Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tiếng trống cải cách giáo dục điểm từ phong trào Đông Kinh nghĩa thục còn vang vọng
Đông Kinh nghĩa thục là một phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Lực lượng đầu tàu của phong trào này là nhóm các danh sĩ Bắc Hà có nền tảng văn hóa Nho học nhưng có đầu óc canh tân.

Họ muốn kết hợp tinh hoa Nho học với thành tựu tiến bộ tư tưởng phương Tây, nhằm giáo dục, quảng bá, thúc đẩy các tư tưởng Khai sáng về đào tạo con người mới theo gương các nước phát triển và thúc đẩy ý thức yêu nước, độc lập tự cường, giữ gìn bản sắc đối với dân chúng Việt Nam thời Pháp thuộc.

“Đông kinh nghĩa thục, trống giục vang trời,

Hô duy tân khắp giáo, khoa, văn- xã ;

Trọng giao thương quốc tế, đẩy kinh- tài,

Phất cờ yêu nước, trống vọng ngàn năm” (Lê Thanh Bình: Tiếng trống Đông kinh nghĩa thục).

1. Phong trào là một hồi trống gióng lên bắt đầu từ vấn đề Cải cách giáo dục, phát triển thành cuộc vận động duy tân vì dân, vì nước:

1.1. Bức tranh tổng quát về phong trào Đông kinh kinh nghĩa thục.

Trong những năm 1905-1906 hai nhà Duy Tân Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã từng qua Nhật, được tai nghe mắt thấy sự trỗi dậy của nước Nhật “đồng văn”, “đồng châu”, “đồng chủng” nhờ áp dụng chủ trương chiến lược đúng đắn “thoát Á, nhập Âu”, canh tân trong nhiều lĩnh vực- trong đó có giáo dục, đào tạo. Hai cụ rất ấn tượng đối với tấm gương nhà tư tưởng canh tân Yukichi Fukuzawa mở trường Khánh Ứng nghĩa thục (Keio- Gijuku). Trường có cả 3 cấp: tiểu học, trung học, đại học theo chiều dọc; còn chiều có xu hướng phát triển thành Viện đa ngành nhiều khoa. Tiếp thu tư vấn của các cụ Phan, với tấm lòng “Ưu thời, mẫn thế” cộng với nhiệt huyết đối với đất nước, đồng bào…một nhóm sĩ phu Bắc Hà đã đứng ra chủ xướng một hình thức hoạt động cách mạng mới mẻ, góp một bài học kinh nghiệm trong con đường dẫn đến thành công của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sau này.

Dưới hình thức là một trường tư thục công khai- phỏng theo mô hình trường Khánh Ứng nghĩa thục nói trên (Trường do nhà canh tân Nhật Bản Phúc Trạch Dụ Cát- Yukichi Fukuzawa sáng lập năm 1856), trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời tại Hà Nội (từ 3/ 1907- 11/ 1907) rồi lan rộng sang các điạ phương khác. Thục trưởng Lương Văn Can cùng đồng chí là những nhà giáo dục cách tân, những sĩ phu tâm huyết chủ trương bỏ giáo dục kiểu cũ, thực hiện cải cách giáo dục, bồi dưỡng dân trí thông qua 4 Ban chính trong trường là: Ban giáo dục, Ban tài chính, Ban cổ động, Ban tu thư. Trường có 3 chủ trương lớn: Cải cách nội dung đào tạo, hướng vào các chủ đề là bồi dưỡng lòng yêu nước, tự chủ, tự hào dân tộc, phê phán các tư tưởng Nho học lỗi thời, bài trừ thói hư tật xấu người Việt Nam; Ứng dụng, quảng bá phương pháp dạy và học mới mẻ: học nhiều môn hiện đại (với định hướng tiếp thu văn minh Tây phương, bảo tồn bản sắc văn hóa, đề cao chủ nghĩa yêu nước; trọng sản xuất kinh doanh, chấn hưng kinh tế…), kết hợp giữa thuyết trình với thảo luận dân chủ giữa thầy và trò, nam nữ bình đẳng theo học…; Liên hiệp, ủng hộ các phong trào Việt Nam yêu nước khác thời đó. Ngoài các giáo trình, tài liệu do giảng viên tự soạn, trường còn dùng sách, báo, tư liệu của các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền…, sách báo ngoại quốc tiến bộ Tân văn, Tân thư của các nhà cải cách như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi (Trung Quốc), Yukichi Fukuzawa (Nhật Bản)…v.v. Giáo trình chủ yếu được viết, biên soạn, chú giải bằng chữ quốc ngữ, môn tự nhiên mới tham khảo giáo khoa Pháp, còn môn xã hội thì giao cho giảng viên trường tự soạn. Nếu xét từ góc độ phong trào trào vận động duy tân xã hộ, có thể nói rằng Đông kinh nghĩa thục chú trọng vào 3 mặt chủ yếu là: Giáo dân (giáo dục, nâng cao dân trí); Tân dân (làm cho dân đổi mới về tư tưởng- văn hóa), Dưỡng dân (Làm cho dân giàu có, tự cường, năng động, thực tiễn).

Mô hình Đông Kinh nghĩa thục từ Hà Nội, tỏa ra các tỉnh miền Bắc, phát triển thành phong trào, lan rộng tới các tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Phan Thiết…), đến tận Sài Gòn trong suốt thời gian tồn tại phong trào và các giai đoạn sau này. Lo sợ ảnh hưởng của phong trào đến sự thống trị, cuối năm 1907, thực dân Pháp đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục, năm 1908 đã đàn áp, bắt tù đày hầu hết các lãnh tụ, yếu nhân của phong trào. Tuy chính thức chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1907), nhưng Đông Kinh nghĩa thục là một phát hiện mới về thời gian, dùng sách lược tổ chức hoạt động công khai, đấu tranh trực diện bằng các hình thức giáo dục, văn hóa- tư tưởng… phục vụ cho đấu tranh võ trang lâu dài với kẻ thù; là sự diễn tập trong quá trình tìm tòi con đường cứu nước. Đó cũng là một nhánh đi tiến đến việc hội thông với con đường cách mạng đúng đắn, bài bản, hiệu quả sau này- nhờ kết tinh, rút kinh nghiệm từ Đông Kinh nghĩa thục và các nhánh đi khác.

1.2. Khái lược tổ chức, nội dung hoạt động cụ thể của Đông kinh nghĩa thục:

1.2.1. Về tổ chức:

Trường có 4 Ban lớn. Trước hết là Ban Giáo dục: Giảng viên Hán học gồm các vị Nguyễn Quyền, Vũ Trác, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Đào Nguyên Phổ…Ban Việt văn và Pháp Văn có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá, Nguyễn Bá Học đảm trách và có thêm hai nữ giáo viên dạy quốc ngữ cùng Pháp ngữ cho nữ sinh. Ban sử địa, toán do Trần Đình Đức, Phan Đình Đối chủ trì.

Thứ hai là Ban Tu thư (Trước tác): Gồm hai bộ phận là biên soạn và dịch thuật có nhiệm vụ biên soạn các giáo trình, tư liệu giảng dạy, học tập cho các thầy trò. Lực lượng nòng cốt là Lương Văn Can, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Đại. Chính 2 chí sĩ Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế cũng tham gia, nhất là cụ Ngô Đức Kế rất tích cực trong Ban này. Các ấn phẩm chính là Quốc dân độc bản (được in và tái bản nhiều lần tới hàng vạn bản mới đủ cho nhu cầu), Văn minh tân học sách, Nam quốc địa dư, Nam quốc giai sự, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư. Nguồn sách dịch chủ yếu là Tân văn, Tân thư của Trung Quốc, Nhật bản. Ngoài ra, các tác phẩm của nhiều danh sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền đều được dùng làm tài liệu giảng dạy. Trường có thư viện lớn, có cả Hộp thư góp ý cho việc giảng dạy.

Thứ ba là Ban Tài chính phụ trách chi, thu của Trường; tổ chức quyên góp Quỹ từ nguồn các nhà hảo tâm, gia đình phụ huynh học sinh ủng hộ và đóng góp của hội viên sáng lập Trường.

Thứ tư là Ban cổ động chuyên tổ chức các buổi diễn thuyết, bình văn, hội họp để gây ảnh hưởng rộng lớn, tiến vang, nâng uy tín, vai trò cho Đông kinh nghĩa thục. Trường còn biết dùng hai tờ báo có tiếng lúc đó- tờ Đăng cổ tùng báo và Đại Việt Tân báo làm cơ quan ngôn luận cho mình.

1.2.2.Nội dung hoạt động:

Suốt đêm trường của chính sách cai trị ngu dân thâm độc do thực dân Pháp và tay sai áp đặt; cộng thêm sự trì trệ, lạc hậu của chế độ khoa cử phong kiến, nếp sống xã hội tù đọng khép kín với nhiều hủ tục nặng nề của nền sản xuất nhỏ đình đốn thì sự xuất hiện Đông kinh nghĩa thục là làn một hồi trống đón gió mới, trong lành. Trong từng lĩnh vực cơ bản, nhạy cảm nhất của xã hội, Đông kinh nghĩa thục đều có những đường lối, chủ trương, đề ra kế hoạch, biện pháp hành động cụ thể.

a.Về giáo dục, tư tưởng- văn hóa, Đông Kinh nghĩa thục có các chủ trương:

-Chủ trương chống cựu học (nền giáo dục cũ) với các giáo lý cũ Nho học lỗi thời cản trở đất nước phát triển. Tờ Đăng cổ tùng báo ra ngày 27/6/1907 vạch rõ: “…Bao nhiêu cái khổ sở, nhục nhằn ở nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả”. Dốt vì nền cựu học đè nặng tư tưởng lại bị thực dân Pháp lợi dụng để trị. Do đó các chí sĩ đề ra giải pháp: Mở trường khai hoá nền dân trí dấy phong trào chống nền giáo dục cũ hủ lậu vì nó là “kẻ thù của tiến bộ và văn minh”

- Chống bọn hủ nho và chế độ Khoa cử hư danh, xa rời cuộc sống:. Đỗ Chân Thiết mỉa mai tả các thí sinh chạy theo khoa cử giống như: người tù, kẻ trộm, chuột trong hang, mèo ăn vụng, tôm nhảy cẩng, giun co ro. Đó là những kẻ “trói gà không chặt, dài lưng tốn vải”, cố làm quan để có mũ cao, áo dài, vinh thân phì gia, thoát ly các hoạt động thực tiễn; coi nhẹ kinh doanh, công thương, sản xuất lưu thông…

-Chống chữ Hán, thúc đẩy học và phổ biến chữ quốc ngữ: Chính Phan Châu Trinh từng nói: “Không bỏ chữ Hán không cứu được nước Nam”. Do chữ quốc ngữ nhiều ưu điểm hơn chữ Hán, các chí sĩ chủ trương đưa chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán làm ngôn ngữ viết chính thức để phổ cập cho mọi người học tập dễ dàng, đoạn tuyệt được giai đoạn cựu học, bước vào thời kỳ mới.. Các nhà duy tân nhận rõ: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước”; và kêu gọi: “Người trong nước nên đi học lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ em đều biết chữ và người ta có thể dùng chữ quốc ngữ để ghi chép việc đời xưa, chép việc đời nay. Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy” (Dẫn theo Chương Thâu- phần Tài liệu tham khảo). Sau một thời gian, kết quả rất khả quan: thói quen dùng quốc ngữ dần phát triển rộng rãi; văn xuôi và ngôn ngữ viết trên sách báo có những bước tiến; giao lưu văn hóa với nước ngoài cùng hoạt động dịch thuật tài liệu, sách báo nước ngoài (kể cả của phương Tây) đã làm đời sống tư tưởng, văn hóa thông thoáng hơn trước 1907. Vốn từ Việt cũng được bổ sung từ mới, làm phong phú, giàu có, hiện đại thêm tiếng Việt bởi các từ du nhập phương Tây như: cách mạng, nghị trường, dân chủ, hợp quần, óc cạnh tranh, kinh tế…Các sách sử cũ cũng được biên soạn lại theo tinh thần mới, ngôn ngữ mới nên việc diễn đạt hiện đại hơn, đơn giản, dễ hiểu hơn, làm cho công chúng dễ tiếp thu hơn.

- Thúc đẩy việc dạy, học, thi cử theo phương pháp mới: Trước tiên, Trường chủ trương thầy trò ăn mặc, tác phong tân thời, noi theo hình mẫu cụ Phan Châu Trinh mặc comlê, thắt cavát như người Âu; bỏ búi tó, cắt tóc ngắn. Thầy không giảng lối thầy đọc, trò chép, mà mở mang tranh luận, thầy hay nêu vấn đề thời sự từ sách báo để cả lớp cùng thảo luận, phát biểu chính kiến. Giáo trình nội dung tiến bộ, bổ ích, học trò nam nữ có thể cùng ngồi nghe thầy giảng, bình đẳng trong tranh luận. Các phương pháp sư phạm hiệu quả, kể cả kiểu mới được áp dụng như: Giảng sách, diễn thuyết, đọc báo, bình văn, thảo luận nhóm nhỏ và nhóm lớn, tọa đàm, đóng kịch phân vai…

Trường đề nghị sửa đổi phép thi, bỏ học văn biền ngẫu, bổ khuyết thêm phần câu hỏi thi đề tài quốc ngữ, toán; loại những kiểu đánh giá mang tính hình thức để chú trọng vào thực chất. Trong thi cử, phần câu hỏi đã khêu gợi, hướng cho học sinh tự do tư tưởng, độc lập suy nghĩ (Ví dụ thước đo thực học không phải là thông tỏ điển chương mà phải có kiến thức nền tảng rộng- cả xã hội, tự nhiên; có tầm nhìn xa; biết ngoại ngữ- trước hết là Pháp ngữ…). Trước đây trong môn sử, văn…, nội dung thường chứa đựng sự kiện, tác phẩm của Việt Nam, Trung Quốc, nay Trường bổ sung thêm phần phương Tây.

Tóm lại, Trường chủ trương sửa đổi để những điều học sinh học và thi không trái ngược, không xa rời giữa học với thực tế phải làm, phải xử lý trong cuộc sống.

- Đề cao tính nhân bản, phát huy sáng tạo trong dạy và học: Quan điểm nhà trường dứt khoát thầy không phải là quan tòa, thẩm phán mà là những vị cố vấn nhiệt thành, học vấn sâu rộng, đạo đức gương mẫu. Thầy phải lịch sự, tôn trọng nhân cách trò, truyền giảng được những gì mà người Việt chân chính, hiểu đạo nghĩa phải hành động đối với Tổ quốc, đồng bào.

- Coi trọng vai trò quảng bá tri thức, nâng cao uy tín trường, thúc đẩy vận động duy tân của báo chí: Cuốn “Văn minh tân học sách”- được coi là thể hiện cương lĩnh của Đông kinh nghĩa thục, đã nêu rõ vai trò báo chí của các nước Âu, Mỹ, Nhật, Trung đối với dân chủ, tiến bộ xã hội. Từ đó hô hào nước ta mở nhiều tờ báo với những chủ bút có năng lực, giàu tâm huyết để thông qua ngôn luận đả phá được đầu óc bảo thủ, trì trệ của hủ nho và những người lạc hậu; đưa tri thức khoa học, văn hóa mới, tư tưởng tự cường, cạnh tranh… đến mọi người Việt- từ quan đến dân, già, trẻ, các tầng lớp dân cư.

- Đề cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc: Thông qua các môn học lịch sử, địa lý và các hoạt động khác, Đông kinh nghĩa thục dần dấy lên phong trào vận động, nhấn mạnh lòng yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc, ngầm kêu gọi người Việt ủng hộ, tham gia các hoạt động chống Pháp, giành độc lập đất nước. Nhiều bài học, bài giảng được diễn tả dưới hình thức thơ lục bát dân gian cho dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, dễ quảng bá rộng rãi. Các chủ đề chính là: biểu dương thành tựu dựng nước, giữ nước của cha ông, lên án ách thống trị thực dân Pháp, tố cáo tội ác của thực dân và đầu óc hủ bại của quan lại, hủ nho, kêu gọi mọi người đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.

- Giáo dục sơ đẳng (xu hướng phổ thông) và giáo dục chuyên môn: Mặc dù mới ở mức độ khai phá, nhưng Đông Kinh ngĩa thục đã có ý thức phân luồng giáo dục phổ cập (các chương trình sơ trung) cho quảng đại người dân và giáo dục chuyên sâu cho những người có nhu cầu học nghề, phục vụ phát triển sản xuất trong xã hội. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta, Đông kinh nghĩa thục đã từ bỏ việc đồng nhất ý niệm giáo dục và thi cử trong chế độ cũ, trường đã có bước tiến lớn là tách rời thi cử ra khỏi giáo dục. Trong cuốn “Quốc dân độc bản” đã nói rõ: “Khoa cử và nhà trường là 2 cái đối lập nhau… Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hướng của mình. Những người giàu có nên cho con em ra nước ngoài vào học các trường thực nghiệp để khuyếch trương nghề nghiệp của mình, như thế vinh quang hơn cái học khoa cử vạn lần”. Quan niệm mới chính là một cuộc cách mạng mới về tư tưởng, vì Đông Kinh nghĩa thục cho rằng: Học không chỉ nhằm đỗ đạt, làm quan mà mục đích chính để làm người hữu dụng. Nhà trường đã chuyển từ học chế xưa chuyên phục vụ cho số ít sang nền giáo dục phổ cập cho đa số dân chúng, đồng thời chú ý đào tạo “cán bộ chuyên môn cho các ngành nghề, lĩnh vực”. Đông Kinh nghĩa thục còn phân định rõ khoa học phổ thông và khoa học chuyên môn- chuyên ngành. Tác phẩm “Quốc dân độc bản” luận giải: Khoa học phổ thông là khoa học chung mà sĩ, nông, công, thương đều cần đến. Khoa học chuyên môn thì chỉ dành cho các chuyên gia của 4 giới sĩ, nông, công thương nói trên. Muốn đi sâu vào chuyên môn, trước hết phải học phổ thông đã.

b. Về mặt xã hội, tập tục, nếp sống:

Đông Kinh nghĩa thục chống tư tưởng thiên mệnh, các tín điều bảo thủ, trì trệ của Nho gia và các hủ tục xã hội: Chống ở đây là áp dụng đối với các hủ nho có tư tưởng hẹp hòi cố chấp, tự cao, tầm nhìn hạn chế, cố thủ trong tín điều Nho giáo, tự huyễn hoặc hay bất hợp tác với Pháp bằng cách ở ẩn, buông xuôi theo “Thiên mệnh”. Chính những người này cũng là nguyên nhân làm cho nước yếu, dân hèn, bảo thủ, chống sự tiến bộ cải cách. Các nhà hoạt động của Đông kinh nghĩa thục đã lên án mạnh mẽ cách ăn mặc, đầu tóc, tư duy, lối tiếp xúc quan hệ, thói bài bạc, ưa tĩnh nhàn… của hủ nho nệ cổ và một bộ phận dân chúng đều không hợp với khoa học, văn minh, cần thay đổi nhanh mới tương thích với thời đại mới và góp được sức cho các phong trào yêu nước lúc đó. Hãy nghe một bài thơ chống hủ tục, thói xấu được phổ biến như sau:

“… Bỏ nghề cờ bạc tham dâm,

Bỏ nghề dại chợ, khôn nhà bấy lâu,

Bỏ tranh phi, bỏ lý sự cùn,

… Điều tục lụy, điều chi cũng đổi,

Đổi cho rồi, các thói bấy lâu”. (Thanh Lăng: Bản lược đồ văn học Việt Nam, NXB Trình bày; Sài Gòn, 1967; tr 95).

c. Về kinh tế:

Giáo dân để dân nâng cao dân trí, tân dân để dân bỏ hủ tục, có nhận thức mới, dám cải tạo xã hội; nhưng muốn nước mạnh phải dưỡng dân- đó cũng là mục tiêu của phong trào. Dưỡng cho dân giàu là thúc đẩy dân chúng mở mang công thương nghiệp; đi vào kinh doanh sản xuất, thương mại để kinh tế phát triển, của cải xã hội dồi dào. Về lý luận, Đông Kinh nghĩa thục phân tích rõ những nguyên nhân làm kinh tế đất nước trì trệ, kém cỏi, chỉ ra việc cần loại bỏ tư duy cũ: “Trọng nông, ức thương”, đồng thời chính các nhà sáng lập, vận động phong trào còn trực tiếp đi đầu trong hoạt động mở hiệu buôn, công ty công nghiệp; lập đồn điền, lập các “nông hội”, hô hào dùng hàng nội hóa… để chấn hưng kinh tế. Cụ Đỗ Chân Thiết mở hiệu buôn “Đồng Lợi Tế” chuyên buôn bán hàng nội hóa và hiệu thuốc bắc “Tụy Phương” gần ga Hàng Cỏ. Cụ còn chung vốn với cụ Phương Sơn lập hội đi các tỉnh thu mua gạo về bán ở Hà Nội. Cụ Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí cho ra đời công ty “Đông Thành Xương” buôn bán tạp hóa ở phố Hàng Gai. Phong trào lập hội kinh doanh lan rộng ra khắp nước. Nhiều hiệu buôn nổi lên như: Hưng Lợi Tế (Hưng Yên); Sơn Thọ (Việt Trì); Phương Lâu (Thanh Hóa); Triều dương thương quán (Nghệ An); Liên Thành (Quảng Nam); Minh Tân khách sạn (Sài Gòn); Hiệu thuốc “Từ bình đường” (Bến Tre); Tân Hợp Long (Long Xuyên)…v.v.

Một số người còn bỏ tâm sức đi thăm dò khai thác mỏ hay lập đồn điền, lập trại trồng cây lương thực. Ví dụ đồn điền ở châu Yên Tập (Hưng Hóa), Mỹ Đức (Hà Đông). Tuy không thành công lớn nhưng phong trào đã chứng tỏ đầu óc tư duy mới, dám nghĩ, dám làm, mở ra được những hướng mới trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

d. Việc phối hợp với phong trào yêu nước khác:

Các lãnh tụ và thành viên cốt cán Đông kinh nghĩa thục đều coi các hoạt động công khai của phong trào chỉ là sách lược tạm thời, họ không ảo tưởng vào hảo tâm của Pháp. Họ muốn kết hợp cải cách với bạo động; ủng hộ liên kết chặt với Phan Bội Châu, tổ chức Duy tân Hội, phong trào Đông Du và tán thành chủ trương bạo động đánh Pháp của cụ Phan; có lúc, có nơi đã tổ chức tập quân sự, trữ dấu vũ khí. Họ kính trọng nhưng liên hệ không chặt với cụ Phan Châu Trinh và có tiếp xúc với cụ Đề Thám, giúp đỡ khởi nghĩa Yên Thế…v.v

Tóm lại, Đông Kinh nghĩa thục là một cuộc vận động động duy tân yêu nước, một phong trào sôi nổi tập trung vào những vấn đề xã hội nhạy cảm là cải cách giáo dục, nâng cao dân trí, đổi mới nhận thức văn hóa- tư tưởng, làm tâm điểm cho các hoạt động canh tân khác và cả hoạt động chính trị, bạo động, trù bị võ trang bí mật… Tư tưởng xuyên suốt là cách mạng dân tộc- chống Pháp, dân chủ- bài phong kiến, nhằm giải phóng dân tộc, hướng đến xây dựng xã hội tư bản theo kiểu châu Âu.

1.3. Phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Tĩnh:

Thời đó, ở Hà Tĩnh, đường sá đi lại không thuận tiện bằng Nghệ An; hay việc lai kinh vào Huế cũng khó khăn bởi giao thông đường bộ chưa hoàn bị, xa xôi, còn đi bằng đường thủy thì không phổ biến và tàu thuyền không đảm bảo, nên buôn bán, giao thương kém, dân nghèo rất đông, dân trí thấp…

Nhưng Hà Tĩnh là quê hương của nhiều danh thần, tướng lĩnh kiệt xuất, là nơi có cuộc khởi nghĩa chống Pháp do chí sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo… Khi tiếng súng của cụ Phan Đình Phùng và người cận tướng tài ba Cao Thắng cùng nghĩa quân đã tắt, vùng đất này bề ngoài im ắng, nhưng mọi người đều hun đúc cho mình một ngọn lửa yêu nước luôn âm ỉ trong lòng chỉ đợi dịp là bùng cháy. Nằm sát với Nghệ An- nơi có những nhà duy tân đi về như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế…, lại gián tiếp, trực tiếp được nhiều đồng chí, môn đệ và học trò của họ quảng bá, tổ chức các hoạt động yêu nước, nên khi mô hình Đông Kinh nghĩa thục lan đến xứ Nghệ thì gần như ngay lập tức cũng được Hà Tĩnh hưởng ứng.

Tại Hà Tĩnh trước 1907, số trường sơ học toàn tỉnh có thể đếm được trên đầu ngón tay, là vùng đất có nhiều nhà Nho, quan lại trí sĩ ở đó đông, dân hiếu học, các bậc túc nho có ý thức bồi dưỡng cho dân trí ở địa phương nên tồn tại các lớp học tại gia khá nhiều. Hoạt động kinh tế đầu tiên của phong trào Đông Kinh nghĩa thục tại xứ Nghệ là Triêu dương thương quán của Nghệ An mở chi nhánh ở Hà Tĩnh ngay năm 1907 để thực hiện việc chấn hưng kinh tế. Trước đó, cả Nghệ An, Hà Tĩnh bắt đầu hình thành các Hội tương tế, tạo mối liên hệ giữa quần chúng yêu nước với các tổ chức cơ sở của cụ Phan Bội Châu (Ví dụ Tổ chức “Duy tân Hội”), sau đó hoạt động yêu nước ở Hà Tĩnh dần có mầu sắc riêng (chủ yếu hình thành dưới hình thức hoạt động kinh tế, văn hóa- giáo dục, tương trợ nhau vì mục tiêu chung cứu nước cứu nòi nên hưởng ứng Đông kinh nghĩa thục rất nhiệt tình, hăng hái, sáng tạo).

Dựa theo mô hình Hà Nội, phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Tĩnh cũng lập Trường Phong Phú tại huyện Thạch Hà. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện, trường này còn thu hút cả con em huyện khác từ Can Lộc, Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… đến học. Đặc biệt Tri phủ huyện Thạch Hà là cụ Lê Thiếp cũng cho con trai cả là Lê Thiêm học ở đây. Trường này kéo dài hoạt động đến tận năm 1912 mới đóng cửa (dù ở Hà Nội và lân cận các trường bị đóng cửa ngay cuối năm 1907). Ngoài các giáo trình mang từ Hà Nội, Vinh vào, nhiều nho sĩ trong trường còn chủ động sáng tác văn thơ phục vụ việc giảng dạy, tuyên truyền phong trào. Ông Trương Ngọc Trác- một thầy giáo nổi tiếng của Trường Phong Phú đã làm một bài diễn ca hô hào mọi người học chữ quốc ngữ như sau:

“… Ngoài tứ phương trống đánh biểu tình,

Đều nam nữ bình quyền rứa cả,

Việc gia thất xin chàng chớ vội,

Mau về quê nhận dạy học hành,

Một hai năm cách mệnh hoàn thành,

Chàng với thiếp sẽ về lo liệu…” ;

Có nho sĩ còn viết bài chỉ rõ tiềm năng giao thương Hà Tĩnh và các vùng xung quanh, nếu khắc phục được trở ngại giao thông đi lại, mạnh dạn phát huy được chủ trương “Dưỡng dân” của Đông Kinh nghĩa thục. Bài thơ khuyết danh sau đây khá thú vị:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Triêu dương thương quán theo thành Đông Kinh,

Hà Tĩnh muốn học cho nhanh,

Ngại đường cách trở, xa xôi các vùng,

Muốn vô mau Quảng Bình, Quảng Trị…

Đem hồ tiêu, muối, gỗ… đi buôn,

Vải Đức Thọ, cá Cẩm Xuyên ...

Hàng hàng trao đổi, nhiều tiền dưỡng dân,

Làm sao tiện đường đi xuôi ngược?”.

Quyết chấn hưng thương mãi, một số người hiểu biết, đi theo phong trào Đông Kinh nghĩa thục hăng hái đã hợp lực mở các hiệu buôn tạp hóa, vải vóc, hương liệu, thuốc Bắc và cả thuốc Nam. Nổi tiếng là hiệu buôn Mộng Hanh buôn tơ, lụa, (ở Chợ Trổ- Can Lộc) của chí sĩ Lê Văn Huân, cửa hàng Đông Thái (Đức Thọ), các cửa hàng tại chợ Cồn, chợ Huyện (Can Lộc), chợ Ngạn (Thạch Hà), chợ Đình (Nghi Xuân), chợ Voi (Kỳ Anh), chợ Vực (Cẩm Xuyên…Nhiều trí giả, giỏi Đông y đã mở các hiệu thuốc Bắc, thuốc Nam ở các huyện lỵ Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân v.v. Ông Lê Võ mạnh dạn lập trang trại cở Cộng Khánh, Nghi Xuân. Các Hội tương tế còn mở các lớp dạy chữ quốc ngữ phạm vi nhỏ, đặt taị các gia đình có uy tín để khai dân trí, vận động xuất dương du học.

Nhìn chung, nho sĩ Hà tĩnh biết kết hợp hoạt động giáo dục văn hóa công khai, phát triển kinh tế với hoạt động chính trị bí mật, ủng hộ các đồng chí của cụ Phan Bội Châu như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân…; ngầm tích trữ tiền bạc, khí giới, tuyển mộ những người quật cường để sẵn sàng khi cần sẽ đi theo cụ Phan Bội Châu.

Ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục đã tác động đến vị tri phủ Lê Thiếp trong công cuộc mở đường từ Hà Tĩnh đi Đèo Ngang, đẩy mạnh giao thương kinh tế và khuyến khích con cái học quốc ngữ, tham gia dạy các lớp học gia đình để để giúp dân.…v.v.

Ông Lê Thiếp (1868- 1908) xuất thân từ gia đình khoa bảng, tướng lãnh, phát tích ở làng Mỹ Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thuộc chi Đô Thắng Bá Lê Cảnh Sắc, cùng một gốc, một tổ với các chi Lê Mậu, Lê Bá, Lê Văn. Năm 1522, Doãn Lộc hầu Lê Mậu Doãn được lệnh vua Lê Chiêu Tông mang quân cùng các chi họ trên vào trấn thủ Quảng Trị, nên sau này cả họ bám trụ, phát triển ở vùng Triệu Phong, nay thuộc Bích La, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Do có điều kiện học hành, giao thiệp, có nhiệt tâm, lại am hiểu 2 vùng quê Hà Tĩnh, Quảng Trị nên ông Lê Thiếp sớm có đầu óc linh hoạt, thực tiễn, tư duy mới mẻ. Làm tri phủ Thạch Hà được 4 năm, khoảng giữa năm 1907, tiếp thu tư tưởng “dưỡng dân”, chấn hưng kinh tế, mở rộng giao thương từ sách báo, trước tác của các lãnh tụ Đông Kinh nghĩa thục, ông sớm nhận rõ: Đất Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, nhưng cách xa cố đô Huế, bị ngăn cách bởi địa hình rừng núi hiểm trở, nhất là cách Đèo Ngang, sông Gianh, phá Tam Giang v.v…Ông Lê Thiếp và một số quan lại đồng liêu, kẻ sĩ Hà Tĩnh rất tâm đắc với những phân tích và quan điểm mới được thể hiện trong “Quốc dân độc bản” của Đông Kinh nghĩa thục: “Nước giàu thì giao thông, thông tin càng hoàn bị, mà nước càng văn minh. Vì sao vậy? Vận chuyển thuận lợi, tin tức nhanh chóng thì thương nghiệp, công nghiệp tiến bộ vượt bậc. Vả lại, xa xôi nghìn dặm, sáng đi chiều đã đến nơi, người lưu luyến quê hương cũng muốn đi nơi này nơi nọ. Những vùng hẻo lánh, người thưa thớt cũng biến thành đất giàu có, phồn vinh. Những kẻ không có nghề nghiệp dần dần trở nên sung túc, những kẻ ngu dốt, hủ lậu cũng mở rộng được kiến văn. Người tứ xứ quy lại, chung sống với nhau thì ngôn ngữ, phong tục cả nước mới có thể thống nhất. Giao thông, thông tin quan hệ đến xã hội như thế đấy” (Dẫn theo Chương Thâu: Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, NXB Văn hóa Thông tin, H. 1997). Tri phủ Lê Thiếp trăn trở làm sao để các tỉnh tăng cường giao thương buôn bán và những kẻ thức giả tiêu biểu giữa các vùng có điều kiện gặp gỡ, đàm luận với nhau dễ dàng thì khâu quan trọng là giao thông phải thuận lợi. Lúc đó đường từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình còn sơ lược, nhiều đoạn hư hỏng, chắp vá, chạy qua núi đồi, đèo dốc, thiếu bảo trì, bị xuống cấp do mưa nắng, lụt lội…Thế là ông đề xuất với triều đình xin đứng ra thống suất quân lính, dân phu hoàn thiện, nâng cấp, khai mở con đường từ Hà Tĩnh vào Huế trước hết là đến Đèo Ngang. Được vua Thành Thái đồng ý, quan lại đứng đầu Hà Tĩnh ủng hộ, công trình hoàn chỉnh, khai mở quy mô đường từ nam tỉnh thành qua huyện lỵ Thạch Hà, nối với các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đến Đèo Ngang lập tức được khẩn trương tiến hành. Hơn nửa năm ông Lê Thiếp cùng binh lính, dân phu lao động cật lực, giữa những vùng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, điều kiện ăn uống thiếu thốn… đến đầu 1908 thì con đường cơ bản hoàn thành, ngày nay chính là đoạn quốc lộ số 1 chạy qua Hà Tĩnh- với những đoạn đường được cải tạo, nâng cấp từ con đường được hình thành cách đây 100 năm trước. Cũng vào mùa xuân 1908, tuần phủ Hà Tĩnh cho mời ông Lê Thiếp về tỉnh lỵ để báo công và nhận sắc phong triều đình thăng ông lên chức án sát. Về đến nửa đường thì viên quan tận tâm, tận lực vì việc công Lê Thiếp bị sốt rét nặng rồi mất. Sau khi cha mất một thời gian, người con trưởng là Lê Thiêm (1896- 1972) cũng rời trường Phong Phú ở nhà tự học tiếp, giúp mẹ cùng các em sinh sống và trao đồi thêm nghề thuốc Nam. Tiếp thu chí hướng của trường Phong Phú và các tư tưởng dưỡng dân, tiến bộ của người cha, ông Lê Thiêm lúc hơn 17 tuổi đã mạnh dạn mở hiệu tạo hóa và bốc thuốc chữa bệnh Đông Bích Hiên ở Thạch Hà. Khi trường Phong Phú chấm dứt hoạt động (1912), sau đó ít lâu, ông Lê Thiêm cùng các bạn khác đã mở các lớp học quốc ngữ và kiến thức mở rộng theo mô hình tại gia. Huyện Hương Sơn có cha con ông Võ Tá Lương, Đức Thọ có gia đình Phan Đình Chương mở lớp thu được nhiều kết quả. Tại huyện Thạch Hà, không chỉ thời gian đó mà thời gian sau này, có nhiều học trò đã qua tay ông Lê Thiêm, có người trở thành những người có danh vọng, đức cao vọng trọng, khi gặp ông Lê Thiêm lúc sinh thời đều kính cẩn chào thầy.

Mô hình đó được duy trì ở nhiều vùng, huyện khác và sau này vào thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939) hay sau năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, việc dạy bình dân học vụ lại được chính các cụ và con cháu các cụ tham gia tích cực.

2. Tiếng trống cải cách giáo dục từ Đông kinh nghĩa thục vẫn vang vọng, giục giã, là bài học kinh nghiệm cho công cuộc cải cách giáo dục hôm nay:

Đã 100 năm trôi qua, nhưng trong bối cảnh hôm nay đất nước ta đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, thì thiết nghĩ rằng nhiều bài học kinh nghiệm từ phong trào Đông Kinh nghĩa thục vẫn có ý nghĩa sâu sắc. Đó là:

+ Phải thống nhất cao trong toàn xã hội về tư tưởng coi trọng giáo dục thật sự, nhất là vào những thời điểm đất nước cần chuẩn bị nguồn lực mới cho canh tân. Ngay từ 1907, cuốn “Văn minh tân học sách” - được coi là thể hiện cương lĩnh chính trị của phong trào Đông kinh nghĩa thục đã thống nhất nhận thức: “Tình trạng dã man hay văn minh một quốc gia là do trình độ dân trí quyết định. Vì thế, muốn tiến lên văn minh thì phải mở mang dân trí để càng văn minh thì dân trí càng phải cao… Văn minh và dân trí hai đằng cùng làm, nhân quả tương tác lẫn nhau”. Trong bối cảnh hiện đại, muốn đất nước canh tân thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu mọi ngành, mọi người cần đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục vào thực tế cuộc sống, thực hiện triệt để, làm sao để nâng cao dân trí và có đội ngũ lao động chất lược cao được đào tạo bài bản, mới có thể tham gia cạnh tranh với các nước được và phát triển quốc gia bền vững.

+ Giáo dục và tư tưởng, văn hóa luôn có mối liên hệ hữu cơ, sâu sắc. Hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ đó, Đông Kinh nghĩa thục đột phá từ cải cách giáo dục, rồi lồng ghép 3 mặt đó với nhau, tạo thành một phong trào sâu rộng vận động dân tộc yêu nước, thực hiện giáo dân, tân dân, dưỡng dân nhằm mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc.

Đường lối phong trào tập trung vào:

“Mở tân giới, xoay nghề tân học,

Đón tân trào, dựng cuộc tân dân;

Tân thư, tân báo, tân văn…”

Ngày nay, thế và lực nước ta đều mạnh, trong sự nghiệp cải cách giáo dục, chuẩn bị cho nguồn nhân lực, Đảng Nhà nước đã và đang những có định hướng tư tưởng chỉ đạo sáng suốt. Nhưng ngành chức năng cần chủ động biến tư tưởng chỉ đạo trên thành triết lý sinh động- một chủ thuyết triết học tư tưởng rõ ràng về cải cách giáo dục (Lãnh đạo Nhật Bản khi nói về sự thất bại cuộc cải cách giáo dục năm 1982 của họ đã chỉ rõ nguyên nhân là cải cách nửa vời vì thiếu một chủ thuyết). Cần lồng ghép với chủ trương “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” để ‘Tân học” (ví dụ việc xây dựng mô hình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế) phát huy vững chắc trên nền tảng tốt đẹp văn hóa Việt Nam; phát động toàn xã hội “dựng cuộc tân dân”, đưa ra các giá trị mới phù hợp thời đại, từ bỏ triệt để thói xấu mua bán bằng cấp, phấn đấu đạt thực học, thực tài. Ngành giáo dục, đào tạo cần có chiến lược cụ thể, lộ trình thực hiện cải cách giáo dục, gắn chặt với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội đất nước, không nên chạy theo giải quyết các sự việc thiên về hiện tượng, mà phải tập trung vào các vấn đề gốc rễ, trong đó có việc tổng kết việc sử dụng tài chính và hiệu quả các đề án ngành giáo dục- đào tạo (Hiện Bộ GD-ĐT trong nhiệm vụ giai đoạn 2007- 2010 đã đưa ra 5 nhóm giải pháo trọng tâm và 41 giải pháp, kế hoạch chi tiết). Xưa chú trọng tiếp thu tri thức nhân loại qua “Tân thư, tân báo, tân văn…”, nay cần mở rộng, đa dạng, đa phương hóa các hình thức tiếp xúc, giao lưu hợp tác quốc tế mạnh hơn cho ngành giáo dục đào tạo, nhà quản lý, nhà giáo, sinh viên trực tiếp, gián tiếp và bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại. Xin được đưa ra mục tiêu có tính triết lý cho giáo dục hiện đại là: “Dạy và học thành người Việt Nam hùng mạnh, đẳng cấp quốc tế, cạnh tranh hiệu quả trong hội nhập, phát triển bền vững” và phương châm, nội dung, kế hoạch đào tạo cho đầu ra cụ thể là: “Học giỏi toàn diện, chương trình quốc tế, nền văn hóa Việt, thạo ngoại ngữ, tinh công nghệ, nâng thành tầm quốc tế”.

+ Đông Kinh nghĩa thục học tập mô hình Khánh Ứng nghĩa thục từ cuộc vận động Duy Tân Nhật Bản, tiếp thu các tư tưởng dân chủ tư sản Âu Tây về giáo dục và các mặt xã hội liên quan, nhằm giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh, độc lập, tự cường dân tộc. Đó là một bài học quý giá về học hỏi, hợp tác, phát triển. Các nhà cải cách, lãnh đạo phong trào Đông Kinh nghĩa thục đều là những người tài giỏi, tâm huyết, biết tổ chức. Quan điểm của họ là: “Không phải người hiền tài thì không thể làm tròn nhiệm vụ, không tuyển chọn thì không tìm được người thích đáng” (Dẫn theo bản dịch “Quốc dân độc bản” của Chương Thâu). Chính vì vậy, trong sự nghiệp Cải cách giáo dục hôm nay vẫn phải gắn chặt với quốc tế và hợp với sự phát triển lâu dài của quốc gia. Cần cơ chế hợp lý để lựa chọn mọi cấp lãnh đạo giáo dục và thầy tâm huyết, đúng tầm, đủ năng lực, uy tín trong, ngoài nước. Phải cương quyết chống bệnh hình thức, bệnh thành tích; riêng đào tạo bậc Đại học trở lên không thể theo hình ống mà phải theo hình chóp, những không đạt trình độ phải cho xuống lớp, học lại… bảo đảm chất lượng đúng yêu cầu, không thực hiện ưu tiên, ưu đãi, tuyển cử.

+ Trong “Quốc dân độc bản”- một trong các trước tác quan trọng của Đông Kinh nghĩa thục đã thẳng thắn vạch rõ cái khuyết điểm việc học trước 1907, tức là lối học khoa cử lỗi thời kiểu phong kiến của người Việt chỉ nhằm: “Học chủ yếu là học văn chương để ra làm quan mà thôi”. Các nhà canh tân thời đó khuyến nghị: Có 3 cái cần học là học vệ sinh tức phương pháp để thân thể khoẻ mạnh; học trị sinh: học cách sản xuất thức ăn, áo quần, của cải vật chất, cách quản lý sản nghiệp…; học làm người, làm quốc dân- tức học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia, xã hội. Đó là cách học hữu dụng. Đáng chú ý là các vị chủ xướng phong trào xuất thân Nho học nhưng biết gạn đục khơi trong, phát huy những tư tưởng phù hợp của người quân tử, bậc túc nho chân chính, vượt khỏi tầm nhìn thủ cựu, đoàn kết với lực lượng trí thức Tây học (Nguyễn Văn Vĩnh), biết hợp tác với tư sản dân tộc (Bạch Thái Bưởi) để thúc đẩy phong trào toàn diện, vững chắc. Công cuộc cải cách giáo dục chúng ta đang tiến hành đã ở những năm đầu thế kỷ XXI, vì thế nội dung của giáo dục cần hiện đại, giá trị ứng dụng thực tiễn tốt, có hiệu quả kinh tế- xã hội cao; giáo dục đào tạo cần có sự tham gia của doanh nghiệp bằng các hình thức như doanh nghiệp liên kết chặt với các trường Đại học bằng cách đặt hàng, hợp đồng các đề tài, tài trợ cho sinh viên giỏi và họ được ưu tiên lấy về làm việc khi sinh viên học xong; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tài chính, vật chất cho mọi cấp học và có thể cho phép cơ sở đào tạo mang tên doanh nghiệp tâm huyết đó nếu sự ủng hộ tài chính đạt mức nào đó. Trường Đại học nên mời các doanh nghiệp thành đạt, giỏi về nói chuyện tại trường để truyền đạt kiến thức thực tế cho sinh viên và thầy giáo…v.v

+ Giai đoạn Đông Kinh nghĩa thục, các sĩ phu phát hiện chuẩn giáo dục hồi đó sai, vì “Lĩnh vực giáo dục thì những môn học và cần nhớ ấy là sách Tàu…, chỉ là lời nói cổ nhân; những thứ ta trọng thi chỉ là kinh nghĩa, thơ ngũ ngôn, biền ngẫu tứ lục, trong khi ở các nước Âu Tây thì chú trọng các môn khoa học” (Dẫn theo “Văn minh tân học sách”- bản dịch của Chương Thâu- sđd). Ngày nay cũng vậy, vì sự phát triển nhanh, bền vững, lâu dài của dân tộc, ngành chức năng, trường đại học, các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ta không nên bỏ công quá nhiều để tự biên soạn giáo trình, có thể tổ chức dịch những giáo trình, tài liệu giáo dục các trường danh tiếng thế giới có bề dày lâu đời được thực tế kiểm chứng để dùng. Như vậy, không chỉ giáo trình mà các quy trình trong cải cách giáo dục càng tiêu chuẩn hóa cụ thể càng tốt: về chính sách, mục tiêu, đánh giá chất lượng, người dạy, học viên, phương pháp dạy và nghiên cứu, phòng học và phương tiện học cụ…v.v.

+ Khi đất nước hàng ngàn năm quen dùng chữ Hán, chữ Nôm không thuận tiện nhưng thành nếp, còn chữ quốc ngữ còn mới mẻ, thế mà Đông Kinh nghĩa thục dám mạnh dạn đề nghị bỏ chữ Hán, dùng quốc ngữ thay thế, đó là một sáng kiến lớn lao, dũng cảm. Quanh ta hiện nay, Nhật ngày càng khuyến khích dùng tiếng Anh trong trường Đại học. Các nước trong khối ASEAN, nhất là Singapore, Philipine trong từng nội bộ gia đình có thể tùy nghi sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào nhưng trong giáo dục- đào tạo, trong thủ tục hành chính, sinh hoạt xã hội… thì quy định dứt khoát dùng tiếng Anh. Vì thế để góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt xã hội, nên chăng Việt Nam cần có chính sách tăng cường hơn nữa việc dùng tiếng Anh, trước hết là trong giáo dục, đào tạo để tiếp cận dễ, thẳng, hội nhập với thế giới trực tiếp hơn, sâu rộng hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh nước ta đã là thành viên WTO.

+ Đông Kinh nghĩa thục là một hồi trống kêu gọi cải các giáo dục, duy tân nhiều mặt để dân giàu nước mạnh, hoàn thành sứ mạng lúc đó là giải phóng dân tộc. Họ biết dùng báo chí để làm công tác quan hệ công chúng (Public Relations) cho tổ chức mình phát huy, triển dương các hoạt động trong công chúng. Ngày nay chúng ta sống trong thời đại kinh tế trí thức, xã hội thông tin- báo chí bùng nổ, đội ngũ báo chí hùng hậu. Vì thế lại cần phát huy hiệu quả thế mạnh này trong quảng bá, vận động, tổ chức làm sao để báo chí làm cho tiếng trống về cải cách giáo dục, duy tân đất nước rền vang hơn, vang vọng, mạnh hơn. Tiếng trống đó phải thúc giục toàn xã hội, mọi người Việt ở bất cứ đâu (kể cả người Việt sinh sống ở nước ngoài) chung lòng, chung sức tham gia đẩy mạnh sự nghiệp cải cách giáo dục tiến hẳn lên những bước mới thật đột phá, thật cao, vững chắc, lâu dài.

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Đinh Xuân Lâm (cb): Đại cương lịch sử Việt Nam, T. 2, NXB Giáo dục, H. 2005;
  2. Hà Minh Hồng: Lịch sử Việt Nam cận đại (1858- 1975), NXB Đại học QG TP. Hồ Chí Minh 2005;
  3. Chương Thâu: Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Văn hóa- Thông tin, H. 1997;
  4. Đại Nam nhất thống chí (quyển 13- viết về Hà Tĩnh), Văn hóa tùng thư, Sài Gòn 1965;
  5. Vũ Ngọc Khánh: Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước 1945,NXB Giáo dục, H. 1985;
  6. Nguyễn Hiến Lê: Đông kinh nghĩa thục, NXB Lá BốI, Sài Gòn 1968;
  7. Đinh Trần Dương: Nghệ Tĩnh với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong 30 năm đầu thế kỷ XX, NXB Chính trị QG, H. 2000;
  8. Đinh Xuân Lâm (cb): Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, NXB Chính trị QG, H. 1997;
  9. Karnow, Stanley: Vietnam: history, New York- Vicking, 1983.
  10. Gia phả họ Lê ở Bích La, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị.

 PGS.TS. Lê Thanh Bình
Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |