I. KIẾN THỨC THÔNG TIN TRONG MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP MỚI
1. Kiến thức thông tin và đào tạo theo tín chỉ
Không chỉ trong Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), không khí trong các trường đại học Việt Nam đang nóng lên với những vấn đề như: tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới về chất và lượng, áp dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ... và thực sự các trường đang từng bước thay đổi cách dạy và học để nâng cao chất lượng đào tạo của mình, đáp ứng sự thay đổi của đất nước. Với sự thay đổi trong cách dạy và học hiện nay, cách học hiện đại lấy người học làm trung tâm thì vấn đề tự giải quyết vấn đề, tự tìm tòi nghiên cứu là cần thiết. Trong phương pháp học tập mới này sinh viên cần phải biết các kĩ năng tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề. Để học tập hiệu quả trong môi trường hiện nay, sinh viên “có kiến thức thông tin (Information Literacy - KTTT) phải là một người có khả năng nhận biết khi nào cần thông tin và có khả năng xác định, đánh giá và sử dụng một cách hiệu quả các thông tin cần thiết” (Theo định nghĩa của Tổ chức Thư viện Mỹ), tức là (1) biết cách thức sản xuất, phân bổ và tổ chức thông tin, (2) hiểu các thiết bị truy cập thông tin cơ bản như: bảng phân loại, cơ sở dữ liệu (CSDL), và các chỉ số; (3) có khả năng phát triển các chiến lược tìm kiếm trong quá trình truy cập thông tin; (4) học cách đánh giá thông tin một cách nghiêm túc; và (5) biết cách sử dụng thông tin một cách đúng đắn. Nhìn chung sinh viên cần kiến thức và các kĩ năng chung để có thể giải quyết tất cả các chủ đề mà họ được giao và các kiến thức nâng cao và kĩ năng cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Khác với đào tạo niên chế (đang áp dụng rộng rãi hiện nay), đào tạo tín chỉ không giới hạn thời gian học tập, sinh viên phải tích lũy khối lượng kiến thức định sẵn, khi nào tích lũy xong thì ra trường. Đây chính là một quy trình đào tạo “mềm dẻo”, lấy người học làm trung tâm, và theo phương pháp sư phạm tích cực, đòi hỏi sinh viên phải tự học tập, nghiên cứu nhiều hơn; sinh viên chỉ có 30% thời gian lên lớp, còn lại là tự học. Chương trình đào tạo tín chỉ sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp với năng lực của mình. Theo đó với cách dạy và học mới này sinh viên sẽ phải được trang bị các kĩ năng cần thiết về thông tin để có thể học tập thành công trong môi trường mới. Tuy nhiên, phát triển các kĩ năng KTTT luôn là một thách thức lớn đối với tất cả các sinh viên đại học và cán bộ giảng dạy. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin bao gồm CSDL thư mục, tài liệu điện tử dạng toàn văn, internet đã làm tăng vọt nguồn thông tin tuy nhiên nó cũng gây ra sự lo lắng trong môi trường nghiên cứu thư viện. Mặc dù môi trường này mang đến kho tài nguyên thông tin quý giá cho con người nhưng lại đòi hỏi người dùng phải có tri thức, kĩ năng và kinh nghiệm thì mới sử dụng một cách hiệu quả.
Trong những năm vừa qua, Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN đã được ĐHQGHN quan tâm và đầu tư khá nhiều. Từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các phòng đa phương tiện và gần đây nhất là dự án xây dựng CSDL bài trích tạp chí nhằm phục vụ tốt nhất công tác giảng dạy và học tập nghiên cứu của sinh viên và cán bộ giảng dạy nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN. Với sự đa dạng của thông tin trên web cũng như khối thông tin có thể tìm thấy trong thư viện, nhiều người dùng tin sẽ gặp phải một số trường hợp như: tìm thấy nguồn thông tin không phù hợp hoặc không có giá trị, không đúng với chuyên ngành mình quan tâm. Tuy nhiên, một mặt từ phương pháp học tập của sinh viên là thụ động, nên rất nhiều người dùng tin không dám hỏi hoặc cán bộ thư viện chưa thực sự sẵn sàng trả lời nên cho dù có rất nhiều vấn đề cần phải giải đáp trong quá trình tìm tin của sinh viên. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo theo tín chỉ của trường cần phải nâng cao KTTT cho sinh viên mà trước hết cần phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về KTTT cho cán bộ trong toàn ĐHQGHN, đặc biệt cho cán bộ giảng dạy và cán bộ thư viện.
2. Vấn đề triển khai KTTT tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
Từ những ngày đầu mới thành lập, một số cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ thư viện và có kĩ năng sư phạm được giao trọng trách hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên năm thứ nhất. Tuy nhiên, những hướng dẫn này chủ yếu vẫn là những giới thiệu chung về thư viện, các nguồn tài nguyên hiện có trong thư viện, cách sử dụng CSDL thư mục, giới thiệu về OPAC... và những hướng dẫn cụ thể hơn về nguồn tài liệu cho các lĩnh vực cụ thể lại chưa được giới thiệu một cách chuyên biệt. Trong môi trường thông tin hiện nay, vấn đề phổ biến KTTT cần được quan tâm và được thực hiện một cách bài bản, khoa học hơn. Trong các cuộc điều tra gần đây do Trung tâm tiến hành cho thấy, rất nhiều cán bộ giảng dạy và sinh viên nói rằng họ được hướng dẫn rất ít về cách sử dụng nguồn tài nguyên của thư viện và họ gặp khó khăn trong việc nghiên cứu. Xu hướng chung là người dùng tin thường chỉ sử dụng Internet để tìm tin trong khi những nguồn thông tin khác cả điện tử và dạng in lại chuẩn xác và đáng tin cậy hơn. Sinh viên cũng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài liệu điện tử dạng toàn văn trên internet và tránh xa nguồn tài liệu dạng giấy mặc dù tài liệu in có thể mang đến thông tin tốt hơn. Tất nhiên người dùng tin sẽ bị ngập tràn trong núi thông tin vì họ không biết các kỹ thuật tìm kiếm cơ bản như việc sử dụng từ khoá, chức năng hạn định, toán tử tìm kiếm những cái có thể thu hẹp các kết quả tìm kiếm của họ. Không có các hiểu biết cơ bản về nguyên tắc và công cụ truy cập thông tin, sinh viên sẽ bị hạn chế một phần nào đó trong việc tiếp cận thông tin.
Vì những lý do trên, cả cán bộ thư viện và cán bộ giảng dạy đều nhận thấy cần phải đưa KTTT vào chương trình giảng dạy chính thức. Năng lực thông tin được coi là thiết yếu để học tập thành công, thiết yếu cho công việc chuyên môn, nghề nghiệp tương lai và thực sự là cho học tập suốt đời. Sự thay đổi trong môi trường thư viện cũng diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên nhiều cán bộ giảng dạy và thậm chí là cán bộ thư viện vẫn lạ lẫm với khối lượng thông tin điện tử và các chiến lược, công cụ truy cập thông tin một cách hiệu quả. Vì thế cần phải có chương trình nâng cao KTTT cho cán bộ thư viên, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và từng bước đưa KTTT vào chương trình giảng dạy chính thức của trường.
Trên thế giới, KTTT được coi là không thể thiếu trong giáo dục đại học. Ở một số nước phát triển, KTTT được coi là một trong những kiến thức bắt buộc của sinh viên ở bất kỳ một trường đại học lớn nào. Ở Mỹ, KTTT còn được quy định thành tiêu chuẩn để các trường đại học thực hiện theo. Ở Việt Nam, mặc dù những năm gần đây, các trường đại học trên cả nước đầu tư vào thư viện rất mạnh, đã có các “thư viện điện tử”, trung tâm học liệu, tuy nhiên, đầu tư vào phát triển KTTT cho sinh viên và thậm chí cả cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lại chưa được đầu tư đích đáng.
Mục đích then chốt của dự án này là nhằm nâng cao kĩ năng tìm kiếm thông tin cho sinh viên thông qua việc đưa KTTT vào chương trình giảng dạy chính thức vì thế nhiều hoạt động dành cho cán bộ thư viện, cán bộ giảng dạy và các chuyên gia thông tin sẽ được tiến hành. Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, quá trình đưa KTTT vào chương trình giảng dạy sẽ gồm các chương trình hoạt động chính sau:
- Chương trình phát triển chuyên môn, bồi dưỡng các kĩ năng giảng dạy KTTT cho cán bộ thư viện
- Chương trình phát triển chương trình giảng dạy riêng cho cán bộ giảng dạy và giáo viên thư viện nhằm nâng cao sự phát triển, hợp tác với nhau.
- Triển khai chương trình giảng dạy KTTT tại các trường và khoa thành viên
Giai đoạn 1. Nghiên cứu và xây dựng dự án
Mục tiêu
- Nắm vững nội dung KTTT và các kinh nghiệm của nước ngoài
- Lựa chọn phương pháp tiến hành phù hợp nhất
- Nghiên cứu, xây dựng dự án một cách khoa học
Nội dung hoạt động
- Thành lập một ban chuyên trách về KTTT
- Phân công nghiên cứu từng mảng nội dung
- Cùng nhau xây dựng nội dung hoạt động tiếp theo để đưa kiến thức vào chương trình giảng dạy một cách hiệu quả nhất
Giai đoạn 2. Chương trình bồi dưỡng KTTT cho cán bộ thư viện
Để dự án thành công, cần phải nhận thức rằng cán bộ thư viện làm công tác hướng dẫn (giáo viên thư viện) đóng vai trò trung tâm và chủ đạo trong việc hợp tác với cán bộ giảng dạy để xây dựng chương trình giảng dạy cụ thể.
Mục tiêu:
- Thúc đẩy sự hợp tác giữa các giáo viên thư viện trong trường
- Cung cấp nguồn tài liệu cho phép giáo viên thư viện tập trung vào việc nghiên cứu KTTT và thiết lập nguồn tài liệu về KTTT;
- Tăng cơ hội được đào tạo nâng cao về KTTT
- Hình thành các nhóm hợp tác của cán bộ chuyên môn và cán bộ giảng dạy.
Nội dung hoạt động
Bao gồm các khoá học ngắn hạn, Hội nghị, diễn đàn về KTTT: nghiên cứu tài liệu về KTTT và nâng cao sự hợp tác giữa các giáo viên thư viện. Cụ thể:
- Khái niệm về KTTT và các kỹ năng của giáo viên thư viện để triển khai KTTT
- Các phương pháp dạy học ở đại học
- Phương pháp nghiên cứu khoa học từ việc tham khảo đến trình bày bản thuyết minh
- Kỹ năng vi tính cơ bản: internet, search engine, ms word, powerpoint
- Khái niệm về e-learning
- Vai trò của thư viện trong dạy - học ở bậc đại học
- Chất lượng dịch vụ (QoS): khảo sát, đánh giá, hoàn thiện và phát triển
- Thảo luận về KTTT, cách thức đưa KTTT vào chương trình giảng dạy
Giai đoạn 3: Nâng cao khả năng sử dụng Anh ngữ cho cán bộ thư viện
Mục tiêu
- Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ thư viện
Nội dung:
- Tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng đọc hiểu, tiếng Anh cho người sử dụng máy tính
- Tiếng Anh chuyên ngành thư viện
Giai đoạn 4. Bồi dưỡng và nâng cao sự hợp tác giữa giáo viên thư viện và cán bộ giảng dạy trong việc đưa KTTT vào chương trình giảng dạy
Mục tiêu:
- Giúp cán bộ giảng dạy hợp tác cùng cán bộ thư viện đưa KTTT vào các khoá học của họ một cách thích hợp
- Khuyến khích các khoa phát triển các kế hoạch phát triển kĩ năng trong toàn khoá học chuyên môn;
- Thúc đẩy sự hợp tác và vì thế các bộ phận có thể làm việc cùng nhau để xác định các phương pháp chung để nâng cao năng lực KTTT cho sinh viên; và
- Thúc đẩy sự hợp tác giữa các cán bộ giảng dạy trong cùng một bộ môn hay lĩnh vực cụ thể
Nội dung hoạt động
- Các hội thảo giữa cán bộ thư viện và cán bộ giảng dạy nhằm giúp cán bộ thư viện hiểu và nắm rõ về KTTT, các kĩ năng tìm kiếm cơ bản và nâng cao. Đồng thời cán bộ thư viện làm việc cùng cán bộ giảng dạy cùng nhau làm việc để xây dựng các khoá học cụ thể cho sinh viên.
Giai đoạn 5. Đưa KTTT vào chương trình giảng dạy chính thức của ĐHQGHN
Mục tiêu:
- Đưa KTTT trở thành một môn học bắt buộc với 1 đơn vị học trình (15 tiết)
Các hoạt động
- Xây dựng được chương trình giảng dạy cụ thể cho từng khoa, bộ môn
- Xây dựng hệ thống đánh giá và kiểm tra chất lượng
- Xây dựng kế hoạch phát triển tiếp theo
Với sự nỗ lực của cán bộ thư viện và sự ủng hộ của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội thì việc đưa KTTT trở thành môn học chính thức của sinh viên sẽ trở thành hiện thực, có như vậy sinh viên của chúng ta sẽ có cơ hội nâng cao năng lực học tập, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học và từng bước đưa Đại học Quốc gia Hà Nội ngang tầm các trường đại học trong khu vực và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Thanh Lý (2006). Những tiêu chuẩn kiến thức thông tin trong giáo dục đại học Mỹ và các chương trình đào tạo kiến thức thông tin tại Trung tâm thông tin Thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Kiến thức thông tin ngày 20/02/2006, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
2. Ninh Thị Kim Thoa (2006). Giáo dục người sử dụng trong thư viện đại học. Kỷ yếu hội thảo quốc tế về thư viện “Thư viện Việt Nam: Hội nhập và phát triển”, Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM, 28-30/08/2006.
Tiếng Anh
1. Birks, Jane &Hungt, Fiona. (2003). Library catalog. In Hands-on information literacy activities (pp. 41-42). New York: New York: Neal- Schuman
2. Burkhardt, Joanna M.; MacDonald, Mary C. & Rathemacher, Andree J. (2005). Planning to write. In Creating a comprehensive information literacy plan: A how-to-do-it manual and CD-ROM for librarians (pp. 33-53). New York: Neal- Schuman
3. LaGuardia. Cheryl &Oka, Christine K (2000). Preparing the class outline: In Becoming a library teacher (pp. 59-88). New York: Neal- Schuman
4. John J. Doherty (1999). Teaching Information Skills in the Information Age: the Need for Critical Thinking. Library Philosophy and Practice. Vol.1, No.2.
5. Young, Rosemary M. & Harmony, Stephen. (1999). Course integrated instruction. In Working with faculty to design undergraduate information literacy programs: A how-to-do-it manual for librarians (pp. 57-72). New York: Neal- Schuman.
|