Kính gửi:
Bộ Chính trị Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Quốc hội nước Cộng hoà xã chủ nghĩa Vịêt Nam
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tôi là Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam (1980 -1989) vui mừng đựơc biết kết quả bước đầu của cuộc khai quật khảo cổ di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, xin trình bày một vài suy nghĩ và có kiến nghị như sau:
- Nhờ có việc chuẩn bị xây dựng nhà Quốc hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã cho khai quật thăm dò về di sản quý báu này. Kết quả bước đầu đã gây được vui mừng phấn khởi cho toàn dân.
- Quyết định tạm dừng việc xây dựng để tiếp tục khai quật, nghiên cứu và có thể tìm địa điểm khác để xây dựng nhà Quốc hội là một quyết định sáng suốt, được nhân dân hoan nghênh.
- Hàng triệu hiện vật tìm được là của quý của quốc gia, nhung chưa phải là những hịên vật độc đáo, quý giá nhất mà chỉ có trong lòng đất cố đô Thăng Long mới có. Tôi nghĩ cái quý giá hơn ở đây là quy mô cấu trúc của Hoàng Thành (đây mới thấy được dấu tích 1 toà nhà dài 62 mét, rộng hơn 46 mét) với kiến trúc đặc biệt của nó, cùng với các công trình phụ cận đang cần được nghiên cứu, xác minh. Giá trị của những di tich và hiện vật mới tìm được này chỉ có thể hiểu đựơc một cách đầy đủ khi đặt nó trong tổng thể toàn bộ di tích khu Hoàng thành Thăng Long mà nhất định dân tộc ta sẽ có thể và cần thiết phải làm rõ qua công sức khai quật, nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
- Đất nước ta có cố đố Huế, đô thị cổ Hội An rất quý, được thế giới đánh giá cao và công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Tuy vậy, đó chủ yếu vẫn là những di sản nổi trên mặt đất xuất hiện trong mấy thế kỷ gần đây, không có bề dày lịch sử hàng chục thế kỷ như Thăng Long. Cuộc khai quật này hé mở cho chúng ta thấy trong lòng đất toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long còn tiềm ẩn những di sản văn hoá độc đáo, đại dịên cho nền văn minh, văn hiến Việt Nam qua nhiều thế hệ. Từ nay trở đi các thế hệ con Rồng cháu Tiên chúng ta sẽ từng bước, từng bước khai quật, nghiên cứu để cuối cùng (có thể là vài trăm năm nữa) phục tích lại đựơc toàn bộ quần thể cố đô Thăng Long, tạo dựng nên một khu bảo tàng quốc gia lớn nhất, tiêu biểu nhất cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.
|
Dấu tích kiến trúc rõ nét tại khu di tích 18 Hoàng Diệu Ảnh: Bùi Tuấn |
Vì vậy tôi xin kiến nghị:
1- Tiếp tục khai quật, nghiên cứu khu đất đã khai quật hiện nay, đồng thời giữ nguyên hiện trạng mặt đất toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long, không cho xây dựng mới, nhất là xây dựng các nhà cao tầng, chuẩn bị điều kiện để từng bước di dời tất cả các cơ quan và nhà dân ở đây đi nơi khác, giải phóng mặt bằng, để thế hệ này qua thế hệ khác tiến hành khai quật, nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc, có trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc theo một kế hoạch tổng thể do Nhà nước chỉ đạo và quản lý.
2 - Để giúp Chính phủ chỉ đạo việc khảo sát nghiên cứu cả khu Hoàng thành Thăng Long từ nay về sau, xin cho thành lập một Ban Chỉ đạo do Chính phủ chủ trì, có một số thành viên (không nhiều) gồm một số nhà khoa học và đại diện một số cơ quan văn hoá, khoa học tham gia và quy định trách nhiệm cho một số cơ quan khoa học trực tiếp thực hiện.
|
Lan can cầu thang được trang trí rồng đá ở Điện Kính Thiên Ảnh: Bùi Tuấn |
3- Thông báo cho toàn dân biết chủ trương này và chào đón, khuyến khích, cổ vũ các cơ quan, cá nhân hiện có những hiện vật, văn hoá phẩm (cả về tinh thần lẫn vật chất) xuất xứ từ di tích cố đô Thăng Long, đem đến cơ quan thường trực kể trên tặng, hiến, biếu Nhà nước để góp phần vào vịêc gìn giữ di sản quý báu này của quốc gia và nhận lại được sự tưởng lệ thích đáng.
Trên đây là những suy nghĩ chân thành của tôi - một cán bộ 78 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, kính gửi lên Trung Ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Tôi mong sẽ nhận được sự hồi âm.
Hà Nội ngày 5 tháng 12 năm 2003
GHI CHÚ
Giáo sư Văn Tạo đã gửi bản Kiến nghị trên đến các cơ quan Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta từ cuối năm 2003. Bản Kiến nghị cũng đã được đăng trên báo Khoa học và Phát triển số 52 cuối tháng 12 năm 2003. Lần này gửi bản Kiến nghị đến Hội nghị Thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long, Giáo sư Văn Tạo muốn một lần nữa khẳng định quan điểm “giữ nguyên hiện trạng mặt đất toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long” và “không cho xây dựng mới, nhất là xây dựng các nhà cao tầng” lên trên khu di tích hết sức độc đáo, đại diện cho nền văn minh, văn hiến Việt Nam qua nhiều thế hệ. Giáo sư Văn Tạo còn lưu ý Ban Tổ chức Hội nghị: “Nếu có công bố [Bản Kiến nghị này] thì ghi năm nay tôi đã 82 tuổi đời và 60 tuổi Đảng”.
|