Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đông Kinh nghĩa thục với việc giáo dục tinh thần dân tộc cho nhân dân
Nhân dân Việt Nam có lịch sử lâu đời. Các di cốt và công cụ lao động của người nguyên thuỷ (người tối cổ) tìm thấy ở một vài di chỉ khảo cổ đã xác nhận điều này. Việt Nam lại nằm ở vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, trên đầu mối các đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng và thuận lợi từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.

Vì vậy, cư dân trên bán đảo này sớm có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hoá lớn của nhân loại, tiêu biểu là văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ thời cổ đại.

Bên cạnh những thuận lợi này, nhân dân Việt Nam cũng trải qua bao nhiêu khó khăn, thách thức của tự nhiên và kẻ thù xâm lược. Tuy thiên nhiên có phần ưu đãi, song bão lụt, nắng hạn, dịch bệnh, sâu bọ… hàng năm tước đoạt không ít cuộc sống và thành quả lao động của người dân. Từ sớm, Việt Nam đã trở thành mục tiêu, đối tượng đánh chiếm, thống trị của bọn xâm lược, từ nhiều phương kéo đến.

Vì vậy, dựng nước và giữ nước luôn gắn chặt với nhau ngay từ buổi đầu thời dựng nước. Không phải ngẫu nhiên mà ba câu chuyện truyền thuyết về “Âu Cơ - Lạc Long Quân”, “Sơn Tinh - Thuỷ Tinh” và “Thánh Gióng” ra đời sớm, gần như đồng thời, khái quát những nhận thức của tổ tiên ta về nguồn gốc dân tộc, về cuộc đấu tranh với thiên nhiên để dựng nước và đấu tranh chống xâm lược để bảo vệ đất nước, giành độc lập.

Sức mạnh trong lao động sản xuất và chống ngoại xâm trước hết là do ý thức, tinh thần cộng đồng, rồi hình thành tinh thần, ý thức dân tộc. Nhận thức sâu sắc rằng cơ đồ được dựng xây là kết quả của mồ hôi, xương máu của bao thế hệ mà ngày nay mỗi người đều có nghĩa vụ và phát triển. Quyền lợi của mỗi người, gia đình, quê hương, đất nước quyện chặt vào nhau, tạo nên ý thức liên kết và hành động trong công cuộc “giữ nhà - giữ làng - giữ nước”. Đây là một cơ sở tạo nên “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” 1 - như Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” (1924).

Tinh thần, ý thức dân tộc đã làm cho người Việt Nam không bị tuyệt chủng, không bị đồng hoá trong đêm trường hơn nghìn năm Bắc thuộc, gần 100 năm bị thực dân đô hộ và mấy chục năm bị đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam. Tinh thần, ý thức dân tộc là chìa khoá đi đến những thắng lợi lẫy lừng để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý, Trần, Lê, Quang Trung đến thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần, ý thức dân tộc đã vang mãi trong lời nói của các anh hùng, trong hịch, trong thơ ca mà tiêu biểu là sự khẳng định của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” (1428):

“Như nước Đại Việt ta

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”

Một nước có văn hiến là một nước có nền giáo dục phát triển, tạo nên những giá trị văn hoá và tinh thần của dân tộc, có ý chí tự cường, độc lập, không chịu khuất phục trước bất cứ bạo quyền nào. Việc khẳng định về tinh thần, ý thức dân tộc được nêu rõ trong lời hịch của Quang Trung, vang lên giữa đêm giao thừa thanh vắng, trước khi tiến ra Bắc đánh thắng quân Thanh:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để răng đen

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Tinh thần, ý thức dân tộc thể hiện quyền lợi, nghĩa vụ làm chủ, nó biến thành sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống mọi kẻ thù và thể hiện rõ nét ở lòng yêu nước, trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. “… Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2

Từ giữa thế kỷ XIX dân tộc Việt Nam lại phải đương đầu với một thử thách lớn: thực dân Pháp xâm lược, rồi thiết lập bộ máy cai trị trong cả nước. Lịch sử không bao giờ đặt cho mình một vấn đề không được giải quyết: vấn đề được đặt ra lúc bấy giờ là: cam tâm làm nô lệ hay tiếp tục cuộc đấu tranh chống Pháp để giành độc lập. Tinh thần, ý thức dân tộc, truyền thống yêu nước được hun đúc từ mấy nghìn năm không cho phép người Việt Nam chịu cảnh tôi đòi. Nhân dân đã vùng lên đấu tranh, khi mà đến thập kỷ đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống Pháp “dường như không thấy đường ra”. Ngọn cờ Cần Vương đã đổ, phong trào theo xu hướng dân chủ tư sản ra đời, nhưng không thể đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thành công. Tuy vậy, phong trào cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản “không phải là phát sinh ra dựa trên một cơ sở kinh tế xã hội có tính chất tư sản dân tộc đang nảy nở, mà chính là do tinh thần độc lập của dân tộc, cơ sở văn hoá của dân tộc, trước sự phá sản của chế độ phong kiến trong nước và trong lúc phương Đông đang biến chuyển từ phong kiến qua tư sản”3 Vì vậy, dù có những hạn chế, song phong trào cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản cũng có mặt tích cực: nó khơi dậy tinh thần dân tộc, ý thức đấu tranh để giành lại độc lập đang trong tay của bọn đế quốc cướp nước.

Đông Kinh nghĩa thục ra đời, tháng 3 - 1907, trong bối cảnh lịch sử ấy, và chủ trương mở mang dân trí, nâng cao dân trí, làm cho dân giàu, nước mạnh để đi tới tự cường, tự lập. Mục đích của Trường đã nói rõ điều này. Đó là:

“ - Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng.

- Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ.

- Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông du của Phan Bội Châu và phong trào Duy tân đang phát triển trong cả nước”4

Mục đích chính thức của Trường là như vậy, song mục tiêu sâu xa là đấu tranh giành độc lập, mà muốn đạt được mục tiêu này thì phải khơi dạy tinh thần dân tộc, ý thức tự cường, tự lập. Vì vậy, trên mặt trận văn hoá, giáo dục qua các tài liệu được biên soạn, qua công việc giảng dạy và tuyên truyền, chúng ta nhận thấy những hoạt động phong phú của Đông Kinh nghĩa thục đều hướng tới việc đề cao, giáo dục tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Đó là việc chống nền cựu học, đòi bỏ việc dùng chữ Hán, bỏ việc học theo lối khoa cử, lên án lối sống của bọn hủ nho. Bởi vì, nền cựu học là “kẻ thù của sự tiến bộ, của nền văn minh”, nó làm cho nhân dân “dốt tệ lắm”. Thái độ tự cao, tự đại, tư duy hẹp hòi, cố chấp, bảo thủ của đám hủ nho đã “làm cho nước yếu, dân hèn”, không tiếp nhận được cái mới, làm cho văn hoá dân tộc ngày một suy đồi. Việc học chữ Hán quá đỗi phức tạp, tốn nhiều công sức, ngăn trở việc học hành tiến bộ. Với việc giáo dục “lấy khoa cử làm mục đích” làm cho “nước ta sẽ không đời nào hưng thịnh được”5

Đông Kinh nghĩa thục đã tấn công nền giáo dục phong kiến không phù hợp với bước tiến của xã hội, chỉ có thể đào tạo những con người “không đem lại lợi ích quốc gia, xã hội cho nhân loại cả”6

Chống lại nền cựu học để xây dựng một nền giáo dục “phổ cập”, “hợp với tôn chỉ học thuật”, đạt được ba điều: “một là học vệ sinh” để cho thân thể khoẻ mạnh, “hai là học trị sinh” để chăm lo cho cuộc sống ăn, ở, mặc; “ba là học làm người, làm quốc dân”7 Nền giáo dục mới của Đông Kinh nghĩa thục được xây dựng theo các nguyên tắc nhân bản, dân tộc, hiện đại, tập trung vào những điểm chủ yếu:

Thứ nhất, phải học chữ quốc ngữ.

Trong “Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ” có đoạn nêu rõ

… “Chữ quốc ngữ là hồn của nước,

Phải đem ra tính trước dân ta

Sách các nước(*) sách Chi na(**)

Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường

…. Một người học muôn người đều biết,

Trí ta khôn muôn việc đều hay

Lợi quyền nắm được vào tay,

Có cơ tiến hoá, có ngày văn minh…”8

Thứ hai, phải học theo phương pháp mới, tránh lối tầm chương trích cú, nhằm rộng đường suy nghĩ, phát huy tính tích cực của người học. Trong “Văn minh tân học sách” nói rõ, trong học tập “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà. Không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó mấy bài về toán pháp, về chữ quốc ngữ. Để cho cái mà học sinh học và thi không trái ngược với việc thực tế họ phải làm…”9

Thứ ba, chú trọng giáo dục nhân cách đạo đức thể hiện ở việc giáo dục đạo làm người: “yêu gia đình, yêu làng xóm không phải là ái quần”, “Lòng yêu nước”…

Mục đích và nguyên tắc dạy học nêu trên của Đông Kinh nghĩa thục được thể hiện ở các môn học, chủ yếu về Văn văn, Hán văn, Pháp văn, Lịch sử, Địa dư, Luân lý, Toán pháp, các môn khoa học tự nhiên, trong đó Lịch sử, Địa dư, Văn, Luân lý được đặc biệt chú trọng, vì là những môn học này có sở trường và ưu thế đối với việc giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Mộ số sách mang tính giáo khoa, phổ cập được biên soạn, như “Nam quốc vĩ nhân”, “Nam quốc giai sự”, “Việt Nam quốc sử lược”, “Văn minh tân học sách”, “Quốc dân độc bản”, “Luân lý giáo khoa (tân đính)”, “Quốc văn tập độc”. Đây là những tác phẩm có giá trị văn học, có ý nghĩa giáo dục thuộc dòng văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX.

Qua nội dung các tập sách này, chúng ta thấy nổi lên tính dân tộc, tư cách một người yêu nước. “Luân lý giáo khoa (tân đính)” đã đặt việc giáo dục đạo đức lên hàng đầu; ‘bởi vì, nó là tinh hoa của quốc thể, nguồn gốc của giáo dục. Con em thanh niên ngày sau ra đời, tất đảm đang việc nước, có trách nhiệm về thế cuộc, nếu không trau dồi phẩm hạnh, thì tất cả các loại sách giáo khoa đều trở nên vô dụng hết”10 Có thể xem “Luân lý giáo khoa (tân đính)” là một quyển sách dạy cho thế hệ trẻ những điều cơ bản về các mối quan hệ và nghĩa vụ: “ĐỐI VỚI NƯỚC” (chương Hai), “ĐỐI VỚI NHÀ” (chương Ba), “ĐỐI VỚI MÌNH” (chương Bốn), “ĐỐI VỚI NGƯỜI” (chương Năm), “ĐỐI VỚI XÃ HỘI” (chương Sáu), “ĐỐI VỚI MUÔN LOÀI” (chương Bẩy).

Quyển “Quốc dân độc bản” gồm 79 bài với nhiều chủ đề khác nhau thuộc các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục; song điểm nổi bật, cũng là trọng tâm của sách, là nói về “Nguồn gốc xã hội”, “Lòng ái quần”, về đất nước “Bàn về nước”, “nước ta lập quốc từ xưa”, “nước ta khai hoá rất sớm” để di đến khẳng định rằng “Dân mạnh thì nước mạnh” và phải có “Lòng yêu nước” và phải hiểu “Thế nào là yêu nước thật sự” để hành động… Tất cả nội dung của các bài viết đều nhằm giáo dục cho mọi người phải biết yêu nước, ra sức góp phần cho Tổ quốc giầu mạnh. Điều cốt yếu là thể hiện lòng yêu nước ở những công việc, như “phải rèn luyện tinh thần tự lập để công thủ và chiến thắng…”, “phải dốc tâm tư, tài lực ra, phát huy những của cải tiềm tàng ấy, không bỏ phí một tấc đất nào, một sản vật nào mới thôi…”, “phải mài sắc chí tiến thủ mà tự cường không nghỉ…”, “phải bảo tồn cái hay vốn có để mở rộng lòng ái quần”, “dù có học tiếng nước ngoài cũng không miệt thị văn tự nước ta”11

Qua nội dung một vài quyển sách nêu trên, chúng ta nhận thấy rõ mục đích khơi dậy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục. Khai thác sở trường và ưu thế của bộ môn, Đông Kinh nghĩa thục rất chú trọng trong việc giảng dạy, tuyên truyền các kiến thức lịch sử dân tộc. Không bài trừ việc học tập lịch sử nước ngoài, không chỉ xem kiến thức lịch sử nước ngoài là kiến thức bổ sung, hỗ trợ cho nhận thức về sự phát triển của xã hội loài người, còn điều quan trọng là phải học lịch sử nước để noi gương tổ tiên mà tự cường”: Có kiến thức mênh mông, có tài năng uyên bác mà không biết sử Nam thì không thể có lợi gì cho nước Nam. Như vậy, học sử Nam là nghĩa vụ thứ nhất hiện nay”12

Các loại sách đều viết bằng chữ Hán, in trên giấy tốt, chữ rõ, đẹp, có đóng bìa dây. Trong số sách giáo khoa của Đông Kinh nghĩa thục, quyển “Quốc dân độc bản” được người đọc ưa thích, được phát hành hàng vạn quyển, vì nó đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến dân tộc, đất nước ta và thái độ của người dân trước tình cảnh của Tổ quốc.

Ngoài các cách biên soạn, Đông Kinh nghĩa thục còn tìm mua các loại tân thư, tân văn của Trung Quốc, Nhật Bản, như các quyển “Trung Quốc hồn”, “Nhật Bản tam thập niên duy tân sử” (Lịch sử 30 năm duy tân của Nhật Bản).

Tuy là một phong trào yêu nước hoạt động hợp pháp, nhưng Đông Kinh nghãi thục là “một cuộc vận động chính trị, chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ trong thời đại mới”13. Trong phạm vi hoạt động của mình, Đông Kinh nghĩa thục đã có những đóng góp cho việc xây dựng một nền giáo dục yêu nước, canh tân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức dân tộc của nhân dân. Vì vậy, chính quyền thực dân Pháp xem đây là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”14 và chúng đã đóng cửa trường sau 10 tháng hoạt động.

Đông Kinh nghĩa thục để lại cho chúng ta ngày nay nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá khi xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân tiến lên giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Về mặt giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, những bài học cũng có ý nghĩa không nhỏ khi chúng ta hội nhập vào khu vực và thế giới mà phải bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc. Tình hình tiếp nhận một cách xô bồ, không lựa chọn văn hoá nước ngoài, dẫn tới việc “lai căng”, mất gốc, khiến chúng ta phải lo lắng. Tình trạng sử dụng tiếng nước ngoài một cách quá mức cần thiết, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt đang lang tràn không chỉ trong giao tiếp đời thường mà cả trên báo chí và nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác. Việc không hứng thú, xa lánh các loại hình văn hoá dân gian, việc tái mù chữ, không hiểu biết về lịch sử dân tộc, có khuynh hướng gia tăng.

Thực trạng này buộc chúng ta phải tìm hiểu mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy, tuyên truyền của Đông Kinh nghĩa thục để góp phần vào khắc phục các yếu kém, thiếu sót nêu trên. Một điều cần chú ý là một số ý tưởng của Đông Kinh nghĩa thục đã được Hồ Chí Minh tiếp nhận từ nhỏ và trở thành một trong những cơ sở, nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, như các ý tưởng về sức mạnh của lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, vai trò, vị trí của giáo dục đối với sự phát triển xã hội… Về sự cần thiết phải biết lịch sử, văn hoá dân tộc, Bác Hồ đã cảnh báo “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng người nước ngoài…”. Điều này, ở một mức độ nào đó Đông Kinh nghĩa thục đã nói và làm. Cho nên, tìm hiểu Đông Kinh nghĩa thục nói chung, về việc giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nói riêng cũng chúng ta hiểu sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh.



(1): Hồ Chí Minh: Toàn tp, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 466

(2): Hồ Chí Minh: Toàn tp, sđd, tập 6, tr. 171.

(3): Lê Duẩn: V cách mng xã hi ch nghĩa Vit Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.5

(4): Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (đồng chủ biên): Đại cương Lch s Vit Nam Toàn tp, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 627.

(5): Văn thơ Đông Kinh nghĩa thc, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1997, tr. 74

(6): Sđtr, tr. 75

(7) Sđtr, tr. 71 - 72

(*) Các nước đây là Âu Mỹ

(**) Trung Quốc

(8): Văn thơ Đông Kinh nghĩa thc, sđd, tr. 110 - 111.

(9): Trích theo Chương Thâu: Đông Kinh nghĩa thc, Nxb Hà Nội, 1982, tr. 50.

(10): Văn thơ Đông Kinh nghĩa thc, sđd, tr. 14.

(11): X. Sđtr, tr. 58.

(12): Lời bạt quyển “Quốc sử giáo khoa thư”, trích Chương Thâu: Đông Kinh nghĩa thc và phong trào ci cách văn hoá đầu thế k XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1982, tr. 7

(13): Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn: Sđd, tr. 638.

(14): Dẫn theo Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự: Lch s Vit Nam (t 1897 đến 1914), Nxb Xây dựng, Hà Nội, tr. 234.

 GS. TS Phan Ngọc Liên
Trường ĐHSP Hà Nội - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |