó.

6. Sự chuyển đổi trong giáo dục và vị trí của các ngôn ngữ Ấn Độ

Khi giáo dục bậc cao - với tư cách là hàng hoá - đang được tư nhân hoá, chương trình đào tạo cũng được đo lường và thiết kế theo nhu cầu của các công ty tư nhân. Giáo dục truyền thống vẫn giữ được sức mạnh trong các môn khoa học cơ bản nhưng không lôi cuốn được sự chú ý của sinh viên. Chỉ các ngành công nghệ kỹ thuật mới làm được điều này. Sinh viên ít lựa chọn các môn Nghệ thật, hay học lên cao mà thích theo đuổi những môn như: Quản trị kinh doanh, Cơ khí, Tin học…

Đây quả là một sự chuyển đổi lớn lao trong giáo dục bậc cao. Giáo dục ở các lớp thấp hơn buộc phải tuân theo nhu cầu của các bậc học cao hơn, chuẩn bị cho học viên ngay từ đầu. Nhưng hiện nay, giáo dục ở bậc phổ thông của Ấn Độ thường tập trung vào các mục đích xã hội trong khi giáo dục bậc cao hơn lại tập trung nhiều vào mục đích kinh tế và công nghiệp. Cho nên, thực tế là trước khi có toàn cầu hoá đã có sự phân chia trong giáo dục Ấn Độ nhưng ngày nay, sự phân chia đó ngày càng lan rộng ra mà thôi. Sự chuẩn bị quá tải cho kỳ thi vào đại học ở các trường trung học để có thể tham gia vào các khoá học chuyên ngành bậc cao hơn chính là triệu chứng của sự phân chia này trong hệ thống giáo dục.

Cuộc điều tra của tờ Asian Age vào tháng 12/2000 cho thấy sự lựa chọn của các bậc phụ huynh và con em họ nghiêng rất rõ về vấn đề học ngoại ngữ. Theo kết quả điều tra, có một sự giảm sút đáng chú ý tại các trường trung học nói tiếng Kannada trong 10 năm lại đây. Các trường dạy bằng tiếng Anh vượt trội hơn hẳn so với số trường dạy bằng tiếng Kannada. Trong giai đoạn hiện nay, tỉ lệ trường dạy bằng tiếng Kannada so với trường dạy tiếng Anh là 1:10. Tại Bangalore, năm 2000 tỉ lệ có 900 đơn xin vào trường dạy bằng tiếng Anh trong khi chỉ có 110 chỗ trong khi tỉ lệ này cho trường dạy tiếng Kannada là 10/55. Trước đó, mỗi loại trường có 04 phần cho lớp học tiếng Kannada với khoảng 600-700 sinh viên còn nay, mỗi phần của trường dạy tiếng Kannada là 30-35 học viên. Chính người Kannada cũng không gửi con cái họ tới trường dạy bằng tiếng Kannada!10

Người nói các thứ tiếng trước đây được coi là ngôn ngữ chính thức thì nay chuyển sang tiếng Anh. Những dân tộc sử dụng các ngôn ngữ thiểu số trong các bang được tái thiết lại theo ngôn ngữ tại Ấn Độ cũng chuyển sang tiếng Anh. Chỉ có những người thiểu số có tiếng nói riêng như Tulu, Kodagu có tỉ lệ biết chữ cao tuy có quyền chọn các ngôn ngữ khác là vẫn không xa rời tiếng mẹ đẻ của họ. Họ đã cố gắng sử dụng tiếng của cộng đồng mình ở mọi nơi họ sống. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp phổ biến. Những ngôn ngữ như Kannada, tuy có sự trợ giúp rất mạnh mẽ của chính phủ nhưng vẫn lụi tàn dần do dân số của họ chuyển sang sử dụng các ngôn ngữ khác (tiếng Anh và Hinđi) ngày một nhiều. Hiện tượng này vẫn cần được nghiên cứu sâu thêm.

Trong học trình ban đầu của giáo dục Ấn Độ, những năm học đầu sử dụng tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ của vùng. Các ngôn ngữ chính thức và nay là tiếng Anh, đã dần dần thay vào vị trí đó. Từ khi tiến trình toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ, mọi bang đều cạnh tranh với nhau để giới thiệu tiếng Anh từ những lớp nhỏ nhất trong các trường của họ. Các uỷ ban, các hội đồng đã cố biến việc giảng dạy tiếng Anh thành một nguyên tắc hợp hiến trong giáo dục. Bang Tây Bengal đã từng xoá bỏ việc dạy tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ thứ hai vào năm 1977. Nhưng nay, tiếng Anh lại xuất hiện ngay từ những lớp nhỏ nhất. Trong thế kỷ XXI, tiếng Anh được sử dụng như một phương tiện lan rộng và rất có hiệu quả trong giáo dục và truyền giảng. Tại Hội nghị toàn Ấn Độ về giáo dục năm 2002 và trong các cuộc bầu cử tại Jammu và Kashmir, các chính khách đã hứa rằng: “…Tất cả các làng sẽ có ít nhất là một trường tiểu học dạy bằng tiếng Anh…”11.

Nhận thức của dân chúng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bản thân họ cũng đang thay đổi. Trước đây, ngôn ngữ được coi là một công cụ giáo dục, giáo dục là một công cụ để khai sáng và đem lại sự hiểu biết cho con người. Giờ đây, giáo dục được coi là một phương tiện hiệu quả cho sự phồn vinh thịnh vượng về mặt kinh tế. Chúng ta có thể thấy điều gì xảy ra khi một nước như Ấn Độ chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và bước vào toàn cầu hoá. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, nạn chảy máu chất xám bị các nhà xã hội học, kinh tế học và các nhà quản lý coi là rất tồi tệ và tiêu cực còn trong thời kỳ toàn cầu hoá, nó lại được coi là dấu hiệu hội nhập, chứng tỏ trình độ cao của sức lao động.

7. Toàn cầu hoá và tiếng Anh

Sự phổ biến của tiếng Anh tại Ấn Độ đã làm cho dân chúng càng háo hức và quyết tâm hơn trong toàn cầu hoá. Tiếng Anh được chấp nhận là một ngôn ngữ chính thức của cả nước vì tiếng Hinđi không được chấp nhận là ngôn ngữ chính thức duy nhất của Ấn Độ. Do vậy, tiếng Anh được coi là một ngôn ngữ trung lập, trung lập đối với hơn 1652 tiếng mẹ đẻ được công nhận chính thức khác tại Ấn Độ (con số điều tra toàn Ấn Độ năm 1961). Mặc dù các nhà hoạch định chính sách rất mong tiếng Hinđi thay thế được vai trò của tiếng Anh trong vòng 15 năm (kể từ 1950) nhưng cho đến nay, điều này vẫn không thể thực hiện được vì dân chúng - ở cả những vùng dùng tiếng địa phương lẫn những vùng bị tiếng Hinđi thống trị - không cảm thấy nhu cầu này. Đó là chưa kể đến những vấn đề rất nhạy cảm về văn hoá, chính trị liên quan đến tiếng Hinđi. Với sự chuyển đổi trong toàn cầu hoá, tiếng Anh đang nhanh chóng trở nên ngôn ngữ toàn cầu hoá. Do vậy, không thể thay thế được tiếng Anh tại Ấn Độ dù thời gian có dài hơn chăng nữa. Thực tế cho thấy tiếng Anh hiện không chỉ thay thế tiếng Hinđi mà cả các tiếng khác tại Ấn Độ.

a. Song ngữ

Việc các chính khách nói song ngữ (tiếng địa phương của họ và tiếng Anh) chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho tiếng Anh dễ dàng xâm nhập vào các gia đình Ấn Độ. Để gặt hái được lợi nhuận kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, và bây giờ là thời kỳ toàn cầu hoá, các gia đình Ấn Độ đã cạnh tranh với nhau để cung cấp sự giáo dục tốt nhất bằng tiếng Anh cho con cháu mình. Nguời ta có thể thấy rõ sự chia cắt rõ ràng do sự lựa chọn ngôn ngữ trong công chúng gây nên: tiếng Anh là vì sự tiến bộ kinh tế còn tiếng mẹ đẻ là vì mục đích văn hoá cũng như một cách giữ gìn bản sắc dân tộc.

b. Sự lan rộng của tiếng Anh

Trong cuộc điều tra quốc gia về độc giả năm 2002 do Hội nghiên cứu Quốc gia về độc giả (NRSC) tiến hành, cho thấy sự gia tăng nhanh chóng trong việc bán các ấn phẩm bằng tiếng Anh trong các thành phố nhỏ có dân số từ 50 vạn dân trở lên trong khi sách báo bằng tiếng Hinđi và các phương ngữ tăng trưởng tại các vùng có dân số dưới 50 vạn trở xuống.

Tiếng Anh ngày một trở nên phổ biến hơn ở các vùng nông thôn nhờ có sự phát triển về kỹ năng đọc bằng tiếng Anh tại các trường phổ thông. Tiếng Anh, do đó, đang tự thiết lập một nền tảng vững chắc mới tại các vùng nông thôn.

8. Nỗi sợ sự thống trị của tiếng Hinđi

Các nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ đã tranh luận rất nhiều về việc xây dựng Hiến pháp và phản ứng của dân chúng đối với việc phân bố ngôn ngữ, nhất là việc sử dụng tiếng Hinđi.

Trong những năm gần đây, người ta nhận thấy tiếng Hinđi được coi là tiếng nói đứng trên các ngôn ngữ khác tại Ấn Độ. Sự thay đổi này đã xảy ra và vẫn tiếp tục xảy ra khiến dân chúng phản ứng gay gắt. Và tiếng Anh, thứ tiếng mà nhiều người những tưởng là sẽ tống khứ nó khỏi Ấn Độ thì nay đã đạt được vị trí tối cao, vượt lên mọi thứ tiếng khác, kể cả tiếng Hinđi.

Các biến thể của tiếng Hinđi như Awadhi, Banjari, Bhojpuri, Braj Bhasha, Bundelkhandi, Chambeali, Chattisgarhi, Garhwali, Haryanvi, Kangri, Kulvi, Labani, Magahi, Maithili, Marwari, Mewari, Pahari, Rajasthani, Sadri, Sugali... đã kết hợp với nhau để tạo nên tiếng Hinđi sau Độc lập, giúp dân chúng nói tiếng Hinđi thống nhất với nhau nhưng lại gây ra phản cảm mạnh mẽ trong các sắc tộc và ngôn ngữ khác. Người ta tính ra rằng mỗi năm ở Ấn Độ có tới 05 ngôn ngữ nhỏ - chủ yếu là ngôn ngữ của các bộ lạc - biến mất trong 05 năm trở lại đây12. Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các công cụ văn hoá nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh... mà trong thập kỷ vừa qua, tiếng Hinđi đã phát triển, lan rộng và gây ảnh hưởng lớn đến các vùng không nói tiếng Hinđi. Điều này cũng dẫn tới việc tiếng Hinđi tiếp thu một số thành tố của các ngôn ngữ và sắc tộc khác để trở nên phong phú hơn. Do đó, trong quan niệm của nhiều người, tiến trình toàn cầu hoá tốt cho tiếng Hinđi mà không có lợi đối với các ngôn ngữ khác tại Ấn Độ.

9. Những thay đổi trong chiến lược giảng dạy tiếng Anh và các thứ tiếng Ấn Độ

Trong chương trình giảng dạy phổ thông tại Ấn Độ, người ta nhấn mạnh vịêc dạy tiếng Anh, điều này thể hiện trong việc giảng dạy văn học Anh. Trong khi sự tiếp cận này có thể không giúp ích gì nhiều cho việc học tiếng Anh vì mục đích giao tiếp đơn giản, nhưng không ai có thể nghi ngờ ảnh hưởng của các kiến thức này lan rộng trong các sinh viên. Nhưng giờ đây, sự tiếp cận đã thay đổi, người ta chỉ nhằm mục đích giao tiếp là chính. Xu hướng tương tự cũng xảy ra với việc giảng dạy các ngôn ngữ Ấn Độ khác.

Các nhà cầm quyền đã tuyên bố rằng sự thay đổi này sẽ giúp cải thiện tình hình, kích thích sự phát triển của các ngôn ngữ Ấn Độ và đưa các ngôn ngữ này vào sử dụng trong mạng lưới quyền lực, thậm chí ngay cả trong các hoạt động kinh tế của người Ấn Độ. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng tiếng Anh là thứ tiếng thống trị trong giai đoạn công nghịêp hoá, toàn cầu hoá vẫn sẽ tiếp tục duy trì tình hình đó dù người ta có tuyên bố như thế nào chăng nữa. Chỉ qua quá trình tự nhận thức về các việc sử dụng ngôn ngữ và bản sắc văn hoá dân tộc mới có thể tạo ra một sự phát triển mới, một hướng tiếp cận khác đối với các ngôn ngữ dân tộc tại Ấn Độ nhằm tiếp tục duy trì các ngôn ngữ đó.

Do các tầng lớp thống trị đang thúc đẩy công nghiệp hoá và toàn cầu hoá, một hiện tượng mới về văn hoá và ngôn ngữ bắt đầu xảy ra ở diện rộng- hiện tượng “lai tạo” giữa các ngôn ngữ Ấn Độ và tiếng Anh.

10. Việc pha trộn trong sử dụng ngôn ngữ

Công nghiệp hoá đã làm tăng thêm sự phức tạp trong việc sử dụng ngôn ngữ. Hiện nay, có hiện tượng pha trộn các ngôn ngữ Ấn Độ với tiếng Anh. Tiến trình toàn cầu hoá càng làm tăng thêm xu hướng này thông qua việc dùng từ vựng của tiếng Anh để thay thế và thể hiện những vấn đề trong giao tiếp. Sinh viên Ấn Độ và những người dân bình thường đã quá quen thuộc đối với bàn phím máy tính viết bằng tiếng Anh và việc sử dụng máy tính ngày càng trở nên phổ biến trong mọi dạng thức giao tiếp nhờ lợi thế của công cuộc toàn cầu hoá thông qua những tiến bộ công nghệ. Người Ấn Độ đã thu hẹp phạm vi sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, thậm chí cả trong giao tiếp, trao đổi tình cảm cá nhân.

Phim ảnh cũng đang thu hút sự chú ý của khán giả bằng các phụ đề tiếng Anh như chúng ta thường thấy tại Ấn Độ. Điều tương tự cũng xảy ra với tên các chương trình tivi hoàn toàn bằng tiếng Anh hay pha trộn với tiếng Anh như H2O, Friends, Duet, Police Story, Lockup Death, Super Star, Ek Chotisi Love Story,... Việc pha trộn các ngôn ngữ có lịch sử lâu dài trong truyền thống văn hoá tại Ấn Độ. Tiếng sanskrit đã từng được hưởng vị trí là thứ ngôn ngữ tiêu chuẩn, cao quí nhất trong các ngôn ngữ Ấn Độ và thường được các học giả, các nhà văn, nhà thơ pha trộn với tiếng mẹ đẻ trong tác phẩm của họ. Các cuộc tranh luận của các Phật tử thường nhấn mạnh việc sử dụng phương ngữ khiến cho việc giao tiếp với các tín đồ có hiệu quả hơn nhưng rất nhanh sau đó, chính họ cũng khiến xu hướng pha trộn ngôn ngữ mạnh hơn. Trước Độc lập, xu hướng pha trộn các phương ngữ Ấn Độ với tiếng Anh khá mạnh mẽ. Sau Độc lập, có thời kỳ sự pha trộn này đã giảm bớt nhưng ngày nay, sự pha trộn này đang tăng tốc do người dân ưa thích sử dụng tiếng Anh hơn: thuận lợi trong làm ăn, dễ dàng tiếp cận với các trang thiết bị công nghệ hiện đại, tránh khỏi những rắc rối về ngôn ngữ và sắc tộc nếu có…

a. Toàn cầu hoá, công nghệ thông tin và các ngôn ngữ Ấn Độ

Tiếng Anh hiện được coi là tâm điểm của học vấn tốt tại Ấn Độ. Nó cũng là tâm điểm của công nghệ thông tin. Đây là ngành đã khiến Ấn Độ trở thành cường quốc phần mềm thứ hai chỉ sau Mỹ và người Ấn Độ có thể xuất khẩu chất xám nhiều nhất vì tiếng Anh là ngôn ngữ mặc định của “vương quốc” này. Cuộc điều tra do Hội các nhà sản xuất công nghệ tin học (MAIT) tiến hành đã đem lại cho chúng ta một số thông tin về mô hình sử dụng tiếng Anh và phương ngữ Ấn Độ trong ngành sản xuất phần mềm như sau:

- Sự hiện diện trên thực tế của thứ ngôn ngữ trong kinh doanh - tiếng Anh - chính là sự ngăn cản có tính quyết định khiến tiến trình tăng trưởng của các chương trình đa ngôn ngữ tại Ấn Độ bị chậm lại. Tiếng Anh trở thành thứ tiếng thông dụng nhất trên toàn quốc.

- Nhiều thành phần quan trọng như viễn thông không có nhu cầu phần mềm bằng phương ngữ.

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu nhỏ và hạn chế về các phần mềm phương ngữ và nhiều doanh nghiệp không bao giờ nhận được đơn đặt hàng bằng song ngữ.

- Ngành in ấn và xuất bản là ngành công nghiệp duy nhất có nhu cầu tìm kiếm những phần mềm bằng tiếng địa phương.

- Ngay nạn vi phạm bản quyền bằng phương ngữ cũng rất thấp, chỉ 20% so với giá cả cũng như số lượng phần mềm.

- Các phần mềm bằng phương ngữ thiếu tiêu chuẩn chung.

- Thiếu vắng phương diện gia đình trong giao diện người sử dụng.

- Thị trường công nghệ thông tin năm 2002 cho các chương trình đa ngôn ngữ toàn Ấn Độ khoảng 140-160 triệu rupi. Phần mềm bằng tiếng Hinđi và Tamil khoảng 50 triệu rupi năm 2000 và năm 2005 tăng lên khoảng 380 triệu trong tổng số 1,2 đến 1,25 tỉ các phần mềm đa ngôn ngữ. Sự gia tăng này chủ yếu là do dân chúng sử dụng máy tính ngày một tăng.

- Trong năm 1999 đến 2002, số người lớn sử dụng Internet từ 1,4 triệu lên đến 6,02 triệu.

- Công nghệ thông tin có thể đến với người dân Ấn Độ qua các phương ngữ. Nếu không có cách nào kiểm soát thì người dân Ấn Độ sẽ đến với IT bằng tiếng Anh, khả năng này có tính hiện thực rất rõ rệt12.

b. Toàn cầu hoá và ngôn ngữ của các phương tiện thông tin đại chúng

Các phương tiện thông tin đại chúng là thành phần chủ yếu sử dụng các phương ngữ tại Ấn Độ. Vào năm 1987, các báo xuất bản bằng 92 phương ngữ trong khi đó, năm 2001, các báo được xuất bản bằng 101 phương ngữ13. Ngoài ra, chúng ta thấy có sự thay đổi mạnh mẽ. Ta cần chú ý rằng trong lịch sử văn hoá Ấn Độ, người ta thường chú trọng vào phong cách bác học và văn học hơn là để giao tiếp. Ngày nay, các phương ngữ được sử dụng không phải dưới dạng văn chương bác học mà chủ yếu dưới dạng đơn giản, đời thường. Xu hướng này càng được công cuộc toàn cầu hoá và việc tiếp xúc với công nghệ mới làm cho mạnh hơn lên.

11. Chuyển hướng trong việc nghiên cứu các ngôn ngữ Ấn Độ

Trước kia, các hoạt động phát triển ngôn ngữ như cung cấp văn tự cho một ngôn ngữ vốn không có văn tự; chuẩn bị các trang thiết bị học tập; nghiên cứu và in ấn từ điển, sách ngữ pháp… đều đặt mục đích là giúp phương ngữ của các dân tộc thiểu số trở thành phương tiện giao tiếp hữu hiệu và thích hợp cho việc truyền giảng. Sau Độc lập, chính phủ trung ương và chính phủ các bang tại Ấn Độ đã thiết lập nhiều học viện nghiên cứu ngôn ngữ để thúc đẩy sự sử dụng các phương ngữ theo hướng này. Cùng với sự phát triển của công nghệ mới và để tận dụng các công nghệ đó, người ta đã cố gắng đi theo hướng số hoá và ghi chép, truyền thụ để có thể bảo tồn những ngôn ngữ này với tư cách những nét văn hoá đặc sắc quí báu.

KẾT LUẬN

Tấn công là cách tốt nhất để phòng vệ. Khi công cuộc công nghiệp hoá tại Ấn Độ bắt đầu, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc đang trỗi dậy đã khiến các nhà văn hoá và hoạch định chính sách chú ý hơn đến việc sử dụng và bảo tồn các ngôn ngữ Ấn Độ. Về mặt lý thuyết, trong toàn cầu hoá các dân tộc đã thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân và khơi dậy niềm khao khát bảo tồn bản sắc văn hoá của mình qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong dòng chảy của toàn cầu hoá, hầu như tất cả các phương ngữ tại Ấn Độ đều bị dồn vào ngõ cụt, không thể tự vệ được vì những rào cản bảo hộ đã biến mất. Giờ đây, làm thế nào để tự bảo vệ lãnh thổ và sự tồn tại đầy ý nghĩa của mình trong dòng thác toàn cầu hoá vô cùng mạnh mẽ chính là câu hỏi mà các dân tộc tại Ấn Độ phải cân nhắc và tìm ra câu trả lời trong tương lai gần.

Dù tiêu cực hay tích cực, ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các ngôn ngữ trên thế giới nói chung, tại Ấn Độ nói riêng không giống nhau. Nó rất đa dạng và phức tạp. Một vài ngôn ngữ nhận được nhiều từ sự toàn cầu hoá hơn là các ngôn ngữ khác; một số ngôn ngữ có thể chẳng nhận được lợi ích gì mà có khi lại là sự thiệt hại và huỷ diệt. Các phưong tiện thông tin đại chúng chắc chắn là có lợi cho sự hiểu biết và tri thức chung nhưng đối với những ngôn ngữ nhỏ, đó có thể là mối đe doạ cho sự tồn tại của chúng. Các ngành công nghiệp đang cố gắng sử dụng các phương ngữ Ấn Độ sẽ nhanh chóng từ bỏ nỗ lực của mình khi họ không cảm thấy điều đó là cần thiết mà có thể, chỉ mang lại phiền toái, sự cô lập và ly khai.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thống trị trên Internet, được coi là ngôn ngữ của điều khiển từ xa và ngôn ngữ của toàn cầu hoá. Tất cả các ngôn ngữ khác, không kể đến vị trí và vai trò của chúng tại quê hương bản quán có thể sẽ trở thành ngôn ngữ mang tính địa phương trong thế giới toàn cầu hoá đó. Sự đa dạng và bản sắc của các ngôn ngữ giờ đây cũng đang phải chịu thách thức lớn ở phạm vi quốc tế.

Sự đáp lời của các ngôn ngữ tại Ấn Độ đối với quá trình toàn cầu hoá sẽ như thế nào? Cùng với những cải cách kinh tế, liệu người Ấn Độ có cần những cải cách về ngôn ngữ không? Liệu họ có phải xem lại vị trí và cấu trúc của các loại ngôn ngữ Ấn Độ không? Trong một xã hội số hoá dựa trên nền kinh tế tri thức như Ấn Độ ngày nay, tất cả các ngôn ngữ Ấn Độ đều đang ở trong sự thách thức lớn lao nếu chúng không được các nhà hoạch định chính sách quan tâm và có những chiến lược đúng đắn. Khó có thể có được một hành lang an toàn cho các ngôn ngữ Ấn Độ trong quá trình tự do hoá kinh tế, tư nhân hoá hay toàn cầu hoá vì chúng ta hiểu rõ rằng toàn cầu hoá có nghĩa là mở rộng và tăng cường sự bất bình đẳng giữa các ngôn ngữ cũng như mọi lĩnh vực khác.

Ấn Độ là một đất nước đa ngôn ngữ và đa dạng về mọi lĩnh vực, đó chính là nét đặc sắc cũng như điểm lôi cuốn của nền văn hoá Ấn Độ. Chắc chắn rằng người Ấn Độ sẽ gắng tìm ra cách để bảo tồn nét văn hoá tuyệt vời đó. Họ đã và đang xem xét về các ngôn ngữ Ấn Độ dưới ánh sáng của những vấn đề toàn cầu và một môi trường quốc tế mới



1 Theo The Asian Age, 12/01/2000, Banglore.

2 UNESCO, Globalization and Governance in the UN System, htt://www.unesco.org/most.

3 E- cyclopedia, Globalization: What on Erath is it about? BBC News, Special report, 2/1999.

4 Manu, Shroff, Globalization: A Stock-taking, Economic and Political Weekly, 02/ 10/1999.

5 Ninan Koshy (ed.), Globalization- The Imperial Thrust of Modernity, Vikas Adyayana Kendra, Mumbai, 2002.

6 Report of the University Education Commision, 11/1948, New Delhi.

7 Information Today and Tomorrow, Vol.21, 3/2002.

8 1990 (1), SCR 588.

9 The Asian Age, 12/ 01/ 2000, Banglore.

10The Times of India, 7/ 10/2002, New Delhi.

11 National Conference of Indian Languages, 12/2004, New Delhi.

12 MAIT’s Report by Sandeep Diksit, in The Hindu, 2/2002.

13 MAIT’s Report by Sandeep Diksit, in The Hindu, 2/2002.

 PGS.TS. Đỗ Thu Hà - Trường DHKHXH&NV, ĐHQGHN; Ảnh: Internet - (Tham luận tại hội thảo)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   |