Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Xu hướng phát triển thư viện đại học trên thế giới và quá trình đổi mới hoạt động tại Trung tâm Thông tin Thư viện, ĐHQGHN
Để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đại học, các thư viện đại học tại các nước tiên tiến nhận thức rằng họ phải tham gia một cách chủ động và tích cực vào quá trình đổi mới ở cả mức độ thư viện và nhà trường.

I. Thực trạng và xu hướng phát triển thư viện đại học tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến

I.1. Thực trạng

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đại học, các thư viện đại học tại các nước tiên tiến nhận thức rằng họ phải tham gia một cách chủ động và tích cực vào quá trình đổi mới ở cả mức độ thư viện và nhà trường. Là một bộ phận của cộng đồng học tập, thư viện phải tạo nên sự thay đổi trong mỗi sinh viên, kết nối người học như những đối tác toàn diện trong quá trình học, cung cấp nhiều khả năng lựa chọn cách thức, nội dung, phương pháp…học tập. Để tham gia mạnh mẽ vào cộng đồng học tập, thư viện cũng cần đáp ứng các cơ chế như hỗ trợ người học định hình và tham gia vào các hoạt động học tập tập thể, hỗ trợ học tập thông qua nhu cầu của người học. Nói tóm lại thư viện đại học nhấn mạnh vào các kĩ năng thông tin và dựa trên nguyên tắc lấy người học làm trung tâm.

Nếu như trong những năm 90 của thế kỷ XX, hoạt động thư viện phổ biến với việc cung cấp các biểu ghi đọc máy (MARC), phổ biến thông tin thông qua các bản in và các cơ sở dữ liệu; sử dụng kho mở và mượn liên thư viện. Để truy cập thông tin, người đọc tra cứu trên mục lục trực tuyến (OPAC), hay có thể truy cập trực tuyến đến các CSDL thư mục và toàn văn trên toàn cầu. Vấn đề chỉ dẫn thông tin chủ yếu là chỉ dẫn thư mục. Thư viện là một nơi học tập yên tĩnh... thì hiện nay, hệ thống thư viện tích hợp phổ biến với việc cung cấp các websites, siêu dữ liệu, kết nối nguồn và tìm kiếm dọc. Các thư viện phân phối thông tin với các bản in phong phú cũng như các CSDL trực tuyến và nguồn tài liệu điện tử rất lớn. Công nghệ không dây cũng trở nên phổ biến và người dùng tin có thể truy cập từ một nơi rất xa. Khu vực học tập sẽ được hình thành theo từng nhóm cụ thể chứ không chỉ là một khu vực học tập yên tĩnh. Kiến thức thông tin và hướng dẫn thực hành là điểm nhấn trong vấn đề chỉ dẫn thông tin của các thư viện trên thế giới hiện nay. Tổ chức trong các thư viện là theo định hướng nhiệm vụ và theo nhóm. Về vấn đề tài chính thì thư viện các trường đại học hiện nay đã tham gia xây dựng các kế hoạch huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách.

Tuy nhiên hiện nay thư viện trên thế giới cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và dưới đây là những vấn đề nổi bật:

- Đào tạo và thu hút cán bộ thư viện là một chủ đề lớn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đảm bảo chất lượng giáo dục cho sinh viên thư viện và đào tạo lại cán bộ với các kĩ năng và tri thức cập nhật hỗ trợ cho vai trò mới trong thời đại thông tin, đặc biệt vai trò liên quan đến hướng dẫn bạn đọc và thúc đẩy thư viện, là một yêu cầu không hề đơn giản. Hơn nữa, lương thấp và thiếu sự đa dạng trong nghề là những khó khăn phổ biến. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm và duy trì đội ngũ lãnh đạo có năng lực và phẩm chất tốt trong các thư viện đại học là vấn đề then chốt cần được giải quyết sớm.

- Vấn đề thứ hai là vị thế của thư viện trong trường đại học. Thư viện được coi là một địa điểm tích luỹ tri thức và trung tâm của các hoạt động trong khuôn viên đại học. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cảm thấy rằng thư viện đại học ngày càng trở nên bị cách li. Cần phải đẩy mạnh công tác hướng dẫn kiến thức thông tin cũng như khẳng định vai trò giảng dạy, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tư liệu của cán bộ thư viện.

- Thứ ba là ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với các dịch vụ thư viện. Cần cân bằng giữa nguồn tài liệu truyền thống và các dịch vụ mới trên nền công nghệ thông tin. Thư viện phải đảm bảo duy trì và đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh suy giảm nguồn lực, chi phí tăng và khó khăn về ngân sách. Hơn nữa, việc quyết định cái gì nên được số hóa, nguồn lực ở đâu để tiến hành công việc và để phát triển các cơ chế kiểm soát thư mục đúng đắn đối với tài liệu số hóa là những thách thức phức tạp đối với thư viện đại học.

- Vấn đề nữa là phải tích cực hỗ trợ người dùng tin mới. Cán bộ thư viện phải luôn đảm bảo cung cấp đủ nguồn thông tin cần thiết cho sinh viên kể cả sinh viên đào tạo từ xa. Đáp ứng tất cả các yêu cầu của người dùng tin trong bối cảnh sinh viên thiếu hụt về kiến thức thông tin và chưa xây dựng được niềm say mê nghiên cứu khoa học.

- Cuối cùng là vấn đề ngân sách: các thư viện đối mặt với với khả năng suy giảm về nguồn tài chính, từ đó ảnh hưởng không tốt đến các chương trình thư viÖn, lương và nguồn tài liệu bổ sung vào bộ sưu tập.

I.2 Thư viện đại học trong tương lai gần

Những thay đổi về công nghệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thư viện đại học trong tương lai không xa? Bill Kennedy, một chuyên gia về web trong đại học Mỹ hình dung thư viện của năm 2012 sẽ là một “thư viện ảo với một bản đồ thu nhỏ” để đưa người học đến các vị trí khác nhau.

Thư viện sẽ có mặt ở khắp nơi và phạm vi các dịch vụ của nó cũng sẽ vô cùng phong phú và hiệu quả, chứ không đơn thuần là nơi chứa sách và các tài liệu in ấn như trong thư viện truyền thống. Cán bộ thư viện sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác như bộ phận công nghệ thông tin, các nhà thiết kế chương trình, các kĩ sư thông tin và các thư viện khác... Sẽ có nhiều bộ sưu tập đa phương tiện, một số được thiết kế cho một khóa học cụ thể, đồng thời sử dụng các cảnh quay và các thiết bị truyền thông khác để làm đơn giản hóa khối thông tin đa dạng phức tạp đối với người học. Việc truy cập đến các bản in, các phần mềm, các website, và các nguồn tài liệu quý hiếm sẽ trở nên phổ biến.

Hệ thống thư viện năm 2012 sẽ có đặc điểm giao diện tuỳ biến theo khách hàng với các nguồn tài liệu đa phương tiện, và các thiết bị quản lý tri thức. Hệ thống sẽ nhận biết khách hàng và nhanh chóng đáp ứng các câu hỏi và nhu cầu của khách hàng.

Không gian làm việc và học tập sẽ được tổ chức với các không gian vật lý dễ tái định hình và không gian ảo. “Những bàn phím thông minh” đa phương tiện sẽ cho phép sinh viên toạ đàm trực tuyến với các học giả, các nghệ sĩ và các triết gia thực hoặc ảo toàn cầu.

Các chương trình hướng dẫn sinh viên sẽ tập trung nâng cao năng lực học tập của sinh viên. Truy cập không dây và bằng laser đối với các máy tính cá nhân. Những thiết bị cá nhân tối tân có mặt ở khắp nơi thể cho phép thư viện đạt đến môi trường học tập lý tưởng.

Vai trò của người cán bộ trong tương lai sẽ thế nào? Cán bộ thư viện trong tương lai sẽ sở hữu các kĩ năng nghiên cứu ở mức độ cao, thậm chí là tiến sĩ, cấp độ chuyên gia, và có các kĩ năng xây dựng nhóm; mọi người vẫn sẽ tìm đến các cán bộ thư viện bởi vì họ thiếu thời gian và các kĩ năng để tự tiến hành công việc hiệu quả.

Triển vọng của thư viện sẽ là mang tính toàn cầu. Các nhà biên dịch tự động có mặt ở khắp nơi sẽ thúc đẩy các chương trình truy cập thông tin toàn cầu. Về tài chính, các thư viện sẽ phát triển được các dòng doanh thu độc lập để thúc đẩy những đổi mới và tiến bộ liên tục. Thư viện đại học cũng sẽ tham gia mạnh mẽ vào công tác xuất bản các tạp chí và nguồn tài liệu đại học, cụ thể là tạp chí điện tử, sách điện tử và các bộ sưu tập với các nguồn tài liệu ảo ở các dạng đa phương tiện khác nhau.

II. Quá trình đổi mới hoạt động của TTTT-TV ĐHQGHN phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

II.1 Một số kết quả ban đầu

II.1.1 Phát triển vốn tài liệu truyền thống (tài liệu in ấn)

Chủ động bám sát chương trình đào tạo của các trường thành viên, các khoa trực thuộc, kết hợp với việc tham khảo ý kiến đóng góp của chuyên gia đầu ngành và của đông đảo bạn đọc ĐHQGHN, đó là phương châm của công tác bổ sung tài liệu nhằm đảm bảo về chất lượng cho dù còn hạn chế về số lượng do kinh phí hạn hẹp. Nhờ áp dụng phương châm đó, nguồn tài liệu bổ sung luôn nhận được sự đánh giá cao của hầu hết cán bộ và sinh viên ĐHQGHN.

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù các nguồn tài liệu điện tử, tài liệu hiện đại đã bộc lộ những ưu thế mạnh mẽ trong hoạt động thông tin, nhưng các tài liệu truyền thống (tài liệu in ấn) vẫn là nguồn thông tin chủ đạo đối với sinh viên và cán bộ giảng dạy trong các trường đại học. Vì vậy, Trung tâm vẫn tập trung phần lớn kinh phí để bổ sung tài liệu truyền thống. Trong 10 năm qua (1997-2007), Trung tâm đã bổ sung được hơn 200.000 cuốn sách và nhiều đơn vị báo, tạp chí, tài liệu chuyên dạng, đưa tổng số tài liệu dạng in ấn lên 120.000 tên sách (730.000 bản), 2.145 tên tạp chí (140.900 bản), 2.000 thác bản văn bia, 96 bản đồ…

II.1.2 Bổ sung các tài liệu nghe nhìn và tài liệu số hoá

Bên cạnh việc thường xuyên bổ sung các tài liệu truyền thống, Trung tâm cũng luôn chú trọng tới việc bổ sung các tài liệu hiện đại. Đó là các tài liệu nghe nhìn (băng hình, băng tiếng, vi phim, vi phiếu, đĩa CD-ROM) và các tài liệu số hoá.

Nhằm tăng cường công tác phát triển nguồn tin cũng như quản lý, lưu trữ và đưa ra các sản phẩm thông tin mới, Trung tâm đã từng bước xây dựng và phát triển nguồn tin điện tử. Được bắt đầu từ năm 1999, nguồn tin điện tử của Trung tâm bao gồm 5 Cơ sở dữ liệu (CSDL) trên đĩa CD-ROM chứa hàng chục nghìn bài tạp chí dưới dạng biểu ghi thư mục, tóm tắt và toàn văn, được cập nhật hàng tháng, hàng quý về các lĩnh vực : khoa học ứng dụng và công nghệ ; công nghệ sinh học ; khoa học xã hội nhân văn, khoa học giáo dục, kinh tế và quản trị kinh doanh.

Năm 2001, Trung tâm tiếp tục cập nhật 5 CSDL trên, đồng thời bổ sung nhiều CSDL trực tuyến như : CSDL EBSCO về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghệ và giáo dục ; CSDL Blackwell - Synergy về các lĩnh vực khoa học sự sống, sinh thái học, kinh tế, thống kê, nghiên cứu văn hoá, quốc tế học, khoa học quản lý ; CSDL Wilson OmniFile gồm 1.299 tên báo, tạp chí về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghệ, kinh tế ; CSDL Project Euclid và SIAM Fulltext Journals về toán học.

Tiếp đó, trong năm 2006, thông qua Dự án Giáo dục Đại học, Trung tâm đã tăng cường thêm vào nguồn lực thông tin của mình các CSDL tạp chí toàn văn trực tuyến, bao gồm: (1) IEEE về công nghệ thông tin và khoa học máy tính; (2) ACM về công nghệ viễn thông (3) SpringerLink cung cấp tạp chí toàn văn về các chủ đề: y sinh và khoa học sự sống ; khoa học xã hội & nhân văn và luật; khoa học trái đất và môi trường; cơ khí; hoá học và khoa học vật liệu; vật lý học và thiên văn học; toán học và thống kê; khoa học máy tính. Thêm vào đó, 4 CSDL sách điện tử: MathnetBase (161 cuốn sách về toán), IT KnowledgenetBase (172 cuốn sách về công nghệ thông tin), NanonetBase (46 cuốn về nano), MaterialnetBase (169 cuốn về khoa học vật liệu) của nhà xuất bản CRC. Ebrary - Life & physical Sciences của Nhà xuất bản Ebrary cung cấp trên 1000 cuốn sách điện tử về khoa học sự sống, thể chất & các khoa học có liên quan khác; CSDL ASME cung cấp 20 tạp chí toàn văn về kỹ thuật cơ học.

Các CSDL trên đều được tra cứu trực tuyến, dữ liệu cập nhật hàng ngày, giao diện tra cứu thân thiện, bạn đọc có thể truy cập tại mạng VNUnet, ĐHQGHN hoặc trên Internet thông qua địa chỉ IP của ĐHQGHN.

II.1.3 Xây dựng các cơ sở dữ liệu đặc thù

Trung tâm đã phối hợp cùng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN tập hợp, tổ chức và xây dựng cơ sở dữ liệu những đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học (bài đăng trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học) của cán bộ ĐHQGHN từ năm 1996 đến năm 2003. Từ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ trên, ĐHQGHN đã xuất bản 2 cuốn danh mục: Danh mục tóm tắt các công trình khoa học 1996 - 2002 và Danh mục tóm tắt các đè tài dự án, chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ 2001 - 2002.

Ngoài ra, trên cơ sở khung chương trình đào tạo đại học của ĐHQGHN, Trung tâm đã xây dựng cơ sở dữ liệu môn học cho 60 ngành học với trên 2.000 môn học. Sử dụng cơ sở dữ liệu này, cán bộ và sinh viên có thể có được những gợi ý về các giáo trình và sách tham khảo hiện đang được quan tâm hay hiện đang có trong kho tư liệu của Trung tâm.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm đã sưu tầm, biên soạn CSDL lớn với trên 16.000 biểu ghi, tập hợp toàn bộ luận án, sách, giáo trình, bài đăng tạp chí, báo cáo hội nghị khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ ĐHQGHN qua các thời kỳ từ 1956 tới nay.

Các cơ sở dữ liệu trên (CSDL khoa học công nghệ, CSDL bài trích tạp chí, CSDL môn học, CSDL thư mục kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN) cùng với Bản tin điện tử của Trung tâm đều được xuất bản dưới 2 dạng: in ấn và điện tử. Do đó, bạn đọc có thể sử dụng phương thức tra cứu trực tuyến trên mạng VNUnet hoặc đọc tài liệu in.

Đặc biệt, hiện nay Trung tâm đang tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu bài trích tạp chí với hàng nghìn biểu ghi, gồm hơn 70 loại tạp chí khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học giáo dục giúp bạn đọc truy cập tới nội dung từng bài đăng trên tạp chí khoa học đầu ngành trong nước.

II.1.4 Cung cấp các dịch vụ tiên tiến

Phương thức phục vụ luôn được cải tiến, mở rộng và nâng cao chất lượng. Trong thời gian qua, các loại hình dịch vụ tiên tiến như kho mở, đa phương tiện, trực tuyến được Trung tâm đầu tư phát triển mạnh.

Phòng đọc tự chọn (kho mở) là một trong những loại hình dịch vụ thư viện tiên tiến mang lại hiệu quả cao cho người đọc so với loại hình phòng đọc thông thường (kho đóng). Tại tất cả các phòng PVBĐ của Trung tâm đến nay đều đã và đang triển khai phục vụ loại hình này. Theo thống kê, so với những năm học trước, khi chưa có phòng đọc kho mở, số lượt bạn đọc đến sử dụng thư viện hiện nay tăng 1,5 lần và số lượt tài liệu phục vụ cũng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh việc chuyển đổi phương thức phục vụ, công tác phục vụ bạn đọc cũng đang được cải tiến mạnh mẽ nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, việc tin học hoá đã phát huy hiệu quả rất cao trong loại hình dịch vụ mượn - trả tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho cả bạn đọc và thủ thư. Hàng trăm ngàn cuốn sách tại kho đọc và kho mượn được dán mã vạch cùng với việc dán mã vạch thẻ thư viện và dùng máy đọc mã vạch đã làm cho khâu mượn - trả tài liệu được rất đơn giản hơn rất nhiều so với các thao tác thủ công trước đây.

Các phòng Đọc đa phương tiện và Truy nhập thông tin số hoá tốc độ cao cùng với những phần mềm ưu việt như phần mềm học tiếng Anh LANGMaster cũng ngày càng thu hút được nhiều bạn đọc tới thư viện.

II.2 Chiến lược phát triển giai đoạn 2007 - 2010

Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khai thác thông tin của cán bộ, sinh viên, học sinh, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chung hạn từ năm 2007 đến năm 2010 bao gồm các nội dung chính sau đây:

1. Củng cố và phát triển kho tài liệu in ấn bằng cách bổ sung sách, báo, tạp chí quốc văn và ngoại văn về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN. Hoàn thiện bộ giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ chuyển đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ. Ưu tiên tài liệu phục vụ chương trình đào tạo cử nhân tài năng và chất lượng cao, chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế (16/ 23)

2. Tiến tới xây dựng thư viện điện tử, bước đầu, Trung tâm xây dựng và triển khai Dự án xây dựng Cơ sở học liệu điện tử và nguồn tài nguyên số hoá. Dự án này bao gồm việc chuyển đổi sang dạng số toàn bộ giáo trình, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN, đồng thời triển khai xây dựng và thu thập các bài giảng điện tử (E-course) cũng như các dạng học liệu điện tử khác (phim, ảnh, bản đồ… số)

3. Liên kết với hệ thống thư viện và trung tâm thông tin trong nước và trên thế giới, trước hết là với thư viện thành viên trong Liên hiệp thư viện đại học khu vực phía Bắc và Hội thư viện Việt Nam. Tiếp đó, thực hiện liên thông, chia sẻ nguồn lực thông tin với các thư viện đại học quốc gia các nước Đông nam Á (AUNILO), và các thư viện đại học quốc gia các nước Đông Á. Trong tương lai, các thư viện điện tử của từng nước sẻ trở thành những bộ phận cấu thành của thư viện điện tử toàn cầu. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch liên kết quốc tế để thống nhất các vấn đề, đặc biệt là vấn đề chuẩn kỹ thuật.

4. Nâng cấp hệ thông mạng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại tất cả các khu vực làm việc của Trung tâm. Đồng thời hoàn chỉnh việc kết nối hệ thống mạng của Trung tâm vào mạng VNUnet ĐHQGHN và kết nối đường truyền tốc độ cao trực tiếp cho các phòng truy nhập số hoá và phòng Internet. Từng bước tổ chức mạng không dây trong Trung tâm.

5. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hiện có đồng thời mở rộng các dịch vụ thông tin - thư viện mới như CSDL thư mục và toàn văn bài trích; CSDL tóm tắt, tổng thuật; CSDL toàn văn các nguồn tài liệu xám của ĐHQGHN; truy cập off-line, online các CSDL ngoài ĐHQGHN và ngoài nước…

6. Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cán bộ thư viện. Áp dụng đồng bộ, kịp thời các chuẩn nghiệp vụ thư viện và phần mềm tin học tiên tiến trong quá trình xử lý, quản trị và cung cấp thông tin, tài liệu. Trang bị kiến thức thông tin cơ sở và nâng cao cho mọi đối tượng bạn đọc, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa bạn đọc và thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Digital Library Standards and Practices.

2. http://www.diglib.org/standards.htm

3. ingston D. cademic Library Managers at Work: Relationships, Contacts and Foci of Attention. Advances in Library Administration and Organization, Volume 19, 2002, pp. 101 - 136

4. Liên hiệp Thư viện Đại học Khu vực Phía bắc Phương hướng hoạt động của Liên hiệp nhiệm kỳ 2003-2005

5. Nguyen Huy Chuong (2005). The status of Library Quality Assurance in the Library and Information Center (LIC), Vietnam National University (VNU). Paper at the 2st AUNILO Meeting, Penang, Malaixia.

6. Nguyen Huy Chuong, Nguyen Thanh Ly (2006). Library and Information Center, VNU: Innovating Library and Information activities to Improve the Quality of Training and Science Research. Paper at the Hanoi Forum on Higher Education in 21 st Century, hanoi, Vietnam

7. Nguyễn Huy Chương (2006). Hoạt động của Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học giai đoạn 2001-2005 và chiến lược phát triển giai đoạn 2006-2010. Báo cáo tham dự hội nghị “Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2001-2005 của Đại học Quốc gia Hà Nội.”, Hà Nội.

8. Nguyễn Huy Chương (2004), Một số vấn đề về tổ chức quản lý thư viện đại học, Kỷ yếu Hội thảo Thông tin - Thư viện lần thứ 2, Hà Nội.

9. Nguyễn Huy Chương, Nhóm tác giả điều tra nghiên cứu - Trung tâm Thông tin - Thư viện đại học, ĐHQGHN (2004), “Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động thông tin thư viện đại học ”, Tạp chí Thông tin-Tư liệu (1), tr. 2-6.

10. Nguyễn Huy Chương , Trần Mạnh Tuấn (2005), Quan điểm xây dựng chiến lược và mục tiêu phát triển hoạt động thông tin - thư viện đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, Kỷ yếu Hội nghị ngành Thông tin Khoa học Công nghệ lần thứ V, Hà Nội.

11. Susan L. Perry, Dvid C. Weber. Evaluating academic library quality today. Advances In Librarianship, Volume 25, 2001, pp 97-131.

 TS. Nguyễn Huy Chương - Giám đốc Trung tâm TT - TV, ĐHQGHN
Theo: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học và thực tiễn Thông tin - Thư viện lần thứ 2, tháng 2/2007)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   |