Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Xã hội hoá giáo dục ở Hà Nội từ năm 1990 đến năm 2005 và những bài học kinh nghiệm
Trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây, đã có một số nhà nghiên cứu trong nước bàn đến xã hội hoá giáo dục. Những tác phẩm này thường tập trung vào các vấn đề lý luận, nội dung, phương pháp thực hiện xã hội hoá nói chung trên phạm vi cả nước.

Cũng có một số tác phẩm đề cấp đến xã hội hoá giáo dục ở Thủ đô nhưng chỉ dành một phần rất nhỏ hay chỉ để cập đến một quận huyện nào đó.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày quá trình thực hiện xã hội hoá giáo dục trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội từ khi bắt đầu thực hiện đến năm 2005 và những bài học kinh nghiệm qua quá trình thực hiện đó.

1. Những chủ trương, chính sách xã hội hoá chủ yếu của thành phố Hà Nội:

Từ sau ngày đất nước thống nhất, trên địa bàn Hà Nội các trường lớp tư không được phép hoạt động. Toàn bộ sự nghiệp giáo dục ở thành phố từ mẫu giáo, đến vỡ lòng đến các ngành học phổ thông, bổ túc văn hoá đều do Sở giáo dục phụ trách theo đúng chức năng do Uỷ ban hành chính Thành phố quy định (1). Thực trạng này đã dẫn tới tình trạng “độc tôn” của hệ thống các trường công. Mãi tới năm 1989, loại hình phổ thông trung học dân lập mới được thí điểm ở 3 trường (2). Theo đánh giá của Thành uỷ, chất lượng giáo dục đạo đức giảm sút; số học sinh bỏ học ngày càng nhiều... (3). Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học có nhiều thiếu thốn, số lớp học 3 ca còn cao. Nguyên nhân do nguồn đầu tư không đủ chống xuống cấp cơ sở vật chất của ngành [4].

Nhận thức được những khó khăn và nguyên nhân của thực trạng đó, thành phố Hà Nội đã cụ thể hoá quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của Đại hội Đảng VI của Đại hội Đảng VI trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X và chỉ đạo các cấp các ngành phát động thành một phong trào toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Theo tư liệu của Ngành giáo dục Hà Nội, các tầng lớp nhân dân Thủ đô cũng hưởng ứng phong trào dưới nhiều hình thức như tham gia đóng góp cùng nhà nước xây dựng, sửa chữa các trường học.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo sau một thời gian thử nghiệm đã ban hành Thông tư số 35/TT-LT ngày 10/10/1990, đánh dấu mốc quan trọng trong việc đưa chủ trương xã hội hoá vào thực tiễn. Nhiều năm sau đó, tiếp thu tinh thần xã hội hoá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Hội nghị Trung ương 4 khoá VII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII, Nghị quyết số 90/CP và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ; trong Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (tháng 4/1991), lần thứ XII (tháng 5/1996), lần thứ XIII (12/2000), Thành uỷ đã chỉ đạo “Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục,… Huy động mọi nguồn vốn tăng cường đầu tư phổ cập giáo dục và chống xuống cấp các lớp học chấm dứt học ca 3, sửa chữa và làm lại các trường cũ dột nát, hư hỏng”, “Thực hiện đa dạng hoá loại hình giáo dục - đào tạo với hệ thống trường công lập, bán công và dân lập ở các ngành học phổ thông, bổ túc văn hoá, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trường vừa học vừa làm đáp ứng nhu cầu học văn hoá và học nghề của học sinh. Củng cố hệ thống trường chuyên, lớp chọn” (5); “Nêu cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Huy động mọi lực lượng tham gia xây dựng cơ sở vật chất nhà trường và đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ; hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường giáo dục gia đình, kết hợp với giáo dục nhà trường và xã hội. Tăng dần tỉ trọng đầu tư qua các năm cho giáo dục đào tạo so với hiện nay (6); “thực hiện đa dạng hoá, xã hội hoá các loại hình trường lớp, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học” (7); “Xây dựng người Hà Nội gắn với xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng một xã hội học tập” (8).

Cụ thể hoá tinh thần đó, trong Nghị quyết hàng năm, HĐND Thành phố khẳng định phương châm phát triển sự nghiệp giáo dục Hà Nội là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; “Thành phố tăng thêm ngân sách đầu tư cho các hoạt động giáo dục, đồng thời mở rộng các hình thức trường dân lập. Các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân Thủ đô đều có trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục” (9). Trong Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng Thủ đô năm 1996, HĐND Thành phố chỉ rõ: "Tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách và xã hội hoá sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá. Có chính sách khuyến khích các thầy giáo, thầy thuốc giỏi. Tăng phụ cấp cho cô mẫu giáo ngoại thành" (10); “Quy định lại mức thu học phí hợp lý, mức đóng góp phí đào tạo từ phía các cơ sở sử dụng lao động, huy động một phần lao động công ích để xây dựng trường sở. Thành lập Hội khuyến học thành phố và khuyến khích các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân đóng góp vào Quỹ khuyến học. Dành một phần thu từ xổ số kiến thiết, từ quỹ đầu tư, phát triển đô thị để xây dựng trường học. Tiếp tục phát triển các trường bán công, dân lập ở tất cả các bậc học, từng bước phát triển vững chắc các trường tư thục ở giáo dục mầm non, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Thống nhất quản lý nhà nước về chuyên môn, tài chính đối với các trường bán công, dân lập tư thục” (11).

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành uỷ và HĐND Thành phố về xã hội hoá giáo dục, UBND Thành phố có nhiều biện pháp để đưa chủ trương này vào thực tiễn. Thành phố giao cho chính quyền phường, xã nhiệm vụ “Tổ chức, chỉ đạo việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm chăm sóc giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng. Vận động nhân dân tham gia bảo vệ và hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo” (12); thành lập Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ, Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi, khuyết tật vượt khó để học tốt của Hà Nội. Thành phố quyết định nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các cô giáo mầm non không thuộc biên chế Nhà nước ở khu vực nông thôn từ 120.000đ lên 144.000đ (13). Trong xây dựng và quản lý các cơ sở đào tạo ngoài công lập, UBND Thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia phát triển giáo dục và cũng để tạo thuận tiện cho quá trình quản lý của nhà nước, đảm bảo các nguồn thu từ cha mẹ học sinh. Đặc biệt, ngày 11/05/2000, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 46/QĐ-UB về việc thành lập Ban chủ nhiệm nghiên cứu cơ chế chính sách xã hội hoá thực hiện Nghị quyết số 90/CP và Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ và cử 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban. Ngày 16/04/2001, UBND Thành phố ban hành chỉ thị số 13/CT-UB về việc đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao của Thành phố năm 2001. Để tạo cơ sở huy động nhiều nguồn lực, ngày 17/06/2003, UBND Thành phố cho phép 12 quận huyện được thành lập Hội khuyến học cấp quận huyện (14); ngày 05/08/2003 thành lập Quỹ khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô - thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Xã hội hoá giáo dục Hà Nội (1990 - 2005) - Một diện mạo mới của giáo dục Thủ đô:

Những chủ trương chính sách của Thành uỷ, HĐND và UBND như một bó đuống soi đường, tạo động lực cho các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục trên toàn Thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiện chủ trương xã hội hoá. Nhờ đó đã tạo thành một phong trào xã hội hoá giáo dục trên toàn Thành phố, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho giáo dục thủ đô Hà Nội:

a. Bên cạnh sự phát triển của hệ thống trường công lập, các loại hình trường trường ngoài công lập như dân lập, bán công và tư thục ở các bậc học có sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ về số lượng. Năm 1990, loại hình trường dân lập mới được thực hiện thí điểm ở 3 trường PTTH. Năm 1996 toàn Thành phố có 23 trường dân lập, bán công. Đến năm 2005 số lượng trường ngoài công lập phát triển lên 133 trường (15). Theo số liệu của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội con số này lên tới 288 trường1. Trong đó bậc mầm non có 205 trường, bậc tiểu học có 23 trường, bậc PTCS có 4 trường, bậc PTTH là 56 trường. Song song với sự phát triển của các trường ngoài công lập, số lượng học sinh học tại các trường mẫu giáo dân lập và các trường thuộc bậc phổ thông dân lập, bán công đã tăng lên 51.848 học sinh (16). Các trường dạy nghề công lập có hệ chính qui, hệ ngắn hạn, hệ tại chức đào tạo theo hợp đồng phát triển đồng thời với các trường, các trung tâm dạy nghề dân lập, bán công, tư thục. Năm 2005, số trường dân lập, bán công, tư thục đã tăng lên 23/32 trường với 23.287 học sinh (17).

Bên cạnh sự phát triển của các trường ngoài công lập, các ngành học còn phát triển các hình thức đào tạo khác. Bậc học mầm non còn duy trì mạng lưới nhóm trẻ gia đình, trẻ 5 tuổi ra lớp. Hệ thống các trường THPT công lập tiếp tục duy trì các lớp Hệ B nhưng số lớp, số học sinh ngày càng giảm. Nếu tính cả số học sinh Hệ B, năm 2005, các trường PTTH đã thu hút được 53.392/108.532 học sinh theo học, chiếm 49,19% (18). Hình thức trường chuyên, lớp chọn phát triển. Ngành giáo dục thường xuyên củng cố, phát triển các trường BTVH, Trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm học 2004 - 2005, Ngành giáo dục thường xuyên thành lập mới được 24 Trung tâm học tập cộng đồng, nâng tổng số trung tâm là 96 trung tâm ở 14 quận, huyện (19).

Nội dung và phương pháp giảng dạy được chuẩn hoá. Nhiều hình thức học từ xa, học trên truyền hình, học thông qua các phương tiện báo chí được áp dụng. Các trường THCN tổ chức đào tạo đa ngành với mục đích đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ các ngành kinh tế - xã hội của Hà Nội và các vùng lân cận (20). Vì vậy đã thu hút và mở rộng đối tượng học sinh theo học.

b. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục được đa dạng hoá theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, thực hiện ở các cở sở ngoài công lập và công lập.

UBND thành phố Hà Nội một mặt bổ sung thêm kinh phí cho ngành giáo dục để củng cố, xây dựng cơ sở vật chất các trường học mặt khác tăng cường huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực phát triển sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Năm 1991 tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục là 28 tỷ 117,352 triệu đồng (21). Năm học 1997 - 1998, Thành phố đầu tư cho giáo dục 120 tỷ đồng (ngoài định mức ngân sách sự nghiệp) để tăng cường cơ sở vật chất trường học (22). Trong 3 năm từ 1998 đến năm 2000, Thành phố đầu tư gần 400 tỷ cho Ngành giáo dục đào tạo (23). Nhờ sự đầu tư này, ngành giáo dục Hà Nội đã duy trì, phát triển các hoạt động giáo dục, xây dựng sửa chữa trường lớp và tăng cường đồng bộ các trang thiết bị nhà trường. Năm học 1997 - 1998, toàn Thành phố đã không còn lớp học ca ba, chỉ còn 60 điểm trường còn chung cơ sở vật chất của Trường tiểu học và THCS… (24).

Bên cạnh kinh phí đầu tư từ ngân sách Thành phố, Sở giáo dục đào tạo, các quận huyện, phường xã và các đơn vị giáo dục đều tiến hành huy động nguồn lực đầu tư của các lực lượng xã hội, của cha mẹ học sinh thực hiện thông qua việc tổ chức các loại hình giáo dục ngoài công lập, các loại hình trường chuyên lớp chọn, các khoản huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, của học sinh và cha mẹ học sinh... Theo báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, năm học 1990 - 1991 ngành giáo dục đã huy động được trên 10 tỷ đồng của các lực lượng xã hội tham gia tu sửa, chống xuống cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các trường học (25); năm 1992 tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất bằng nhiều nguồn huy động là 18 tỷ đồng (26). Năm học 1998 - 1999, tổng kinh phí thu được từ cha mẹ học sinh thông qua các khoản học phí hệ A, hệ B thu hỗ trợ xây dựng sửa chữa… là 50 tỷ đồng (27). Năm 1999 - 2000, Ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã thống kê tổng kinh phí mỗi năm thu được từ các khoản đóng góp trên tính cả việc chính sách miễn giảm cho học sinh diện chính sách và học sinh nghèo là 115tỷ/230 tỷ đồng ngân sách Nhà nước (28). Nếu tính tổng kinh phí thu được từ các trường học so với kinh phí nhà nước cấp đạt tỷ lệ 1/1. Trong tổng số kinh phí huy động được từ các khoản thu theo quy định, một phần đã được dùng cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Trong 5 năm (2001 - 2005), các trường THPT ngoài công lập đã huy động trên 115 tỷ/230 tỷ đồng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở vật chất (29). Các hội đồng giáo dục và đơn vị trường học trong toàn ngành phát huy nguồn lực của xã hội, vận động được nhiều cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội, cá nhân đóng góp, hỗ trợ, khuyến khích giáo dục. Điển hình như một phụ huynh học sinh trường THCS Láng Hạ (Đống Đa) tặng bàn ghế cho nhà trường trị giá 36 triệu đồng (30).

Để đẩy mạnh công tác huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phát triển giáo dục, UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các loại quỹ do nhân dân tự nguyện làm việc nghĩa như: quỹ khuyến học, quỹ từ thiện, quỹ giúp đỡ trẻ em tàn tật... Đến ngày 19/05/1998, Hội Khuyến học Hà Nội được thành lập với 20 chi hội và 500 hội viên. Năm 2000, Hội khuyến học cấp huyện đầu tiên được thành lập tại Thanh Trì, số cơ sở hội có 110 với 6000 hội viên. Hàng năm, Hội khuyến học Thành phố đã huy động được một số nguồn kinh phí đáng kể, góp phần hỗ trợ hoạt động giáo dục Thủ đô. Năm 1998, Hội huy động được 67,850 triệu đồng; năm 1999 huy động được 331 triệu đồng (31). Theo báo cáo công tác xã hội hoá của Thành phố, năm 2000, 100% các phường, xã và toàn ngành đã xây dựng quỹ hỗ trợ giáo dục, quỹ khuyến học. Trung bình mỗi phường, xã có quỹ khuyến học từ 5 đến 10 triệu đồng. Đặc biệt có xã Văn Đức (Gia Lâm) huy động xây dựng quỹ được 38 triệu đồng; thị trấn Yên Viên huy động được 50 triệu đồng. Trong 7 năm học đã tổ chức trao quà cho 12.850 cháu học sinh nghèo vượt khó, mỗi cháu được nhận phần thưởng trị giá từ 50.000đ đến 200.000đ. Giúp đỡ các cháu tật nguyền có điều kiện theo học để giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội (32). Trong năm học 2002 - 2003, tổng số tiền huy động của các phường xã để xây dựng quỹ hỗ trợ giáo dục, quỹ khuyến học là 3.808.372.000 đồng được sử dụng vào việc khen thưởng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó ở các phường xã (33).

Ngoài việc huy động các nguồn đầu tư của các lực lượng xã hội trong nước, UBND Thành phố và ngành giáo dục còn quan tâm, tăng cường công tác hợp tác quốc tế để trao đổi tin tức về giáo dục đào tạo và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Năm học 1991 - 1992, ngành giáo dục tiếp tục nhận viện trợ của Ôtxtrâylia cho Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm và trường Bồi dưỡng giáo viên và viện trợ của Thái Lan cho Trung tâm dạy nghề Từ Liêm (34). Năm học 1994 - 1995, Ngành giáo dục Hà Nội đã thu hút được một số chương trình tài trợ cho giáo dục như Hội đỡ đầu giáo dục Việt Nam của Nhật Bản trao học bổng cho 150 học sinh lớp 1 trong 5 năm liền - mỗi năm khoảng 9.000 USD (35); năm 1996, tài trợ cho 170 xuất học bổng/năm cho học sinh tiểu học Hà Nội trong thời gian 5 năm liền, mỗi xuất giá trị là 600.000đ/năm. Hãng Coca Cola tài trợ cho việc tập huấn 10 đội bóng đá học sinh THCS và cấp học bổng cho 500 học sinh nghèo học giỏi với tổng số tiền là trên 500 triệu đồng (36). Trong năm 1998, Ngân hàng thế giới cho Ngành giáo dục đào tạo Hà Nội thụ hưởng vốn vay để nâng cấp các trường tiểu học 7,6 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng thế giới là 7 tỷ, vốn của thành phố là 600 triệu đồng để bổ sung 55 phòng học cho 5 trường tiểu học Hà Nội (37). Nhiều trường còn hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia các dự án giáo dục môi trường (các trường tiểu học, THCS tham gia dự án của tổ chức VVOB), dự án đào tạo nguồn nhân lực (trường ESTIH), ngoài ra các chương trình hợp tác quốc tế đang xúc tiến mạnh mẽ (38).

c. Số lượng và chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục các cấp tăng lên kết hợp với phong trào toàn dân xây dựng môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục tạo nên nét mới của xã hội hoá giáo dục.

Để huy động các lực lượng xã hội tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục Thủ đô, nhiều phường xã và cơ sở đào tạo đã xây dựng các Hội đồng giáo dục và tổ chức thành công Đại hội giáo dục cấp cơ sở. Năm 1994, toàn Thành phố có 127 cơ sở trường tổ chức Đại hội giáo dục đạt tỉ lệ 19%, 67 phường xã tổ chức Đại hội giáo dục đạt 30% (39). Bước sang năm học 2001 - 2002, 100% các phường xã thuộc các quận huyện duy trì tổ chức Đại hội giáo dục vòng một. Kết thúc năm học, 6/12 quận huyện tổ chức đại hội giáo dục vòng 2; 70% số phường xã đại hội trong đó huyện Từ Liêm, Thanh Trì, quận Đống Đa có 100% phường xã, quận Hai Bà Trưng có 80% số phường tổ chức đại hội vòng 2 (40).

Thông qua Đại hội giáo dục cơ sở, Ngành giáo dục đã kêu gọi và huy động được các lực lượng xã hội tham gia vào công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ dưới các hình thức như: vận động người ra học, duy trì tổ chức lớp hoặc trực tiếp giảng dạy, hỗ trợ kinh phí thêm cho người dạy, có chính sách trợ giúp người học ở diện nghèo. Xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ, theo dõi số người ra học và số người còn mù chữ kể cả đối tượng KT2 và KT3. Ngành giáo dục đã chú trọng đến công tác khen thưởng, động viên người dạy và người học và thường xuyên rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, giảng dạy (41).

Qua thực tiễn, chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục các cấp đã được nâng lên rõ rệt. Hàng năm Hội đồng giáo dục các cấp huy động được sức mạnh của nhiều ban, ngành và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ giáo dục như phối hợp với ngành Công an, Đoàn thanh niên, Hội cha mẹ học sinh, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động, Văn hoá, Thể dục Thể thao, Thương binh và Xã hội... tổ chức hội diễn giáo viên, học sinh; tổ chức thi giáo viên giỏi; huy động được các lực lượng, ban ngành của quận huyện tập trung chỉ đạo, giúp đỡ các trường học làm tốt các trọng tâm công tác; giúp các trường giáo dục học sinh, quản lý học sinh trên địa bàn để chống tệ nạn xã hội, hạn chế mức thấp nhất việc học sinh bỏ học; giúp các trường học hưởng ứng cuộc vận động ”xanh, sạch, đẹp” của Thành phố; giúp các trường nội thành giải toả ách tắc giao thông, xây dựng quỹ khen thưởng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ của các trường trong địa bàn (42); Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nền nếp giáo dục, gia đình gương mẫu, tạo môi trường giáo dục lành mạnh ở nơi trường đóng, xoá bỏ các hàng quán trước cổng trường, có biện pháp kiểm tra, phát hiện kịp thời học sinh nghiện hút… tổ chức quản lý học sinh theo từng cụm dân cư, từng phường xã, những điểm vui chơi của trẻ em nhằm quản lý, phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của học sinh (43); tổ chức các hội thảo cấp cụm trường, cấp thành phố với chủ đề “xây dựng nhà trường văn hoá, học sinh văn minh - thanh lịch - hiện đại” (44), triển khai sâu rộng trên toàn ngành các cuộc vận động “xây dựng Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” và “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” (45).

Phòng giáo dục một số quận huyện phối hợp với chính quyền tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền về công tác xã hội hoá giáo dục. Cán bộ phường xã ở quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì sau khi nắm được những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền qua hệ thống thông tin phường xã về công tác xã hội hoá giáo dục, các hoạt động của các trường trên địa bàn để khơi dậy tâm lý, ý thức quan tâm của người dân đến việc học tập của con em mình… Nhờ những hoạt động này, trong năm 1999 Thành phố đã huy động được 100% trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi, được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Một số địa phương như huyện Gia Lâm, các thành viên trong hội đồng giáo dục cùng với giáo viên chủ nhiệm đến nhà học sinh kiểm tra góc học tập của các em (46). Huyện Gia Lâm tổ chức Hội thảo “Làng xã với công tác giáo dục và đào tạo” thu hút được các dòng họ trong làng và các hội giúp đỡ công tác giáo dục địa phương. Hội phụ huynh học sinh thường xuyên quan tâm, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban giám hiệu nhà trường để nắm vững tình hình học tập, đạo đức của từng học sinh; thu thập các ý kiến phản ánh của hội viên về con em mình và bàn các biện pháp giáo dục, đề xuất với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường giúp nâng cao chất lượng giáo dục (47).

Hội đồng giáo dục cấp phường xã huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia đảm bảo 100% số trẻ đến tuổi đi học đến trường, giảm tỉ lệ trẻ bỏ học trong năm, ngăn chặn hiệu quả các tệ nạn xã hội thâm nhập vào trường học. Nhiều phường xã tổ chức giúp đỡ các em chậm tiến, các em gặp khó khăn trong cuộc sống để đảm bảo cho các em đến trường học tập; huy động kinh phí trang bị thêm thiết bị cho các trường, góp phần sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; chỉ đạo xây dựng Quỹ khuyến học, hỗ trợ các trường khen thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh trong diện chế độ chính sách, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên bằng việc sửa chữa nhà tập thể, khen thưởng, thăm hỏi...(48). Đặc biệt có một số xã ngoại thành như Ngọc Thuỵ (Gia Lâm), Uy Nỗ (Đông Anh), Tiên Dược (Sóc Sơn), Trung Hoà (Từ Liêm) còn cấp đất để các giáo viên làm nhà (49).

Không những thế, các quận huyện, phường xã còn quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng của các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ khuyến học các cấp hàng năm đều được dùng hỗ trợ cho học sinh nghèo, mua sách vở, may quần áo cho các cháu... Chỉ tính riêng năm học 1999 - 2000, Hội đồng giáo dục các cấp đã tổ chức trao quà cho 12.850 cháu học sinh nghèo vượt khó, mỗi cháu được nhận phần thưởng trị giá từ 50.000đ đến 200.000đ, giúp đỡ các cháu tật nguyền có điều kiện theo học để giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội. Nhiều quận huyện thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục nên kết quả đã xây dựng được nhiều phòng học mới, trang thiết bị và các đồ dùng dạy học hiện đại... (50). Trong năm học 2000 - 2001, Quỹ hỗ trợ giáo dục, Quỹ khuyến học được xây dựng tại 100% các phường xã và thành phố, được sử dụng vào mục đích hỗ trợ cho học sinh nghèo, mua sách vở, may quần áo cho các cháu… Theo thống kê chưa đầy đủ, Ngành giáo dục đào tạo đã tổ chức trao quà cho 15.230 cháu. Mỗi cháu được nhận phần trưởng trị giá từ 50.000đ đến 200.000đ. Các cháu tật nguyền được giúp đỡ về điều kiện theo học để giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội. Tổng số tiền các lực lượng xã hội tham gia khen thưởng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó trong năm học 2000 - 2001 là 600 triệu đồng. Mức thưởng cho giáo viên giỏi cấp quận huyện trung bình là 200.000đ, học sinh giỏi cấp quận huyện trung bình là 50.000đ. Điển hình trong công tác này là quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh trì (51). Các giáo viên mầm non nông nghiệp còn được hưởng chế độ, chính sách riêng như: được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lương tối thiểu cho giáo viên mầm non nông nghiệp 290.000đ/1người/1tháng từ ngân sách nhà nước (52).

Những hoạt động trên đã tạo điều kiện thuận lợi về môi trường xã hội, góp phần xây dựng phong trào học tập trong các cháu, cổ vũ động viên các em học sinh tích cực học tập, các giáo viên, huy động các lực lượng xã hội tham gia tích cực hơn nữa đóng góp xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục.

3. Kết luận - Những bài học kinh nghiệm xã hội hoá giáo dục:

Sau 15 năm thực hiện, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng có thể khẳng định xã hội hoá giáo dục đã có những tác động tích cực, làm chuyển biến sự nghiệp giáo dục của Thủ đô, góp phần mở rộng cơ hội học tập cho nhiều đối tượng và tạo nên một phong trào học tập ở các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố. Thay bằng việc tóm lược lại những thành tựu của xã hội hoá giáo dục Hà Nội thời gian qua, chúng tôi xin đưa ra 4 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào xã hội hoá giáo dục ở Hà Nội.

- Một là: Xây dựng những chủ trương, chính sách đúng đắn là điều kiện cần, tiên quyết.

Bất kể một hiện tượng xã hội đều chịu sự điều chỉnh của Nhà nước. Nếu hiện tượng này trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước thì nó sẽ không thể duy trì và phát triển được. Thực tiễn xã hội hoá giáo dục của Hà Nội đã chứng minh điều này. Trước 1990 do chính sách cấm trường lớp tư hoạt động nên trên địa bàn thành phố Hà Nội các trường công lập chiếm vị trí tuyệt đối. Khi Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố nhận thức được những hạn chế của chính sách đó và trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ đã sớm vào cuộc chỉ đạo các ban, ngành và quận huyện thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục. Sự thay đổi này tạo nên một diện mạo mới cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô: Các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ với 288 trường từ mầm non đến phổ thông trung học và 23 trường ở bậc giáo dục chuyên nghiệp. Nếu phân tích kỹ, chính sách xã hội hoá giáo dục của Hà Nội vẫn chưa tạo điều kiện cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển. Thành phố vẫn duy trì chính sách tập trung đầu tư phát triển các trường công lập điểm, chính sách quy định khung học phí của các trường ngoài công lập và các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh... tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng đối với các trường ngoài công lập. Khi bị quy định khung học phí, các trường ngoài công lập không thể đủ vốn để tái đầu tư vào xây dựng trường sở và trang bị những giáo cụ tốt nhất để tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Và vì vậy, xã hội hoá giáo dục Hà Nội mặc dù đã có bước phát triển nhưng so sánh hệ thống trường ngoài công lập với trường công lập thì vẫn còn nhỏ bé. Như vậy để thực hiện tốt xã hội hoá giáo dục cần có những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển. Đây là điều kiện tiên quyết thúc đẩy xã hội hoá phát triển.

- Hai là: Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Muốn cho sự nghiệp giáo dục có sức sống dồi dào và phát triển mạnh mẽ thì phải dựa vào dân, huy động được sự tham gia của toàn dân. Trước năm 1990 nền giáo dục đào tạo Hà Nội gặp nhiều khó khăn về hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ giáo viên… Trong hoàn cảnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố đã thực hiện chủ trương “xã hội hoá giáo dục”. Trong 15 năm thực hiện, thành phố Hà Nội đã thực sự khơi dạy, động viên sức mạnh của nhân dân và kết quả là đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo Thủ đô. Từ cơ sở thực tiễn đó, có thể khẳng định: Bài học dựa vào dân, huy động sức mạnh của toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và bài học này sẽ mãi mãi đúng trong các thế kỷ sau này.

- Ba là: Xã hội hoá giáo dục phải lấy chất lượng giảng dạy là yếu tố quyết định. Thông qua xã hội hoá giáo dục, nhiều mô hình trường ngoài công lập đã ra đời và tự khẳng định mình. Nhiều trường có chất lượng đào tạo tốt, có những lớp học sinh ra trường có trình độ cao và các trường này đã trở thành những trường điểm như trường Lương Thế Vinh... Nhờ đó trường đã tự đứng vững song song với các trường điểm công lập, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở Hà Nội. Hơn nữa, thông qua các hình thức huy động các nguồn lực tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, Ngành giáo dục đã huy động được một số lượng lớn kinh phí, nhân lực, tài lực tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhiều trường sở khang trang với các thiết bị hiện đại, giáo cụ phù hợp, nhiều hình thức khen thưởng, nhiều phong trào học tập sinh động... đã gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Hà Nội. Như vậy, xã hội hoá giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở Hà Nội.

Ở một góc độ nào đó, xã hội hoá giáo dục đã tạo nên một môi trường cạnh tranh giữa các mô hình giáo dục. Trường nào có chất lượng giảng dạy tốt sẽ thu hút được nhiều học sinh thì trường đó sẽ tồn tại và phát triển còn trái lại sẽ phải đóng cửa. Như vậy, chính các cơ sở giáo dục cũng phải lấy chất lượng giáo dục làm mục tiêu của mình nếu muốn tồn tại và phát triển. Trong quá thực hiện xã hội hoá ở Hà Nội đã chứng minh nhiều trường dân lập có chất lượng giảng dạy không kém, thậm chí còn hơn các trường công lập, điển hình là trường PTTH Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, vẫn còn có một số trường ngoài công lập vì chất lượng giáo dục không đảm bảo nên đã không thu hút của học sinh và kết quả tất yếu là các trường này phải đóng cử. Từ năm 2000 đến năm 2005, có tới 9 trường THPT dân lập bị giải thể vì nguyên nhân này (53).

- Cuối cùng: Nâng cao nhận thức về xã hội hoá giáo dục trong nhân dân, các cấp các ngành có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ đưa các hoạt động xã hội hoá đến cái đích cuối cùng.

Nhận thức đúng, đủ sẽ giúp cho con người thực hiện tốt và trái lại sẽ làm cho quá trình thực hiện lệch lạc, ảnh hưởng đến kết quả chung. Trong giai đoạn đầu thực hiện (1990-1995), nhận thức của lãnh đạo và nhân dân thành phố Hà Nội vẫn còn có những giới hạn nên chưa có một chính sách và việc làm cụ thể thực hiện xã hội hoá giáo dục. Bởi vậy, xã hội hoá giáo dục thời kỳ này nặng tính tự phát, phong trào và không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, đến giai đoạn (1996-2005) trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ về xã hội hoá giáo dục Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào này và đã thu được những kết quả vượt xa giai đoạn trước. Và trong nhiều năm liền thành phố Hà Nội đã được Bộ Giáo dục Đào tạo đánh giá là đơn vị hoàn thành chỉ tiêu xã hội hoá giáo dục.

Trong bốn bài học kinh nghiệm này không nên coi nhẹ bài học nào bởi giữa chúng có mối quan hệ móc xích, hỗ trợ nhau. Để tổ chức tốt chủ trương xã hội hoá trong tương lai cần nhìn nhận, đánh giá và vận dụng bốn bài học kinh nghiệm này một cách đúng đắn./.

CHÚ THÍCH

(1), Báo Hà Nội mới 1975 năm thứ 8 (số 2/157), thứ sáu ngày 17/01/1975

(2), (3), (4), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (1991), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ thành phố, Lưu hành nội bộ, tr35

(5) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (1991), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ thành phố, Lưu hành nội bộ,, tr62

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (1996), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XII Đảng bộ thành phố Hà Nội, NXB Hà Nội, tr 89.

(7), (8) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, NXB Hà Nội, tr 70 và tr 75.

(9) Hội đồng nhân dân Thành phố (1991), Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại kỳ họp thứ 6 khoá X//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố, tr 7.

(10) Hội đồng nhân dân Thành phố (1996), Nghị quyết số 09NQ/HĐ ngày 27/01/1996 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng Thủ đô năm 1996, khoá XI, kỳ họp thứ 5//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố, tr 10.

(11) Hội đồng nhân dân Thành phố (7/7/1997), Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về giáo dục, đào tạo (kỳ họp thứ 9 khoá XI)//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố 1997, tr 14

(12) Uỷ ban nhân dân Thành phố (25/8/1990), Quyết định số 3940-QĐ/UB về việc ban hành qui định về nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền cấp phường//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố năm 1990 , tr32] và Uỷ ban nhân dân Thành phố (16/10/1992), Quyết định số 2484-QĐ/UB về việc ban hành qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của UBND xã//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố năm 1992, tr52].

(13) Uỷ ban nhân dân Thành phố (17/10/1997), Quyết định số 3978/QĐ-UB điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng cho các cô giáo Mần non không thuộc biên chế Nhà nước ở khu vực nông thôn//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố năm 1997, tr75.

(14) Uỷ ban nhân dân Thành phố (17/06/2003), Quyết định số 73/2003/QĐ-UB v/v thành lập Hội Khuyến học quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội//Văn bản pháp quy của HĐND và UBND Thành phố năm 2003, q2, tr357.

(15), (16) Niên giám thống kê Hà Nội năm 1999, 2004, 2005.

(17) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/10/2005), Báo cáo kết quả thực hiện công tác xã hội hoá trong ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội giai đoạn 2001 - 2005, số 1941 BC/SGD&ĐT, tr 2.

(18) Niên giám thống kê Hà Nội năm 2004 và 2005.

(19), (20) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/08/2005), Báo cáo tổng kết năm học 2004 - 2005 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2005 - 2006 của Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tr 6, tr 5.

(21) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (26/07/1991), Báo cáo tổng kết năm học 1990-1991, số 455/VP, tr 11.

(22) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (17/07/1998), Báo cáo tổng kết năm học 1997-1998 ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, số 529/VP, tr 14

(23) Thành uỷ Hà Nội (20/11/2000), Báo cáo số 82-BC/TU kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 (khoá VIII) và Kế hoạch số 10-KH/TU về giáo dục - đào tạo (1997-2000), tr 6.

(24) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (17/07/1998), Báo cáo tổng kết năm học 1997-1998 ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, số 529/VP, tr 14

(25) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (14/07/1993), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội năm học 1992-1993, số 438/VP, tr 11.

(26) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (15/07/1992), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội năm học 1991-1992, số 428/VP, tr 14.

(27) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (06/08/1999), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội năm học 1998-1999, số 645/VP, tr 15

(28) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (08/08/2000), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội năm học 1999-2000, số 864/VP, tr 17.

(29) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (20/06/2001), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 2000 - 2001, số 632/VP, tr 27 và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/10/2005), Báo cáo kết quả thực hiện công tác xã hội hoá trong ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội giai đoạn 2001 - 2005, số 1941 BC/SGD&ĐT, tr 2.

(30) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (26/08/2002), Báo cáo tổng kết năm học 2001 - 2002, số 1392/BC-SGD&ĐT, tr 25.

(31) Hội khuyến học Hà Nội (25/12/2002), Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, số 26/KH-Hà Nội, tr 4-5.

(32) Thành uỷ Hà Nội (20/11/2000), Báo cáo số 82-BC/TU kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 (khoá VIII) và Kế hoạch số 10-KH/TU về giáo dục - đào tạo (1997-2000), tr 5.

(33) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (12/08/2003), Báo cáo tổng kết năm học 2002 - 2003 Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tr 11

(34) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (15/07/1992), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội năm học 1991-1992, số 428/VP, tr 16.

(35) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (27/05/1995), Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1994-1995, số 395/VP, tr 7.

(36) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (23/07/1996), Báo cáo tổng kết năm học 1995-1996, tr 9.

(37) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (06/08/1999), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội năm học 1998-1999, số 645/VP, tr 15.

(38) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/10/2005), Báo cáo kết quả thực hiện công tác xã hội hoá trong ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội giai đoạn 2001 - 2005, số 1941 BC/SGD&ĐT, tr 5.

(39) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (27/05/1995), Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1994-1995, số 395/VP, tr 7.

(40) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (24/06/2002), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 2001 - 2002, số 970/SGD&ĐT-VP, tr 24.

(41) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (27/05/1995), Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1994-1995, số 395/VP, tr 3.

(42) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (25/06/1997), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1996-1997, số 412/VP, tr 14-15 và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (30/06/1998), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1997-1998, số 487/VP, tr 17.

(43), (44) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (06/08/1999), Báo cáo tổng kết ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội năm học 1998-1999, số 645/VP, tr 16 và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (20/06/2001), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 2000 - 2001, số 632/VP, tr 21-22

(45) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/08/2005), Báo cáo tổng kết năm học 2004 - 2005 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2005 - 2006 của Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tr 6.

(46) Công đoàn giáo dục Hà Nội (15/5/2000), Báo cáo công tác xã hội hoá giáo dục ngành giáo dục đào tạo Hà Nội năm học 1999-2000, số 77/CĐ, tr 2-3

(47) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (20/06/2001), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 2000 - 2001, số 632/VP, tr 20 – 21

(48) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (25/06/1997), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1996-1997, số 412/VP, tr 14-15 và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (30/06/1998), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 1997-1998, số 487/VP, tr 16-17

(49), (50) Thành uỷ Hà Nội (20/11/2000), Báo cáo số 82-BC/TU kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 (khoá VIII) và Kế hoạch số 10-KH/TU về giáo dục - đào tạo (1997-2000), tr9, tr5.

(51) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (20/06/2001), Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo các chỉ tiêu công tác năm học 2000 - 2001, số 632/VP, tr 21-22

(52) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (10/08/2004), Báo cáo tổng kết Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2003 – 2004, tr 3.

(53) Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/10/2005), Báo cáo kết quả thực hiện công tác xã hội hoá trong ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội giai đoạn 2001 - 2005, số 1941 BC/SGD&ĐT, tr 4 và Niên giám thống kê Hà Nội năm 2004 và 2005.



(1): Số liệu Niên giám thống kê năm 2005 đã gộp số lượng các trường mẫu giáo bán công vào hệ thống các trường công lập. Theo báo cáo của Sở Giáo duc - Đào tạo Hà Nội, năm 2005 toàn Thành phố có 205 trường ngoài công lập. Nếu lấy số liệu này trừ đi 50 trường mẫu giáo dân lập (theo số liệu tại Niên giám thống kê) năm 2005, toàn Thành phố có 155 trường mầm non bán công và như vậy sẽ nâng tổng số trường thuộc bậc mầm non và phổ thông ngoài công lập lên con số 288 trường [Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (11/10/2005), Báo cáo kết quả thực hiện công tác xã hội hoá trong ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội giai đoạn 2001 - 2005, số 1941 BC/SGD&ĐT , tr1-2]

 ThS. Phạm Xuân Tài - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   |