Chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa, vào năm 2010, Thăng Long - Hà Nội sẽ trở thành kinh đô tròn nghìn năm tuổi. Không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà nhìn rộng ra trên phạm vi toàn thế giới, thật hiếm có một Thủ đô của một nước nào lại có bề dầy lịch sử - văn hoá như Thăng Long - Hà Nội của ta.
Ngay từ ngày đầu định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng toà thành Thăng Long rộng lớn. Trong thành ông cho xây dựng một hệ thống các điện, cung, chùa... nguy nga, tráng lệ, đủ làm chỗ ở của đế vương, với kỳ vọng đây sẽ là nơi “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
|
PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội |
Thực tế tính từ mùa Thu năm 1010 cho đến nay, Thăng Long- Hà Nội gần như liên tục là Thủ đô thiêng liêng, là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế và văn hoá đầu não của đất nước Việt Nam. Nếu chỉ đọc lịch sử Việt Nam với kỳ công xây dựng kinh đô suốt nghìn năm qua thì ai cũng có thể hình dung dấu tích kinh thành Thăng Long chắc hẳn sẽ hết sức lớn lao, bề thế. Vậy mà trên mặt đất vùng kinh thành Thăng Long xưa, dấu tích thời Lý Trần gần như đã hoàn toàn vắng bóng, dấu tích Lê còn lại cũng rất hiếm hoi. Từ đầu thế kỷ XX cho đến những năm gần đây, người Pháp rồi người Việt Nam đã tiến hành khá nhiều cuộc khai quật khảo cổ học thăm dò khu vực có liên quan đến thành Thăng Long, nhưng hầu như không có cuộc khai quật nào thu được kết quả như mong muốn. Nhà nghiên cứu cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu tiên của thế kỷ XXI vẫn chưa biết được gì hơn về một vùng kinh đô tuy nhiều lần được phản ánh trong sử cũ hay được thể hiện trên bản đồ, nhưng tất cả đều vô cùng đại khái và ước lệ. Chúng ta, từ các cán bộ nghiên cứu đến những người dân thường đều không khỏi lo lắng nghĩ đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ lấy gì để làm tin về kỳ công xây dựng của tổ tiên?.
Phải đợi đến những ngày cuối tháng 12 năm 2002, vấn đề mới được làm sáng tỏ. Nhân khi chính phủ Việt Nam chuẩn bị xây dựng Hội trường Ba Đình và Nhà Quốc hội mới trên diện tích hơn 40.000 mét vuông tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, theo luật Di sản văn hoá, giới khảo cổ học mới có cơ hội tiến hành thăm dò và tổ chức khai quật khảo cổ học quy mô lớn. Thật vô cùng may mắn là dấu tích thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê đã phát lộ. Việc xác định được vị trí đích thực của Hoàng thành và Cấm thành Thăng Long đến lượt nó lại kiểm chứng tất cả các nguồn tư liệu đã có từ trước đến nay và mở ra khả năng nhìn nhận về toà thành này một cách khách quan và xác thực hơn. Dấu tích vật chất trên mặt đất và đặc biệt còn được lưu giữ trong lòng đất Thăng Long - Hà Nội là những chứng cứ xác thực và đắt giá nhất về một toà thành là hiện thân và kết tinh nghìn năm lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận rõ và hiểu đúng được chân lý lịch sử giản đơn này. Khi di tích mới được phát hiện đã đành, thậm chí rất gần đây thôi, có người vẫn không ngần ngại gọi khu di tích 18 Hoàng Diệu chỉ là một bãi rác(!). Chúng tôi, những người làm sử Thủ đô xin được tự nhận phần trách nhiệm vì chưa làm hết sức mình để chứng minh cho tất cả mọi người đều hiểu được chân giá trị của khu di tích.
Thông qua việc cung cấp những thông tin mới và chuẩn xác, không ngoài mục đích giúp cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử đất nước, những người yêu quý và gắn bó với lịch sử Thủ đô, nhìn nhận một cách khách quan hơn, toàn diện hơn, làm cơ sở xác định cho mình một thái độ ứng xử khoa học hơn, đúng đắn hơn với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu. Ý kiến thống nhất của Hội nghị chắc chắn cũng sẽ là một cơ sở để Đảng và Nhà nước tham khảo cho một quyết sách tuyệt đối đúng về một khu di tích lịch sử hàng đầu quốc gia, độc nhất vô nhị và đang là ứng cử viên sáng giá của Di sản Văn hoá Thế giới.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin được thay mặt cho Ban tổ chức tuyên bố khai mạc Hội nghị Thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long.
|