Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
"Tương lai, ngày mai của đất nước dù thế nào cũng sẽ được đặt lên vai của thế hệ trẻ hôm nay"
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII dưới góc nhìn sinh viên

"Còn nhớ như in cảm giác rạo rực, tự hào, vui sướng khi lần đầu tiên mình trở thành cử tri, được cầm lá phiếu đi bầu tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XI (2002-2007), khi ấy mình mới là sinh viên năm thứ nhất. Bạn bè thường bảo rằng: Mấy vấn đề liên quan đến chính trị, bầu cử nọ kia không phải là chuyên môn chính nên quan tâm nhiều chỉ tổ nặng đầu... mình hoàn toàn không đồng ý. Tương lai, ngày mai của đất nước dù thế nào cũng sẽ được đặt lên vai của thế hệ trẻ hôm nay. Tham gia bầu cử, tìm hiểu về Quốc hội - cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân cả nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng mình...”, đó là những tâm sự rất chân thành của một bạn trẻ vốn là cựu sinh viên Khoa Báo chí (Trường ĐHKHXH&NV). Thời gian gần đây, khi người dân cả nước đang háo hức đón chờ sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XII thì cũng là lúc nhiều người đặt câu hỏi băn khoăn về ý thức và nhận thức chính trị của giới trẻ bây giờ. Vấn đề này đã được chúng tôi đem ra trao đổi với một số sinh viên của ĐHQGHN...

* Nguyễn Thanh Tuấn (SV K48 Kinh tế Đối ngoại, Khoa Kinh tế) - “Tôi sẽ tự ứng cử nếu cơ hội đến!”: Với tư cách là công dân tôi chưa thoả mãn với một số đại biểu Quốc hội trong việc chất vấn. Nhiều đại biểu có phần chất vấn rất sắc bén nhưng ngược lại có một số người đưa ra câu hỏi chất vấn mang tính bề nổi, không dựa vào các luận chứng vững chắc để có thể làm cho vấn đề được chất vấn rõ ràng. Ngoài ra, tôi thấy công tác tự ứng cử hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả khi các cá nhân tự ứng cử chỉ giới thiệu và liệt kê lý lịch trên giấy rồi mọi người theo đó mà đánh giá chứ chưa có điều kiện thể hiện cương lĩnh của mình khi ứng cử. Với tư cách là một người đã từng đi bầu cử, theo tôi công tác bầu cử hiện nay chất lượng chưa tốt do sự hiểu biết của cử tri về các ứng cử viên là không cao, đôi khi là không có. Khi nhìn vào bảng liệt kê lý lịch các ứng viên để tham khảo, nhưng thực ra đôi khi chẳng biết nên căn cứ vào mục nào, tiêu chí nào để quyết định chọn người này hau người kia. Không ít người thuần túy dựa vào bằng cấp, học vị, chức vụ của ứng cử viên để lựa chọn, ai có vẻ “to to”, “oai oai” thì bỏ phiếu. Đó là một thực tế. Nhưng bằng cấp đối với một đại biểu Quốc hội có thể chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Trong tương lai, nếu có cơ hội tự ứng cử, tôi sẽ không ngồi một chỗ chờ kết quả bỏ phiếu. Tôi muốn nói với mọi người về khả năng của mình, về những điều mình có thể làm cho cộng đồng nếu được trúng cử, và kêu gọi sự ủng hộ từ phía mọi người, và nếu có khả năng tài chính tôi sẽ tổ chức vận động giống ở các nước phát triển vì việc đó thực sự đem lại hiệu quả.

* Trịnh Thị Tứ (SV Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV) - “Người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trước hết phải hiểu dân”: Là một

cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải là đại biểu trung thành cho quyền và lợi ích của nhân dân, có trách nhiệm đại diện nhân dân bầu ra các vị trí chủ chốt của đất nước, giám sát công việc chung của Nhà nước. Nhân dân sẽ tín nhiệm, gửi gắm những ý kiến, nguyện vọng, cả những bức xúc mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, người đại biểu Quốc hội phải phản ánh, trình bày trên diễn đàn Quốc hội để cơ quan quyền lực cao nhất cùng thảo luận nhằm đề ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Những đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân sẽ được các đại biểu đưa về địa phương triển khai, tuyên truyền thực hiện. Rõ ràng, các vị đại biểu Quốc hội không chỉ đóng vai trò cầu nối thông thường giữa cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và nhân dân. Để làm được điều này, tôi hy vọng rằng các đại biểu được đề cử hoặc tự ứng cử vào Quốc hội khóa XII này sẽ là những người gần dân, hiểu dân, biết nhân dân mong muốn điều gì và cuộc sống thực tế của nhân dân ra sao? Tất cả những tâm tư, nguyện vọng của người dân, những khó khăn mà họ gặp, những đề xuất của họ đối với những vấn đề lớn của đất nước phải được các đại biểu nắm rõ để trình bày hoặc đề xuất giải pháp trước. Theo dõi các kỳ họp Quốc hội trong thời gian qua, tôi có cảm giác rằng số lượng các đại biểu Quốc hội “hoàn thành nhiệm vụ” rất thấp bởi phần lớn họ là những người làm công tác kiêm nhiệm. Nguyên nhân ở đây xuất phát từ lý do cơ cấu và trách nhiệm của từng đại biểu, nhiều người vẫn chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ chung, chưa xứng đáng với vai trò và vị trí của mình. Năm nay, luật bầu cử mới của chúng ta cho phép mở rộng hơn thành phần đại biểu tự ứng cử, tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp để cải thiện những hạn chế này, đồng thời cũng tạo điều kiện để người đại biểu phát huy vai trò thực thụ của mình...

* Nguyễn Duy Sơn (SV K40T1 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc,

Trường ĐH Ngoại ngữ
) - “Với tôi, cầm lá phiếu đi bầu là trách nhiệm và nghĩa vụ: Tôi luôn băn khoăn về câu hỏi: Với tư cách là một sinh viên, bạn mong muốn gì ở các đại biểu Quốc hội? Điều đầu tiên tôi muốn nói đến đó là việc trẻ hoá đội ngũ đại biểu Quốc hội. Trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại của hội nhập và hiện đại nước ta cần những bước bứt phá táo bạo, những nước đi vừa vững chắc lại vừa mang tính đột phá. Huy động và phát huy điều đó ở lớp trẻ là một điều mang ý nghĩa rất quan trọng. Một điều nữa tôi muốn đề cập đến đó là nên tăng số lượng đại biểu chuyên ngành luật.

Việc theo dõi, nắm bắt thông tin về các kỳ đại hội của bản thân tôi chưa được nhanh nhạy và đầy đủ lắm. Nhưng tôi có một niềm tin sâu sắc về sự chuyển mình đi lên của cả nước trong thời đại mới, vai trò của Quốc hội cũng sẽ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Bầu cử đại biểu lần này sẽ lần đầu tiên tôi được cầm lá phiếu đi bầu, lá phiếu thiêng liêng mà mang nặng trách nhiệm của mình trong đó. Nó vừa thể hiện sự trưởng thành lại vừa đem đến một áp lực lớn về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và với tất cả mọi người.

* Lã Thế Hùng (SV Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN) - “Hãy tự biết mình trước khi tự ứng cử”: Tôi rất vui khi biết rằng luật bầu cử đại

biểu Quốc hội khóa XII tới đây khá mở rộng cho đối tượng đại biểu tự ứng cử, tuy nhiên còn một số điều tôi vẫn băn khoăn. Một cá nhân để xứng đáng được tham gia điều hành Nhà nước trong vai trò là đại biểu Quốc hội thì phải đảm bảo có đức, có tài, có đủ khả năng và điều kiện để phụng sự quyền và lợi ích chung. Chỉ cần nghe các đại biểu trình bày, chất vấn trước diễn đàn Quốc hội, chúng ta cũng có thể đánh giá được năng lực, trình độ của từng người. Điều tôi muốn nói là, các cá nhân trước khi ra ứng cử phải tự biết xem xét mình có đủ tài, đạo đức và điều kiện để làm đại biểu cho nhân dân hay không? Nếu mỗi đại biểu tự ý thức được điều đó thì tôi tin ràng Quốc hội mới khóa XII sẽ mạnh hơn, đồng nghĩa với việc đất nước ta mạnh hơn. Một điều nữa tôi mong muốn ở các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới đó là sự hy sinh hoặc biết điều tiết những mục đích và lợi ích riêng tư. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ứng cử viên nào thừa nhận rằng họ muốn có quyền lực, nhưng thực tế thì khi đã có được vị trí cần thiết, nhiều người trong số họ lại sử dụng quyền lực ấy để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân. Để trở thành người đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói và lợi ích của nhân dân theo đúng nghĩa thì một ứng viên phải chấp nhận hy sinh những tham vọng vật chất cá nhân thông thường mà điều này thì không phải ai cũng làm được. Chính sách do con người tạo ra, Quốc hội là cơ quan xây dựng những chính sách ấy chính vì vậy những thành viên của Quốc hội tức là các đại biểu Quốc hội phải hơn ai hết hình dung ra được hiệu quả cũng như hậu quả mà chính sách đem lại. Dù nói gì đi chăng nữa thì việc lựa chọn và bầu ra được những đại biểu Quốc hội xứng đáng là điều khó và tôi tin mỗi cử tri chúng ta cũng đang dần chuẩn bị tâm thế cho mình để chờ đến ngày 20/5 tới đây...

* Đoàn Thị Thùy Trang (SV K49 Luật Kinh doanh, Khoa Luật) - Hãy làm sao xứng đáng với tên gọi Đại biểu Nhân dân: Quốc hội tồn

tại trong bất cứ chính thể dân chủ nào với chức năng thiêng liêng là đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân lao động. Đại biểu Quốc hội là trung gian truyền đạt lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tới tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất này, là cầu nối giữa Quốc hội và nhân dân, nhằm biến những ý chí của nhân dân thành pháp luật, đồng thời đảm bảo cho luật này được thực thi. Quốc hội hoạt động có hiệu quả hay không, có gắn kết được với nhân dân hay không tùy thuộc rất lớn vào tài năng của người đại biểu này. Do đó một người đại biểu Quốc hội theo tôi cần phải đảm bảo được những yêu cầu khắt khe: Thứ nhất, họ phải có một trình độ chuyên môn về luật để có thể hiểu được những luật mà họ đang làm ra cần như thế nào và sẽ được áp dụng như thế nào; Thứ hai, họ phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, tuân thủ ý chí nhân dân một cách có chọn lọc và sáng tạo.

Hiện nay đại biểu Quốc hội của Việt Nam đa số là những người bán chuyên trách, kiêm nhiệm do vậy trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chưa thực sự phát huy được vai trò của mình, chất lượng kỳ họp không cao tất yếu dẫn đến sở hữu hệ quả luật làm ra liên tục phải sửa đổi bổ sung, chưa thực đi sâu, đi sát vào cuộc sống. Từ đó sẽ giảm lòng tin của dân vào tài đức của các vị đại biểu Quốc hội. Do vậy cần nâng cao trình độ chuyên môn thực sự về luật pháp cho các vị đại biểu Quốc hội, dần chuyển họ sang vai trò chuyên trách. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy đại biểu Quốc hội (nghị sĩ) làm việc hết sức chuyên nghiệp. Họ có cả đội ngũ giúp việc riêng, lương bổng rất cao. Do vậy xã hội công dân rất phát triền bất cứ một cử tri nào cũng biết người mà họ cử làm đại diện đang làm gì. Vấn đề bầu cử là một vấn đề quan trọng. Làm sao có những chính sách, cách thức tuyên truyền thu hút được nhân dân tham gia, để dân nhận thực được tầm quan trọng của vấn đề bầu cử. Từ đó phải có một cơ chế buộc các ứng cử viên phải tranh cử. Thực chất vấn đề tranh cử là vấn đề quan trọng nhất trong bầu cử. Đó là hoạt động nhằm cho cử tri biết đến mình và làm tốt nhất để có được sự ủng hộ, qua đó làm cho dân quan tâm và cảm thấy được tôn trọng, nhận thức đúng vai trò của mình.

Ngày 20/5/2007 tới đây, cử tri cả nước sẽ tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2012). Dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội được bầu khóa này là 500 đại biểu, trong đó có 160 đại biểu Quốc hội (khóa XI) tái cử. Dự kiến số lượng Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (khóa XI) làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập 3 tiểu ban phục vụ gồm: Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban An ninh và Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về cơ cấu đại biểu Quốc hội được bầu cử khóa này được phân bổ cụ thể về số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu nữ, đại biểu ngoài Đảng...

 Lập Minh - Vũ Oanh (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   |