Giám đốc ĐHQGHN đã phê duyệt Chiến lược phát triển của ĐHQGHN, trong đó về KHCN phấn đấu để tiếp tục giữ vững và phát huy thế mạnh hàng đầu cả nước nước về khoa học cơ bản, đồng thời tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho nghiên cứu khoa học đỉnh cao, những công nghệ cao để có những kết quả khoa học tầm cỡ quốc tế và những sản phẩm công nghệ mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng; có những phát minh, sáng chế quan trọng giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ lớn của đất nước. Các phòng thí nghiệm sẽ được hiện đại hoá một cách đồng bộ, có trọng tâm để đạt chuẩn khu vực, một số đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như Công nghệ nano, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ thông tin và Cơ điện tử... Bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cơ chế quản lý các hoạt động khoa học công nghệ sẽ được kiện toàn một cách hiệu quả theo hướng chính quy, hiện đại. Phấn đấu để đến năm 2020, ĐHQGHN cơ bản đạt các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực, một số tiêu chí đạt chuẩn đại học tiên tiến đẳng cấp quốc tế; trở thành trung tâm hàng đầu đất nước về KHCN, về đào tạo nhân tài, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ Việt Nam.
Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện các nghị quyết của Đảng uỷ ĐHQGHN Khoá III và Kế hoạch 5 năm 2006-2010. Các chủ trương của Đảng ủy và chỉ đạo của Ban Giám đốc ĐHQGHN đã đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ. Tổng kinh phí hoạt động KHCN từ ngân sách nhà nước của ĐHQGHN năm 2006 là 94 tỷ đồng, trong đó 44 tỷ dành cho nghiên cứu và tăng cường năng lực, 50 tỷ cho đầu tư chiều sâu các phòng thí nghiệm (PTN) với 4 dự án mới được phê duyệt và triển khai là: PTN linh kiện điện tử và micronano, PTN tích hợp các hệ thông minh, PTN công nghệ hạt nhân và PTN hóa dược.
Năm 2006, ĐHQGHN đã có những chuyển biến mạnh mẽ và quan trọng trong đầu tư, khai thác và sử dụng trang thiết bị. Các dự án được quản lý theo mã số, các tài sản, thiết bị được dán mã số quản lý theo quy định chung, thống nhất của ĐHQGHN. Hệ thống các phòng thí nghiệm và thiết bị KHCN ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại và là “bảo bối” giúp cho các nhà khoa học có phương tiện hiện đại để đạt được những kết quả nghiên cứu có giá trị và được đánh giá cao. Đến nay ĐHQGHN đã có 1 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (về enzym-protein), đang hoàn chỉnh xây dựng 16 phòng thí nghiệm mũi nhọn, trọng điểm của ĐHQGHN. Tổng kinh phí dành cho trang thiết bị khoa học đã được phê duyệt đạt trên 400 tỷ đồng. Nhiều công trình khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, đạt Giải thưởng về khoa học công nghệ, được các nhà chuyên môn trong nước và nước ngoài đánh giá cao trong các lĩnh vực như Công nghệ sinh học, Hoá học, Vật lý, Công nghệ môi trường... đã được ra đời từ những phòng thí nghiệm hiện đại này.
Năm 2006, ĐHQGHN đã triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, 11 đề tài trọng điểm, 37 đề tài đặc biệt, 181 đề tài cấp ĐHQGHN. Một điểm nhấn quan trọng của năm 2006 là chấm dứt căn bệnh trầm kha “nợ đọng đề tài”. Đã có lúc số đề tài của ĐHQGHN nợ đọng lên đến trên 50%. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, sự tích cực của Ban Khoa học Công nghệ, sự ủng hộ của Văn phòng ĐHQHN và các ban chức năng, sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của thủ trưởng các đơn vị và các nhà khoa học, đến cuối năm 2006, số đề tài chưa nghiệm thu ở mức dưới 10%. Việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, đúng nội dung và tiến độ đã trở thành quyết tâm và nhận thức sâu sắc trong toàn ĐHQGHN.
Năm 2006 cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với ĐHQGHN: kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là năm kết thúc kế hoạch KHCN 5 năm 2001-2005, mở đầu cho giai đoạn mới 2006-2010 của ĐHQGHN. ĐHQGHN đã tổ chức những hội nghị khoa học lớn, tầm cỡ, thu hút đông đảo các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học có uy tín từ nhiều quốc gia tham gia như Diễn đàn giáo dục đại học thế kỷ XXI, hội nghị liên các trường đại học ASEAN về “Phúc lợi dân sinh, hòa bình, và phát triển xã hội”, Diễn đàn Giám đốc 4 đại học chủ chốt Đông Á… được dư luận trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao.
Kết thúc giai đoạn 2001-2005, ĐHQGHN đã chủ động, kịp thời tổng kết thức tiễn: tổng kết Chương trình nghiên cứu cơ bản thí điểm trong khoa học xã hội nhân văn; tổng kết về tình hình quản lý, sử dụng trang thiết bị KHCN; tổng kết về vai trò và thực tiễn của các trung tâm, các viện nghiên cứu trong đào tạo, nghiên cứu và triển khai. ĐHQGHN là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch KHCN 2001-2005, xây dựng kế hoạch mới cho giai đoạn 2006-2010 một cách chủ động, khoa học. Nếu giai đoạn 2001-2005 được coi là giai đoạn quan trọng để khẳng định mô hình Đại học Quốc gia, thì giai đoạn 2006-2010 sẽ là giai đoạn ổn định để phát triển, đưa hoạt động KHCN của ĐHQGHN lên một tầm cao mới.
|
Một lớp học Cử nhân chất lượng cao của Khoa Hóa học, trường ĐHKHTN |
Năm 2006, ĐHQGHN đã củng cố, thành lập lại 12 hội đồng ngành/liên ngành cũng như Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2006-2011. Hoạt động của các hội đồng trong nhiệm kỳ này được đổi mới, theo hướng phát huy cao nhất vai trò và trí tuệ, sự đóng góp, chủ động của các hội đồng, tư vấn trực tiếp cho Giám đốc ĐHQGHN quyết định những định hướng lớn trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu; quyết định phát triển những hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên; những hướng mới của các ngành, chuyên ngành. Năm 2006 cũng là năm lần đầu tiên ĐHQGHN tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các đơn vị để xây dựng tiêu chí, lộ trình và giải pháp để đưa hoạt động KHCN của ĐHQGHN nhanh chóng đạt trình độ, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Năm 2007, ĐHQGHN sẽ tập trung triển khai để đạt được 2 mục tiêu lớn nhất đề ra là: Phấn đấu để ĐHQGHN có nhiều công trình, sản phẩm KHCN tầm cỡ quốc gia, quốc tế và nhanh chóng đào tạo, xây dựng, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn. Đây cũng 2 tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá và đầu tư cho hoạt động KHCN của ĐHQGHN.
Bên cạnh đó, các giải pháp chiến lược được tiếp tục thực hiện là đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với việc tập trung tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn, quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển KHCN của quốc gia, trên cơ sở thế mạnh và định hướng ưu tiên phát triển của ĐHQGHN. Triển khai Đề án phát triển 16 ngành, 23 chuyên ngành khoa học đạt trình độ quốc tế vào năm 2010. Xây dựng và phát triển tiềm năng khoa học công nghệ (thiết bị, con người) theo hướng hiện đại hoá và đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ cùng với đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Năm 2007, ĐHQGHN tiếp tục hiện đại hoá các phòng thí nghiệm cho nghiên cứu, đồng thời đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm sản xuất thử để gắn kết nghiên cứu với triển khai ứng dụng; đồng thời tập trung nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN, tăng cường việc thu hút các nguồn tài chính ngoài ngân sách cho hoạt động KHCN. Kinh phí cho KHCN của ĐHQGHN năm 2007 là 135,6 tỷ, trong đó 55,6 tỷ cho nghiên cứu và tăng cường năng lực, 80 tỷ cho đầu tư chiều sâu. Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay kinh phí cho KHCN đã gần bằng kinh phí đào tạo. Điều này phản ánh kết quả những nỗ lực xây dựng ĐHQGHN theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu: đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học và nghiên cứu để giảng dạy, đào tạo chất lượng cao. Những biến đổi mạnh mẽ về lượng này chắc chắn sẽ kéo theo những thay đổi về chất trong các hoạt động KHCN của ĐHQGHN trong những năm tiếp theo.
Một chủ trương lớn ĐHQGHN đã và đang tích cực triển khai là đẩy nhanh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ phải thích ứng với cơ chế thị trường theo mô hình 4 nhà: nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đến việc đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hiện đại hoá quản lý hoạt động KHCN và đổi mới cơ cấu, phương thức hoạt động các tổ chức khoa học công nghệ. Kiện toàn quy trình tuyển chọn, quản lý, đánh giá, nghiệm thu các loại đề tài và chương trình nghiên cứu KHCN của ĐHQGHN; tiếp tục thực hiện tin học hoá công tác quản lý các đề tài dự án, trang thiết bị và triển khai tin học hóa nguồn nhân lực KHCN; bổ sung, hoàn thiện và xây dựng những văn bản pháp quy để quản lý các hoạt động KHCN ngày càng khoa học, hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho các đơn vị và các nhà khoa học; khơi dậy những nội lực, tiềm năng về con người, thiết bị ở mức tối đa để phát triển KHCN. Trên cơ sở tư vấn của các hội đồng ngành/liên ngành, ĐHQGHN sẽ đầu tư trọng điểm cho một số hướng công nghệ cao, nghiên cứu cơ bản đỉnh cao của ĐHQGHN.
Năm 2007 sẽ là năm có những bước nhảy vọt về quy mô và hứa hẹn những thay đổi lớn về chất lượng và hiệu quả các hoạt động KHCN của ĐHQGHN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, của Ban Giám đốc, cùng với sự nhất trí và quyết tâm cao độ của các đơn vị, của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, chắc chắn hoạt động KHCN của ĐHQGHN sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, góp phần tích cực và quan trọng vào sự nghiệp xây dựng ĐHQGHN xứng đáng là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng hàng đầu của cả nước.
|