Những phong tục kỳ lạ
Cũng như những ngày lễ khác trong năm, giới trẻ thế giới đón ngày Lễ tình yêu với nhiều phong tục rất thú vị và có phần kỳ lạ.
Vào thời trung đại, các chàng trai, cô gái thường chơi một trò “xổ số tình yêu”.
Mỗi người sẽ rút một tờ giấy ghi tên người khác phải đặt trong một chiếc bát lớn để xem ai sẽ là “valentine” của mình.
Sau đó, họ sẽ đeo các cái tên này vào tay áo trong vòng một tuần với hi vọng tìm ra người chủ của những cái tên.
Còn ngày nay, nếu chàng trai, cô gái nào đeo một hình trái tim trên tay áo vào ngày 14/2 thì điều đó có nghĩa là họ khẳng định rằng đã tìm được một nửa của mình.
Còn ở một số nước, các cô gái lại thường nhận được những bộ quần áo rất đẹp từ các chàng trai. Đó là món quà đặc biệt thay cho lời cầu hôn ngọt ngào. Nếu người con gái giữ lại món quà thì có nghĩa là cô đã đồng ý cưới chàng trai đó.
Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta tin rằng, nếu một cô gái nhìn thấy con chim cổ đỏ bay qua đầu vào ngày Valentine thì cô ấy sẽ yêu một chàng thuỷ thủ. Nếu nhìn thấy một con chim nâu xám thì điều đó có nghĩa là cô ấy sẽ yêu một anh chàng nghèo khó nhưng cả hai sẽ rất hạnh phúc. Còn nếu cô gái nhìn thấy một con chim hoàng yến thì chắc chắn hoàng tử tương lai của cô ấy sẽ là một triệu phú!
Những chú chim màu xanh lại tượng trưng cho những anh chàng hạnh phúc và chim bồ câu là chàng trai lãng mạn. Người ta cũng cho rằng thật đáng buồn nếu một cô gái nhìn thấy chim gõ kiến vào đúng Valentine vì điều đó có nghĩa là cô gái ấy sẽ không có chồng. Ngược lại, nếu gặp một cặp gà trống, gà mái bên nhau, cô gái sẽ lấy chồng trong năm tới.
Nếu bạn đang có rất nhiều chàng trai, cô gái cùng theo đuổi thì có một cách rất thú vị để chọn ra một người đi chơi cùng bạn trong ngày Valentine. Hãy nghĩ đến tên của năm hay sáu chàng trai hoặc cô gái mà bạn đang cho vào tầm ngắm. Sau đó xoay một quả táo, vừa xoay vừa lần lượt nhẩm những cái tên đó cho tới khi quả táo dừng lại. Ai là chủ sở hữu của cái tên mà bạn đang nhắc đến khi quả táo dừng hẳn thì người đó có thể sẽ là chủ nhân của trái tim bạn.
Nguồn gốc ngày Valentine
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc ngày Valentine nhưng được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về vị giáo sĩ có tên Valentine.
Thế kỷ III sau Công nguyên, hoàng đế Roma Claudius ra lệnh cấm người dân kết hôn để dồn toàn bộ trai trẻ ra ra mặt trận. Giáo sĩ Valentine vẫn âm thầm tổ chức lễ cưới cho các đôi tình nhân. Một lần ông bị bắt khi đang làm lễ và bị tống giam.
Trong thời gian chờ xét xử, ông quen và kết bạn tri kỷ với cô con gái người cai ngục. Trước ngày bị đưa ra hành quyết, ông gửi cô gái một bức thư có dòng chữ "Love from your Valentine" (Tình yêu từ Valentine của cô).
Chính lời nhắn nhủ ngắn ngủi cuối cùng của cuộc đời Valentine đã bắt đầu cho phong tục trao đổi "love messages" (thông điệp tình yêu) vào ngày 14/2, ngày ông qua đời. Cũng từ đó, ngày này được cả thế giới coi là Ngày Lễ Tình yêu.
Tặng gì trong ngày Tình yêu?
Với quan niệm Valentine không chỉ dành cho tình nhân, mà cho tất cả mọi người, nhiều trường học ở Mỹ và Canada tổ chức tiệc mừng Valentine cho cả các em thiếu nhi.
Cuối buổi tiệc, các em thường tặng bạn bè và thầy, cô giáo những tấm thiệp Valentine tự làm từ giấy màu hoặc hoạ báo.
Những học sinh lớn hơn thì tổ chức các buổi tiệc sôi động với những vũ điệu trẻ trung, lãng mạn mừng Valentine. Một cậu bé mũm mĩm đeo đôi cánh thiên thần tượng trưng cho Thần Tình yêu sẽ mang những món quà như hoa, kẹo hình trái tim tặng cho những người tham dự bữa tiệc.
Người Mỹ quan niệm Valentine không chỉ là ngày lễ dành riêng cho tình nhân mà cho tất cả mọi người. Vì vậy, trong ngày này, họ thường gửi thiếp chúc mừng tới những người thân, bạn bè, thầy cô giáo và cả… con vật cưng trong nhà. Thậm chí nhiều công ty còn sản xuất những tấm thiệp hài hước dành cho những người ghét Valentine. Số lượng thiệp mừng được gửi trong ngày Valentine chỉ xếp thứ hai sau lễ Giáng sinh.
Ở xứ Wales, những chiếc thìa gỗ được chạm trổ tinh vi là món quà tình yêu tuyệt vời cho ngày Valentine. Trái tim, chìa khoá và ổ khoá là những hình trang trí được ưa thích trên thìa với ý nghĩa là: “Bạn đã mở ổ khoá của trái tim tôi.”
Ở Italia thì người ta thường tổ chức buổi đại tiệc Valentine và những cô gái chưa chồng sẽ dậy sớm trước bình minh, đứng cạnh cửa sổ và chờ đợi một chàng trai đi qua. Họ tin rằng chàng trai đầu tiên mình gặp sẽ là chú rể tương lai của mình trong năm tới.
Ở Đan Mạch, bạn bè thường gửi cho nhau những bông hoa có hình giọt tuyết vào ngày Valentine. Các chàng trai Đan Mạch gửi tới cô gái mình yêu một bức thư, trong đó viết một bài thơ tình lãng mạn. Cuối thư, thay vì ký tên mình, họ sẽ viết những dấu chấm, mỗi dấu tượng trưng cho một chữ cái. Nếu cô gái đoán đúng tên người gửi thư, chàng trai đó sẽ được nhận món quà là quả trứng phục sinh (loại trứng được tô vẽ rất đẹp dành tặng bạn bè) vào ngày lễ Phục sinh.
Khác với Valentine ở châu Âu và Mỹ, ở một số nước châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, 14/2 là ngày các cô gái được phép thể hiện tình cảm của mình mà không bị coi là “cọc đi tìm trâu”. Con gái thường tự tay làm chocolate hình trái tim tặng cho chàng trai mình yêu.
Độc đáo hơn cả là ở những nước này còn có ngày “Valentine trắng” đúng một tháng sau Valentine. Ngày 14/3, các chàng trai sẽ tặng lại một món quà cho cô gái đã tặng sô cô la cho mình hôm Valentine để bày tỏ lòng cảm ơn và yêu mến.
Ở Việt Nam những năm gần đây các bạn trẻ cũng bắt đầu đón mừng lễ Valentine. Món quà phổ biến nhất là hoa hồng và chocolate từ phái mạnh và những chiếc khăn len, áo len tự đan từ các cô gái.
|